Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (ngày 22/8/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến hình tượng “cây tre Việt Nam” như một sự ghi nhận những phẩm chất tốt đẹp, sức mạnh, đóng góp của mặt trận ngoại giao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 14/12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa lấy hình ảnh cây tre làm biểu tượng và định hướng cho việc xây dựng một trường phái ngoại giao độc đáo mang đậm bản sắc, với các đặc trưng chính là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”, “lạt mềm buộc chặt”1.
Dưới góc độ lịch sử, “gốc vững” của bản sắc ngoại giao Việt Nam bắt nguồn từ những triết lý và truyền thống ngoại giao của cha ông ta xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Bản sắc ngoại giao đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới; được làm đậm nét bởi hào khí đề cao chính nghĩa, lẽ phải, công lý, yêu chuộng hòa bình, giàu tính nhân văn của nhân dân ta. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, “gốc vững” chính là nền tảng tư tưởng của Đảng về đối ngoại được khái quát lên thành lý luận trong quá trình tiếp thu học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và các tinh hoa của nhân loại, trở thành cơ sở lý luận cho ngành ngoại giao Việt Nam viết tiếp những trang sử vẻ vang của mình.
Ngày nay, đề cập đến “cội gốc” của nền ngoại giao Việt Nam là nói đến truyền thống tự lực, tự cường, lợi ích quốc gia - dân tộc, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thêm vào đó, “cội gốc” của ngoại giao Việt Nam còn là tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng và sự tin yêu, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Sau lưng các nhà ngoại giao luôn có toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả hệ thống chính trị”2. Nhờ “gốc vững”, ngành ngoại giao Việt Nam đã tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đạt được nhiều thành tựu, qua đó góp phần để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”3.
Nền tảng tư tưởng của Đảng là “gốc vững” về lý luận để xây dựng một trường phái ngoại giao trong thời đại Hồ Chí Minh
Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung và đường lối đối ngoại Việt Nam nói riêng luôn là ánh sáng soi đường cho thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”4. Hơn 93 năm qua, trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nắm vững và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để đạt được mục tiêu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Nền tảng tư tưởng đó chính là kim chỉ nam cho mọi hành động, dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua những thời khắc khó khăn, “ngàn cân treo sợi tóc”, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là nền tảng cho đường lối đối ngoại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, chuyển phong trào cách mạng Việt Nam từ tự phát sang tự giác, dẫn dắt dân tộc giành độc lập, thống nhất. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại được hun đúc và kết tinh từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, truyền thống ngoại giao Việt Nam, kết hợp kinh nghiệm ngoại giao thế giới, được hình thành, bổ sung và phát triển trong thực tiễn quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, trên lĩnh vực đối ngoại, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn soi sáng cho công tác đối ngoại, thể hiện qua các nội dung cơ bản: Quan niệm về quốc tế và quan hệ chính trị quốc tế; mục tiêu đối ngoại; tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế; phương châm đối ngoại, phương pháp và nghệ thuật ngoại giao… Tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức phong phú, nhưng có thể khái quát là: Hòa hiếu; yêu chuộng hòa bình; nhân văn; chân thành; độc lập, tự chủ; tự lực, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; kiên định mục tiêu, nguyên tắc, nhưng linh hoạt, sáng tạo trong ứng xử và hành động thực tiễn.
Thực tiễn cho thấy, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để đề ra và lãnh đạo đường lối đối ngoại. Năm 1988, trong một bài nói chuyện về phương pháp luận cho cán bộ ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng khẳng định tầm quan trọng của phương pháp luận chính là “phương pháp hành động” để “quyết định chiến lược của Việt Nam”, “thấy được các bước phát triển của xã hội loài người” và kết luận “ngoại giao Việt Nam cũng phải nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác”. Bởi vì, “ngoại giao là một bộ phận của cuộc đấu tranh cách mạng chung trên thế giới, phải theo những quy luật chung của phương pháp luận chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử”5, để từ đó có sự vận dụng sáng tạo trong nhận thức quy luật phát triển của quan hệ quốc tế và hoạch định, triển khai đường lối đối ngoại.
Đường lối đối ngoại của Đảng luôn được phát triển và đổi mới cho phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam, dựa trên “gốc vững” là nền tảng tư tưởng của Đảng. Xuất phát từ mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, việc đổi mới tư duy đối ngoại luôn là một nội dung trọng tâm trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bài học thành công của đổi mới tư duy đối ngoại Việt Nam là luôn nắm bắt thời cuộc, đánh giá đúng và trúng thời cơ trong từng giai đoạn cụ thể của cách mạng, xác định vấn đề “đối tác” và “đối tượng”, từ đó tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, tận dụng thế và lực, nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng. Gần như qua mỗi kỳ đại hội đảng, đổi mới tư duy đối ngoại đều đánh dấu một bước phát triển mới trong đánh giá tình hình quốc tế, hoạch định và triển khai đường lối đối ngoại, để từ đó bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả hơn lợi ích quốc gia - dân tộc.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam là bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc xâm lược. Tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại xác định rõ “ngoại giao là một mặt trận” đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam do Đảng khởi xướng và trực tiếp lãnh đạo được thể hiện rõ nét và đặc sắc. Nghị quyết số 13/NQ-TW, ngày 20/5/1988 của Bộ Chính trị khóa VI về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới đã nhận định: “Kinh tế yếu kém, bao vây về chính trị và cô lập về kinh tế là những đe dọa chính đối với an ninh và độc lập của đất nước ta”, từ đó đưa đến thay đổi nhận thức về những điều kiện cần bảo đảm an ninh quốc gia chính là “một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một mối quan hệ hợp tác rộng mở”. Theo đó, nhận thức mới về an ninh quốc gia mang tính toàn diện hơn, bao gồm cả mục tiêu bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định để phát triển.
Trên cơ sở xác định giữ vững môi trường hòa bình và phát triển kinh tế là mục tiêu chiến lược, lợi ích cao nhất của toàn Đảng và toàn dân ta, việc đổi mới tư duy đối ngoại nhấn mạnh vào lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết đã góp phần xây dựng nền tảng lý luận vững chắc cho đường lối đối ngoại Việt Nam sau này. Trước hoàn cảnh bị thế giới bao vây, cấm vận, tình hình trong nước gặp khó khăn về mọi mặt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã tìm cách tháo gỡ bế tắc bằng con đường đối ngoại thông qua tuyên bố “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và phát triển” 6, “không phân biệt chế độ chính trị - xã hội khác nhau trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”7. Đồng thời, việc chính thức xác định “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”8 chính là bước chuyển rất quan trọng và cần thiết để có cơ sở xây dựng mục tiêu và ưu tiên chính sách đối ngoại nhất quán của Đảng ta sau này.
Trong quá trình đổi mới tư duy, Việt Nam xác định và luôn nhìn nhận môi trường đối ngoại trong trạng thái động, không ngừng biến đổi, vì vậy, cần phải kiên định về nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược, luôn nắm bắt thời cơ và có đối sách thích hợp trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo đảm nguyên tắc “các bên cùng có lợi”. Theo đó, gần 40 năm qua kể từ khi đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế rất hiệu quả, thực chất, đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của thực tiễn và lý luận về quan hệ quốc tế.
Nền tảng tư tưởng của Đảng soi sáng, dẫn dắt hoạt động đối ngoại Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Có thể thấy, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (năm 1945) đến nay, hoạt động đối ngoại của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là minh chứng sinh động, kết quả cụ thể nhất về quá trình đổi mới nhận thức và tư duy đối ngoại của Đảng ta. Nói cách khác, chính nhờ “cội gốc bền vững” mà thực tiễn triển khai đối ngoại của Đảng ta đã có thể “thân chắc, cành uyển chuyển”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nền ngoại giao cách mạng Việt Nam đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược và là bộ phận cấu thành quan trọng trong đường lối cách mạng, luôn sát cánh cùng mặt trận quân sự để đưa kháng chiến đi đến thắng lợi. Mặt trận ngoại giao đã cùng với mặt trận quân sự “vừa đánh, vừa đàm” và cụ thể hóa những thắng lợi ở chiến trường trên bàn đàm phán tại Hội nghị Geneve (năm 1954) và Hội nghị Paris (năm 1973). Ngoại giao đã đi tiên phong trong việc tạo lập một mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử, ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc để non sông Việt Nam thu về một mối vào mùa Xuân năm 1975, mở ra thời kỳ mới cho đất nước - cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi chiến tranh kết thúc, toàn Đảng, toàn dân Việt Nam bước vào công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước, ngoại giao có sứ mệnh mới, góp phần quan trọng tạo dựng và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đồng thời, linh hoạt, sáng tạo tìm phương cách mới thúc đẩy hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần nâng cao thế và lực cho đất nước. Ngoại giao là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh đưa Việt Nam thoát khỏi thế bị cô lập về chính trị, bao vây và cấm vận về kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn chồng chất khó khăn này, ngành ngoại giao đã có những ý kiến tham mưu, đề xuất chính xác, kịp thời giúp lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ra quyết sách phù hợp cả về chính sách đối ngoại và kinh tế - xã hội. Đồng thời, ngành ngoại giao cũng tích cực tham gia giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại của đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, chứng kiến nhiều đổi thay, điều khiến người dân Việt Nam rất đỗi tự hào là vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Điều này đạt được là nhờ có sự đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam. Sức mạnh của ngoại giao bắt nguồn từ việc triển khai đường lối đối ngoại toàn diện cùng tất cả trụ cột đối ngoại (đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nghị viện, đối ngoại nhân dân), trên cả bình diện song phương và đa phương, cũng như trải đều khắp các trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa.
Trên cơ sở kế thừa nền tảng và kinh nghiệm đối ngoại của thời kỳ trước, ngoại giao đã đi đầu, đóng vai trò tiên phong, mở đường, phát triển và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu, mở rộng các thị trường, lĩnh vực hợp tác mới, thu hút các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Điều này được thể hiện qua việc từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 192 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 3 nước có quan hệ đặc biệt, 4 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện.
Nhìn lại thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, có thể khẳng định, “cội gốc” của ngoại giao chính là truyền thống tự lực, tự cường, là lợi ích quốc gia - dân tộc, được dẫn dắt bởi nền tảng tư tưởng của Đảng. “Thân chắc, cành uyển chuyển” chính là thành tựu về tư duy và hành động, được nuôi dưỡng, nảy nở và phát triển từ “gốc vững”. Trong đó, “thân chắc” chính là bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách, khó khăn, là cốt lõi của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong thời kỳ đổi mới đã được thực tiễn kiểm chứng và vun đắp trong suốt gần 40 năm qua; “cành uyển chuyển” là ứng xử “dĩ bất biến ứng vạn biến”9, là khả năng thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh trước những biến động ngày càng phức tạp, khó lường của thời cuộc.
Ngoại giao Việt Nam kiên định theo đường lối đối ngoại của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Thực tiễn gần 80 năm qua đã khẳng định, do có “cội gốc” là nền tảng tư tưởng của Đảng và một lòng vì lợi ích quốc gia - dân tộc nên ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới, thời đại và thời cuộc. Thế giới càng biến động, đối ngoại Việt Nam càng cần “cái gốc vững bền”.
Bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng chính là xây cho gốc vững bền, tâm sáng, ý chí, đạo đức công vụ trong sạch, vững mạnh, bảo vệ cán bộ trước cái xấu, cái ác ngay “từ sớm, từ xa”. Điều hết sức quan trọng là phải luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những nhiệm vụ đối ngoại cấp bách hiện nay. Từ đó mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và không ngừng nâng cao vị thế đất nước. Để giữ “gốc vững”, để “thân cành” mạnh mẽ vươn cao, vươn xa, đối ngoại Việt Nam cần tập trung vào một số trọng tâm ưu tiên sau:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi cho đất nước. Những thành tựu to lớn đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong 78 năm qua kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập đến nay đã và đang tạo tiền đề để đất nước bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Vai trò tiên phong và nhiệm vụ thường xuyên của đối ngoại được Đảng ta chỉ ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ và thuận lợi cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Trong đó, giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Có thể thấy, sứ mệnh của đối ngoại là đưa đất nước vào vị trí có lợi nhất trong mọi diễn biến của tình hình thế giới, khu vực cũng như dòng chảy chung của các xu thế quốc tế và tương quan lực lượng chính trị thế giới, nhằm tạo ra bước đột phá mới, mở ra vận hội mới cho đất nước; đi đầu và đóng góp trực tiếp trong việc thực hiện và bảo vệ lợi ích, gìn giữ an ninh cũng như thúc đẩy quốc gia phát triển.
Nhiệm vụ bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực đối ngoại được cụ thể hóa qua việc không ngừng rà soát, nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn để đề xuất, luận chứng giải pháp đối ngoại nhằm bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, những thành tựu phát triển của đất nước. Từ đó, nền ngoại giao hiện đại phải không ngừng phát huy vai trò tiên phong trong dự báo, xác định xu hướng, đưa nền tảng tư tưởng của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, cũng như biết vận dụng sáng tạo những giá trị thời đại trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại.
Thứ hai, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trên nền tảng tư tưởng của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Nếu nền tảng tư tưởng của Đảng soi đường, chỉ lối và dẫn dắt đối ngoại Việt Nam trong thực tiễn cách mạng, thì đối ngoại góp phần tăng cường, bồi đắp, phát huy, làm sáng tỏ những vấn đề về đối ngoại trong nền tảng tư tưởng của Đảng vào thực tiễn; từ đó, đóng góp vào quá trình đổi mới tư duy, làm vững chắc hơn nữa cơ sở lý luận và thực tiễn về công tác đối ngoại của Đảng.
Đối ngoại vì thế phải toàn diện và hiện đại, thiết thực và hài hòa giữa tính thời đại với tính định hướng lâu dài, bảo đảm mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa lý luận và thực tiễn. Lần đầu tiên vấn đề xây dựng “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” được đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đó là nền ngoại giao kiên định với lập trường quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi nhất, năng động, sáng tạo, thích ứng với mọi chuyển biến của tình hình, ngang tầm khu vực và vươn tầm quốc tế.
Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu, củng cố và phát triển lý luận về trường phái ngoại giao Việt Nam trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Đảng, kế thừa bản sắc ngoại giao truyền thống cha ông và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại. Để đáp ứng yêu cầu công tác hiện nay, mỗi cán bộ ngoại giao cần quán triệt sâu sắc phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phải nhìn cho rộng suy cho kỹ”; vận dụng sáng tạo “ngũ tri” (biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, tùy cơ ứng biến, lạt mềm buộc chặt) để “biết tiến, biết thoái, biết dừng, biết biến” vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong nghiên cứu dự báo tham mưu cần đánh giá tổng thể kỹ lưỡng, nhiều mặt, nhiều chiều cả về đối nội và đối ngoại, diễn biến thời cuộc, thế và lực của đất nước.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo phương châm “kiên định mục tiêu, nguyên tắc” nhưng “linh hoạt, sáng tạo, cơ động” trong sách lược ứng xử “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Nguyên tắc độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Điều này cần được vận dụng trong xử lý quan hệ với từng đối tác, từng bối cảnh và từng diễn đàn đa phương khu vực, quốc tế. Trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp, đối ngoại Việt Nam càng cần bình tĩnh, bản lĩnh trên cơ sở kiên định đường lối độc lập, tự chủ; đồng thời, phải khéo léo, tinh tế và sáng tạo trong xử lý các mối quan hệ.
Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, góp phần vào cuộc đấu tranh chung trên mặt trận tư tưởng nhằm bóc trần và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, trách nhiệm và nghĩa vụ để thấm nhuần và vững tin hơn vào công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn thể hiện ở việc luôn chủ động, kiên quyết đấu tranh dư luận và trong các hoạt động đối ngoại cụ thể nhằm phản bác và vô hiệu hóa những luận điệu sai trái, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động. Nhiệm vụ này cần được quán triệt và tiến hành thường xuyên, liên tục trong toàn thể hệ thống chính trị cũng như nhận thức của từng cán bộ, đảng viên trên mặt trận đối ngoại hiện nay.
Thứ năm, xây dựng “con người ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”, chú trọng công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại vừa “hồng” ở phẩm chất đạo đức, lý tưởng trung thành phụng sự Tổ quốc, vừa “chuyên” ở trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng, nghiệp vụ… có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bồi dưỡng cán bộ ngoại giao cũng chính là biện pháp cốt lõi để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về đối ngoại.
Thực tiễn đã minh chứng, trên con đường cách mạng chắc chắn sẽ có chông gai, thách thức, không tránh khỏi những lúc tâm tư và trăn trở, nhưng điều kiện tiên tuyết để mỗi đảng viên, cán bộ bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ được lý tưởng của mình, chính là không được quên những gian lao, vất vả, sự hy sinh và cống hiến lớn lao mà bao thế hệ cán bộ ngoại giao đã dày công gây dựng và vun đắp, để lại cho ngành ngoại giao những thành tựu và di sản to lớn.
Với niềm tin và bản sắc đó, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục vững bước trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện và luôn đặt trên vai trọng trách thiêng liêng nhất là bảo vệ và phát huy nền tảng tư tưởng của Đảng, để “gốc vững” và “thân cành mãi xanh tươi”, góp phần nâng cao cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc gia và triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
1, 2. Xem: Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Báo Chính phủ điện tử, ngày 14/12/2021, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm.
3, 4. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 32, 20.
5. Theo lược ghi bài nói của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch về phương pháp luận, tháng 5/1988.
6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 147, 146, 127.
9. Xem Thu Phương: Giữ vững bản sắc đối ngoại Việt Nam, ứng phó với vạn biến của thế giới, TTXVN/Vietnam+, ngày 18/01/2023, https://www.vietnamplus.vn/giu-vung-ban-sac-doi-ngoai-viet-nam-ung-pho-voi-van-bien-cua-the-gioi/841959.vnp.
Theo Tạp chí Cộng sản điện tử
Nguyễn Oanh tổng hợp