Phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh Điện Biên trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Điện Biên là tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nơi sinh sống của nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử, nhằm góp phần đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.

1. Điện Biên - Vùng đất giàu bản sắc văn hóa, lịch sử

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng, phong phú.

Về văn hóa vật thể: Cùng với những nét đặc trưng như ruộng bậc thang, hệ thống mương - phai - lái - lín, Điện Biên còn có những mái nhà sàn được trang trí bởi khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người dân tộc Thái) với nhiều kiểu dáng khác nhau. Ở khu vực rẻo cao của huyện Điện Biên Đông và huyện Tuần Giáo, người Mông khéo léo dựng các nếp nhà trình tường có kiến trúc độc đáo bằng đất, phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây. Ở vùng biên giới giáp Lào, các bản của người Khơmú với các nếp nhà nằm sát cạnh nhau. Có thể thấy, mỗi dân tộc lại có phong tục, tập quán riêng, cùng nhau làm nên diện mạo một Điện Biên giàu bản sắc văn hóa các tộc người.

Về di sản văn hóa phi vật thể: Điện Biên có nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng), Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)…1 ; thiên tình sử “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao) của dân tộc Thái; trường ca “Tiếng hát làm dâu” của dân tộc Mông; các làn điệu dân ca của các dân tộc: Thái, Cống, Si La, Mông, Khơmú; các điệu dân vũ: xòe (Thái, Lào); điệu múa tăng bu, tăng bẳng (Khơmú), múa khèn (Mông), múa trống (Hà Nhì) được biểu diễn cùng các loại hình nhạc cụ truyền thống phong phú.

Bên cạnh đó, Điện Biên cũng là tỉnh có nhiều trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống và lễ hội lịch sử: Lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Điện Biên 7/5; Lễ hội Hoa Ban - lễ hội thể hiện sự tri ân của nhân dân đối với công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối, cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc; lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: xên bản, xên mường, xên lẩu nó, kin pang then, pang then, kin khẩu mấu (các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái); xé pang ả (các dân tộc thuộc nhóm Môn - Khơme); co nhẹ chà, de khù chà (dân tộc Hà Nhì); khlang khùa, quá tang, tủ cải, dù su (dân tộc Mông, Dao)... Các trò chơi dân gian: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh khăng, đánh lông gà, tó mắk lẹ, đánh cù, hát qua ống, tù lu, đua ngựa, bắn nỏ...

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều di tích lịch sử có giá trị nhân văn đã được hình thành trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, trong đó nổi bật nhất là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ với hệ thống Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm De Castrie).

Có thể nói, sự phong phú của hệ thống di sản văn hóa, lịch sử của Điện Biên đã có đóng góp quan trọng trong việc đa dạng hóa văn hóa Việt Nam, đồng thời trở thành yếu tố thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Vị trí, vai trò của di sản văn hóa, lịch sử trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, văn hóa được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, hợp tác, giao lưu với các quốc gia láng giềng về văn hóa được ông cha ta quan tâm, chú trọng, vận dụng linh hoạt, khôn khéo, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần gìn giữ và phát huy mối hòa hảo bang giao, đồng thời lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ và phát triển đất nước. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 chỉ rõ mục tiêu của công tác ngoại giao văn hóa trong hội nhập quốc tế là: “đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình; ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước”2.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa”3. Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều lĩnh vực mang lại nhiều cơ hội phát triển, song đưa đến không ít khó khăn, thách thức và hệ lụy khó lường. Trong lĩnh vực văn hóa, quá trình hội nhập đặt ra nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, nhất là yêu cầu hội nhập nhưng không hòa tan. Hội nhập là quá trình vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc... tạo cơ hội thu hút khách du lịch và vốn đầu tư nước ngoài. Trong hội nhập quốc tế về văn hóa, quan điểm của Đảng ta là hội nhập sâu sắc, toàn diện, qua đó làm phong phú, đặc sắc thêm nền văn hóa quốc gia, song phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc, tạo sức đề kháng ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực tế cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực và cơ hội mới để văn hóa nước nhà phát triển đa dạng, phong phú hơn. Cùng với việc xuất hiện nhiều loại hình văn hóa, trong đó có những thiết chế văn hóa mới, sản phẩm văn hóa cũng gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng, bước đầu hình thành thị trường văn hóa theo hướng tích cực, đặt ra yêu cầu cạnh tranh lành mạnh - sản phẩm văn hóa có chất lượng tốt hơn, mẫu mã hấp dẫn và đa dạng hơn, giá cả hợp lý hơn... Nhờ tích cực giới thiệu và quảng bá, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, được bạn bè quốc tế quan tâm, tìm hiểu, tham quan. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia.

Hội nhập quốc tế về văn hóa còn đem đến cơ hội trao đổi học thuật, trao đổi phương pháp, chiến lược kinh doanh về văn hóa với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Việt Nam bước đầu tạo ra nhiều phương thức và cách làm hay, tăng cường cử cán bộ, chuyên gia tham quan, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, tiếp thu kinh nghiệm về quản lý văn hóa ở tầm vĩ mô tại các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hội nhập quốc tế cũng có những tác động tiêu cực về văn hóa, xã hội, kinh tế... Đó là sự khủng hoảng và xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc; một số chuẩn mực đạo đức, văn hóa bị lai căng, tha hóa... Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do chưa có mô hình và chế tài quản lý phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Do đó, đòi hỏi các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa phải đầu tư nghiên cứu, kịp thời đưa ra những biện pháp và chế tài quản lý phù hợp, từ đó từng bước hạn chế tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

3. Những kết quả bước đầu trong phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh Điện Biên trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế

Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế nhấn mạnh: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa - xã hội. Hội nhập trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước”4. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 10/12/2014, Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; ngày 03/8/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 2269/KH-UBND về triển khai Chiến lược Văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch được tăng cường, kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa: biểu diễn giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, hoạt động du lịch trong nước và quốc tế; tổ chức các hội thảo, hội nghị về các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh có sự tham gia của bạn bè quốc tế, đặc biệt là các địa phương có mối quan hệ truyền thống với tỉnh. Đồng thời, gắn kết các hoạt động văn hóa đối ngoại với việc vận động, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút khách du lịch quốc tế, tăng cường trao đổi thương mại, tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ giữa tỉnh với quốc tế. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra phương hướng: “bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển… Quyết tâm đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững”5.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử ở tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, khoanh vùng, cắm mốc, trùng tu, tôn tạo các di tích được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, toàn tỉnh đã kiểm kê 67 di tích, trong đó 27 di tích được các cấp có thẩm quyền xếp hạng; xác định 45 mốc khoanh vùng bảo tồn cho di tích lịch sử văn hóa Thành Bản Phủ (thành lũy được Hoàng Công Chất xây dựng ở châu Ninh Biên, phủ An Tây vào giữa thế kỷ XVIII, ngày nay là huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); cắm 191 biển báo, biển chỉ dẫn tại các điểm di tích, công trình văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các di tích: Chiến trường Điện Biên Phủ, Tháp Mường Luân, Tháp Chiềng Sơ, hang Mường Tỉnh (huyện Điện Biên Đông), Thành Bản Phủ, động Pa Thơm (huyện Điện Biên), hang động Xá Nhè và Khó Chua La (huyện Tủa Chùa); bổ sung, lưu giữ, quản lý 12.403 hiện vật trong các bảo tàng và ban quản lý di tích6.

Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cũng được tỉnh thực hiện thường xuyên, hiệu quả: tổng kiểm kê thực trạng di sản văn hóa phi vật thể của 18 dân tộc; triển khai xây dựng hồ sơ các di sản văn hóa, trong đó di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, kết quả có 12 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục: Lễ cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì; Lễ Tủ cải (Lễ cấp sắc) của người Dao quần chẹt, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa... Nhiều di sản văn hóa của các dân tộc được bảo tồn tốt: Tết cổ truyền Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, Lễ cúng cơm mới, Lễ cầu mưa, Lễ lên nhà mới, Lễ cưới hỏi truyền thống và đặt tên cho trẻ của dân tộc Thái, Lễ hội Hạn khuống (lễ hội truyền thống có trình diễn nhiều thể loại văn hóa dân gian sau mùa thu hoạch)...

Việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương được đặc biệt chú trọng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các giá trị di sản văn, hóa lịch sử được quan tâm đẩy mạnh; kết hợp quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông và trực quan tại các di sản văn hóa, lịch sử. Tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá; xuất bản tài liệu song ngữ Việt - Anh, Việt - Lào, Việt - Thái; sản xuất phim tài liệu, video clip... giới thiệu giá trị di sản văn hóa đặc sắc của tỉnh. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã sản xuất 13 phim phóng sự, 60 video clip, 32 phim lồng tiếng Thái, tiếng Mông. Nhiều chợ phiên được khuyến khích duy trì: chợ Tả Sìn Thàng, Xá Nhè (Tủa Chùa), chợ Vàng Lếch (Nậm Pồ), chợ biên giới A Pa Chải (Mường Nhé)...

Trên cơ sở những hoạt động đó, Điện Biên đã và đang phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần đưa du lịch trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tỉnh Điện Biên cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường đầu tư đồng bộ, đẩy mạnh hơn nữa việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Ngoài nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và Trung ương, cần xã hội hóa việc đầu tư, kêu gọi các nguồn kinh phí của các doanh nghiệp tư nhân, cá nhân, các nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài, khuyến khích cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tư kinh doanh tại quê hương.

Hai là, xây dựng những giải pháp căn cơ, các thiết chế và chế tài quản lý văn hóa phù hợp, đồng bộ, nhằm phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư và toàn xã hội trong việc bảo tồn cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Bốn là, kết hợp quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa - lịch sử với việc phát triển du lịch. Tăng cường tài liệu (sách, báo, tờ quảng cáo, băng hình video, phim tư liệu...) tại các tour, tuyến, điểm du lịch..., nhằm tích cực giới thiệu, quảng bá truyền thống lịch sử, con người, văn hóa của tỉnh Điện Biên.

Năm là, hỗ trợ kinh phí, tổ chức cho các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa - lịch sử và các nghệ nhân, nhân chứng lịch sử tham gia nghiên cứu, trao đổi, tham quan và trình diễn ở nước ngoài; đồng thời, mời các nhà nghiên cứu, chuyên gia quản lý văn hóa, các nghệ nhân nước ngoài trình diễn, giới thiệu văn hóa của các quốc gia, tộc người trên thế giới tại tỉnh Điện Biên.

Sáu là, đẩy mạnh việc giáo dục, phổ biến rộng rãi về truyền thống, lịch sử, văn hóa, con người Điện Biên cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Chú trọng khai thác các yếu tố văn hóa, sản phẩm văn hóa mang dấu ấn, đặc trưng vùng miền nhằm tăng tính cạnh tranh với các địa phương khác, đồng thời tăng tính hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.


Bài đăng trên Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 8 năm 2023.

Ngày nhận bài: 05/12/2023; Ngày phản biện: 11/12/2023; Ngày duyệt đăng: 15/12/2023.

1. Lan Phương: Điện Biên chú trọng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Điện Biên, ngày 23/9/20230, http://www. dienbien.gov.vn/portal/Pages/2020-8-5/VPUB--Dien-Bien-chu-trongcong-tac-bao-ton-va-phatbd7tqt.aspx.

2. Xem Quyết định số 2013/QĐ-TTg, ngày 30/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược ngoại giao văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế - tầm nhìn đến năm 2030.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 135.

4. Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế.

5. http://dienbien.dcs.vn/Cms_Data/Contents/TinhUy/Folders/QuanLyVanBan/contents/SVZ2JHW7WXNDQH2E/NGHI-QUYET-DAI-HOI-XIV.pdf.

6, 7. Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Kết luận số 01-KL/TU, ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên về Chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

PGS, TS. ĐẶNG BÁ MINH, ThS. NGUYỄN VĂN HÙNG

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin