Phát huy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng đối với cán bộ

Phạm Thị Hương

CT&PT - Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người là hiện thân của tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, một điển hình mẫu mực suốt đời phấn đấu vì nước, vì dân, vì mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, Người đã không ngừng tự rèn luyện đức và tài, đồng thời yêu cầu cán bộ cách mạng phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, giữ vững đạo đức cách mạng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề đạo đức đối với con người nói chung và đối với mỗi cán bộ nói riêng. Trong tác phẩm Đường kách mệnh (năm 1927), ngay ở những trang đầu, Người đã nêu rõ 23 điều về tư cách của một người cách mạng, nhất mạnh yêu cầu phải giải quyết tốt ba mối quan hệ: với mình - với người - với việc, sau đó mới bàn về vấn đề cách mạng.

Theo Người, đạo đức cách mạng là cái gốc của người cán bộ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”1. Theo đó, Người yêu cầu người cán bộ phải trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn yêu thương con người, sống có tình, có nghĩa và có tinh thần quốc tế trong sáng.

Người đặc biệt khẳng định vai trò nền tảng của đạo đức cách mạng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”2. Đạo đức trở thành nhân tố quyết định sự thành bại của mọi công việc: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không”3; đồng thời, đạo đức quyết định phẩm chất mỗi con người: “Tuy năng lực và công việc mỗi người có khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng”4.

Đạo đức tạo ra sức mạnh cho người cán bộ

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng giúp người cán bộ không chùn bước trước khó khăn, gian khổ, thất bại; đạo đức là sức mạnh nội sinh, chỗ dựa vững chắc để người cách mạng vượt qua thử thách, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đồng thời, khi thành công vẫn giữ vững tinh thần khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; “lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”5.

Đạo đức là nhân tố tạo nên sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội

Sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội không chỉ ở phương diện kinh tế, mà còn phụ thuộc vào tư cách đạo đức của mỗi người cán bộ, thông qua đạo đức của người cán bộ để tạo dựng niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chế độ, cách mạng. Đánh vai trò vô cùng quan trọng của đạo đức, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”6. Qua đó, Người muốn nhấn mạnh về vị trí, vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, và để giữ được vai trò đó, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” chứ không chỉ dừng lại ở có đạo đức cách mạng; đạo đức cách mạng phải được thể hiện qua lối sống, tác phong làm việc hằng ngày, từ đó mới tạo chỗ dựa vững chắc cho mối quan giữa cán bộ với nhân dân.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), Đảng ta đề ra mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”7. Lần đầu tiên Đảng ta đặt mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức ngang với mục tiêu xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây là điểm mới trong tư duy xây dựng Đảng, là sự bổ sung hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Để nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần lưu ý một số điểm chủ yếu sau:

Một là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương trong xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên

Việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương nhằm quản lý, giáo dục, kiểm tra, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên có tác dụng to lớn đối với việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những biểu hiện tiêu cực về đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viênBên canh đó, cần phát huy vai trò của nhân dân, công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Hai là, chú trọng tự giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên

Việc chú trọng tự giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên đóng vai trò quyết định, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của việc tự giác hóa quá trình hình thành, phát triển đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, mà được củng cố và phát triển chủ yếu do sự rèn luyện bền bỉ hằng ngày, cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Vì vậy, cùng với sự quản lý, giáo dục thường xuyên của tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn tự mình trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng các phẩm chất đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Ba là, kiên quyết đấu tranh chống những hành vi vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực khác trong đội ngũ cán bộ, đảng viên

Nâng cao đạo đức cách mạng gắn với việc củng cố các tổ chức của hệ thống chính trị các cấp, tiến hành thường xuyên và có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức, pháp luật, nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó làm trong sạch Đảng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, khơi dậy phong trào quần chúng rộng rãi, tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái thiện, cái đẹp, đồng thời quyết tâm phê phán cái sai, cái ác, cái xấu.

Bốn là, phát huy tinh thần nêu gương về đạo đức, trước hết là nêu gương trong đội ngũ cán bộ chủ chốt

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ nói phải đi đôi với làm, phải làm gương cho quần chúng, bởi: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”; việc làm gương thể hiện ở nhiều môi trường và cấp độ khác nhau, trong đó người đứng đầu, cán bộ chủ chốt giữ vai trò đặc biệt quan trọng, muốn hướng dẫn cấp dưới và nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước.


1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 292-293; t. 11, tr. 601.

3, 4, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 354, 508,

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 47.

ThS. NGUYỄN THỊ MAI

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương


Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin