Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet ở Việt Nam

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Với sự phát triển nhanh chóng, rộng rãi của công nghệ thông tin, internet và các phương tiện truyền thông mới, truyền thông chính sách trên nền tảng internet ngày càng có vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng to lớn trong đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách, đáp ứng các yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

Sự ưu việt của hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet hiện nay

Ngày nay, hoạt động truyền thông chính sách đã phát triển ở một trình độ mới, với những điều kiện mới, được thể hiện ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, hệ sinh thái của truyền thông đã có những thay đổi sâu sắc, ngày càng hoàn thiện và đa dạng

Internet là một nền tảng thông tin xã hội lớn với sự tham gia của hàng tỷ người trên thế giới, nhu cầu của người sử dụng dịch vụ internet ngày càng đa dạng, số lượng người tham gia sử dụng dịch vụ internet ngày càng tăng, các hình thức dịch vụ ngày càng phong phú. Trước tình hình đó, hoạt động truyền thông trên nền tảng số thể hiện rõ đặc điểm truyền thông thuộc về mọi người, truyền thông đa hướng, truyền thông đại chúng, với rất nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau của cộng đồng mạng, trong đó, mọi người đều có thể đưa ra ý kiến và tạo ảnh hưởng đến dư luận. Các phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram, Zalo... và thiết bị đầu cuối di động đã thực sự trở thành “trung tâm phân phối thông tin” và “thị trường truyền thông xã hội”. Điều này tạo tiền đề làm thay đổi cơ bản hệ sinh thái truyền thông xã hội nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, trong đó, chủ thể, đối tượng, thông điệp truyền thông đều bị chi phối rất nhiều bởi tính chất mở, động, tương tác mạnh mẽ của môi trường internet và các phương tiện truyền thông mới.

Công nghệ mạng đã mở ra một cuộc cách mạng về nguồn thông tin, luồng thông tin đa chiều và có tính tương tác cao. Trong quá trình tương tác với dòng thông tin mạng, các cơ quan từ Trung ương đến địa phương ngày càng chủ động quản lý khủng hoảng trong thời đại internet. Tình hình xử lý khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 bùng nổ và lan rộng trong hơn hai năm qua đã cho thấy điều đó. Hiện nay, chính phủ ở nhiều nước đang đẩy mạnh việc thiết lập một nền tảng giao tiếp trên internet với người dân, sự tham gia chính trị trực tuyến của người dân có thể cung cấp thông tin để ban hành quyết định, mở rộng các nguồn của nghị trình về chính sách công, từ đó nâng cao chất lượng của các chính sách này. Cơ chế đó dựa trên sự tương tác lành mạnh giữa chính quyền và người dân trên nền tảng internet, đồng thời thúc đẩy việc giao tiếp và tích cực tham vấn với công chúng thông qua đối thoại để đạt được lợi ích công.

Thứ hai, mục tiêu, phương thức, mô hình và các kênh truyền thông chính sách không ngừng được mở rộng, đa năng hóa

Trước đây, phương thức truyền thông chính sách chủ yếu tập trung vào sự kiểm soát, tuyên truyền một chiều từ trên xuống dưới bằng hình thức mệnh lệnh hành chính, thông báo hoặc phát bản tin; hoạt động truyền thông chính sách cơ bản nằm trong các kênh thông tin, truyền thông chính thống của Nhà nước. Trong thời đại truyền thông trên nền tảng internet hiện nay, không có ngưỡng cho “truyền thông cơ sở”, mọi người đều là truyền thông viên, bình luận viên, phát ngôn viên, ai cũng có thể trở thành “nhà sản xuất thông tin”, những cư dân mạng bình thường cũng có quyền “lên tiếng” trên các nền tảng internet thông qua phương tiện truyền thông. Theo đó, mô hình truyền thông hiện nay đang chuyển dịch theo hướng đi từ biên vào trung tâm với tính chất đa dạng, linh hoạt, gần gũi với đời sống, dễ dàng tạo ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Do vậy, hoạt động truyền thông chính sách cũng dần chuyển từ tuyên truyền một chiều sang tương tác một cách đa hướng. Nội dung thông tin chính sách cũng đã thay đổi từ đóng sang mở, cho phép được chia sẻ trên mọi nền tảng internet.

Với thuộc tính tự do và tính tương tác cao, internet thiết lập một cơ chế trao đổi thông tin hai chiều, tạo ra một kỷ nguyên mới về đa dạng thông tin và thảo luận tự do. Internet bảo vệ quyền bình đẳng, quyền được tự do ngôn luận của mọi người; ý kiến, bình luận, phản hồi của dư luận có thể nhanh chóng được thu thập trực tuyến để hình thành liên minh lợi ích và các hành động tập thể trực tuyến có thể được sử dụng để nghị trình đến chính quyền, ảnh hưởng đến hành vi ra quyết định xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các vấn đề liên quan đến chính sách công của cơ quan nhà nước. Có thể nói, internet đã mang đến những kênh thông tin, truyền thông công cộng tiết kiệm và tiện lợi hơn. Sự tiếp xúc, trao đổi giữa chính quyền và người dân từng bước được hiện thực hóa rõ nét và ngày càng sâu rộng. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng internet đã làm thay đổi cách thức tương tác và giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với công chúng.

Thứ ba, hiệu quả của việc phổ biến chính sách được tối ưu hóa liên tục

Các kênh tuyên truyền, phổ biến chính sách trước đây chủ yếu là đài truyền hình, truyền thanh, cơ quan báo chí trung ương và địa phương, do đó, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách mất nhiều thời gian và khó bảo đảm tính kịp thời. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách bị hạn chế rất nhiều bởi công nghệ, việc sao lưu thông tin chính sách thường không hoàn hảo, dễ bị mất hoặc bị làm sai lệch thông tin trong quá trình truyền tin. Ngày nay, với công nghệ internet ngày càng phát triển, tốc độ truyền tải thông tin ngày càng nhanh, đồng thời có thể tích hợp văn bản, âm thanh, hình ảnh, video để truyền tải trên các nền tảng internet. Hơn nữa, trên internet, việc truyền thông chính sách không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian; thông tin chính sách công có thể được công bố và được tải lên cùng lúc trên mọi nền tảng khi phát hành. Tất cả các dữ liệu có thể được mở rộng, truyền sang không gian ảo, giảm diện tích chiếm dụng của không gian vật lý, và dữ liệu có thể được lưu trữ vĩnh viễn.

Ở Việt Nam, nhận thức được vai trò quan trọng và sự lan tỏa mạnh mẽ của internet, thực hiện Chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ, các cơ quan nhà nước và các đơn vị làm công tác thông tin, truyền thông đã không ngừng tiến hành chuyển đổi số, mở rộng các kênh thông tin trên nền tảng internet. Bên cạnh các kênh truyền thông chính như cổng thông tin điện tử, họp báo, hội nghị, hội thảo, nhiều kênh mới được đưa vào sử dụng. Các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Zalo, Youtube... được một số cơ quan, đơn vị khai thác tối đa để tăng cường thông tin, truyền thông chính sách và tương tác mạnh mẽ hơn với công chúng, như các trang Facebook Thông tin Chính phủ, Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Diễn đàn cạnh tranh quốc gia... Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, hàng loạt trang Facebook, Zalo... và các trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương được phát huy mạnh mẽ trong hoạt động truyền thông chính sách, hướng dẫn người dân trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, số lượng các báo, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cấp chính quyền gia tăng nhanh chóng, chất lượng có sự nâng cấp rõ rệt, thông tin đồng bộ, kịp thời, hình ảnh ngày càng chuyên nghiệp hơn, ứng dụng ngày càng sâu, rộng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu; đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, tuyên truyền viên được đào tạo, bồi dưỡng đã nhanh chóng tiếp cận được các mô hình “tòa soạn hội tụ”, kênh đa phương tiện, cách triển khai hoạt động truyền thông trên thiết bị di động để lan tỏa thông tin rộng rãi đến mọi người. Điều này làm cho hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet ở nước ta thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Các công cụ để lắng nghe dư luận xã hội được nhiều cơ quan, đơn vị sử dụng hiệu quả để thu thập ý kiến và phân tích phản hồi của dư luận xã hội, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, truyền thông chính sách trên nền tảng internet còn trở thành kênh kết nối, khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ, là kênh giám sát dư luận xã hội, từ đó, các cơ quan ban hành chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, phản ánh của nhân dân. Nhiều cơ quan chính quyền cũng đã tận dụng những ưu thế của cổng thông tin điện tử, dịch vụ công điện tử và các phương tiện truyền thông xã hội đăng tải các thông báo của cơ quan, đơn vị, địa phương để giải quyết công việc và kết nối thông tin đến người dân, triển khai thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân...

Một số thách thức đối với hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet hiện nay

Với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ, internet đã có ảnh hưởng quan trọng, không thể bỏ qua trong nghị trình hoạch định, thực thi chính sách công nói chung và truyền thông chính sách nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và hiệu quả to lớn, truyền thông chính sách trên nền tảng internet cũng gặp phải không ít thách thức, khó khăn, cụ thể như:

Thứ nhất, thách thức do tính tự do, không kiểm chứng của thông tin

Internet với thế mạnh có tính tương tác rất cao (đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Youtube, Instagram...), thúc đẩy nhiều hơn sự quan tâm, tranh luận xã hội, khiến người dân quan tâm hơn đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và các chính sách công của Nhà nước nói riêng; qua đó trở thành kênh phát huy dân chủ, góp phần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong thời đại internet, quyền tự do ngôn luận của người dân đã được phát huy cao độ, tạo nên một hệ thống thông tin “đa tâm”, “nhiều luồng”. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ sự ý thức về quyền công dân và thúc đẩy sự phát triển của một hệ sinh thái chính trị dân chủ hóa.

Tuy nhiên, thông tin trên internet có độ tin cậy rất hạn chế và tạo ra những rủi ro về nhiều mặt, do không được kiểm soát, không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn hoạt động, thông tin được đăng tải lên tùy thích. Một số người tham gia internet sẵn sàng đăng những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc sai sự thật nhằm phục vụ mục đích riêng của họ, làm cho công chúng tham gia internet rất khó chọn lọc và xử lý tất cả các thông tin để xác định được thông tin nào đúng hay sai, có ích hay vô ích, kênh thông tin đó có đáng tin cậy hay không?

Đối với việc truyền thông chính trị nói chung và truyền thông chính sách nói riêng, tình trạng dư thừa thông tin, sai lệch thông tin còn diễn ra khá phổ biến, làm tổn hại và lệch lạc thông điệp mà Chính phủ muốn gửi đến người dân, do đó, việc triển khai truyền thông chính sách không đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, việc tham gia đời sống chính trị nói chung và tham vấn chính sách nói riêng trên internet có những hạn chế nhất định. Ví dụ, do sự tồn tại của khoảng cách kỹ thuật số, dư luận trên internet chỉ đại diện cho ý chí của một số ít người và không thể thay thế ý kiến của số đông công chúng; một số cảm xúc và phát ngôn không hợp lý trên internet đã che khuất bản chất của các sự kiện quan trọng và cản trở nhận định đúng đắn của những người ra quyết định về chính sách công.

Thứ hai, thách thức do nhiễu loạn thông tin

Môi trường internet đã tạo ra một trữ lượng thông tin khổng lồ chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây còn là không gian rộng mở, đa chiều, có tính tương tác cao. Thông tin trên mạng trực tuyến được gia tăng hằng giây, hằng phút với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một không gian lưu trữ thông tin bất tận và chính những người tham gia môi trường internet cũng là những nguồn tin, tham gia trực tiếp vào quy trình “sản xuất” tin. Vì vậy, việc tạo ra một điểm nhấn, một trọng điểm truyền thông trên internet rất khó khăn. Việc đưa thông điệp của truyền thông chính sách trở thành nguồn chủ đạo trên không gian mạng càng là vấn đề không dễ dàng.

Hơn thế nữa, khi tiếp cận thông tin, phần lớn công chúng hiện nay chưa thực sự chủ động trong việc lựa chọn nội dung thông tin hoặc kênh truyền thông chủ yếu đọc và xem một cách thụ động, chỉ đọc và xem những gì hiển hiện trước mắt trên các thiết bị điện tử. Trong khi đó, các kênh truyền thông chính sách rất ít khi đến được với đông đảo công chúng trên nền tảng internet do thuật toán có phần đã bị lạc hậu, khả năng tương tác không cao, thông tin đưa ra đơn điệu, thiếu hấp dẫn, ít người quan tâm... Điều này tạo ra một nghịch lý, người dân có thể “bội thực” bởi những thông tin không chuẩn xác từ các nền tảng internet, song vẫn bị thiếu hụt các thông tin đáng tin cậy từ các kênh truyền thông chính thống. Thực trạng này làm cho mức độ “nhiễu” trong hoạt động truyền thông rất cao, làm người dân khó phân biệt được đúng - sai, thật - giả, không xác định, nắm bắt chính xác được thông điệp của truyền thông chính sách từ phía cơ quan nhà nước và làm suy giảm hiệu quả của quá trình truyền thông chính sách.

Thứ ba, thách thức do khó kiểm soát luồng dư luận trái chiều, xuyên tạc, thù địch

Bên cạnh những thông tin chính thống, toàn diện do các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đăng tải, có không ít tin giả, tin đồn, các phát ngôn thù địch, vu khống, bịa đặt, kỳ thị, thiếu căn cứ, lời lẽ kích động, xuyên tạc về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các nền tảng truyền thông xã hội... Mặt khác, hệ sinh thái truyền thông trên nền tảng internet đã tạo nên một nhóm KOLs (Key Opinion Leaders), Influencers là những người có sức hút và ảnh hưởng trên các mạng xã hội trực tuyến. Thông điệp, thông tin mà KOLs, Influencers đưa ra thường được “cư dân mạng” chia sẻ, ủng hộ và lan tỏa. Họ dần trở thành những người dẫn dắt tư tưởng, tinh thần và hành động cho một nhóm xã hội nhất định trên không gian mạng. Trong số đó, không ít người có động cơ không trong sáng, bất mãn với chế độ, luôn tìm cách “dắt mũi” dư luận; tấn công, đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức và thậm chí dè bỉu, nói bóng gió, bôi xấu chính sách của Nhà nước... Một số được dung dưỡng bởi các tổ chức thù địch bên ngoài, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước, thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, tuyên truyền phản động, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc triển khai thực hiện chính sách của quốc gia.

Thứ tư, thách thức do thiếu an toàn và thiếu kênh phản hồi hiệu quả

Tính ẩn danh của các tài khoản tham gia nền tảng internet, nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội đã làm suy yếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người tham gia. Một số đối tượng có ý đồ xấu đã sử dụng bộ nhận diện hình ảnh của cơ quan công quyền hoặc những nhà lãnh đạo, các chuyên gia, người nổi tiếng để tạo ra các tài khoản giả mạo, mạo danh để đăng tải những thông tin không chính xác, xuyên tạc hoặc những thông tin ngược với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này dễ làm cho công chúng nhầm lẫn, nhận thức sai về thông điệp truyền thông của Chính phủ, làm mất sự kết nối giữa người dân và cơ quan nhà nước; thậm chí tạo ra những ý kiến không đúng, phản ứng tiêu cực đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.

Mặt khác, trong bối cảnh internet, có rất nhiều tính năng tương tác, các kênh phản hồi chính sách đã được cải tiến và dần hoàn thiện, nhưng vẫn còn một độ trễ nhất định; việc xây dựng kênh phản hồi chính sách dựa trên nền tảng internet ở nước ta vẫn còn sơ khai, chưa thực sự tạo ra kênh phản hồi thuận tiện để người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến sâu hơn, đầy đủ, toàn diện và kịp thời hơn đối với các chính sách công.

Đây là những thách thức mà hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet bắt buộc phải đối mặt và xử lý trong quá trình ứng dụng các phương tiện truyền thông xã hội và cần có các phương án, cách thức, quy trình để ứng phó hiệu quả, kịp thời nhất.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông chính sách trên nền tảng internet thời gian tới

Thứ nhất, cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của internet đối với truyền thông chính sách

Quan điểm về truyền thông chính sách của Nhà nước cần được thay đổi theo hướng đổi mới - phối hợp - lành mạnh - chia sẻ - cởi mở (đổi mới hoạt động truyền thông với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan nhằm tạo lập môi trường internet lành mạnh, chia sẻ thông tin với tinh thần cởi mở); đồng thời, cần định hình lại các kênh truyền thông chính sách, phương thức truyền thông chính sách trên internet. Các cơ quan nhà nước cần có sự hiểu biết sâu sắc về mô hình quản lý công việc của chính quyền các cấp trên nền tảng internet và ứng dụng công nghệ trên không gian mạng nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra với sự trợ giúp của các phương tiện truyền thông mới, truyền thông đa phương tiện. Việc truyền thông chính sách trên môi trường internet cần có sự hỗ trợ kỹ thuật và tối ưu hóa các ý tưởng truyền thông chính sách.

Đội ngũ lãnh đạo các cấp cần xem xét, đánh giá những tác động của internet đối với truyền thông chính sách; tích cực tiếp thu tinh thần hội nhập và chia sẻ, khai thác tối đa internet, biến thành công cụ để giao tiếp, trao đổi, truyền tải thông tin chính sách đến với người dân một cách nhanh nhất, gần gũi và hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường xây dựng và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để thúc đẩy đổi mới hoạt động truyền thông chính sách

Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên cơ sở phát triển các công nghệ mạng là động lực và bảo đảm cho sự nâng cấp, đổi mới các hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet. Trong quá trình đổi mới công nghệ truyền thông chính sách, cần dựa trên cơ sở kỹ thuật số và sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện tích hợp các kênh truyền thông khác nhau. “Internet +” chủ yếu bao gồm các công nghệ cốt lõi như dữ liệu lớn (Big Data) và internet vạn vật (Internet of Things - IoT), có khả năng tích hợp cao các ngành công nghiệp truyền thông với internet. Các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp có thể sử dụng phương pháp này để đổi mới công nghệ truyền thông và hình thành cơ chế liên kết. Thực hiện liên kết giữa Chính phủ, doanh nghiệp và công chúng, đồng thời nâng cao ảnh hưởng của truyền thông chính sách.

Một mặt, cần cải thiện các trang web, trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội chính thức của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan báo chí, thông tấn, xuất bản. Trong những năm gần đây, nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp ở nước ta về cơ bản đã xây dựng được cổng thông tin, trang web, trang mạng xã hội riêng, nhưng đa số mới trong thời kỳ sơ khai, chưa thực sự được phổ biến và phát huy hiệu quả. Nhiều trang web của cơ quan nhà nước các cấp đã thiết lập các kênh để tương tác với người dân, như tin nhắn trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến và hộp thư điện tử, nhưng chưa phát huy hết chức năng và chưa thực sự hiệu quả trong tiếp nhận phản hồi, tham vấn người dân. Vì vậy, cần tối ưu hóa toàn diện trang thông tin điện tử của Chính phủ và chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị; thiết lập hệ thống phản hồi, thu thập ý kiến và điều tra dư luận trực tuyến bảo đảm giao diện thân thiện hơn, thao tác ngắn gọn hơn và cung cấp cho người dân cách thức để thực sự có thể phản hồi, tham vấn chính sách, đồng thời, cần tích hợp nguồn để kết nối trang web của Chính phủ, chính quyền với trang website của các cơ quan, ban, ngành, hạn chế tình trạng quản lý hành chính riêng lẻ, cung cấp cho người dân một kênh thống nhất và thuận tiện.

Mặt khác, cần thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, công nghệ mạng giữa các vùng, người dân trong cả nước. Có các biện pháp ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng hạ tầng internet ở nông thôn, thúc đẩy tốc độ truy cập internet ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và nhân lực. Cần giám sát việc định giá của các bộ phận vận hành internet để giảm chi phí truy cập internet, tăng tỷ lệ thâm nhập của internet. Đối với vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần xây dựng các trung tâm cung cấp dịch vụ và truy cập internet miễn phí cho người dân tại các điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản, ấp; hướng dẫn người dân lập các tài khoản mạng xã hội và trên không gian mạng để có thể đưa ra ý kiến phản hồi về chính sách trên các phương tiện truyền thông xã hội; quan tâm tới ý kiến của các nhóm dễ bị tổn thương trên internet.

Thứ ba, đổi mới nội dung và phương thức truyền thông chính sách

Bản thân thông tin chính sách có tính nghiêm túc, quy chuẩn và thẩm quyền cao. Tuy nhiên, trong môi trường internet, với sự nở rộ, đa dạng của các phương tiện truyền thông đa phương tiện, nội dung truyền thông mang tính nghiêm túc, quy chuẩn có phần suy giảm tính hấp dẫn đối với nhiều người dân, do đó, làm giảm tác dụng của truyền thông chính sách. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách và tăng cường khả năng thực thi chính sách, cần đổi mới nội dung truyền thông. Các cơ quan, đơn vị truyền thông có thể diễn giải nội dung của chính sách một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết; đồng thời, sử dụng cách diễn giải thân thiện, gần gũi với người dân để chuyển ngôn ngữ của văn bản hành chính sang ngôn ngữ đời sống của công chúng; ngoài ra, có thể bổ sung bằng hình ảnh, âm thanh hoặc video sinh động, hoặc tăng cường giải thích bằng những tình huống cụ thể... Việc đổi mới nội dung truyền thông chính sách có thể dẫn đến rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền các cấp với công chúng.

Việc đổi mới phương thức truyền thông chính sách cần diễn ra theo hướng đa dạng hóa. Ngày nay, mỗi người, tùy theo độ tuổi, trình độ học vấn, địa vị xã hội, cơ sở kinh tế - xã hội của mình có nhu cầu về thông tin chính sách ở các mức độ khác nhau, do đó, cần có các phương thức giao tiếp khác nhau cho từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, truyền thông chính sách nông thôn chủ yếu dựa trên đài phát thanh và sách hướng dẫn tuyên truyền, trong khi truyền thông chính sách đô thị chủ yếu dưới hình thức báo chí và các phương tiện truyền thông trực tuyến. Đa dạng hóa các phương thức truyền thông sẽ nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần tăng cường ứng dụng công nghệ truyền thông mới, cải thiện sự tương tác giữa chính quyền với người dân, tận dụng tối đa các nền tảng truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube, Zalo... với các tài khoản chính thức để tăng cường giao tiếp với công chúng và chú ý đến việc phản hồi của họ đối với từng thông tin cũng như chiến dịch truyền thông chung cho một chính sách nhất định nào đó.

Thứ tư, thiết lập một cơ chế truyền thông chính sách hiệu quả trên nền tảng tăng cường các kênh phản hồi của dư luận và công chúng

Khả năng đáp ứng của chính quyền đối với người dân là thước đo quan trọng của nền chính trị dân chủ. Mục tiêu của việc tham gia chính trị trực tuyến của công dân là tác động đến các chính sách công, vì vậy, Nhà nước cần quan tâm đầy đủ đến sự tham gia chính trị trực tuyến của người dân, tích cực sử dụng các chức năng xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn các phương tiện truyền thông khác nhau để lan tỏa năng lượng tích cực, đồng thời, chủ động phản hồi các vấn đề xã hội, tìm hiểu dư luận và phản hồi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên nền tảng internet để truyền tải thông tin được kịp thời, toàn diện. Khi xử lý vấn đề trên internet, cần phát hiện ra các điểm nóng, cung cấp thông tin, bày tỏ thái độ của chính quyền và hành động càng sớm càng tốt. Khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình hoạch định và giám sát việc thực thi chính sách, phản ánh những vấn đề còn hạn chế, đồng thời, thiết lập một hệ thống giám sát dư luận xã hội lành mạnh. Trong liên kết giám sát, cần chú ý theo dõi xu hướng, nội dung, giá trị... của dư luận xã hội và thông tin lại tình hình mới nhất cho các bộ phận liên quan. Trong liên kết cảnh báo sớm, đánh giá và tóm tắt nội dung dư luận, quan điểm và sàng lọc những ý kiến có thể có tác động rộng hơn. Chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với xu hướng mới có thể có của dư luận trong tương lai. Trong liên kết phản hồi, Nhà nước phải nắm bắt và là nơi đầu tiên phát hành thông tin có thẩm quyền trên internet, phát huy quyền lực nhà nước và thực hiện các hành động kịp thời. Muốn vậy, các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan truyền thông, thông tin cần nhận thức đầy đủ việc truyền thông chính sách trên nền tảng internet phải dựa nhiều hơn vào việc tương tác, lắng nghe công chúng. Thông qua các nền tảng internet, cơ quan có thẩm quyền các cấp cần chú ý lắng nghe ý kiến của công chúng để đạt sự tương tác và giao tiếp tốt nhất. Đối với những nền tảng cập nhật chậm và đóng khu vực bình luận, cần điều chỉnh kịp thời để bảo đảm tính cập nhật và hiệu quả của việc phản hồi chính sách.

Có thể nói, truyền thông chính sách hướng tới mục đích cung cấp thông tin, thu hút sự ủng hộ của nhân dân, thuyết phục người dân thực thi chính sách. Công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng phải tuân theo quy luật của xã hội thông tin. Điều đó có nghĩa là, truyền thông chính sách phải nhận diện, phân tích và quản lý được các dòng chảy thông tin, những dấu hiệu mở rộng của truyền thông, bao gồm cả các dòng chảy thông tin trên nền tảng truyền thông và thông tin trên các nền tảng công nghệ. Do đó, truyền thông chính sách trên nền tảng internet bắt nguồn từ việc khai thác công nghệ tiên tiến cần phải được đổi mới liên tục để thu hút sự chú ý của công chúng đối với chính sách và đáp ứng nhu cầu của người dân. Sự liên kết, tích hợp và tương tác của truyền thông chính sách đã trở thành hướng đổi mới, tạo động lực để tối ưu hóa mô hình truyền thông của các tổ chức, cơ quan nhà nước.

Theo Tạp chí Cộng sản

Thu Hằng tổng hợp

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin