Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trong những năm qua, ngành Tuyên giáo đã bám sát chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chủ động tham mưu cho cấp ủy tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm và tình hình cụ thể.
Công tác tuyên truyền ngày càng được triển khai chủ động và toàn diện, làm nổi bật những kết quả, thành tựu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc và điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm; kết quả xử lý các vụ việc, đối tượng thuộc phạm vi kiểm tra, giám sát của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm định phương tiện giao thông1…, qua đó góp phần quan trọng tạo niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chính trị của Đảng và kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Việc định hướng tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được tăng cường và thực hiện thường xuyên thông qua các hội nghị, như: giao ban tư tưởng, dư luận xã hội; giao ban báo chí, xuất bản; hội nghị báo cáo viên; cộng tác viên dư luận xã hội... Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng tới vai trò của báo chí, truyền thông trong tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông đã xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, ấn phẩm tuyên truyền sâu sắc, hiệu quả, toàn diện trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ việc góp ý, xây dựng, hoàn thiện thể chế, đến phản ánh kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực… Nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đa dạng và phong phú, như: tuyên truyền miệng; cổ động, trực quan; phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, qua các cuộc thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật…
Đặc biệt, hệ thống tuyên giáo các cấp đã tổ chức triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa trong công tác tổ chức, cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ.
Có thể khẳng định, trong thời gian qua công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng ngày càng được đổi mới, tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức và tạo đồng thuận cao trong xã hội, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ còn những hạn chế, bất cập, như: nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; về đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có lúc còn chậm, chưa kịp thời, mang nặng tính phản ánh, ít tính định hướng, dẫn dắt. Đội ngũ nhà báo, báo cáo viên tham gia trực tiếp cho mảng đề tài trọng yếu này chưa nhiều, phương thức tuyên truyền nhiều khi nặng về hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu; còn ít bài giới thiệu sinh động, hấp dẫn về những nhân tố mới, điển hình trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vẫn còn tình trạng một số cơ quan báo chí, truyền thông thiếu nhạy cảm chính trị, thông tin thiếu khách quan, một số ít phóng viên, người làm báo còn lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng việc giám sát, phản biện, phản ánh tham nhũng để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của báo chí cách mạng.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “… tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên, các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống tuyên giáo các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai tuyên truyền, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy định số 116-QĐ/TW, ngày 28/7/2023 của Ban Bí thư về chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/01/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực và những văn bản khác có liên quan.
Hai là, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy đảng, tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải có tính chiến đấu cao, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh; chủ động phòng ngừa, tự phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải luôn gương mẫu, quyết liệt; tự soi, tự sửa; nói đi đôi với làm; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Ba là, tăng cường công tác chỉ đạo định hướng, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh phối hợp giữa cơ quan tham mưu với các cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; cơ quan bảo vệ pháp luật để phát huy tối đa các nguồn lực, chủ động nắm bắt thông tin, phát hiện vấn đề, kịp thời tham mưu chỉ đạo, định hướng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình triển khai chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tăng cường phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan chuyên môn liên quan trong chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tăng cường công tác định hướng thông tin, nhất là đối với các nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, trong đó có các vấn đề liên quan đến phòng, chống tiêu cực. Có cơ chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ với cơ quan chỉ đạo định hướng thông tin, tuyên truyền để có cơ chế cung cấp thông tin để định hướng dư luận xã hội và xử lý thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời, phù hợp và hiệu quả; đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nội dung thông tin cần kịp thời, chuẩn xác. Thực hiện nghiêm quy chế người phát ngôn, tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông tham gia giám sát, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách thuận lợi và an toàn.
Bốn là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực làm công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có năng lực, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết sâu rộng về hệ thống chính trị và quy định, quy trình công tác tổ chức cán bộ. Cần phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ. Mở lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí hiểu sâu sắc về công tác cán bộ; tăng cường công tác phối hợp để các cơ quan báo chí và người làm báo được tham gia nhiều hơn trong giám sát và phản biện chính sách, góp ý vào việc hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ; có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh của các cơ quan báo chí, truyền thông; đồng thời kịp thời khen thưởng các cơ quan báo chí và người làm báo có thành tích trong công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và trong công tác cán bộ nói riêng.
1. Riêng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á đến nay đã khởi tố 30 vụ án, 109 bị can (trong đó 25 địa phương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can); vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã khởi tố 54 bị can; vụ án liên quan đến ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ án xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm đã khởi tố 80 vụ án, 613 bị can tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam, 98 Trung tâm và Chi cục đăng kiểm…
TRẦN THANH LÂM
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương