CT&PT - Trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Văn Lương đã đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước cả trong lý luận và chỉ đạo thực tiễn. “Với cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong suốt 10 năm từ khi đất nước thống nhất đến năm 1986, đồng chí đã mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, chăm lo cuộc sống của nhân dân thành phố”1.
Đồng chí Lê Văn Lương với các đại biểu dự Đại hội lần thứ IX (vòng 1) Đảng bộ Thành phố Hà Nội tại CLB Lao động, ngày 11/01/1982
Đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng Hà Nội xứng với tầm vóc, vị trí Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cũng là vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Tin tưởng vào phẩm chất, năng lực của người cán bộ xuất sắc, sau Đại hội IV của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Lê Văn Lương làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (khóa VII). Suốt 10 năm (từ 25/5/1977 đến 23/10/1986), đồng chí liên tục được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố tín nhiệm bầu làm Bí thư Thành ủy, từ khóa VII đến hết khóa IX.
Những cống hiến của đồng chí Lê Văn Lương cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô được thể hiện rõ nét trên các mặt công tác sau:
Thứ nhất, nỗ lực, chủ động tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo sâu sát, cụ thể kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội Thủ đô
Ngay từ đầu năm 1977, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII, đồng chí Lê Văn Lương đã nêu ý kiến, phát triển kinh tế Hà Nội theo hướng: Phát triển công nghiệp mà trọng tâm là sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng và tiểu thủ công nghiệp, nhằm phát huy nội lực, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân, đồng thời coi trọng cải tiến phân phối lưu thông. Trong nông nghiệp, chú trọng vào sản xuất thực phẩm, thực hiện chuyên canh và đẩy mạnh thâm canh, tạo nên vành đai thực phẩm cho Thành phố.
Nắm vững quan điểm, chủ trương của Trung ương và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Thành phố Hà Nội, đồng chí Lê Văn Lương đề cao quan điểm “phát huy nội lực Thủ đô”, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tiềm năng và sức sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Hiểu sâu sắc thế mạnh của Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ công nhân và thợ kỹ thuật, thợ thủ công lành nghề, tiềm năng ở trong dân rất lớn, đồng chí đã nêu chủ trương: “Thúc đẩy nền sản xuất, tăng cường nắm nguồn hàng, xây dựng lực lượng dự trữ về lương thực, sản xuất hàng tiêu dùng đến mức cao nhất, hợp tác với các tỉnh miền Bắc, miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh, đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại thương của Thành phố; phải kiện toàn các ngành lương thực, thương nghiệp, kiện toàn các phường, quận; tăng cường sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố. Đây là những việc mà địa phương phải nỗ lực làm, không thể ỷ lại cấp trên làm thay được; có chính sách giữ giá cung cấp gạo cho xã viên hợp tác xã thủ công nghiệp bán sản phẩm cho Nhà nước để khuyến khích xã viên tích cực sản xuất, không nên thả lỏng theo giá kinh doanh thương nghiệp”2.
Đồng chí Lê Văn Lương luôn xác định rõ nhiệm vụ của Thủ đô trong quan điểm chỉ đạo của mình: “Khi Trung ương xác định nhiệm vụ xây dựng Thủ đô không chỉ là nhiệm vụ của địa phương mà là trách nhiệm của cả Trung ương và Trung ương phải tập trung đầu tư cho Thủ đô, chúng ta vẫn không được ỷ lại. Tôi nghĩ rằng, đặc biệt trong bước đi ban đầu ở nước ta càng phải hết sức phát huy tiềm năng của địa phương, trên cơ sở đó mới tính đúng được phần đầu tư của Trung ương, tuy phần đầu tư này rất to lớn”3.
Với quan điểm trên, đồng chí đã chỉ đạo các ngành kinh tế nỗ lực, tích cực, chủ động liên kết với các tỉnh, thành phố để khai thác nguyên vật liệu cho sản xuất và tăng nguồn hàng từ nhiều địa phương bổ sung quỹ hàng hóa, giải quyết từng bước những tồn đọng, trì trệ, những tiêu cực phát sinh trong khâu phân phối lưu thông. Một số cơ sở kinh tế mũi nhọn được Thành phố chỉ đạo điểm, đã bắt đầu tự “cởi trói” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV, ngày 20/9/1979 có hiệu quả tốt. Đó là thực tế sinh động, cũng là những căn cứ quan trọng góp phần để Trung ương ban hành Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/01/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; Quyết định 25/CP, ngày 21/01/1981 của Hội đồng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh.
Tiếp nối nhiệm kỳ Thành ủy Hà Nội khóa VII, đồng chí Lê Văn Lương tiếp tục được bầu vào Thành ủy, đảm nhiệm trọng trách Bí thư Thành ủy khóa VIII (1980 - 1983) và khóa IX (1983 - 1986). Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thành phố khắc phục và vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chuẩn bị bước vào thời kỳ đổi mới.
Sau Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ IX, với khí thế mới, quyết tâm mới, đồng chí Lê Văn Lương đã chỉ đạo những công tác cụ thể, để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của Thành phố, tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố khác; lập kế hoạch sử dụng tốt vốn vay ngoại tệ, trong đó có việc huy động vốn từ Việt kiều để mở rộng liên kết, làm hàng công nghệ xuất khẩu… nhằm huy động tiềm năng của mọi tầng lớp nhân dân.
Nhờ từng bước áp dụng cơ chế quản lý mới và kiên quyết tập trung chỉ đạo sửa đổi một số chính sách kinh tế đã lỗi thời nên kinh tế - xã hội Thủ đô qua mỗi giai đoạn đều có sự khởi sắc rõ nét: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có những chuyển biến đáng kể, xuất nhập khẩu và kinh tế đối ngoại bước đầu có tiến bộ; nhà ở, trường học được quan tâm chăm lo đầu tư xây dựng...
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X (từ ngày 17 đến ngày 23/10/1986), Bí thư Thành ủy Lê Văn Lương đã nêu rõ phương châm hành động cho toàn Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Mọi công việc phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; coi trọng tổ chức công tác thực tiễn, kiên quyết chuyển đổi cơ chế quản lý từ tập trung quan liêu, bao cấp sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa... nâng cao sức chiến đấu của Đảng, kiên quyết đưa những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh”4.
Đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa - giáo dục - khoa học kỹ thuật, đồng chí cũng hết sức quan tâm chỉ đạo: “Thành phố cần thành lập lại Ban Khoa học kỹ thuật. Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội được thành lập sớm hơn một số tỉnh, thành phố khác. Để tập hợp và thực hiện công tác lãnh đạo, sự quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sỹ Thủ đô và Trung ương đang sinh sống trên địa bàn Thành phố, đồng chí yêu cầu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quan tâm hơn nữa đến đời sống và sự nghiệp sáng tạo văn hóa - văn nghệ Thủ đô, củng cố Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thành phố”5. Đồng chí chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố, các sở, ban, ngành “phải có kế hoạch phấn đấu để Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa - khoa học kỹ thuật tiêu biểu của cả nước”6.
Thứ hai, chỉ đạo có hiệu quả công tác quy hoạch và mở rộng đô thị, gắn công tác quản lý đô thị với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền quản lý ở ba cấp
Ngay khi mới về Hà Nội nhận công tác, để chuẩn bị tốt nội dung của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ VII, đồng chí Lê Văn Lương đã đề xuất với Thành ủy nghiên cứu quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô, rồi thay mặt Thành ủy, trình Bộ Chính trị ý kiến về mở rộng quy hoạch Thành phố. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VI, ngày 29/12/1978, Quốc hội đã phê chuẩn việc mở rộng thành phố Hà Nội lần thứ hai. Hà Nội lúc đó có 4 khu phố nội thành, 11 huyện, 1 thị xã ngoại thành với gần 2.500.000 dân7. Thành phố được mở rộng, có thêm nhiều thuận lợi về nhân tài, vật lực, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong chăm lo đời sống nhân dân và tổ chức guồng máy quản lý hoạt động có hiệu quả.
Sau nhiều năm dồn sức cho tiền tuyến, hạ tầng đô thị Hà Nội ít được đầu tư, đã lạc hậu trước yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Lương, một số công trình hạ tầng giao thông vận tải đã được mở mang, cải tạo: cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Đuống, cảng Phà Đen, sân bay Nội Bài…; tổ chức ngành vận tải biển pha sông để đưa gạo từ đồng bằng Nam Bộ về thẳng cảng Phà Đen và đưa hàng từ Hà Nội vào đồng bằng Nam Bộ. Các công trình kiến trúc dân sinh được quan tâm, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên ở nội thành và khu vực ngoại ô, đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho nhân dân.
Để Thành ủy Hà Nội có cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền phù hợp với tình hình mới, đồng chí Lê Văn Lương đã chủ động đề nghị Trung ương và trực tiếp đi khảo sát mô hình xây dựng chính quyền cấp quận và phường ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, đồng chí đã chỉ đạo thí điểm một số địa bàn chuyển mô hình hành chính từ tiểu khu thành phường - đơn vị hành chính cấp cơ sở có con dấu riêng. Đây là vấn đề mới và khá phức tạp đối với Hà Nội khi bỏ ban đại diện hành chính tiểu khu, thành lập chính quyền phường, và đổi từ mô hình khu phố thành mô hình quận.Từ thí điểm trên, đồng chí Lê Văn Lương đã không nản chí trước khó khăn, quyết tâm đi theo mô hình mới, phù hợp xu thế phát triển mọi mặt của Thành phố, giữ vững vai trò, vị trí là trung tâm đầu não đất nước. Đồng chí đã kiên trì thuyết phục Trung ương chấp thuận chuyển đổi mô hình chính quyền đô thị và được chấp nhận. Từ thực tiễn trên của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI (18/12/1980), đóng góp sửa đổi một số điều của Hiến pháp mới, trong đó ghi rõ bộ máy chính quyền thành phố tổ chức thành ba cấp: thành phố, quận, phường.
Với mô hình chính quyền mới, việc nâng cao trình độ của cán bộ để đáp ứng yêu cầu của đô thị Hà Nội đã mở rộng càng trở nên cấp bách. Đồng chí chỉ đạo, muốn quản lý đô thị tốt, các cấp quận, phường phải đổi mới công tác cán bộ, đổi mới tư duy, đổi mới phong cách làm việc, cải tiến cách làm kế hoạch, thể hiện tính tích cực, chủ động trong quản lý đô thị. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ cấp quận, phường từ chỗ còn bỡ ngỡ với mô hình quản lý mới đã dần dần đáp ứng yêu cầu quản lý, xây dựng của một đô thị với vị trí đặc biệt là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Thứ ba, chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ để biến nghị quyết Đảng thành hành động cách mạng
Trong những năm tháng trước đổi mới, trước tình trạng khó khăn mọi mặt của đời sống, một số cán bộ, đảng viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức của người cộng sản, một số cơ sở đảng chưa thật sự là hạt nhân lãnh đạo mọi mặt công tác. Do đó, đồng chí Lê Văn Lương đã tập trung lãnh đạo khâu trọng yếu nhất của Đảng bộ là công tác xây dựng Đảng. Cuộc vận động xây dựng Đảng vững mạnh và trong sạch cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao phẩm chất cộng sản cho cán bộ, đảng viên gắn với công tác phát thẻ đảng viên từ năm 1980 đã được chỉ đạo sát sao. Năm 1981, trong tình hình khó khăn chồng chất, đồng chí nhận thức sâu sắc rằng: điều quyết định để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ là nâng cao chất lượng lãnh đạo và tăng cường sức chiến đấu của Đảng, khắc phục những nhân tố tiêu cực trong Đảng, làm cho Đảng trong sạch. Đảng phải đi sâu vào mặt trận kinh tế, nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo kinh tế. Đồng chí đã chỉ đạo Thành ủy đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng theo phương pháp: Công tác tư tưởng, tổ chức phải gắn liền với thực tiễn sôi động, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cả nơi sản xuất, công tác và nơi cư trú. Nghiêm túc và thẳng thắn, chỉ ra khuyết điểm của Đảng bộ “chưa tập trung đúng mức vào việc cải tạo và xây dựng Thủ đô; chỉ đạo chưa nhạy bén, quản lý mang nặng tính chất hành chính bao cấp”8. Đồng chí đề cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên trong cuộc đấu tranh quyết liệt chống quan liêu, bảo thủ hoặc hô hào suông. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, đồng chí cho rằng các tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên “phải có ý chí chiến đấu kiên cường, nhạy bén với các vấn đề mới do cuộc sống đặt ra, có đủ kiến thức để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thực tế, chứ không chỉ ra nghị quyết, nêu khẩu hiệu. Muốn thế, các đảng viên phải có tinh thần hy sinh tận tụy, dũng cảm đấu tranh, bền bỉ học tập để nâng cao trình độ quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Phải loại ra khỏi Đảng những phần tử cơ hội trục lợi, sút kém ý chí chiến đấu, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, không quan tâm đầy đủ đến lợi ích của quần chúng”9.
Đối với cơ quan Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, để cải tiến lề lối làm việc, đồng chí yêu cầu, trước hết phải đổi mới từ chính lối suy nghĩ “ra nghị quyết là tròn nhiệm vụ”. “Vấn đề cơ bản vẫn là phải biến nghị quyết thành hành động cách mạng thực tiễn của đông đảo quần chúng nhân dân để cải biến tình hình, đưa cách mạng tiến lên. Đó là một vấn đề phải dứt khoát để thanh toán hiện tượng một số nghị quyết không thực hiện được hoặc thực hiện “đầu voi đuôi chuột”10.
Từ yêu cầu khách quan của nhiệm vụ và để đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống có hiệu quả, chống bệnh thành tích, phô trương, đồng chí Lê Văn Lương cho rằng, cẩm nang hành động để đi đến thắng lợi của người cán bộ lãnh đạo là: “Phải tích cực làm nhiệm vụ đảng viên, trung thực, đoàn kết; lối ra cơ bản trước khó khăn là: gặp bất kỳ khó khăn nào cũng phát huy trí tuệ của tập thể, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; hết sức phát huy trí sáng tạo của đông đảo quần chúng, nắm vững phương châm: dựa vào quần chúng sẽ giải quyết được mọi việc; định ra chương trình, kế hoạch làm việc tốt. Chọn đúng mắt xích để giải quyết tập trung dứt điểm, phát huy các điển hình tiên tiến trong địa phương”11.
Thứ tư, quan tâm sâu sát, gắn bó, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Thủ đô
Là một người lãnh đạo có tâm và có trách nhiệm, đồng chí Lê Văn Lương luôn trăn trở để làm sao cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân Thủ đô không ngừng được cải thiện. Nhân dân Hà Nội còn nhớ mãi những câu chuyện về sự chăm lo của đồng chí Bí thư Thành ủy đối với những vấn đề dù nhỏ nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Những ngày Thủ đô đối mặt với khó khăn, chưa tìm được nguồn gạo cung cấp cho nhân dân, đồng chí Lê Văn Lương trăn trở nhiều đêm để lo “chạy gạo” cho dân, đến khi xin được gạo từ kho dự trữ quốc gia, đồng chí đôn đốc, sắp xếp kiểm tra xem làm thế nào để phân phối gạo một cách hợp lý và công bằng. Không những vậy, đồng chí còn đến tận các vùng chuyên canh rau ở Nam Hồng, Vân Nội, nông trường nuôi lợn ở Vân Trì, nuôi gà ở Phúc Thịnh (Đông Anh), ở Cầu Diễn, Minh Khai, Tây Tựu (Từ Liêm), nông trường nuôi cá ở Yên Duyên, Yên Sở (Thanh Trì) để kiểm tra việc sản xuất rau, thực phẩm cung cấp cho Thành phố. Các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy thời kỳ đó đã quen với hình ảnh đồng chí Bí thư thường xuyên thức khuya để cùng tính toán, cân đối lương thực, thực phẩm từng tuần, từng tháng cho các quận, huyện. Đồng chí nói với mọi người thật giản dị, chân thành: “Dẫu ta vất vả đến mấy nhưng lương thực được đảm bảo cho đồng bào, đấy là hạnh phúc”12.
Khi nghe dân phản ánh thiếu nước, mất điện nhiều, đồng chí đã xuống ngay nơi cơ sở tìm hiểu nguyên nhân, chỉ đạo bàn cách khắc phục để nhân dân có điện, nước sinh hoạt. “Đến dự sinh hoạt chi bộ cơ sở, thấy đồng chí bí thư chi bộ thường cáo bận, vắng mặt, đồng chí đề nghị Thành uỷ có biện pháp ngay, do đó, ngày sinh hoạt chi bộ đã được quy định vào ngày 03 hàng tháng”13.
Với phong cách làm việc sâu sát, tỉ mỉ, dù công việc rất bận rộn, đồng chí Lê Văn Lương vẫn dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến phản ánh của nhân dân, xem xét đơn thư khiếu kiện… để có những biện pháp giải quyết kịp thời và triệt để. Những việc chưa giải quyết ngay được, đồng chí cũng đều trả lời cho nhân dân biết hoặc giao cho các ngành có liên quan giải quyết và kiểm tra lại. Nhớ về tình cảm của đồng chí Lê Văn Lương với nhân dân Hà Nội, đồng chí Dương Năng, nguyên thư ký đồng chí Lê Văn Lương đã viết: “Nhân dân Hà Nội biết ơn đồng chí lão thành cách mạng có tác phong giản dị, đi sâu sát quần chúng. Trong nhiều năm làm Bí thư Thành ủy đã đem hết tâm huyết lo cho thành phố, lo cho dân vượt qua thời kỳ khó khăn của cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, để ngày nay thành phố Hà Nội cùng cả nước tiến lên văn minh, giàu đẹp”14.
1, 12, 14. Lê Văn Lương trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 19, 298, 330.
2, 3. Tài liệu về đồng chí Lê Văn Lương, Tài liệu lưu trữ Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
4. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ X, Hà Nội, 1986.
5, 7, 13. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đồng chí Lê Văn Lương với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên, Hưng Yên, 2012, tr 52, 53, 55.
6. Một số ý kiến của đồng chí Lê Văn Lương bổ sung về nhiệm vụ công tác của Thành phố năm 1984, lưu trữ tại Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
8, 9. Bài phát biểu của đồng chí Lê Văn Lương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, Lưu trữ tại Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
10. Đề nghị về cải tiến lề lối lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố, lưu trữ tại Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
11. Tài liệu về đồng chí Lê Văn Lương, Lưu trữ tại Văn phòng Thành ủy Hà Nội.
Theo Tạp chí Lý luận chính trị
Phạm Hương tổng hợp