1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xóa đói giảm nghèo
Hồ Chủ tịch là người luôn luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và đặc biệt chú ý đến vấn đề đói nghèo. Người kiến lập và đặt nền móng tư tưởng vĩ đại “xóa đói, giảm nghèo”. Chính Người đã tìm ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh. Người khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa kinh qua chủ nghĩa tư bản, bị chiến tranh tàn phá, từng bước làm cho "người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm" để đi tới một xã hội dân giàu, nước mạnh. Người luôn xác định: Xóa đói, giảm nghèo là mục đích, một nội dung, một phương hướng chiến lược lâu dài của chủ nghĩa xã hội, nó không phải là công việc cứu tế, là sự ban ơn, mà là một cuộc cách mạng vĩ đại, bền bỉ, tận tâm, tận trí, tận lực. Ngay từ những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vừa được thành lập, ngày đêm phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, nhưng vẫn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm lo cuộc sống cho người lao động nghèo khổ, lực lượng cơ bản của cách mạng vừa thoát khỏi cảnh nô lệ, bị áp bức, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề chống đói. Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để chống ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó giặc đói được Người đặt lên hàng đầu, vì vậy, diệt giặc đói là một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi” và “Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy thì cũng không thể thực hiện được”.
Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/01/1946, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
Chúng ta phải thực hiện ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”.
Qua hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao, và được ghi nhận là một điểm sáng về xoá đói, giảm nghèo. Nếu như năm 1993, tỷ lệ đói nghèo ở nước ta khoảng 60% thì đến năm 2009 chỉ còn ở mức 12,3%. Đây là một thành tựu to lớn, thể hiện việc thực hiện thắng lợi chiến lược xoá đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện đang phải đối mặt với những khó khăn và thử thách lớn. Thu nhập và mức chi dùng bình quân đầu người thấp; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền có xu hướng tăng; tỷ lệ hộ dân tái nghèo còn lớn, xóa đói, giảm nghèo thiếu tính bền vững. Vì vậy, đối với nước ta, xoá đói, giảm nghèo hiện nay vẫn đang là vấn đề xã hội lớn, một chính sách lớn, một sự nghiệp cách mạng cao cả. Sự nghiệp cách mạng cao cả đó chỉ có thể giải quyết thành công khi chúng ta huy động được sức mạnh tối đa của cả dân tộc. Đảng và Nhà nước cần tập trung tốt hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xoá đói, giảm nghèo ở các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân; thực hiện tốt và đồng bộ các chính sách hỗ trợ người nghèo. Bản thân người nghèo cần phải nỗ lực, chủ động khắc phục khó khăn, phát huy tính tự lực, tự cường để vươn lên thoát nghèo thực hiện được lời căn dặn của Hồ Chủ tịch “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về công tác xoá đói giảm nghèo
Ngay khi giành được chính quyền (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sách lược kiến quốc, Người đã rất quan tâm đến vấn đề đói nghèo. Người cho rằng nhiệm vụ của Cách mạng sau khi giành được chính quyền là phải tập trung để diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người luôn trăn trở làm thế nào để dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành đầy đủ để rổi xây dựng một xã hội: “người nghèo đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi” và “Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy thì cũng không thể thực hiện được”.
Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 10/01/1946, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Chúng ta phải thực hiện ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa cao cả mang tính nhân văn sâu sắc, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách để xóa đói, giảm nghèo như: Cải cách ruộng đất; miễn giảm thuế; xây dựng các công trình xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, vấn đề xóa đói, giảm nghèo vẫn luôn được thực hiện. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: “Hơn bốn năm qua, để đáp ứng các nhu cầu của đời sống nhân dân, chúng ta đã động viên và phát huy khả năng của toàn xã hội, khuyến khích người lao động tăng thu nhập và làm giàu chính đáng”.
Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ cấp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững; kết hợp chính sách Nhà nước với sự giúp đỡ trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái nghèo”.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra định hướng cơ bản: “Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội. Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, tăng nhanh số hộ có thu nhập trung bình khá trở lên. Có chính sách và các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế phân hoá giàu nghèo, giảm chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị”.
Đại hội lần thứ XII của Đảng tiếp tục đề ra giải pháp: “Rà soát, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an sinh xã hội. Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Khuyến khích nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội của người dân... Thực hiện chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin”.
ThS. Nguyễn Thị Kiều
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh