Mối quan hệ biện chứng giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

CT&PT - Có thể thấy, gần 40 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, phần lớn người nghèo sống ở nông thôn nhờ đó đã cải thiện đời sống, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ xóa đói, giảm nghèo với tốc độ cao nhất trên thế giới. Thành quả này có được một phần nhờ vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

tai-xuong-25-1729935764.jfif
 

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nếu chúng ta không nghiên cứu, giải quyết đồng bộ 3 vấn đề thì khó có thể thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung. Trong vấn đề nông nghiệp bao gồm cả vấn đề nông dân và nông thôn và ngược lại. Cụ thể hơn, nông thôn là không gian, địa bàn để chủ yếu nông dân tiến hành hoạt động sống cơ bản thông qua sản xuất nông nghiệp; bàn về nông nghiệp cũng nghĩa là bàn đến quá trình nông dân tiến hành hoạt động sản xuất trên địa bàn nông thôn để tạo ra lương thực, thực phẩm nuôi sống xã hội. Như vậy, trong mối quan hệ mật thiết đó nông dân sẽ là chủ thể. Ba vấn đề trên có mối quan hệ quá khắn khít, biện chứng đến nỗi chúng ta không thể bàn được riêng một vấn đề nếu tách rời nó khỏi 2 vấn đề kia. Mối quan hệ này không phải do ý muốn chủ quan mà nó xuất phát từ bản chất khách quan vốn có của mỗi vấn đề cấu thành một chỉnh thể; Đồng thời là kết quả của sự vận động tất yếu các vấn đề cấu thành đó. Người nông dân mặc dù là chủ thể trong mối quan hệ nhưng họ cũng không thể tự tạo ra được nó chỉ theo ý muốn hay lợi ích chủ quan của mình. nông dân thực hiện vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển trong mối quan hệ, người đầu tiên được hưởng thụ những thành quả do phát triển nông nghiệp, nông thôn đem lại.
Bản thân các yếu tố cấu thành chỉnh thể trên luôn có mối quan hệ với nhau như một cấu trúc - hệ thống, không thể có sự tồn tại, tách biệt, độc lập hoàn toàn một yếu tố nào khỏi hai yếu tố còn lại. Mỗi yếu tố cấu thành đều có vị trí, vai trò, chức năng riêng dù là chủ yếu hay thứ yếu, cơ bản hay không cơ bản ở những cấp độ khác nhau nhưng chúng luôn tồn tại trong mối liên hệ tương tác hữu cơ với tất cả các yếu tố trong hệ thống. Nhưng, trong sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng không phải chỉ có một hệ thống mà là sự tổng hòa trong nhiều hệ thống. Do đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải luôn được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với những hệ thống khác. Nhận thức rõ điều này để chúng ta nhìn nhận vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn như một chỉnh thể trong mối quan hệ biện chứng, tránh phiến diện. 
Phạm vi giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mối quan hệ biện chứng giữa chúng còn có quan hệ mật thiết với quan điểm phát triển toàn diện và đặt trong điều kiện lịch sử cụ thể. Song, khi vận dụng quan điểm này vào giải quyết những vấn đề thực tiễn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên thực tế rất khó thực hiện được quan điểm toàn diện để xem xét hết mọi mặt, mọi yếu tố, mọi khía cạnh cũng như giải quyết tất cả các mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Thực tế, vẫn đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm trên để tránh phạm phải những sai lầm phiến diện, siêu hình, xơ cứng trong tư duy khi đánh giá, quyết định vấn đề. Nghĩa là, cần có cách nhìn nhận, đánh giá theo hướng trừu tượng hóa khoa học thì mới có thể nghiên cứu và giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong mối liên hệ hữu cơ giữa chúng với nhau. 
Mặc dù, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có mối quan hệ khăng khít hữu cơ, song chúng vẫn có tính độc lập tương đối. Vì vậy, nhận thức để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ta có thể và cần thiết tách riêng mỗi yếu tố tùy thuộc vào yêu cầu khách quan của thực tiễn.  
Mối quan hệ biện chứng giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn được quy định bởi quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì yêu cầu phát triển công nghiệp và đô thị đã thu hẹp dần ruộng đất - một phần tư liệu sản xuất cơ bản nhất trong nông nghiệp, làm gia tăng nhanh chóng về mặt số lượng bộ phận cấu thành cơ bản, quyết định nhất của lực lượng sản xuất, đó là nông dân mất đất. Lực lượng lao động này không được đào tạo cơ bản theo cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ tiên tiến. Như vậy, để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong việc bảo đảm mối quan hệ khăng khít, đồng bộ thì nhà nước phải nhanh chóng có những chính sách xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn trên cả ba mối quan hệ bộ phận, nhất là mối quan hệ sở hữu đất đai trong nông nghiệp, quan hệ tổ chức hoạt động sản xuất, đào tạo và sử dụng lực lượng lao động nông nghiệp đông đảo có phần dư thừa hiện nay và quan hệ phân phối sản phẩm cũng như lợi ích kinh tế - xã hội cho nông dân. Đây là vấn đề không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội, mà còn là vấn đề chính trị. Nếu giải quyết tốt hai mối quan hệ bộ phận phía trên thì quan hệ phân phối sản phẩm sẽ được giải quyết dễ dàng do kinh tế thị trường sẽ góp phần điều chỉnh mối quan hệ này. Tuy nhiên, lưu ý rằng theo quan điểm phát triển bền vững thì quan hệ sản xuất giờ đây còn phải tính đến cả quan hệ xã hội, môi trường, thể chế…


BÙI THỊ BẮC

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin