Phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh mới

CT&PT - Chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng bị đứt gãy ở nhiều khâu quan trọng do chịu tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh thương mại Mỹ- Trung Quốc, cuộc xung đột Nga - Ucraina, tình trạng biến đổi khí hậu... Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.

Về chuỗi cung ứng bền vững

Chuỗi cung ứng (SC) bao gồm chuỗi hoạt động, nguồn lực có sự liên kết với nhau trong quá trình hình thành sản phẩm, được vận chuyển từ người cung cấp (nhà sản xuất) đến khách hàng (người tiêu dùng). Chuỗi cung ứng được tổ chức với quy trình khá phức tạp, từ khâu sản xuất, lưu kho, phân phối, vận tải và bán lẻ. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên trong việc vận hành chuỗi cung ứng quyết định sự thành công trong kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Chuỗi cung ứng bền vững (SCS) là chuỗi tích hợp đầy đủ các dữ kiện có tính minh bạch, đạo đức và trách nhiệm đối với môi trường vào một mô hình có tính cạnh tranh và mang lại thành công. Tính minh bạch của chuỗi cung ứng bền vững là rất quan trọng. Chuỗi cung ứng bền vững phải luôn gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tính bền vững của chuỗi cung ứng không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và lợi ích của các bên liên quan, mà còn cho xã hội. Những lợi ích của chuỗi cung ứng bền vững đem lại trong hoạt động kinh doanh như sau: 

Thứ nhất, kiểm soát được chi phí sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí vận hành

Tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả và lợi nhuận cao luôn được xem là mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp, là động lực chính của những thay đổi để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững. Nhờ triển khai các công nghệ chuỗi cung ứng kỹ thuật số, chuyển đổi kỹ thuật số mà tỷ lệ chi phí vận hành chuỗi cung ứng đã giảm gần 7%. Không chỉ vậy, phát triển bền vững giúp doanh nghiệp bảo vệ môi trường, đồng thời mang lại lợi ích tài chính lâu dài. Một chiến lược bền vững có thể tối ưu hóa đáng kể chi phí và tác động không nhỏ đến lợi nhuận. Các doanh nghiệp khi phát triển bền vững cũng có thể nâng cao vị thế và quan hệ với chính phủ cùng cộng đồng địa phương, thuận lợi trong việc tiếp cận với các chính sách ưu đãi, trợ cấp về thuế.

Thứ hai, xây dựng được giá trị thương hiệu và lợi thế cạnh tranh

Chuỗi cung ứng bền vững ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng của thương hiệu. Thương hiệu có thể nâng tầm giá trị của doanh nghiệp, thu hút người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, có khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường, có thương hiệu “xanh” và “sạch”. Các thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm “xanh, sạch” có mức độ tăng trưởng cao gấp bốn lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Tính bền vững của doanh nghiệp khiến người lao động có động lực làm việc và làm việc hiệu quả hơn vì họ cảm nhận được giá trị và tự hào về doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thực hiện chính sách bền vững sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh, gia tăng năng suất lao động thông qua kết nối với người lao động, giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Theo đánh giá của Tạp chí Forbes (Mỹ), người tiêu dùng thường ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội1. Nhận thức của người tiêu dùng và sự ưa thích, quan tâm đến các doanh nghiệp bền vững ngày càng tăng cao. Lợi ích và tính minh bạch mà chuỗi cung ứng bền vững mang lại cho doanh nghiệp sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong thời kỳ khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Thứ ba, gia tăng niềm tin của đối tác

Không thể phủ nhận, một doanh nghiệp có chuỗi cung ứng bền vững sẽ gây dựng niềm tin vững chắc với đối tác và các nhà đầu tư tiềm năng. Trong bối cảnh các giá trị bền vững ngày càng được quan tâm, nhiều nhà đầu tư thường không mặn mà với các doanh nghiệp không đề cao mục tiêu vì cộng đồng. Sở hữu các chính sách bền vững giúp doanh nghiệp tránh rủi ro về bảo đảm uy tín, đồng thời giảm thiểu nguy cơ sụt giảm giá trị cổ phiếu.

Thứ tư, giảm thiểu rủi ro và tính dễ bị tổn thương

Các doanh nghiệp đều mong muốn giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng để phát triển bền vững. Chuỗi cung ứng bền vững sẽ hạn chế tối đa những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải, đồng thời tăng năng suất của toàn chuỗi do mọi khâu đều được tối ưu hóa. Trong chuỗi cung ứng đa quốc gia, chỉ tính riêng việc giảm thiểu rủi ro đã tiết kiệm rất nhiều chi phí. Chuỗi cung ứng bền vững sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí trách nhiệm và chi phí đối ngoại cho doanh nghiệp.

Khi sự minh bạch của chuỗi cung ứng được thực thi và thực hiện với các giải pháp an ninh kỹ thuật số sẽ không chỉ bảo vệ doanh nghiệp trước các đối tác thiếu đạo đức và trách nhiệm với môi trường, mà còn có thể theo dõi toàn bộ quá trình xử lý nguyên vật liệu. Điều này góp phần nâng cao tính bền vững trong chuỗi cung ứng, tạo nên sự khác biệt và cải thiện môi trường xã hội. Có ba tiêu chí để xác định tính bền vững của chuỗi cung ứng: 1- Tính tuần hoàn (circulation), chuỗi cung ứng phải tái sử dụng được tối đa nguyên liệu thải để phục vụ lại cho việc sản xuất hoặc tiếp tục sử dụng cho một chuỗi sản xuất khác; 2- Bảo đảm lợi ích con người (human interests), chuỗi cung ứng phải bảo đảm lợi ích nhân sự, lợi ích của người lao động, khi người lao động được bảo vệ an toàn sẽ gia tăng năng suất lao động; 3- Đáp ứng được lợi ích cộng đồng (community benefits), chuỗi cung ứng phải tạo ra nguồn lợi cho địa phương - nơi diễn ra hoạt động sản xuất.

Tác động đối với chuỗi cung ứng bền vững của Việt Nam

Những đòn trừng phạt lẫn nhau trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cuộc xung đột Nga - Ucraina, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tăng cao đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng thương mại quốc tế đối với vấn đề cung - cầu hàng hóa. Cùng với đó, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 chính là chất xúc tác làm đứt gãy chuỗi cung ứng nhanh hơn. Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến đầu vào nguyên liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt từ các nước châu Á.

Có thể thấy rằng, dịch bệnh Covid-19 làm lộ rõ những rủi ro khi chuỗi cung ứng các sản phẩm thiết yếu bị gián đoạn. Mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt, nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào trung tâm sản xuất và thị trường lớn như Trung Quốc. Mức độ tập trung cao tại một thị trường khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, tác động không nhỏ tới chuỗi cung ứng thương mại Việt Nam, được thể hiện trên các khía cạnh:

Một là, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ

Nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, gây tê liệt nền kinh tế Trung Quốc đã trực tiếp làm suy yếu hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp điện - điện tử (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện) là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ngành sản xuất khác có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, như da giày, dệt may... cũng gặp khó khăn “kép”, cả về nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua của thị trường sụt giảm. Năm 2021, cả nước có 116.839 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,4% về số doanh nghiệp so với năm 2020, giảm 8,9% so với bình quân năm giai đoạn 2016 - 20202.

Cuộc xung đột Nga - Ucraina cũng là một trong những nhân tố tác động tới chuỗi cung ứng của Việt Nam. Khi xung đột xảy ra, giá cả các mặt hàng thế mạnh của Nga, như lúa mì, phân bón, than, thép, kim loại cơ bản đều tăng vọt. Nga và Ucraina là hai nhà cung cấp lớn về những vật liệu quan trọng để sản xuất các nguyên phụ liệu cấu thành các thiết bị điện tử. Vì vậy, bất kỳ sự hạn chế hoặc đình trệ nào về nguồn cung hàng hóa từ Nga và U-crai-na đều có thể gây gián đoạn chuỗi sản xuất thiết bị điện tử. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu các mặt hàng điện, điện tử. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng này. Việt Nam gặp khó khăn về nguồn cung các nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất, sự thiếu hụt nguồn cung dẫn tới gia tăng giá nhiên liệu kéo theo giá thành sản xuất hàng hóa và tiêu dùng cũng tăng, tác động tới cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hai là, hoạt động sản xuất của ngành chế biến, chế tạo giảm

Doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất khi dịch bệnh Covid-19 tác động trực tiếp tới thị trường xuất, nhập khẩu và thị trường tiêu thụ nguyên vật liệu. Nhiều đối tác ở các nước ngừng giao dịch, thậm chí xin hủy đơn hàng đã ký kết trước đó. Bối cảnh đó buộc các doanh nghiệp phải chủ động sắp xếp, tổ chức lại các dây chuyền sản xuất và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo đã suy giảm trong sáu tháng đầu năm 2020 và chiều hướng đi xuống này vẫn tiếp tục diễn ra trong thời gian qua.

Mặc dù Chính phủ đã đưa ra các chính sách nhằm duy trì, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 4.225 doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoàn tất thủ tục giải thể là 1.138 doanh nghiệp, tăng 29,8%3.

Đứt gãy chuỗi cung ứng kéo theo những hạn chế của chuỗi cung ứng đường dài. Những chuỗi cung ứng đường dài có thể làm chậm khả năng phản ứng nhanh của doanh nghiệp trước khủng hoảng và khiến doanh nghiệp đối mặt với tình trạng hàng tồn kho chất chồng. Năm 2022, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 13,9% so với cùng thời điểm năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 21,3%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2022 là 78,1% (năm 2021 là 79,2%)4. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao, như sản xuất sản phẩm từ cao su; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, dệt may; sản xuất chế biến, thực phẩm; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất.

Ba là, chi phí hậu cần và vận chuyển tăng

Cuộc xung đột Nga - Ucraina là nguyên nhân làm giá cả của một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trên thị trường, như khí đốt, dầu mỏ gia tăng, do thị phần sản xuất và xuất khẩu của Nga và Ucraina ở các mặt hàng này là rất lớn. Nga là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm 12% kim ngạch thương mại toàn cầu với khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu thô. Cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ, châu Âu sẽ tiếp tục đẩy giá dầu cùng các sản phẩm khí đốt lên cao.

Việt Nam nhập khẩu ròng giá trị dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu lên tới gần 6 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2017 - 2021. Khi giá dầu tăng cao, giá trị nhập khẩu ròng cũng sẽ tăng theo khiến chi phí vận chuyển cũng tăng, buộc các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm các nhà cung ứng khác từ Ôxtrâylia, Nam Mỹ và châu Phi, dẫn tới việc chi trả thanh toán trở nên phức tạp hơn nhiều.

Nhiều hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Nga. Giá cước vận tải tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị trao đổi thương mại hàng hóa. Bên cạnh đó, việc cấm vận hàng không giữa các quốc gia đang có xung đột cũng dẫn đến các hãng hàng không buộc phải chọn lựa đường bay khác, dẫn tới chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển toàn cầu.

Bốn là, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp

Không chỉ có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, mà những tác động từ bối cảnh mới còn tạo nên nguy cơ đứt gãy nguồn lao động trở nên hiện hữu. Khoảng trên 30 triệu người lao động Việt Nam (tương đương một nửa lực lượng lao động) bị ảnh hưởng trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh Covid-19 (tháng 4/2020). Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng 33% trong quý II - 2020, thu nhập bình quân của người lao động tính theo mức trung bình giảm 5%. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,4% (tháng 6/2021) so với tháng 5/2021 và giảm 1% so với cùng thời điểm năm 20205.

Đầu năm 2021, sự bùng phát nhanh, khó kiểm soát hơn của dịch bệnh Covid-19 làm cho tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong quý II - 2021 tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, trong khi doanh nghiệp không tìm đủ số lao động cho thấy dấu hiệu của sự đứt gãy về “cung - cầu” trong lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ, dẫn tới sự đứt gãy về nguồn cung sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ra thị trường.

Giải pháp phát triển chuỗi cung ứng bền vững của Việt Nam

Chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đang đứng trước những thách thức lớn, đặt ra nhu cầu cấp bách cần phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng để có thể tránh được tình trạng dễ bị tổn thương nếu chỉ tập trung vào một quốc gia, một khu vực hoặc một nhà sản xuất đơn lẻ. Sự biến động khó lường của kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững dẫn đến sự thiếu hụt hàng hóa và lạm phát tăng nhanh. Đối với Việt Nam, duy trì tính bền vững là ưu tiên hàng đầu trong lộ trình phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản suất, cung ứng và chuỗi giá trị”6. Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP-26) vào tháng 11/2021, Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Nhận thức rõ tầm quan trọng của cam kết này, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tích cực áp dụng các biện pháp nhằm phát huy tính bền vững trong chuỗi cung ứng.

Như vậy, trên thực tế, để bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tổ chức lại chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp, triển khai những hình thức mới, tạo sự bền vững, linh hoạt để phát triển chuỗi cung ứng

Các doanh nghiệp cần từng bước thúc đẩy cơ cấu lại hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt công nghiệp hỗ trợ nhằm tự chủ nguồn nguyên phụ, vật liệu trong nước phục vụ cho phát triển bền vững. Ngành công nghiệp hỗ trợ được định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Số lượng và chất lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp lớn cho các công ty đa quốc gia. Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Công ty Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp (năm 2018) lên 42 doanh nghiệp (năm 2021). Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp (năm 2018) lên 170 doanh nghiệp (năm 2021). Bên cạnh đó, tính đến tháng 4/2021, đã có thêm ba doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Tập đoàn Toyota7.

Khi các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ chính thức được triển khai, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để dần đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Hai là, thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước

Cần tiếp tục phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu trên thị trường nội địa, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, đẩy mạnh liên kết trong toàn chuỗi cung ứng, gắn với các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Hình thành các chuỗi liên kết thuần Việt, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường phát huy các sáng kiến kết nối cung - cầu trên thị trường trong nước; triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa, kích cầu tiêu dùng nội địa nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Có thể vận động các tập đoàn công nghệ thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa để ngăn ngừa dòng đầu tư chất lượng thấp.

Ba là, sử dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị nhằm tạo ra sự linh hoạt và minh bạch hơn cho chuỗi cung ứng bền vững

Công nghệ là chìa khóa cho chuỗi cung ứng bền vững, mang lại sự thay đổi trong quy trình quản lý chuỗi cung ứng, tạo cơ hội mới và thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng công nghệ sẽ góp phần cắt giảm tổng lượng khí thải các-bon bởi chỉ riêng vận tải hàng hóa đã chiếm 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Các doanh nghiệp cần lựa chọn sử dụng những nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển ưu tiên năng lượng thay thế (xe điện) để giảm bớt lượng khí thải các-bon. Việc ứng dụng công nghệ sẽ tạo nên một chuỗi giá trị linh hoạt hơn; áp dụng công nghệ rô-bốt và tự động hóa trong sản xuất không chỉ giúp gia tăng lợi nhuận trong thời gian dài, mà còn cung cấp các dữ liệu và thông tin cần thiết để tăng trưởng bền vững.

Để duy trì khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng công nghệ mới để cải thiện và biến đổi chuỗi cung ứng trở nên bền vững hơn. Tuy nhiên, công nghệ cũng là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện, bởi để đáp ứng được tiêu chí tính tuần hoàn, cần có công nghệ cao để xử lý phế phẩm và tái chế nguyên vật liệu thừa. Tuy nhiên, phát triển quy trình công nghệ riêng biệt là khó khả thi đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, phương án chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sẽ là lựa chọn tối ưu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đội ngũ nhân sự được đào tạo kỹ thuật đủ để vận hành các quy trình công nghệ.

Bốn là, tận dụng lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại để mở rộng tìm kiếm nguồn cung vật liệu và đầu ra cho sản phẩm

Để khắc phục vấn đề thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế thông qua tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới với 15 FTA hiện có, cho phép hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác Liên minh châu Âu (EU) để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và bền vững, bao gồm cả lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững, cùng có lợi với EU. Để có được chỗ đứng trên thị trường EU, Việt Nam cần có chiến lược đầu tư bài bản để không chỉ bán được hàng hóa, mà còn phải bán được hàng hóa có thương hiệu. Giải pháp căn cơ chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo nên sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU; xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Năm là, tham gia hợp tác vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng bền bỉ, đa dạng hóa, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, gián đoạn nguồn cung

Chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, được ví như “huyết mạch” của nền kinh tế thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia tiến trình thảo luận Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn dắt, trong đó có mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng chống chọi với đại dịch. Đây được cho là cơ hội để mở rộng chuỗi cung ứng với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Lợi thế của Việt Nam là chi phí sản xuất và lao động thấp. Tuy nhiên, để nâng cao vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới, Việt Nam cần đầu tư vào kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. 

Dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ucraina cho thấy rõ sự cần thiết xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng phục hồi bền vững. Duy trì tính bền vững trở thành ưu tiên hàng đầu trong lộ trình phát triển của Việt Nam trong giai đoạn “bình thường mới”. Khi các doanh nghiệp Việt Nam phát huy được tính bền vững trong chuỗi cung ứng sẽ tạo dựng được niềm tin vững chắc với các đối tác và nhà đầu tư tiềm năng, góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững.


1. Xem Chastity Heyward: The Growing Importance Of Social Responsibility In Business (Tạm dịch: Tầm quan trọng ngày càng tăng của trách nhiệm xã hội trong kinh doanh), ngày 18/11/2020, https://www.forbes.com/sites/forbesbusinesscouncil/2020/11/18/the-growing-importance-of-social-responsibility-in-business/?sh=82eda62283b6.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2022, tr. 24.

3. Tổng cục Thống kê: Đăng ký doanh nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm và dự báo xu hướng kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021,  Trang thông tin điện tử Tổng cục thống kê, ngày 07/7/2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/07/dang-ky-doanh-nghiep-che-bien-che-tao-6-thang-dau-nam-va-du-bao-xu-huong-kinh-doanh-6-thang-cuoi-nam-2021/.

4. Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Trang thông tin điện tử Tổng cục thống kê, ngày 29/12/2022, https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2022/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/.

5. Thúy Hiền: Quý III, gần 78% doanh nghiệp chế biến, chế tạo nhận định sẽ hoạt động ổn định, tốt lênhttps://baotintuc.vn/kinh-te/quy-iii-gan-78-doanh-nghiep-che-bien-che-tao-nhan-dinh-se-hoat-dong-on-dinh-tot-len-20210711185734858.htm.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t, I, tr. 45.

7. Trần Tuấn Anh: Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong và sau đại dịch Covid-19Cổng thông tin điện tử Viện Chiến lược và chính sách tài chính, ngày 05/4/2021, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM198516.

Theo Tạp chí Cộng sản điện tử

Lưu Thảo tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin