Lược sử xuất bản sách điện tử và định hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Lịch sử xuất bản sách điện tử được đặc trưng bởi mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kỹ thuật - công nghệ và sự phát triển xã hội. Thực tế cho thấy, công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, đã làm thay đổi sâu sắc cách thức xuất bản, trong đó sự ra đời của xuất bản điện tử đã tạo ra một bước tiến mới mang tính cách mạng đối với phương thức đọc sách. Đây là lý do khiến phần lớn bạn đọc có suy nghĩ gắn kết sự ra đời của xuất bản sách điện tử với thời kỳ phát triển công nghệ số. Có thể nói, xuất bản sách điện tử không chỉ tạo ra những thay đổi lớn đối với ngành xuất bản, mà nó còn được dự báo sẽ là phương thức phát triển chủ đạo trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Lược sử xuất bản điện tử và sách điện tử

Xuất bản điện tử (Electronic publishing/e-publishing) là một thuật ngữ trong khoa học xuất bản, có nhiều tên gọi khác nhau như: xuất bản kỹ thuật số (Digital publishing), xuất bản trực tuyến (Online publishing), xuất bản trên internet, web…, thực hiện chức năng ứng dụng xuất bản sách kỹ thuật số, tạp chí kỹ thuật số, phát triển thư viện kỹ thuật số và danh mục1… Do đó, xuất bản điện tử không chỉ được hiểu ở lĩnh vực xuất bản sách hoặc báo chí mà nó có phạm vi lớn hơn. Theo nghĩa rộng nhất, xuất bản điện tử là việc chia sẻ các phương tiện truyền thông trên máy tính, được đại diện bởi phương thức: xuất bản điện tử = công nghệ thông tin (công nghệ máy tính + truyền thông) + kỹ thuật xuất bản2.

Trong hoạt động xuất bản sách, xuất bản điện tử được hiểu là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông nhằm tạo ra sách điện tử dưới dạng số hóa thông qua các phương tiện điện tử. Phương thức tổ chức sản phẩm xuất bản điện tử tương tự như xuất bản truyền thống, chỉ khác ở giai đoạn sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm, với chi phí đầu tư, sản xuất, lưu trữ và phát hành sản phẩm thấp hơn so với xuất bản truyền thống, đặc biệt là khả năng xây dựng cơ sở bạn đọc/khách hàng mang tính toàn cầu.

Sách điện tử (Electronic ebook/e-book) là sản phẩm của hoạt động xuất bản điện tử, được xuất bản và phát hành dưới định dạng kỹ thuật số, vì vậy, định nghĩa hay quan niệm về xuất bản sách điện tử cũng được thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ và xu hướng thị trường.

Khái niệm xuất bản sách điện tử (E-book publishing) lần đầu tiên được Vannervar Bush, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đề cập trong bản thảo Cơ giới hóa và Hồ sơ (năm 1939), song, sau đó ông từ chối đề nghị xuất bản với lý do liệu ý tưởng đó có đến được với độc giả phù hợp hay không, trong khi ông mong muốn tìm kiếm người tài trợ cho sự phát triển của một thiết bị có tên là “memex” với mô tả chi tiết: “Hãy xem xét một thiết bị trong tương lai… trong đó một cá nhân lưu trữ tất cả sổ sách, hồ sơ và thông tin liên lạc của mình, được cơ giới hóa để có thể tham khảo ý kiến với tốc độ và tính linh hoạt vượt trội…”3. Năm 1945, với bài báo “As we may think” (Như chúng ta có thể nghĩ) đăng trên The Atlantic4, ý tưởng này chính thức được công bố trước cộng đồng khoa học.

Tiếp đó, năm 1999, nhà nghiên cứu Morgan định nghĩa sách điện tử là sự kết hợp phần cứng và phần mềm, được thiết kế đặc biệt để đọc với văn bản điện tử được viết bằng ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản và có thể xem được trên máy tính5. Năm 2000, Balas cảnh báo người đọc không nên nhầm lẫn giữa văn bản điện tử với sách điện tử, đồng thời nhấn mạnh sách điện tử phải được đọc trên thiết bị đọc sách điện tử hoặc bằng phần mềm đặc biệt6; Hawkins mở rộng định nghĩa về sách điện tử bao gồm nội dung của bất kỳ cuốn sách nào được cung cấp dưới dạng điện tử thông qua bốn phương pháp khác nhau, đó là: sách điện tử có thể tải xuống, được trích dẫn; thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng; sách điện tử có thể truy cập web; hoặc sách in theo yêu cầu7. Các thiết bị đọc sách điện tử đầu tiên ra đời với đa chức năng, sau đó phát triển thành đơn chức năng khi trở nên phổ biến, do đó, năm 2010, nhà nghiên cứu Liliputing cho rằng các thiết bị điện tử một lần nữa trở nên đa chức năng như trong Nook, có thể được trình duyệt Web nguyên thủy và có thể chạy một số ứng dụng Android8.

Hiện nay, trong các từ điển, thuật ngữ “sách điện tử” được định nghĩa là “một cuốn sách được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc trên một thiết bị điện tử cầm tay thay vì được in trên giấy (Anelectronic book)"9 hoặc “một cuốn sách được xuất bản dưới dạng điện tử, ví dụ như trên internet hoặc trên đĩa, và không được in trên giấy”10.

Sách điện tử phát triển với nhiều định dạng khác nhau cùng với sự phát triển của công nghệ: (1) Kỷ nguyên CD-Rom: thời kỳ những năm 1980, đĩa CD-Rom đã làm thay đổi cách thức chia sẻ thông tin, khởi đầu cho thị trường sách điện tử phát triển; (3) Sách điện tử trực tuyến: đầu những năm 1990, sách ở định dạng “txt”, “mobi” và “doc” chiếm lĩnh thị trường, các nhà xuất bản và nhiều tác giả đã bán sách trực tuyến, các cửa hàng sách kỹ thuật số đầu tiên cũng xuất hiện (năm 1998); (4) Kỷ nguyên ePaper (giấy điện tử): phát triển khi số lượng người sử dụng internet tăng lên theo cấp số nhân, thiết bị đọc sách điện tử thương mại (Rocket) - công nghệ ePaper được phát triển rộng trên thị trường như: Sony đã phát hành Sony Librie-eBook (năm 2004) và trở thành đơn vị đầu tiên sử dụng giấy điện tử, hay Amazon phát hành Kindle eReader (năm 2007) và đưa thiết bị này trở thành một trong những thiết bị đọc sách điện tử phổ biến nhất thế giới; (5) Kỷ nguyên di động: đây là dấu mốc tiếp theo trong quá trình phát triển xuất bản kỹ thuật số với sự ra đời của Google. Đặc biệt, Google đã phát triển công cụ tìm kiếm “Google Books”, cho phép người dùng đọc sách điện tử của Google trên các thiết bị di động thông minh, từ đó tác động rất lớn đến xuất bản điện tử, tạo cơ sở cho các thiết bị số phát triển. Năm 2010, chiếc Apple iPad đầu tiên ra đời, đánh dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của xuất bản kỹ thuật số. Thị trường xuất bản không chỉ sử dụng tệp “Pdf”, “ePub” hay “Azw”, mà thêm vào đó là sự phổ biến của các ứng dụng di động nhờ sự tiếp nhận nhanh chóng của người tiêu dùng đối với điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Tại Việt Nam, Luật Xuất bản năm 2012 quy định hoạt động xuất bản gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động xuất bản trên cả nước, chỉ cho phép các đơn vị tư nhân tham gia hoạt động in ấn và phát hành. Tại Khoản 8, Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012 quy định xuất bản điện tử là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu và sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử11. Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định phân loại xuất bản phẩm điện tử và yêu cầu về nội dung, kỹ thuật đối với xuất bản phẩm điện tử. Theo đó, xuất bản phẩm điện tử gồm 02 loại: Một là, được chuyển sang hình thức điện tử từ xuất bản phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác; Hai là, được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Lược sử cho thấy khái niệm sách điện tử đã phát triển theo thời gian, không ngừng thay đổi về định dạng, nội dung và tiêu chuẩn. Quá trình này vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai cùng với sự phát triển của xã hội loài người.

2. Từ ý tưởng và nguyên mẫu đến sự ra đời của cuốn sách điện tử đầu tiên trên thế giới

Ý tưởng về sách điện tử được khởi nguồn từ năm 1930, khi nhà văn kiêm đạo diễn người Mỹ Bob Brown xem bộ phim “Talkie” - một bộ phim có âm thanh vào năm 1927 và nảy sinh suy nghĩ về một chiếc máy đọc sách đơn giản, có thể mang theo hoặc di chuyển, có thể gắn vào bất kỳ phích cắm điện cũ nào và đọc những cuốn tiểu thuyết hàng trăm nghìn từ trong 10 phút…; cho phép người đọc điều chỉnh kích thước và tránh bị cắt giấy...12, được ông viết trong tác phẩm “The Readies” (Bộ đàm).

Ý tưởng về sách điện tử của Bob Brown đã được hiện thực hóa với phát minh định dạng sách tự động hóa vào năm 1949 của Angela Ruiz Robles - một giáo viên người Tây Ban Nha. Với tâm huyết và tình thương yêu học trò, bà đã tạo ra một thiết bị đọc sách điện tử nguyên mẫu đầu tiên. Angela Ruiz Robles sử dụng ống cuốn và khí nén để biên soạn sách giáo khoa nhằm giảm bớt sức nặng của những cuốn sách mà trẻ em phải mang đến trường hàng ngày và gọi đó là “Bách khoa toàn thư cơ học” (Enciclopedia Mecánica). Có thể coi phát minh này là tiền thân của sách điện tử, tuy nhiên sáng tạo của Angela Ruiz Robles mới chỉ ở dạng tự động hóa, chưa phải là sản phẩm điện tử để sản xuất hàng loạt.

Cũng trong khoảng thời gian này, Roberto Busa - một linh mục Dòng Tên người Ý đã lập Dự án Index Thomisticus - chỉ mục điện tử, đây được coi là dự án tiên phong trong lĩnh vực nhân văn kỹ thuật số. Ban đầu tác phẩm kỹ thuật số này được lưu trữ trên một máy tính, sau đó được phát hành dưới dạng đĩa CD-Rom vào năm 1989. Tuy nhiên, một số nhà sử học cho rằng không thể xem Index Thomisticus là cuốn sách điện tử đầu tiên, vì nó được dùng để nghiên cứu các văn bản viết có sẵn, không phải là ấn phẩm xuất bản độc lập.

Một số nhà nghiên cứu học thuật cho rằng các dự án năm 1960 có thể là tiền thân của sách điện tử ngày nay, đó là Dự án NLS (oN-Line System) của Doug Engelbart, Viện Nghiên cứu Stanford (SRI) và Dự án Hypertext Editing System and PRESS (File Retrieval and Editing System) - Hệ thống truy xuất và chỉnh sửa văn bản của Andries Van Dam, Đại học Brown. Các tài liệu FRESS được chạy trên máy tính lớn của IBM, chứa các bảng nội dung và bảng chỉ mục tự động, cho phép sử dụng siêu liên kết, đồ họa và nhiều chức năng khác. Andries Van Dam được xem là người đặt ra thuật ngữ “sách điện tử”, tuy nhiên Dự án FRESS được sử dụng chủ yếu để đọc các văn bản trực tuyến, chú thích và thảo luận trực tuyến trong các khóa học, vì vậy, phải nhiều năm sau cuốn sách điện tử đầu tiên mới chính thức ra đời.

Năm 1971, Michael S. Hart - sinh viên Đại học Illinois đã số hóa Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ bằng máy tính lớn Xerox (được sử dụng để xử lý dữ liệu nhưng được kết nối với ARPAnet - tiền thân của internet hiện đại) trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu vật liệu của nhà trường. Phiên bản kỹ thuật số Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ được xem là cuốn sách điện tử đầu tiên trên thế giới. Tiếp tục khởi động Dự án Gutenberg, Michael S. Hart đã tạo ra sách điện tử và phát triển công nghệ mới với các bản sao kỹ thuật số đối với Tuyên ngôn Nhân quyền, Hiến pháp Hoa Kỳ Kinh thánh Cơ đốc. Cho đến nay, Dự án Gutenberg do các tình nguyện viên thúc đẩy vẫn hoạt động, cung cấp hơn 60.000 sách điện tử, cho phép truy cập miễn phí và có thể đọc được trên hầu hết các thiết bị kỹ thuật số, từ đó mở ra một cuộc cách mạng mới cho thị trường sách thế giới.

Hiện nay, các nền tảng xuất bản điện tử chiếm thị phần và doanh thu lớn trên thế giới là Amazon.com (Hoa Kỳ), Barnes & Noble.com Nook (Hoa Kỳ), Apple iBooks (Hoa Kỳ), Kobo.com (Canada), Google Play Books (Hoa Kỳ)… Xu hướng phát triển sách điện tử cũng chịu ảnh hưởng bởi văn hóa đọc ở mỗi khu vực địa lý, ví dụ: sách điện tử bằng máy tính được ưa thích ở Hoa Kỳ, máy đọc sách được ưa chuộng ở các nước châu Âu, còn các nước châu Á chủ yếu đọc sách điện tử bằng các thiết bị đa chức năng như điện thoại thông minh và máy tính bảng.

2. Định hướng phát triển xuất bản sách điện tử ở Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh mới hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có xuất bản, là xu thế tất yếu. Quá trình ra đời và phát triển của xuất bản điện tử và sách điện tử đã minh chứng ưu thế vượt trội của phương thức xuất bản này so với xuất bản truyền thống, tạo thời cơ mới cho hoạt động xuất bản.

Thị trường xuất bản sách điện tử trên thế giới đang tăng trưởng mạnh: năm 2022, thị phần sách điện tử ở Canada và Mỹ chiếm trên 20% tổng doanh số bán sách; một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức có mức tăng trưởng trên 2.5% so với nửa đầu năm 2021; thị trường sách điện tử ở châu Á cũng ngày càng phát triển và có xu hướng tập trung số hóa lĩnh vực giáo dục, xuất bản sách giáo khoa điện tử và các sản phẩm học tập điện tử: Trung Quốc, Ấn Độ, đặc biệt Nhật bản chủ trương sử dụng hoàn toàn sách giáo khoa kỹ thuật số từ năm 202413.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ thông tin nhanh, đây là điều kiện quan trọng cho xuất bản điện tử phát triển. Hiện nay, dân số Việt Nam là 97.8 triệu dân, trong đó có khoảng 68.17 triệu người đang sử dụng internet (chiếm 70.3%) thông qua các nền tảng ứng dụng khác nhau, với thời lượng sử dụng trung bình là 6 giờ 47 phút14, cùng vớiđịnh hướng vĩ mô của Đảng và Nhà nước trong chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ 2021 - 2030”: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số"15; thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hướng đến xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số với mục tiêu cơ bản đến năm 2030 Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chỉnh phủ điện tử (EGDI); phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, phổ cập mạng internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về an ninh mạng (GCI)16…, đây là những điều kiện thuận lợi, góp phần đắc lực thúc đẩy xuất bản điện tử Việt Nam phát triển.

Xuất bản sách điện tử chính thức phát triển tại Việt Nam từ năm 2012 thông qua quy định về xuất bản sách điện tử được nêu trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012. Đến nay, trong tổng số 57 nhà xuất bản trên cả nước, đã có 13 nhà xuất bản được cấp phép xuất bản sách điện tửvà 10 đơn vị phát hành dịch vụ xuất bản phẩm điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã xuất bản 21.027 xuất bản phẩm với hơn 361 triệu bản, trong đó có 1.142 xuất bản phẩm điện tử17.

Thực tế cho thấy, xuất bản Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới, vận hội mới để chuyển mình, song sau 10 năm triển khai hoạt động, xuất bản điện tử ở Việt Nam vẫn có khoảng cách khá xa so với thị trường thế giới; tốc độ phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; số lượng, quy mô, trình độ còn hạn chế, quá trình chuyển đổi số còn chậm; chưa xác định rõ vai trò của nhà xuất bản; thị trường chủ yếu thuộc về các công ty chuyên về công nghệ thông tin, các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng internet hoặc các nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông; các ứng dụng ebook chậm được cải tiến; xuất bản phẩm điện tử chủ yếu vẫn là số hóa sách đã xuất bản truyền thống, các định dạng mở rộng tương tác ảo (kết hợp công nghệ AR, Clipbook, Joicard…), sách có tích hợp video (quét mã QR-code), sách điện tử đa phương tiện (tích hợp multimedia)… còn hiếm trên thị trường. Mặc dù, xác định xuất bản điện tử là hướng phát triển tất yếu, song thực tế hoạt động xuất bản điện tử của các nhà xuất bản đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, nền tảng công nghệ, tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu…

Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách định hướng, tạo điều kiện cho xuất bản điện tử phát triển thông qua nhiều văn bản chỉ đạo: Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản đã đề cập định hướng, giải pháp đổi mới, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình biên tập và thực hiện quản lý xuất bản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu thí điểm xuất bản sách điện tử, trung tâm thông tin về sách; bổ sung các quy định pháp lý, chính sách để các nhà xuất bản chủ động tham gia quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt đối với vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ và xuất bản điện tử… Các văn bản pháp luật hướng dẫn và quản lý hoạt động xuất bản điện tử như: Điều 25 Luật Xuất bản năm 2004; Điều 11b Nghị định số 11/2009/NĐ-CP, ngày 10/02/2009 của Chính phủ; từ Điều 45 đến Điều 51 Luật Xuất bản năm 2012. Các định hướng chiến lược như: Quyết định số 115/QĐ-TTg, ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển xuất bản in, phát hành đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó có 20 - 30% là xuất bản phẩm điện tử; Quyết định số 2219/QĐ-TTg, ngày 29/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Sách quốc gia giai đoạn 2022 - 2026”, hướng tới xuất bản mới và tái bản 500 đầu sách dưới dạng xuất bản phẩm điện tử; từ năm 2022 đến năm 2026 sẽ xây dựng trang tin điện tử và phần mềm ứng dụng trên thiết bị máy tính, điện thoại di động để lưu trữ và phát hành sách điện tử của Chương trình sách quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025, ngành Xuất bản Việt Nam lọt top 4 quốc gia có nền xuất bản phát triển trong khu vực Đông Nam Á; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8 - 10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% trên tổng số 57 nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử18.

Tóm lại, sách điện tử ra đời đã mở ra một triển vọng mới cho ngành xuất bản. Hiện nay, thị trường sách điện tử vẫn đang trong quá trình phát triển, có nhiều biến đổi và phải đối mặt với nhiều thách thức, song với ưu thế vượt trội trong sản xuất, lưu thông, không giới hạn về không gian và thời gian, cùng sự tiến bộ không ngừng của khoa học và công nghệ, ngành công nghiệp xuất bản điện tử và sách điện tử sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành Xuất bản trong thời gian tới.


1. Smith. Stephanie A: Careers in Media and Communication, Sage Publications, 2018, Chapter 6, page 56-60.

2. Dr. M M Koganuramth, Suresh Jange, Mallikarjun Angadi: Electronic publishing: An analytical study, Tata Institute of Social Sciences, University Librarian; http://eprints.rclis.org/4971/1/Electronic-publishing.

3, 4. Bush. V: As we may think, The Atlantic Monthly, July 1945, 176, page 101-108.

5. Morgan, E. L: Electronic books and related technologies, Computers in Libraries, 1999, 19(10), page 36-39.

6. Balas, J: Developing library collections for a wired world, Computers in Libraries, 2000, 20, page 61-63.

7. Hawkins, D. T: Electronic books: a major publishing revolution, Part one: General considerations and issues. Online, 2000, 24, page 14-28.

8, 12. Laura Manley & Robert P. Holley: History of the Ebook: The Changing Face of Books, Technical Services Quarterly, Published online, 2012, 29(4): 292-311.

9. Oxford Learner’s Dictionaries: Definition e-book, Online, https://www.oxfordlearnersdictionaries.com.

10. Cambridge Dictionary: Definition e-book, Online, https://dictionary.cambridge.org.

11. Khoản 8, Điều 4 Luật Xuất bản năm 2012. 13. Joseph Tryble: Global: China and India to dominate education e-books, 2010, https://www.universityworldnews.com/post.php?story=2010121022040248A; Japan to start full use of digital textbooks from 2024, https://www.japantimes.co.jp/news/2022/08/26/national/japan-digital-textbooks/

14. Thống kê Internet Việt Nam 2021, Vnetwork, ngày 12/3/2021, https://www.vnetwork.vn/vi/news/thong-ke-tinh-hinh-internet-viet-nam-nam-2021.

15. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 206.

16. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

17. Hồ Sơn: Xuất bản điện tử: 10 năm vẫn rối, Tạp chí điện tử Viettimes, ngày 14/8/2022, https://viettimes.vn/xuat-ban-dien-tu-10-nam-van-roi-post159601.html.18. Phương Anh: Đến năm 2025: 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản điện tử, Báo điện tử Tổ quốc, ngày 25/8/2021, https://toquoc.vn/den-nam-2025-50-so-nha-xuat-ban-tham-gia-xuat-ban-dien-tu-20210831171047502.htm.

TS. BÙI THỊ MINH HẢI

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin