Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Lưu Thị Thảo

CT&PT - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách, vừa lâu dài, quyết định đến mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách man của Đảng và dân tộc ta. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới.

1. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1996) xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”1. Như vậy, nội dung cơ bản trong nền tảng tư tưởng của Đảng là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn phải tập trung bảo vệ quan điểm, cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bởi đó chính là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bảo đảm phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, văn minh nhân loại vào thực tiễn Việt Nam từ đó xác định mục tiêu, mô hình, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện, làm giàu thêm sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn lịch sử trong mỗi thời đại. Bên cạnh đó phải thường xuyên phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, biến chất trong nội bộ Đảng, Nhà nước và xã hội, đồng thời nắm chắc tình hình, chủ động đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là hai nhiệm vụ song song, có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau củng cố và phát triển vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

2. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, to lớn nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, xuất phát từ yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách mạng nói chung và công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo nói riêng. Đó là một cuộc cách mạng chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi phải liên tục bổ sung, phát triển sáng tạo về mặt lý luận, thông qua nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn lịch sử trong nước và thế giới. Đồng thời, đó cũng là cuộc đấu tranh giữa cái mới, cái tiến bộ và cái cũ, cái lạc hậu với những khuyết điểm, sai lầm nảy sinh trong quá trình phát triển. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất phức tạp của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Đảng và dân tộc ta cần phải tổ chức một lực lượng nòng cốt, có tâm, có tầm, có kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu, trực tiếp tham gia vào quá trình đấu tranh đó. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nhấn mạnh, xây dựng lực lượng chuyên trách theo hướng tinh gọn, đủ mạnh; đồng thời, phát huy cao nhất trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy tốt vai trò của các lực lượng tác chiến không gian mạng, an ninh mạng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhưng lực lượng đóng vai trò nòng cốt, trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ bao gồm các lực lượng thuộc các “binh chủng” sau đây:

Đội ngũ cán bộ tuyên giáo bao gồm cán bộ chuyên trách, hoặc bán chuyên trách làm công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trong các cơ quan tuyên giáo của Đảng và hệ thống chính trị. Đây là lực lượng chủ đạo trong các thiết chế công tác tư tưởng, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là những người được đào tạo cơ bản, có trình độ, năng lực và kỹ năng công tác tuyên giáo, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Hiện nay, trong hệ thống chính trị, có hàng nghìn cán bộ tuyên giáo công tác ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tạo ra thế trận rộng khắp trong toàn xã hội. Không chỉ tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ tuyên giáo còn là lực lượng “chủ công” trực tiếp tổ chức, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn trong hệ thống trường Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân, các viện nghiên cứu… Đây là lực lượng khá đông đảo, có phẩm chất, có năng lực, có trình độ về lý luận. Thông qua hoạt động giảng dạy, nghiên cứu lý luận, đội ngũ này đã góp phần bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, họ cũng là “đội quân tinh nhuệ” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên là một bộ phận của cán bộ tuyên giáo, công tác trong các cơ quan báo chí, truyền thông. Báo chí cách mạng là vũ khí tư tưởng của Đảng, Nhà nước, là tiếng nói của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên là những người trực tiếp thực hiện vai trò, sứ mệnh đó. Với ưu thế về chuyên môn, kỹ thuật, các cơ quan báo chí sử dụng các phương tiện truyền thông để tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của xã hội. Trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cũng là lực lượng “chủ công” thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là “vũ khí sắc bén” trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đội ngũ các nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, người sáng tác, phê bình văn hóa, văn nghệ của đất nước là những người có năng lực chuyên biệt, khả năng nhạy bén, phản ánh các hiện tượng của đời sống xã hội bằng những phương thức đặc thù, thể hiện giá trị chân, thiện, mỹ một cách sinh động, đi vào lòng người. Hiện nay, có hàng nghìn cán bộ văn hóa, văn nghệ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị khác nhau trên phạm vi cả nước. Nếu được tổ chức, tập hợp, phát huy tốt, đội ngũ này sẽ trở thành “vũ khí sắc bén” trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đời sống tinh thần xã hội chủ nghĩa.

Đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là lực lượng sinh viên đang học tập trong các trường đại học, cao đẳng là lực lượng rất đông đảo trong xã hội, được tập hợp và giáo dục tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị thông qua Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội khác. Mặc dù còn non trẻ, chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn song nhìn chung, thế hệ trẻ hiện nay là lớp người giàu nhiệt huyết, hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, gian khổ, có khát vọng vươn lên chiếm lĩnh và làm chủ tri thức hiện đại, nỗ lực phấn đấu lập thân, lập nghiệp và cống hiến xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường. Với những ưu thế và ưu điểm vượt trội này, nếu được định hướng, tổ chức, phát huy tốt, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ trở thành nguồn sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách về công tác quản lý và đấu tranh chống tội phạm an ninh chính trị, văn hóa, tư tưởng bằng các công cụ hành chính, pháp luật và công nghệ cao. Trong xu thế toàn cầu hóa, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức lợi dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, công nghệ cao… để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Một trong những vũ khí lợi hại được các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng là các trang mạng điện tử, qua đó, chúng đăng tải những thông tin xấu, độc, nhằm bôi nhọ, xuyên tạc những giá trị cốt lõi trong nền tảng tư tưởng của Đảng, mê hoặc công chúng, kích động các hành vi phản kháng, biểu tình, bạo động, chống đối Đảng và chế độ. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan quản lý, bảo vệ pháp luật, quân đội, công an được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh đã sử dụng công cụ luật pháp, công nghệ thông tin - truyền thông, hành chính cưỡng chế, kể cả vũ khí kỹ thuật để đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Đây được coi là đội ngũ mang “sức mạnh cứng”, có thể tạo ra “lá chắn thép” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phối hợp sử dụng “sức mạnh mềm” để đấu tranh, khiến cho các thế lực thù địch không thể và không dám chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nếu được tổ chức và phát huy tốt, những “binh chủng” trên sẽ tạo nên sức mạnh của một “binh chủng hợp thành”, đóng vai trò tiên phong, nòng cốt để tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, tạo nên thế trận toàn dân, với “thành lũy kiên cố” và “vũ khí sắc bén” trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

3. Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các lực lượng “binh chủng” nói trên đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần củng cố, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng và đời sống tinh thần của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ cán bộ tham gia “mặt trận” này vẫn tồn tại những bất cập, còn nhiều tiềm năng, thế mạnh chưa được phát huy đầy đủ. Đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, văn nghệ, tuy đông nhưng chưa mạnh, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa tương xứng. Đội ngũ được đào tạo bài bản, tâm huyết, giàu tiềm năng chuyên môn, nhưng khả năng “tác chiến” hiệu quả còn thấp. Cán bộ bán chuyên trách còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác dẫn đến chưa đầu tư nhiều công sức, trí tuệ để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, số chuyên gia đầu ngành có uy tín, năng lực và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân còn mỏng. Các thế lực thù địch sử dụng nhiều chiến thuật, phương thức hiện đại, tinh vi, sử dụng internet để truyền thông trên mạng xã hội. Đồng thời, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận công chúng, sự bất mãn của một số phần tử cơ hội để chống phá. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn thiếu sự nhạy cảm chính trị và kinh nghiệm thực tiễn nên việc nắm bắt, dự báo và xử lý thông tin còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Mặt khác, năng lực tiếp cận công nghệ hiện đại còn chậm, khả năng sử dụng ngoại ngữ, nắm bắt thông tin từ nước ngoài còn hạn chế, tạo ra những khó khăn nhất định trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Trong công tác lãnh đạo của các cấp, các ngành, nhận thức về tính chất vàtầm quan trọng của cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn chưa thực sự đầy đủ; sự chỉ đạo và tổ chức lực lượng chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ; đấu tranh phản bác còn nặng về cách nghĩ, cách làm theo truyền thống, thiên về tuyên truyền miệng, trong khi bối cảnh tình hình đã thay đổi, thế lực thù địch rất đa dạng, phương thức, chiêu thức hoạt động rất tinh vi. Vì vậy, trong bối cảnh mới, tuyên truyền theo mô hình, phương thức truyền thống chưa thực sự phát huy được tiềm năng và hiệu quả. Nhiều cơ quan, đơn vị làm công tác quản lý, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phản ứng còn chậm, lúng túng trong xử lý những tình huống phức tạp. Việc xây dựng các tiêu chí để nhận diện các quan điểm thù địch, sai trái còn thiếu, chưa đồng bộ và nhất quán; các chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu tính răn đe, cảnh báo; phát hiện còn chậm, xử lý chưa nghiêm, có nơi, có lúc, có việc xử lý chưa kiên quyết, kịp thời.

Mạng lưới trong phòng, chống, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch chưa được quan tâm đúng mức. Mạng lưới này chỉ tập trung ở các đô thị, thành phố lớn, phân bổ chưa đồng đều. Chưa có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, vùng, miền, nhất là tuyến cơ sở, nơi có đông đảo các tầng lớp nhân dân. Một số ban chỉ đạo hoạt động còn nặng về hình thức, thiếu sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong phát hiện và xử lý tình huống trong thực tiễn. Nhận thức của các cấp lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu có nơi, có lúc còn đơn giản, chưa thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Công tác tổ chức hoạt động thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị với từng đối tượng cán bộ còn lỏng lẻo, chưa khoa học, tổ chức đấu tranh chưa thật sự hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn những người trực tiếp tham gia lĩnh vực quan trọng này còn hạn chế, bất cập; chế độ, chính sách ưu đãi chưa tương xứng với vị trí, vai trò và đóng góp của họ.

4. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Dù vậy, đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế”3. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều biến đổi phức tạp, khó lường, các thế lực chống phá ngày càng quyết liệt với những âm mưu, thủ đoạn, phương thức tinh vi, hiện đại. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết cần đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, phát huy tiềm năng, sức mạnh của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ thông qua một số giải pháp quan trọng sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách tham gia trực tiếp vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Công tác cán bộ luôn là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với mọi công việc. Vì vậy, các cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ chủ trương, giải pháp đổi mới công tác cán bộ, tập trung vào những khâu còn yếu, những bất cập nổi lên hiện nay. Lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về lập trường, quan điểm chính trị, năng lực tư duy lý luận, tư duy phản biện, kỹ năng phán đoán, xử lý các tình huống chính trị, tư tưởng, năng lực sử dụng các phương thức, phương tiện hiện đại. Đồng thời, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, phải đưa hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành tiêu chí chủ yếu để đánh giá trách nhiệm và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Hai là, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khả năng sử dụng các công cụ, phương tiện hiện đại như ngoại ngữ, tin học, internet, mạng xã hội… cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, có trình độ, năng lực, tư duy lý luận, tư duy phản biện, thể hiện qua những bài nói, bài viết sâu sắc về lý luận, sát với thực tiễn hay hành động cụ thể, , mang tính thuyết phục cao, có tính chiến đấu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Để có được đội ngũ cán bộ chất lượng, đòi hỏi phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ. Các cấp ủy đảng và các cơ quan, đơn vị cần phải đưa yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào trong quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phải coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, các nhà trường, học viện trong hệ thống chính trị phải xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng tiếp cận, sử dụng phương tiện trong quá trình tác nghiệp.

Ba là, đẩy mạnh việc đổi mới cơ chế, chính sách trong phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút người tài, người có bản lĩnh, kinh nghiệm để tạo ra một lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, phù hợp về cơ cấu. Mặc dù hiện nay, số lượng cán bộ tuyên giáo hiện nay rất đông đảo, nhưng số cán bộ có năng lực, trình độ, uy tín, có những bài nói, bài viết sắc sảo, cótính thuyết phục cao trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều. Do đó, phải có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ tốt để thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi, tham gia lâu dài trong lĩnh vực hoạt động đầy khó khăn, phức tạp này. Đồng thời, phải có chế tài, hành lang pháp lý đủ mạnh để cảnh báo, xử lý, răn đe những hành vi vi phạm, đồng thời bảo vệ đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa.

Bốn là, đổi mới phương thức tổ chức lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, mà còn chịu sự tác động không nhỏ của khâu tổ chức lực lượng “tác chiến” một cách hợp lý. Trong các “binh chủng” tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị khá đông đảo, nhất là trong hệ thống các trường Đảng, trường chính trị. Đây là lực lượng nòng cốt, “chủ công” trong thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên, kết quả chưa thật tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có, do còn những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thực hiện. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch hành động, thu hút, tập hợp các nhà khoa học, giảng viên lý luận thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giáo dục, rèn luyện thế hệ trẻ. Mỗi bài giảng, mỗi công trình khoa học phải thể hiện tính thuyết phục về mặt khoa học, đồng thời phải thể hiện tính chiến đấu bằng tư duy phản biện sắc bén, để phê phán, phản bác mạnh mẽ các quan điểm lệch lạc, sai trái, những tư tưởng đối lập. Mỗi nhà nghiên cứu, giảng dạy lý luận phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm thiêng liêng của mình, thì những giá trị khoa học, tính cách mạng và nhân văn của hệ thống lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng mới thấm nhuần trong ý thức của đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Ở cấp quốc gia, các cơ quan Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, đề tài khoa học cấp Nhà nước về nghiên cứu, bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch. Tuy nhiên, đối với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, nhiệm vụ này còn chưa nhiều, bị phân tán, chất lượng, hiệu quả thấp. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ đắc lực cho hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách toàn diện, với chất lượng ngày càng cao. Nhiều cơ quan, đơn vị, nhà trường, học viện đã thành lập các nhóm nghiên cứu, các tổ tư vấn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là phương thức tập hợp những nhà khoa học, chuyên gia giỏi trở thành một lực lượng mũi nhọn, tiên phong triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tham mưu, đề xuất cho các cấp ủy, cơ quan, đơn vị xây dựng chủ trương, nội dung, kế hoạch, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, lực lượng này còn có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, đoàn, hội quần chúng tập hợp thanh niên, sinh viên tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, học tập.

Năm là, đổi mới công tác tổ chức và hoạt động của đội ngũ cán bộ chuyên trách trong các cơ quan tuyên giáo, báo chí. Cần lựa chọn, bố trí đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng chuyên môn. Nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao để quản lý và tổ chức hoạt động, bảo đảm an ninh tư tưởng, phân tích, đánh giá sát tình hình về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, kể cả các phần tử thoái hóa, biến chất trong nội bộ, để tham mưu đề xuất những giải pháp, cách thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng một cách hiệu quả. Đối với các cơ quan báo chí, cần tăng cường bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên sự nhạy bén và sức sáng tạo nghề nghiệp, để họ có thể sản xuất những chương trình, tác phẩm có sức thuyết phục, có tính chiến đấu cao trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, t. 55, tr. 502.

2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25, 31.

PGS, TS. TRƯƠNG NGỌC NAM

Nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin