1. Thực trạng phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam trong thời gian qua
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) tới nay, trải qua hơn 35 năm với các chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và cũng là điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức. Cụ thể:
- Về môi trường kinh tế và thể chế xã hội: Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020-2021, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn đạt dương và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới. Gần đây, Đại hội lần thứ XIII (2021), Đảng ta tiếp tục đưa ra định hướng phát triển tới năm 2030: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Điều đó cho thấy môi trường kinh tế và thể chế xã hội hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển kinh tế tri thức.
- Về giáo dục: Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Ngoài ra, theo xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds, năm 2022, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng (Trường Bách Khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng).
- Về sáng tạo: Năm 2021, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu.
- Về công nghệ thông tin: Năm 2000, đóng góp của ngành Công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông khoảng 0,5% GDP của Việt Nam, với doanh thu 300 triệu USD và số lao động chỉ chiếm khoảng 0,11% tổng số lao động của Việt Nam. Sau 20 năm, Ngành này đã có bước phát triển nhảy vọt, trong đó, riêng năm 2021, doanh thu của Ngành tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Theo đánh giá của WB về chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam năm 2012, Việt Nam đứng thứ 104/145 quốc gia. Gần đây, năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 64/137 quốc gia. Trong khi các chỉ số đánh giá kinh tế tri thức của Việt Nam vào năm 2012 còn khá khiêm tốn thì sau một thập kỷ, các chỉ số của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực có sự tăng trưởng khả quan. Dựa trên số liệu năm 2021, Việt Nam đang đứng thứ 3 về phát triển kinh tế tri thức trong khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, chỉ số về nghiên cứu, phát triển và sáng tạo (Research, Development, Innovation Index) của Việt Nam còn thấp khi chỉ được đánh giá 28.2/100 điểm. Bên cạnh đó, các chỉ số về Giáo dục đại học và công nghệ thông tin - truyền thông lần lượt là 35.8/100 điểm và 40.9/100 điểm. Đây là những con số còn khá khiêm tốn. Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, bền vững. Nền kinh tế cơ bản còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên, lao động phổ thông.
Hoạt động chuyển dịch sang phát triển theo chiều sâu dựa trên khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao còn chậm. Trong khi đó, Việt Nam đang có lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào nhưng chất lượng nguồn lao động lại chưa cao. Do đó, nguồn nhân lực cho kinh tế tri thức vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo dự báo, năm 2022 Việt Nam sẽ thiếu 100.000 nhân lực vì khi đó nhu cầu về lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tăng lên 530.000 người. Về chất lượng nguồn nhân lực, so với các quốc gia trong khu vực, từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh CMCN 4.0.
2. Giải pháp phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời gian tới
Trong thời đại hội nhập, việc đặt kinh tế tri thức Việt Nam vào bản đồ kinh tế tri thức thế giới được coi là tất yếu; qua đó tạo cơ hội để nắm bắt, vận dụng tri thức, công nghệ mới để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển kinh tế tri thức, Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển các ngành thuộc kinh tế tri thức. Hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, hướng đến kinh tế tri thức. Tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, khuyến khích các chủ thể kinh tế phát huy tối đa tiềm năng của mình, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, bản quyền…
Thứ hai, đầu tư hơn nữa cho khoa học và công nghệ, giải quyết mối quan hệ giữa khoa học - công nghệ và tri thức; khuyến khích mạnh sự sáng tạo và ứng dụng các thành tựu tri thức, khoa học - công nghệ vào thực tiễn vào tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, tạo nền tảng cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng, nội lực trong nước. Tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thương mại quốc tế có chọn lọc, hướng vào chuyển giao tri thức, nâng cao trình độ công nghệ trong nước, tham gia vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Thứ ba, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, có tác động lan tỏa, dẫn dắt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cầu thực tiễn thông qua khuyến khích đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, sản xuất kinh doanh, kỹ sư, công nhân bậc cao trong các ngành kinh tế mũi nhọn tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, không chỉ đáp ứng yêu cầu của công việc mà còn định hướng phát triển bền vững các lĩnh vực trong tương lai. Trong đó, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức như hiện nay, phải tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo bằng cách nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực cho kinh tế tri thức. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc biệt phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt Nam, thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.
Trong các giải pháp vừa nêu, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ tri thức được đặt vào vị trí trung tâm của các giải pháp phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam. Để xây dựng được nền kinh tế tri thức, phát triển nguồn lực con người được coi là một trong những giải pháp mang tính quyết định, ảnh hưởng đến sự thành công của cả tiến trình. Phát triển nguồn nhân lực cũng được nhấn mạnh tại văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”.
Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới xác định quan điểm: “Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo;… có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Với vai trò và tầm quan trọng kể trên, phát triển kinh tế tri thức tại Việt Nam cần có sự đồng bộ từ nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó cần chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Qua đó phát huy nguồn lực, đồng thời xác định rõ thời cơ, thách thức để tận dụng cơ hội phát triển, góp phần nhận diện nền kinh tế tri thức Việt Nam trên bản đồ kinh tế tri thức thế giới.
ThS. NGUYỄN DOÃN HOA
Đại học Công nghiệp Hà Nội