1. Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế xanh
Đan Mạch đã đặt ra mục tiêu trở thành “quốc gia xanh nhất” trên thế giới. Để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2035, Đan Mạch tập trung vào việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Các chính sách hiện tại đã giúp Đan Mạch đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu dài hạn của mình, Đan Mạch phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, nỗ lực của Đan Mạch là tập trung vào việc tối ưu hóa các mối quan hệ và tương tác với các chính sách của EU, quốc tế, cũng như tìm ra cách áp dụng công nghệ xanh và giảm lượng khí thải CO2 trong các lĩnh vực không thuộc phạm vi của chương trình thương mại khí thải của EU. Theo đó, tất cả nguồn cung cấp điện và nhiệt ở quốc gia này sẽ phát triển từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chính phủ Đan Mạchhướng tới sự chuyển đổi xanh thông qua ba trụ cột chính là việc thúc đẩy việc sử dụng xe đạp, năng lượng gió và xử lý chất thải. Thành phố Copenhagen từ những năm 1960 đã đề xuất một sáng kiến để phát triển văn hóa đi xe đạp bằng cách hạn chế đỗ xe trong trung tâm, tăng thuế xe hơi và nhiên liệu, cũng như cung cấp cơ sở hạ tầng cho xe đạp như giá đậu và đèn giao thông. Ngoài ra, Đan Mạch cũng áp dụng mức thuế đặc biệt đối với xử lý chất thải, bao gồm cả phí xử lý chất thải xây dựng. Chi tiêu công cũng được điều chỉnh bởi Chính phủ để giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và sử dụng ít bao bì hàng hóa hơn.
Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên tiếp cận với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và dẫn đầu trong việc xây dựng nền kinh tế xanh trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ đã thực hiện các mục tiêu giảm phát thải trong dài hạn và triển khai các chính sách phát triển nền kinh tế xanh bằng cách thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào năng lượng tái tạo và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những nỗ lực này đã tạo ra động lực quan trọng cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Sự tiến bộ trong phát triển công nghệ và sự thay đổi trong cách hoạt động của các doanh nghiệp đã thúc đẩy nền kinh tế xanh của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã đầu tư một số lượng lớn tài nguyên vào việc nâng cấp và hiện đại hóa lưới điện, phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện, năng lượng tái tạo, bảo vệ năng lượng, sử dụng hiệu quả nước, thu gom CO2, tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi trước biến đổi khí hậu
Xanh hóa nền kinh tế là một trong những chủ trương lớn ở các nước châu Âu. Chương trình năng lượng sạch cho toàn châu Âu đã thúc đẩy các thành viên ở khu vực này chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp. Mục tiêu của Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên là giảm thiểu khoảng 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hướng tới trung hòa khí thải carbon ở khu vực này trong thời gian tới. Ở Anh, Chính phủ thực hiện phát triển kinh tế theo hướng xanh với các nhóm biện pháp cụ thể liên quan đến sử dụng năng lượng xanh, sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, giảm hóa đơn tiền điện và sưởi ấm.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, với việc ban hành kịp thời các chính sách toàn diện về tăng trưởng xanh cả trong ngắn và dài hạn. Điều đáng chú ý là việc xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc, bao gồm hiệu quả quản lý môi trường và tài nguyên, các chỉ số về chất lượng môi trường sống và nhóm chỉ số về cơ hội kinh tế và tác động của chính sách. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định “carbon thấp, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” là tầm nhìn phát triển trung và dài hạn trong giai đoạn 50 năm và đặt ra mục tiêu tự nguyện giảm 30% lượng khí phát thải CO2 từ hoạt động kinh doanh theo kịch bản đã xây dựng. Chiến lược này tập trung vào thúc đẩy cơ hội tăng trưởng mới thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng đời sống và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để thay đổi ý thức của người dân nước nàyvề biến đổi khí hậu và phát triển nền kinh tế xanh.
Singapore đã đặt mục tiêu trở thành một thành phố xanh và thiên nhiên đẹp đến năm 2030. Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững tại Singapore đã được xây dựng từ những năm 2008 với các chương trình cụ thể. Sau đó, vào tháng 02/2021, Singapore đã khởi động Kế hoạch Xanh 2030, tập trung vào 5 trụ cột chính: Thành phố trong thiên nhiên; tái quy hoạch năng lượng; sống bền vững; kinh tế xanh và tương lai tự cường. Chính phủ Singapore tiếp tục đầu tư vào khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong nghiên cứu và phát triển về kinh tế xanh trong quý 3/2021, nhằm mục tiêu hướng đến một tương lai “carbon thấp”. Ngày 10/6/2021, Singapore và Úc đã ký kết Thỏa thuận Kinh tế xanh (GEA) giữa hai nước, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ môi trường. Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng thuế carbon từ đầu năm 2019, với kế hoạch nâng cao mức thuế trong tương lai để thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và giảm lượng khí thải, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách.
2. Một số gợi mở cho Việt Nam trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh thời gian tới
Thứ nhất, cần nhanh chóng hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh, đặc biệt là cải thiện hiệu quả trong việc thực thi chính sách và chủ trương. Việc tham khảo Luật Khung về tăng trưởng xanh của Chính phủ Hàn Quốc là một gợi mở hay trong quá trình tiếp tục xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Ban hành và thực thi các văn bản pháp luật liên quan có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam, bảo đảm sự phát triển kinh tế xanh đi đôi với môi trường xanh và phát triển bền vững.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường đầu tư nguồn lực vào phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch và thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian tới. Đặc biệt, cần tập trung vào ba yếu tố chính: bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải carbon và phát triển năng lượng tái tạo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thứ ba, việc học hỏi, trao đổi và hợp tác với cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công trong việc phát triển kinh tế xanh. Qua việc tương tác với cộng đồng quốc tế, Việt Nam có cơ hội nhận được sự hỗ trợ không chỉ về mặt khoa học và công nghệ, mà còn hỗ trợ về huy động vốn đầu tư trên các lĩnh vực theo hướng tăng trưởng xanh bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp xanh, đầu tư vào tự động hóa, phát triển hạ tầng giao thông và năng lượng sạch. Ngoài ra, hợp tác quốc tế cũng giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân.
Thứ tư, Việt Nam cần tăng cường thúc đẩy vấn đề thuế carbon trong việc phát triển kinh tế xanh. Điều này là vô cùng quan trọng bởi Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu lớn và cần phải thích ứng với các yêu cầu về carbon của các nước tiên tiến. Thuế carbon là một công cụ quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn, giúp giảm lượng phát thải CO2. Việc này cũng có thể tăng nguồn thu ngân sách, từ đó Chính phủ có thể đầu tư vào việc bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí carbon.
Như vậy, phát triển kinh tế xanh là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của các quốc gia châu Á, châu Âu, châu Mỹ…, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy và phát triển nền kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường tạo nên tăng trưởng xanh trên các lĩnh vực trong thời gian tới.
ThS. VĂN THỊ HÀ
Học viện Ngân hàng