Học Bác chăm lo hạnh phúc cho nhân dân

Nguyễn Thu Hằng

CT&PT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời vì mục tiêu giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Theo Người, chủ nghĩa xã hội là “làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc,… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(1). Thấm nhuần tư tưởng đó của Người, tại Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(2).

1. Chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là đích đến cuối cùng của sự nghiệp cách mạng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước giành được độc lập, song hậu quả của chế độ thực dân, phong kiến để lại hết sức nặng nề: đất nước bị tàn phá, nhân dân sống trong cảnh khốn cùng, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Chính phủ mới là phải chăm lo đời sống của nhân dân.

Theo Người, độc lập, thống nhất của Tổ quốc không thể tách rời tự do, hạnh phúc của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”3. Vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới, Người đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết nhằm đáp ứng những đòi hỏi trước mắt của nhân dân, đó là: chống nạn đói; chống nạn dốt và các tệ nạn xã hội khác; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết... Người kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Trước nạn đói diễn ra trầm trọng, với tinh thần nhường cơm sẻ áo, Người đề nghị với đồng bào cả nước và bản thân Người đã gương mẫu thực hiện: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”5. Nhờ những biện pháp tích cực, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hàng vạn tấn gạo cứu đói. Phong trào tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, diện tích trồng lúa và hoa màu tăng lên, nhờ đó, nạn đói sớm được khắc phục.

Cùng với chiến dịch diệt giặc đói, chiến dịch diệt giặc dốt cũng được Người phát động. Thực hiện lời kêu gọi của Người: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ... Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo,…”6, phong trào xóa nạn mù chữ đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn hai triệu người đã biết đọc, biết viết. Công tác văn hóa, giáo dục, y tế cũng được chính quyền mới quan tâm đẩy mạnh. Tính ưu việt của chế độ xã hội mới được khẳng định và phát huy.

Để thiết lập cơ sở pháp lý cho nhà nước kiểu mới của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội lập hiến, thông qua Hiến pháp, khẳng định quyền làm chủ đất nước và các quyền tự do, dân chủ khác của nhân dân. Đồng thời, Người cũng bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, qua đó thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội mới. Trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người nhắc nhở cán bộ chính quyền các cấp về những căn bệnh cần phải tránh và những việc cần phải làm, trong đó nhấn mạnh: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù nhiệm vụ chống ngoại xâm hết sức nặng nề, nền kinh tế đất nước rất khó khăn, song Người luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời đã ra Nghị quyết giảm 25% thuế điện cho nông dân, các địa phương bị lũ lụt được miễn thuế điện. Ngày 20/11/1945, Chính phủ lâm thời ra thông cáo quy định các điền chủ phải giảm tô 25% cho tá điền, tá điền phải hoãn nợ và bỏ những địa tô phụ. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi chưa có điều kiện giải quyết ruộng đất cho nông dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước mang lại quyền lợi dân chủ cho nhân dân, trước hết là nông dân. Trong vùng tự do, Người chủ trương giảm tô, giảm tức, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và Việt gian cấp cho dân cày nghèo và các gia đình chiến sĩ để cải thiện đời sống cho dân cày. Từ tháng 12/1953, Đảng ta chủ trương phát động quần chúng tiến hành giảm tô, cải cách ruộng đất thực hiện triệt để khẩu hiệu “Người cày có ruộng”.

Bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó được thể hiện trong quan điểm của Người về chủ nghĩa xã hội: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”7...

2. Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng tới mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Quan tâm chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm chỉ đạo Chính phủ ban hành chính sách an sinh xã hội và các chính sách giảm thuế để tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn thuận lợi. Người chỉ rõ, các chính sách kinh tế phải bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội, đem lại hạnh phúc cho người dân. Sự kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội là nét nổi bật trong tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh.

Theo Người, việc đề ra các chính sách xã hội đúng đắn và thực thi chúng có hiệu quả sẽ trở thành nguồn động lực to lớn, đoàn kết toàn dân tộc, ổn định xã hội, phát huy mọi tiềm lực vật chất, tinh thần, tài năng sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khắc phục từng bước nguy cơ tụt hậu về kinh tế... Từ đó, ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Người xác định trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Người chỉ rõ: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”8.

Người khẳng định, Đảng và Nhà nước từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân: “chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”9.

Như vậy, độc lập dân tộc gắn với tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, Đảng ta thể hiện quan điểm đó ở mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là thước đo sự thành công của công cuộc xây dựng CNXH trong thực tế.

3. Đảng và Nhà nước phải có chính sách nhằm giúp đỡ những tầng lớp xã hội dễ bị tổn thương

Không chỉ quan tâm chăm lo hạnh phúc của nhân dân, mà Người còn chỉ rõ những đối tượng cần được Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ , đó là: những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong). Người căn dặn, Đảng, Chính phủ phải chăm lo đến những quyền lợi thiết thực nhất của những người ấy, phải tạo điều kiện cho họ “có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người...”10.

Đối với những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc, Người căn dặn những người còn sống phải xây vườn hoa và bia tưởng niệm để đời đời biết ơn và giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau. “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”11.

Người cũng quan tâm đến các chiến sĩ trẻ tuổi, những người đã đóng góp công sức trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đây là lực lượng đi đầu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, những con người đã được tôi luyện trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước. Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”12.

Bên cạnh đó, Người cũng ghi nhận sự đóng góp của phụ nữ trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, quan tâm đến quyền bình đẳng của phụ nữ. Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”13.

Thấu hiểu sự hy sinh, gian khổ của nông dân qua hàng trăm năm bị phong kiến, thực dân đàn áp, bóc lột, không chỉ căn dặn phải chăm lo nâng cao đời sống, mà Người còn mong muốn một điều thật cụ thể và thiết thực là “miễn thuế nông nghiệp 1 năm”. Người hiểu rất rõ rằng, đối với nông dân, một năm thuế nông nghiệp là quá nhỏ bé so với tất cả những gì mà họ đã đóng góp cho kháng chiến, nhưng nếu được miễn chắc chắn sẽ là niềm vui lớn nhất của mỗi gia đình. Người muốn đem đến cho nông dân những hạt thóc, củ khoai để họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thực sự, chứ không phải là những lời động viên, ca ngợi hoa mỹ. Miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, sau nhiều năm liên tục góp của, góp người, chịu đựng mọi khó khăn gian, khổ vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Không chỉ chăm lo cho các tầng lớp có công trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm giúp đỡ đối với những người dân là nạn nhân của chế độ cũ: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v, thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”13.

Sự quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, theo Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở sự giúp đỡ về vật chất, mà quan trọng hơn là Đảng và Nhà nước phải tổ chức, tạo điều kiện cho nhân dân tự xây dựng đời sống hạnh phúc cho mình. Người viết: “Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc... Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang”14. Người chỉ rõ: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách, trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Người được cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm, trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội.

Trải qua gần 40 năm đổi mới, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới đem lại hạnh phúc cho nhân dân , bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”15. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Do đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016 - 2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016 - 2022.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 và Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai sâu rộng. Giai đoạn 2016 - 2020, số tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương lên đến 126,502 tỷ đồng; an sinh xã hội đạt trên 2.000 tỷ đồng; từ năm 2020 đến hết tháng 6/2022, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” đạt 3.865 tỷ đồng; an sinh xã hội trên 15.448 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo. Công tác tổng kết đánh giá thực tiễn thực hiện công tác giảm nghèo được Chính phủ và các địa phương chú trọng, tập trung đổi mới tư duy, cách thức giảm nghèo phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ; phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm vùng, miền.

Với những nỗ lực trên, kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, từ 9,88% năm 2015 giảm xuống còn 2,75% năm 2020, trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 1 - 1,5%/năm). Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 4%/năm).

Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” được công bố bởi Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho thấy, tình trạng đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm trong năm 2023, trong đó tình trạng đói nghèo ở các dân tộc thiểu số giảm đến 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Những thành quả phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc đã góp phần xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc, tươi đẹp, là những minh chứng rõ nét cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm chăm lo cho nhân dân. Đó cũng là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chăm lo ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với Nhân dân.


1, 7, 9, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 13, tr. 438; t. 12, tr. 415; t. 9, tr. 518, t. 15, tr. 616-617.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 202.

3, 4, 5, 6, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64, 135, 33, 40-41, 64.

10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 616.

13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 617.

15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 47.

ThS. NGUYỄN THÀNH NAM, ThS. ĐẶNG CÔNG THÀNH

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin