Liên bang Nga sửa đổi Hiến pháp nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia

Căn cứ vào kết quả cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp Nga năm 1993 (kéo dài từ ngày 25/6 đến ngày 01/7/2020 với 77,92% số phiếu đồng ý), ngày 03/7/2020, Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh chính thức công bố bản Hiến pháp sửa đổi của Liên bang Nga. Mục tiêu xuyên suốt của nội dung sửa đổi Hiến pháp nhằm khẳng định, củng cố và bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời xây dựng một nhà nước xã hội theo đuổi những giá trị ưu việt tương tự như chế độ xã hội chủ nghĩa thời Xôviết.

Căn cứ vào kết quả cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp Nga năm 1993 (kéo dài từ ngày 25/6 đến ngày 01/7/2020 với 77,92% số phiếu đồng ý), ngày 03/7/2020, Tổng thống V. Putin ký sắc lệnh chính thức công bố bản Hiến pháp sửa đổi của Liên bang Nga. Mục tiêu xuyên suốt của nội dung sửa đổi Hiến pháp nhằm khẳng định, củng cố và bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời xây dựng một nhà nước xã hội theo đuổi những giá trị ưu việt tương tự như chế độ xã hội chủ nghĩa thời Xôviết.
Yêu cầu tất yếu phải sửa đổi Hiến pháp Nga năm 1993
Sau khi Liên Xô tan rã, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga là Boris Yeltsin quyết định đưa nước Nga phát triển theo mô hình tự do và dân chủ của Mỹ. Thực hiện chủ trương này, ông Yeltsin đã mời các cố vấn kinh tế và pháp luật của Mỹ tới Mátxcơva để giúp Nga thực hiện cái gọi là “công cuộc cải cách”. Theo chỉ dẫn của các cố vấn Mỹ, về kinh tế, Nga thực hiện cái gọi là “liệu pháp sốc”, theo đó thực hiện quá trình tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế; về pháp luật, Nga xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên nhằm cải cách toàn bộ hệ thống chính trị, quân sự, an ninh, giáo dục, văn hóa và khoa học - công nghệ với hy vọng quá trình này sẽ tạo ra “sự phát triển thần kỳ” cho nước Nga. 
Tuy nhiên trên thực tế, các biện pháp cải cách trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Boris Yeltsin đã đưa nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Về chính trị, bản Hiến pháp đầu tiên đã tước bỏ chủ quyền của Liên bang Nga mà nguyên nhân sâu xa là sau khi Liên Xô bị giải thể, dù nước Nga lựa chọn con đường phát triển xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, thì Mỹ với vai trò đứng đầu phương Tây vẫn chủ trương kiên quyết tiếp tục làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền. Theo đó, Đề án Havard của Mỹ xác định 3 giai đoạn làm tan rã nước Nga là “cải tổ” (1985-1990), “cải cách” (1990-1995) và “kết thúc” (1995-2000). Giai đoạn “cải tổ” diễn ra dưới thời cầm quyền của M. Gorbachev dẫn tới sự tan rã Liên Xô. Giai đoạn “cải cách” diễn ra dưới thời cầm quyền của B. Yeltsin. Còn giai đoạn “kết thúc” đã không diễn ra theo kịch bản của Đề án Havard, bởi kế tục B. Yeltsin là một nhà lãnh đạo hoàn toàn khác - Vladimir Putin. 
Thất bại của B. Yeltsin trong những năm cầm quyền không chỉ đặt toàn bộ sự nghiệp chính trị của ông trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn mà còn đặt nước Nga trước nguy cơ tan rã như toan tính của Mỹ. Trong tình cảnh đó, ngày 15/5/1999, Duma quốc gia Nga tiến hành cuộc họp để luận tội Tổng thống B. Yeltsin, với kết quả là đa số phiếu xác định ông có tội trong việc làm tan rã Liên Xô, đưa Liên bang Nga lâm vào khủng hoảng, gây ra cuộc chiến tranh Chechnya, làm tan rã quân đội Nga và sự sụt giảm dân số Nga. Trong bối cảnh ấy, ngày 08/8/1999, Tổng thống B. Yeltsin ký quyết định bổ nhiệm V. Putin - Cục trưởng Cục An ninh Liên bang Nga (chức vụ tương đương Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô), làm Thủ tướng Nga, chính thức đưa V. Putin bước vào điện Kremlin. Bốn tháng sau, ngày 31/12/1999, Tổng thống B. Yeltsin tự nguyện trao quyền lãnh đạo tối cao của quốc gia cho Thủ tướng Nga V. Putin với tuyên bố “người này sẽ cứu nước Nga”. 
Công lao lớn nhất của Tổng thống V. Putin trong 20 năm cầm quyền là bảo vệ thành công toàn vẹn chủ quyền của nước Nga. Đặc biệt, từ cuối năm 2013 tới nay, Tổng thống V. Putin đã dẫn dắt nước Nga bước đầu làm phá sản chiến lược tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine chống lại Nga của Mỹ và các nước phương Tây. Quyết định sáp nhập Crimea về Nga của Tổng thống V. Putin đã đáp ứng khát vọng cháy bỏng được trở về với đất mẹ Nga của người dân vùng đất này trong một cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức hoàn toàn dân chủ và phù hợp với luật pháp quốc tế. 
Xuất phát từ chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia, nước Nga đã và đang chủ động đóng vai trò quan trọng trong các công việc của thế giới, có ảnh hưởng đáng kể đối với việc hình thành cấu trúc mới trong các quan hệ quốc tế. Dưới thời cầm quyền của Tổng thống V. Putin, nước Nga đã tích cực và chủ động tham gia có trách nhiệm trong nhiều chương trình nghị sự toàn cầu. Chiến dịch chống khủng bố ở Syria thành công đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Nga như một quốc gia đi đầu trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa chủ nghĩa khủng bố ra khỏi đời sống quốc tế. Tổng thống V. Putin tuyên bố, Nga sẽ là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực xây dựng một hệ thống trật tự thế giới mới dựa trên thực tế địa chính trị hiện nay, ổn định, hợp tác và cùng phát triển giữa các quốc gia. Những thành tựu đạt được sau 20 năm cầm quyền của Tổng thống V. Putin là tiền đề để sửa đổi bản Hiến pháp năm 1993 nhằm đưa nước Nga bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trong Thông điệp liên bang năm 2020 đọc trước Quốc hội, Tổng thống V. Putin nhấn mạnh, Nga là một quốc gia có chủ quyền và quyền chủ quyền của Nga là vô điều kiện. Theo Tổng thống V. Putin, nước Nga đã đạt được rất nhiều thành tựu để khôi phục sự thống nhất đất nước và chấm dứt tình trạng một số chức năng quyền lực nhà nước bị chiếm đoạt bởi các tập đoàn “gia đình trị”. Hiện nay, cần phải tiếp tục đổi mới kinh tế - xã hội và sửa đổi bản Hiến pháp năm 1993 để xây dựng hệ thống chính trị ổn định, vững chắc, tin cậy, độc lập, không thể bị tổn thương do tác động từ bên ngoài nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia của Nga. Đây là điều kiện cần để phát triển bền vững đất nước và bảo vệ lợi ích của nước Nga. 
Ý nghĩa của việc sửa đổi Hiến pháp đối với nước Nga 
Hiến pháp Liên bang Nga sửa đổi có mục tiêu xuyên suốt và ý nghĩa quan trọng nhất là khẳng định chủ quyền quốc gia và định hướng phát triển để đưa nước Nga trở thành cường quốc về kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh trong những thập kỷ tới. Trong Thông điệp liên bang năm 2020, Tổng thống V. Putin từng tuyên bố, trong tương lai chỉ có một con đường phát triển là giữ vững, củng cố và bảo vệ chủ quyền quốc gia để tiếp tục phát triển thịnh vượng. 
Chủ quyền quốc gia là một khái niệm thiêng liêng, được khẳng định rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc. Được kế thừa vị thế của Liên Xô, lẽ ra Nga phải là quốc gia có quyền chủ quyền và được tôn trọng như bất cứ thành viên nào trong cộng đồng quốc tế. Thế nhưng, sau Chiến tranh lạnh, mặc dù Liên bang Nga đã lựa chọn con đường hội nhập với phương Tây nhưng Mỹ và đồng minh vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền. Vì thế, nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1993 chính là nhằm khẳng định, củng cố và tăng cường chủ quyền quốc gia của Nga. Khoản 4, Điều 15 của Hiến pháp Nga năm 1993 quy định: “Những nguyên tắc và tiêu chuẩn pháp lý quốc tế đã được thừa nhận cùng với các hiệp ước quốc tế mà Nga ký kết cũng là bộ phận hợp thành của hệ thống pháp luật của Nga. Nếu hiệp ước quốc tế do Liên bang Nga ký kết quy định những điều luật trái với luật pháp Nga thì sẽ áp dụng các điều luật của hiệp ước quốc tế”. Để khẳng định chủ quyền quốc gia, trong bản Hiến pháp sửa đổi có bổ sung Điều 79: “Những yêu cầu của luật pháp và các điều ước quốc tế, cũng như các quyết định của các cơ quan quốc tế chỉ có thể có hiệu lực trên lãnh thổ Nga một khi chúng không hạn chế các quyền lợi và quyền tự do của công dân Nga, không mâu thuẫn với Hiến pháp Liên bang Nga”. Điều khoản bổ sung này bác bỏ các quyết định phi lý của Mỹ và các nước phương Tây hoàn toàn trái với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm chống phá Nga sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014. 
Điều 62 của Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Theo luật pháp liên bang hoặc hiệp ước quốc tế, công dân Liên bang Nga có thể có quốc tịch nước ngoài (quốc tịch kép). Việc các công dân Nga có quốc tịch nước ngoài sẽ không hạn chế quyền và quyền tự do của họ, cũng không loại bỏ trách nhiệm công dân Nga của họ nếu không có những quy định khác trong luật pháp liên bang hoặc trong hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết”. Lợi dụng điều khoản này, rất nhiều công dân Nga là quan chức trong các cơ quan lập pháp và hành pháp của Liên bang Nga có hai quốc tịch, thậm chí họ mở tài khoản tại các ngân hàng nước ngoài và sở hữu tài sản ở nước ngoài. Dĩ nhiên, những quan chức này sẽ không hoạt động vì lợi ích của nhà nước Nga mà chỉ chăm chăm thu vén để làm giàu cho cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống V. Putin, vào ngày 14/7/2006, Quốc hội Nga thông qua đạo luật cấm các quan chức trong các cấp chính quyền của Nga có quốc tịch thứ hai hoặc quyền định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, đạo luật này đã không được thực thi. Vì thế, trong bản Hiến pháp sửa đổi có bổ sung Điều 77, quy định: “Các công dân Nga là những người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga, các thành viên Hội đồng Liên bang, đại biểu Hạ viện Nga, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng Liên bang, người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp liên bang khác không được phép có quốc tịch nước ngoài, không được phép có giấy phép cư trú hoặc bất kỳ loại giấy tờ nào khác cho phép họ cư trú thường xuyên trên lãnh thổ một quốc gia khác; không được phép mở tài khoản và cất giữ tài sản tại các ngân hàng nước ngoài bên ngoài lãnh thổ Nga”. Riêng đối với những người muốn ra tranh cử Tổng thống Liên bang Nga, điều khoản này được sửa đổi thành yêu cầu khắt khe hơn: những người đó phải cư trú thường xuyên trên lãnh thổ Nga không dưới 25 năm, không có quốc tịch nước ngoài hoặc giấy phép cư trú ở quốc gia khác không chỉ trong thời gian tham gia tranh cử mà còn cả thời gian trước đó. 
Theo nhận định của Anatoli Zyganov, Phó Giáo sư Khoa Chính trị thế giới thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva, Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự thuộc Viện Nghiên cứu chính trị - quân sự của Nga, một khi các quan chức cao cấp trong hệ thống chính trị của Nga có quốc tịch hoặc quyền định cư ở nước ngoài thì họ sẽ không làm việc và hành động vì lợi ích của nước Nga mà sẽ vì lợi ích cá nhân của chính họ. Lợi dụng điểm yếu này trong Hiến pháp Nga 1993, Đạo luật cấm vận Nga của Quốc hội Mỹ đã đưa ra các biện pháp đe dọa đóng băng tài khoản của các quan chức trong hệ thống chính trị của Nga nếu họ không hành động chống lại Tổng thống V. Putin.   
Để khẳng định chủ quyền quốc gia, Điều 67 Hiến pháp sửa đổi năm 2020 của Nga xác định: Liên bang Nga là quốc gia kế thừa vị thế của Liên Xô trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia và trong quan hệ quốc tế cũng như các cơ quan và các tổ chức quốc tế; Liên bang Nga kế thừa truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc và có trách nhiệm bảo vệ ký ức lịch sử về những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Điều 68 của bản Hiến pháp sửa đổi xác định, tiếng Nga là ngôn ngữ quốc gia trên toàn lãnh thổ của Liên bang Nga có chức năng gắn kết các dân tộc tạo nên nhà nước Nga. Văn hóa Nga là di sản của quốc gia nhiều dân tộc và được nhà nước bảo vệ. 
Để duy trì, củng cố và tăng cường chủ quyền quốc gia, Điều 67 của bản Hiến pháp sửa đổi xác định: nhà nước Nga đặc biệt chú trọng phát triển dân số, trong đó coi việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển con trẻ là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất và quan trọng nhất. Nhà nước đặc biệt chú ý tạo dựng môi trường giáo dục trong gia đình, chịu toàn bộ trách nhiệm của cha mẹ cho những trẻ em không nơi nương tựa.
Một trong những điều được dư luận Nga và quốc tế quan tâm nhất là trong bản sửa đổi Hiến pháp năm 1993 có nội dung đề cập việc bãi bỏ điều khoản hạn chế hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Nếu điều khoản này không được sửa đổi thì Tổng thống V. Putin sẽ không được phép tái tranh cử trong cuộc bầu cử vào năm 2024 khi ông kết thúc hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2012. Khoản 3, Điều 81 Hiến pháp sửa đổi vẫn giữ nguyên quy định một người không được giữ chức vụ tổng thống Liên bang Nga quá hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, điểm 1, khoản 3, Điều 81 lại bổ sung nội dung: quy định trong khoản 3, Điều 81 vẫn áp dụng đối với người đã hoặc đang giữ chức tổng thống Nga nhưng không tính số nhiệm kỳ đã hoặc đang đảm nhiệm vào thời điểm bản Hiến pháp sửa đổi này có hiệu lực. Như vậy, chiểu theo điểm 1, khoản 3, Điều 81 của bản Hiến pháp sửa đổi, Tổng thống đương nhiệm V. Putin vẫn được quyền ra tranh cử vào năm 2024. Nếu đắc cử trong hai cuộc bầu cử vào năm 2024 và 2030, ông V. Putin sẽ làm Tổng thống Nga tới năm 2036. 
Trong bức thông điệp gửi tới người dân Nga sau khi ký sắc lệnh công bố bản Hiến pháp sửa đổi, Tổng thống Nga V. Putin nói: “Chúng ta bỏ phiếu cho quốc gia mà chúng ta muốn sống, có hệ thống giáo dục và chăm sóc sức khỏe tiên tiến, đời sống của các công dân được bảo đảm, các cơ quan quản lý hiệu quả chịu sự giám sát chính phủ. Chúng ta bỏ phiếu cho quốc gia mà chúng ta đang làm việc vì nó và muốn chuyển giao nó cho con cháu chúng ta mai sau”. Tổng thống V. Putin bày tỏ tin tưởng rằng, tất cả các công dân Nga tham gia bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp trước hết là do họ nghĩ về những người trong gia đình mình, về những giá trị đang gắn kết dân tộc Nga. Những giá trị đó là quyền, công lý, sự tôn trọng người lao động, người cao tuổi, quan tâm chăm sóc, giáo dục đạo đức và tinh thần cho trẻ em được Hiến pháp Nga bảo đảm tuyệt đối. 

1. Гарвардский и Хьюстонский проект – план разделения и уничтожения СССР и России. https://zen.yandex.ru/media/id/59ddfe76fd96b1a4d0aefd36/garvardskii-i-hiustonskii-proekt--plan-razdeleniia-i-unichtojeniia-sssr-i-rossii-5b62ce87511a6c00a838ec4e.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin