Phát huy vai trò của người phụ nữ trong thời đại ngày nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

CT&PT- Trong di sản vô giá Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta ấy, có một bộ phận quan trọng là tư tưởng của Người về phụ nữ đã và đang được Đảng và Nhà nước cũng như toàn thể phụ nữ Việt Nam lấy đó làm tấm gương để học tập, rèn luyện phấn đấu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Non song gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức thêu dệt mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”; hay “nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của người phụ nữ

Trong cuốn sách Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời”. Tại Đại hội liên hoan phụ nữ “Năm tốt”, ngày 30/4/1964, Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang (…) Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”…

Với cách nhìn toàn diện, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người cho rằng phụ nữ chiếm số đông trong lực lượng nhân dân, lại bị kìm hãm và chịu nhiều đau khổ nên luôn có tinh thần đấu tranh cách mạng. Sự nghiệp cách mạng không thể thành công nếu không có phụ nữ tham gia, bởi vậy, giải phóng phụ nữ là một nhiệm vụ tất yếu của cách mạng Việt Nam, là nhu cầu khách quan của xã hội, của yêu cầu phát triển đất nước. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ. Người chỉ rõ: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Người nhấn mạnh: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng, trai gái đều mang quyền như nhau”. Theo quan điểm của Người, giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng về chính trị bởi vì trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, phụ nữ là người bị đọa đày đau khổ nhất, khi dân tộc được giải phóng “là lúc chị em phải cố gẳng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”. Bởi thế sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và Luật Hôn nhân gia đình. Điều 9 Hiến pháp năm 1946 ghi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; Điều 1 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 xác định: “Nhà nước bảo đảm việc thực hiện đầy đủ chế độ hôn nhân tự do và tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái, nhằm xây dựng những gia đình hạnh phúc, dân chủ và hòa thuận, trong đó mọi người đoàn kết, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau tiến bộ”.

Người nhấn mạnh, công tác phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “Nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng... đều nhằm mục đích ấy”. Theo Bác, bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình; quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ là “Người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.

Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong chiến đấu, sản xuất: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Theo đó, Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới, phải thông cảm sâu sắc với quần chúng và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn. Đối với các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đối với chính bản thân người phụ nữ, Bác khuyên phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nếu không học thì không tiến bộ. Chị em phụ nữ phải “xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Người yêu cầu phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông, phải “gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ xã hội chủ nghĩa, hăng hái thi đua thực hiện “cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình”, đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hòa bình thế giới”. Bên cạnh đó, Người phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ, yêu cầu phải đấu tranh mạnh bệnh thành kiến hẹp hòi đối với phụ nữ: “Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí phụ trách lớp học chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Đây cũng là thiếu sót chung ở trong Đảng. Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm rất tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam, có đúng như thế không? Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ. Các cô, nhất là các cô ở huyện, phải đấu tranh mạnh. Vì các cô mà không đấu tranh thì những đồng chí nam có thành kiến với phụ nữ sẽ không tích cực sửa chữa” .

Ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng góp công sức xây dựng đất nước ta giàu đẹp. Hiện nay, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn và xứng đáng với 8 chữ vàng mà Người trao tặng Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò của người phụ nữ trong thời đại ngày nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho người phụ nữ về vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trước hết, họ cần thay đổi những nhận thức cổ hủ, lạc hậu, thay vào đó nhận thức mới, đúng đắn về vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, không ngừng cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung, là lực lượng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Hai là, tiếp tục nghiên cứu và ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến phụ nữ. Nhà nước cần có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa bảo đảm quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, có biện pháp tạo thêm việc làm, cơ hội nâng cao kiến thức và khởi nghiệp, sáng tạo cho phụ nữ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ kết hợp được nghĩa vụ công dân với thiên chức làm vợ, làm mẹ, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ba là, tăng cường vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của; đa dạng hóa các hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của Hội theo lứa tuổi, ngành, nghề, sở thích, vùng, miền, gắn quyền lợi với nghĩa vụ, hướng dẫn các tầng lớp phụ nữ hoạt động theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tổ chức, bồi dưỡng, tuyên truyền, động viên các tầng lớp phụ nữ thực hiện các phong trào hành động cách mạng, chăm lo đời sống, giải quyết và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề, tạo việc làm, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Chú trọng xây dựng đội ngũ nữ trí thức, nữ doanh nhân gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với quá trình cấu trúc lại nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế. Trang bị cho phụ nữ những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh

Bốn là, tiếp tục chú trọng công tác cán bộ nữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao tỷ lệ và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, nghiên cứu khoa học. Có kế hoạch tổng thể, dài hạn công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, phát huy năng lực cán bộ nữ. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước, cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, theo tôn giáo, cán bộ nữ ở vùng sâu, vùng xa.

Năm là, quan tâm phát triển đảng viên nữ, chú ý đến việc bồi dưỡng, kết nạp Đảng đối với những nữ doanh nhân là chủ doanh nghiệp khu vực tư nhân. Việc sử dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ cũng cần chú ý những đặc điểm về giới tính, bố trí cho chị em những ngành, nghề thích hợp, để chị em có thể phát huy tối đa khả năng và sở trường của mình. Có chính sách ưu tiên và đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ nữ hoạt động lâu năm, những cán bộ nữ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và công tác ở nước ngoài.

Đinh Thị Hương

Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin