“Parky” hay biểu hiện kích động của thế lực thù địch, phản động nhằm chia rẽ dân tộc Việt Nam

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc” . Trong thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Tiktok xuất hiện rất nhiều bình luận với từ lóng “Parky” - có nghĩa là Bắc Kỳ. Không đơn giản chỉ dừng lại ở việc nói xấu, hạ bệ hay phân biệt vùng miền, những bình luận này còn có mục đích sâu xa, ý đồ xấu khác; đó chính là làm mất đi tinh thần đoàn kết của dân tộc.

1. Nguồn gốc của “Parky”
Vào giữa năm 1934 - nửa đầu thế kỉ XIX, vua Minh Mạng đã chính thức đặt danh xưng Bắc Kỳ và Nam Kỳ thay cho cách gọi cũ là Bắc thành và Gia Định thành vốn giải thể trước đó một vài năm. Bắc Kỳ lúc này bao gồm các tỉnh từ Ninh Bình trở ra Bắc. Nhưng cách gọi này trở nên phổ biến hơn kể từ khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và dùng chính sách “chia để trị” nhằm chia rẽ các dân tộc, địa phương, tầng lớp nhân dân,... để thuận lợi trong quá trình thống trị. Chúng đã chia Việt Nam thành ba kỳ với chế độ cai trị khác nhau: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. 
Thời gian gần đây, theo trào lưu “sáng tạo”, “làm mới” ngôn ngữ tiếng Việt, một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ đã sử dụng kiểu nói lái, dùng từ “Parky” để chỉ “Bắc Kỳ”, hay “người miền Bắc”.
 2. Hệ quả không ngờ
Bắt đầu từ “trend” so sánh giữa phong cách ăn mặc, truyền thống và thuần phong mỹ tục hay những video đơn giản ghi lại cuộc sống hằng ngày được giới trẻ đăng lên mạng xã hội để chia sẻ đến mọi người nhằm mục đích lan toả những điều tốt đẹp, gây tiếng cười, giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, thì nay trào lưu này đã bị biến tướng. Không khó để tìm thấy những bình luận sử dụng cụm từ “Parky”, “dân Parky” hay “bọn Parky”... trên các nền tảng mạng xã hội đang phổ biến dành cho giới trẻ như Facebook, Tiktok,…
Đa số những bình luận này sẽ kéo theo hàng loạt tranh cãi, miệt thị và phản ứng gay gắt. Đặc điểm chung của những tài khoản để lại bình luận dạng này phần lớn là không có ảnh đại diện hoặc có nhưng chỉ là những nhân vật hoạt hình, thú cưng. Trang cá nhân của những tài khoản này cũng thường trống thông tin, không xác thực danh tính,… Thực chất, đây là một hành vi “ném đá giấu tay” nhằm kích động tư tưởng, tạo ra một thế hệ phân biệt vùng miền, gây mất tinh thần đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam của các cá nhân, thế lực thù địch hay tổ chức phản động. Chúng tạo ra những tài khoản mạng xã hội ảo để bình luận với mục đích xấu nhằm lôi kéo một số người dân có nhận thức kém, dễ bị kích động và đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước. Từ đó, những thành phần chống phá tạo ra một luồng suy nghĩ lệch lạc về người miền Bắc. Điều này cho thấy văn hoá ứng xử khi dùng mạng xã hội của một bộ phận người dùng còn kém, cùng với sự thiếu hiểu biết kiến thức về lịch sử mà có thể bị kéo vào theo âm mưu chia rẽ cộng đồng và lan truyền các thông tin xuyên tạc nhưng không hề hay biết. 
3. Minh chứng phản bác từ thực tiễn lịch sử
Cần khẳng định rằng, “Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, luôn được tỏa sáng, phát huy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta” . Trong lịch sử nước nhà, dù là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất, lần thứ hai hay cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nam Bộ luôn là tuyến đầu.
Tổng kết về đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam” .
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), miền Bắc đã một lúc làm hai nhiệm vụ, đó là: vừa đẩy mạnh sản xuất, giữ vững sự ổn định và vừa đóng vai trò là hậu phương quan trọng của miền Nam. Nhân dân miền Bắc đã làm việc không ngừng nghỉ để chi viện lực lượng, phương tiện và vật tư vào Nam chiến đấu với tinh thần “thóc không thiếu một cân”, “quân không thiếu một người”. Không chỉ góp sức người, sức của, sức mạnh tinh thần cho tiền tuyến, hậu phương miền Bắc còn tiếp nhận hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và con em miền Nam ra Bắc học tập, làm việc, chữa trị và phục hồi sức khoẻ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc thành công, đất nước thống nhất vào năm 1975, chấm dứt cuộc chiến tranh dài hơn 20 năm và đánh dấu thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, một trong những tác phẩm trọng tâm của chương trình môn Ngữ văn lớp 9, tác giả Phạm Tiến Duật đã viết: 
“Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”
Vậy đó, hình ảnh những chiếc xe đã bị bom đạn chiến trường tàn phá, biến dạng, thậm chí không còn đủ các chi tiết bảo đảm an toàn nhưng vẫn “có một trái tim” dẫn dắt, không quản ngại chạy trên con đường Trường Sơn gập ghềnh, bất chấp mọi hiểm nguy “vì miền Nam phía trước”. Biết bao người con miền Bắc đã hiến dâng máu thịt và cả tính mạng của mình, sẵn sàng chiến đấu kiên cường vì miền Nam thân yêu. Những trái tim “Bắc Kỳ” đó vì “nghĩa đồng bào” mà đau xót trước cảnh nhân dân miền Nam sống trong khói bom thuốc súng. Họ đã lên đường “Nam tiến”, mang theo hành trang là tình yêu quê hương đất nước, khát vọng hoà bình và mong muốn giành lại tự do cho nhân dân, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. 

Vào cuối năm 2021, khi làn sóng dịch Covid -19 bùng phát và lan rộng, một lần nữa miền Nam lại là tuyến đầu của cả nước. Hưởng ứng lời kêu gọi hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 tại miền Nam, hàng nghìn y, bác sĩ miền Bắc đã gác lại chuyện công việc và gia đình để chuẩn bị lên đường cho chuyến đi không biết rõ ngày về. Các bệnh viện ở tuyến trung ương phía Bắc đã cử nhân sự tới thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch ở phía Nam. Điển hình, Bệnh viện Bạch Mai đã cử hơn 200 bác sĩ vào thành phố Hồ Chí Minh để vận hành phòng chăm sóc đặc biệt 500 giường tại Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 16. Ngoài ra, đội ngũ các bác sĩ, y tá khi đó là lực lượng nòng cốt của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tham gia phối hợp, đồng hành với lực lượng y tế các tỉnh, thành phố ở miền Nam để cấp cứu, chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh nhân bị Covid-19. Họ đã cùng nhau đồng lòng “Nam tiến” tham gia công tác phòng chống dịch mà không quản ngại khó khăn, vất vả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ra lời hiệu triệu truyền đến đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Và một lần nữa, toàn thể nhân dân đã chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân” . 
Thế nhưng, chỉ vì vài bình luận mang tính đả kích, chia rẽ trên mạng xã hội của các thế lực thù địch, nhiều cá nhân đã hùa theo, “vô tình” cổ xuý cho những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, cho rằng những điều không tốt đẹp hay những việc xấu đều đến từ người miền Bắc. Ai cũng có lý lẽ riêng của mình để bảo vệ quê hương, vùng miền của họ. Khi những bình luận “Parky” ngày càng lan truyền mạnh trên mạng xã hội thì nhiều bạn trẻ miền Bắc đã có thái độ tức giận, “phản bác” lại, mỗi người một ý và để rồi lẽ ra “người trong một nước phải thương nhau cùng” thì lại trở nên hằn học, “đá xéo”, mỉa mai, châm chọc nhau, khiến sự mâu thuẫn phân biệt vùng miền càng thêm sâu sắc. Hệ quả là đã xuất hiện một trào lưu mất kiểm soát ngôn từ trên không gian mạng, khiến thế lực thù địch, phản động dựa vào đó để tuyên truyền những quan điểm sai trái, với những âm mưu xấu xa nhằm gây mâu thuẫn, ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. 
4. Kiên trì đấu tranh ngăn chặn âm mưu chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch, phản động
Những chiêu trò chống phá chính sách đại đoàn kết của những kẻ cơ hội chính trị này trên không gian mạng không phải là mới mẻ gì nhưng luôn được chúng lợi dụng triệt để dưới nhiều hình thức khác nhau với nhiều thủ đoạn. Với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, thay đổi thường xuyên, liên tục, các thế lực thù địch muốn “hướng lái” dư luận, nhất là thế hệ trẻ, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn âm mưu thâm độc, nham hiểm này, nếu không sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần đoàn kết dân tộc và gây ra các hệ lụy khác trong xã hội.
Thứ nhất, mỗi người dân cần trang bị vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết, nâng cao nhận thức, phân biệt đúng sai để tránh “nối giáo cho giặc”. Phải hết sức tỉnh táo trước những chiêu trò kích động, gây hiềm khích giữa các vùng miền; tích cực phản bác lại những luận điệu sai trái, xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một” . “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” . Đây là chân lý ngàn đời, là ý chí sắt đá bảo vệ toàn vẹn non sông mà không một thế lực nào có thể phá vỡ được.
Thứ hai, cần siết chặt việc kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng xã hội, tăng tính minh bạch và trách nhiệm. Trong thời đại số ngày nay, không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet mang lại, đặc biệt là sau đại dịch Covid - 19. Thế nhưng, đây cũng là mối lo ngại đối với quốc gia khi những thông tin chưa được xác thực, sai lệch, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước được những phần tử phản động phát tán trên không gian mạng, mà từ lóng “Parky” chính là một ví dụ điển hình. Vấn đề này cần được ngăn chặn kịp thời bởi nguy cơ gây mất đoàn kết dân tộc, đe doạ trật tự an ninh xã hội. 
Thứ ba, các trang mạng xã hội của cơ quan Nhà nước và cơ quan báo chí chính thống, phát thanh, truyền hình Trung ương cần tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận trước những thông tin xuyên tạc nói chung và những bình luận kiểu “Parky” nói riêng. Từ đó sẽ giúp người dùng hiểu hơn và có thể nhận diện được các thủ đoạn cũng như nội dung thông tin sai lệch, “miễn dịch” trước sự kích động của thế lực thù địch, phản động. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc báo cáo và ngăn chặn, đối phó với tin tức giả mạo, sai sự thật.
Thứ tư, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp cá nhân hay tổ chức có những hành vi gây chia rẽ đoàn kết dân tộc trên các nền tảng mạng xã hội. Để làm được điều này, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an nhằm kiểm tra, xác minh và truy vết những đối tượng vi phạm, có ý đồ xấu, chia rẽ tình đoàn kết dân tộc.
Thông tin trên mạng xã hội hiện nay đang bùng nổ gây mâu thuẫn, mất ổn định; những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước đang ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn hơn. Có thể thấy, việc chia rẽ dân tộc, vùng miền là một thủ đoạn vô cùng nguy hiểm nằm trong âm mưu “diễn biến hoà bình” mà các thế lực thù địch đã và đang thực hiện. Trong bối cảnh này, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân là điều rất cần thiết. Đấu tranh phòng chống những tin tức gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết được xem là trách nhiệm của mỗi người dân nhằm mục tiêu “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc” .


ĐẶNG THỊ THÚY HIỀN
Lớp Công tác tổ chức K41, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin