CT&PT - Sáng 01/10/2021, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Kinh tế truyền thông: Lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm”. GS, TS. Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS, TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; PGS, TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng chủ trì Hội thảo.
Dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Việt Trang - Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Viết Thảo - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Trọng Lâm - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đỗ Chí Nghĩa - Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm - Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Mai Đức Ngọc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Báo chí và Tuyên truyền…
Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, cơ quan, nhà xuất bản, báo, tạp chí Trung ương và địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và 106 tác giả có bài tham luận gửi đến Hội thảo.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo
Kinh tế truyền thông phải hoạt động thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả
Hội thảo khẳng định, trong thời gian qua, sự phát triển của kinh tế truyền thông đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông, nhất là thúc đẩy việc đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế truyền thông đã xuất hiện không ít những biểu hiện tiêu cực, những hiện tượng thương mại hóa. Đây là vấn đề đòi hỏi kinh tế truyền thông phải hoạt động thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Với hơn 106 bài tham luận của các nhà khoa học, Hội thảo đã tạo nên bức tranh khá toàn diện về các vấn đề liên quan đến kinh tế truyền thông, cung cấp những luận cứ khoa học, kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm ban hành những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế truyền thông ở Việt Nam hiện nay.
Các tham luận tập trung đề cập đến những vấn đề: lý luận, lý thuyết về kinh tế học; quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; tác động của văn hóa, giáo dục, kinh tế - xã hội, toàn cầu hóa, quốc tế hóa đến hoạt động kinh tế truyền thông; vai trò, đặc điểm của hoạt động kinh tế truyền thông, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, quảng cáo, điện ảnh, truyền thông xã hội...; chủ thể, khách thể, nội dung, phương thức hoạt động của kinh tế truyền thông và những bất cập trước sự vận động và phát triển nhanh chóng của xã hội; những yêu cầu và nguyên tắc bảo đảm sự phát triển của kinh tế truyền thông trong bối cảnh hiện nay; thực trạng kinh tế truyền thông trên thế giới và ở Việt Nam; những bài học, kinh nghiệm, giải pháp và khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế truyền thông ở Việt Nam hiện nay...
Kinh tế truyền thông đang là nỗi trăn trở của báo chí trong và ngoài nước
PGS, TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thực tiễn tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn của kinh tế truyền thông.
Với tinh thần khoa học, dân chủ, trách nhiệm, đồng chí tin tưởng rằng, những ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu dự Hội thảo sẽ là những tư liệu tốt, đầy đủ, có ý nghĩa thiết thực về lý luận và thực tiễn trong việc đề xuất những giải pháp để các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông vừa nâng cao năng lực kinh tế vừa thực hiện tốt vai trò định hướng thông tin, cân bằng giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế.
PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, với sự phát triển của xã hội, thông tin - sản phẩm chủ yếu của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông được coi là một thứ hàng hóa đặc biệt, có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hóa. Nghĩa là, thông tin được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, có thể trao đổi, mua bán và trở thành một trong những "nhu yếu phẩm" không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Theo đó, phát triển kinh tế truyền thông là cơ hội để các cơ quan truyền thông có thêm nguồn thu, tăng thu nhập cho người làm truyền thông; giúp đơn vị có điều kiện đầu tư mua sắm, trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại phục vụ sản xuất, tác nghiệp; mở mang thêm nguồn thông tin, tư liệu, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ những người làm truyền thông.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Với cương vị một người làm nghề và quản lý cơ quan báo chí, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, kinh tế truyền thông đang là nỗi trăn trở không chỉ của báo chí trong nước mà ngay cả báo chí nước ngoài cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Trong khi ngân sách nhà nước dành cho hoạt động báo chí ngày càng giảm, để thu hút nhân tài hoạt động trong lĩnh vực báo chí, đòi hỏi người đứng đầu cơ quan phải có phương án nhằm tăng nguồn thu cho cán bộ báo chí. Theo đồng chí, việc tham khảo, áp dụng các tiêu chí về thu phí ở nước ngoài rất hay nhưng cũng có hạn chế, nếu không sáng tạo để phù hợp với nhu cầu của độc giả, thì sẽ thất bại. Đổi mới, sáng tạo mới là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, từ đó tạo ra nguồn thu.
PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) phát biểu tại Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhấn mạnh, hiện nay, việc phát triển kinh tế truyền thông của các cơ quan báo chí truyền thông trong bối cảnh chuyển đối số có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Báo chí truyền thông luôn phát triển cùng với ngành công nghệ thông tin và ngành công nghệ kỹ thuật số. Thực chất của việc chuyển đổi số trong cơ quan báo chí chính là thực hiện các bước, các khâu trong chuyển đổi từ mô hình báo chí đơn loại hình sang mô hình báo chí đa loại hình… Vì vậy, chuyển đổi số trong báo chí truyền thông không đơn thuần là chuyển đổi công nghệ, mà hơn thế nữa là chuyển đổi toàn bộ tư duy chiến lược, mô hình tổ chức tòa soạn, phương thức tổ chức thực hiện, quản lý nội dung, quản trị tòa soạn, quản trị kinh doanh… trong một thị trường truyền thông toàn cầu với mối quan hệ cạnh tranh mạnh mẽ.
Các cơ quan báo chí rất cần có sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước
Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định, báo chí truyền thông vừa là công cụ tuyên truyền, là vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, vừa thực hiện chức năng kinh tế trong phát triển báo chí truyền thông nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Báo chí Việt Nam đã ghi nhận sự song hành của hai nhiệm vụ này. Vì vậy, các cơ quan báo chí rất cần có sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nguồn thu của báo chí bị suy giảm nghiêm trọng. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước sẽ là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với những người làm báo, đặc biệt là đối với lực lượng phóng viên ở tuyến đầu, thôi thúc họ nỗ lực, cống hiến để có những tác phẩm báo chí chất lượng, có giá trị phục vụ công chúng.
Đối với Thông tấn xã Việt Nam, giữ vững định hướng tư tưởng và phát triển kinh tế truyền thông là hai nhiệm vụ song hành. Để thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ đó, trong thời gian qua, Thông tấn xã Việt Nam đã tập trung đổi mới tư duy về cách thức tổ chức thông tin, nâng cao chất lượng nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số để vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, vừa phản ánh sinh động những sự kiện trọng đại của đất nước, cũng như các vấn đề của đời sống xã hội. “Thông tin chuẩn xác, tin cậy được các cơ quan báo chí trong và ngoài nước khai thác và sử dụng, được công chúng tin tưởng trích nguồn mỗi khi có những thông tin đa chiều trong xã hội. Đó chính là giá trị cốt lõi của thông tin thông tấn”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội và sự thay đổi như vũ bão của công nghệ, với đa dạng các nền tảng số xuyên biên giới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các cơ quan truyền thông truyền thống, nhất là đối với các nhà xuất bản, tòa soạn báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình, kể cả các tòa soạn báo mạng điện tử vốn được coi là loại hình báo chí mới, hội tụ đa phương tiện. Vì vậy, các cơ quan báo chí truyền thông phải không ngừng nỗ lực trong xây dựng những mô hình truyền thông mới với các cách thức hoạt động kinh tế truyền thông hiệu quả nhằm duy trì nguồn thu, bắt kịp nhu cầu phát triển của truyền thông thế giới; đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Theo Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông