Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một con người toàn diện: một trí thức yêu nước, một nhà văn hóa lớn, một nhà quân sự đại tài. Cuộc đời Đại tướng là hành trình cống hiến và hy sinh không ngừng nghỉ cho dân tộc và đất nước, để rồi trở thành huyền thoại bất diệt trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Con người và sự nghiệp vĩ đại của Đại tướng là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật; đánh giá được tầm vóc của“huyền thoại” ấy vừa là tâm ý, vừa là khát vọng, song cũng là áp lực đối với mỗi văn nghệ sĩ.
Văn học nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng phản ánh hiện thực để chuyển tải tư tưởng, tình cảm, tác động đến cảm xúc của người thưởng thức. Mỗi loại hình nghệ thuật lại sử dụng chất liệu riêng để xây dựng hình tượng. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ.
Tầm vóc, trí tuệ, đức độ và tư duy của Đại tướng luôn là “mảnh đất màu mỡ” cho văn học nghệ thuật. Con người huyền thoại ấy đã đi vào tác phẩm của các nhà văn: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Hồ Phương, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Xuân Đức, Y Phương, Nguyệt Tú… Đó là con người gắn bó chặt chẽ với lịch sử, song yếu tố lịch sử không hề khô khan hay làm giảm đi tính hấp dẫn, trái lại nó còn nổi bật trong tác phẩm một cách bất ngờ.
Trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Tố Hữu ca ngợi tài chỉ huy thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đậm chất tráng ca: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp”. Đại tướng là người đầu tiên được Tố Hữu nhắc tới trong bài thơ ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ. Có thể nói, đây là một sự táo bạo, nhưng hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự ghi nhận chính xác của Nhân dân ta cũng như cộng đồng quốc tế về vai trò cá nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Cùng bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã viết nhiều bài ký “ngồn ngộn” chất liệu hiện thực. Đáng chú ý, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thể hiện trong tầm vóc lớn lao của một thiên tài quân sự trong bài ký Một quyết định khó khăn nhất. Ở đó, nhà văn kể lại cuộc gặp gỡ xúc động với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thời khắc lịch sử có tính chất quyết định, nhưng vô cùng khó khăn. Nhận tin Đại tướng, Nguyễn Đình Thi cấp tốc đi theo người giao liên đến cơ quan tham mưu. Đại tướng ngồi trên ghế chủ tọa với sắc mặt nghiêm nghị cùng với 7, 8 đồng chí cố vấn người Trung Quốc ngồi ở hai dãy bàn. Thấy nhà văn đi vào, Đại tướng giới thiệu: “Đây là một văn nghệ sĩ của chúng tôi”, rồi quay sang Nguyễn Đình Thi đề nghị: “Anh hát bài Người Hà Nội được chứ?”. Tuân lệnh Đại tướng, nhà văn cất tiếng hát: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội…”. Một tràng vỗ tay nổi lên. Đại tướng xúc động. Đó chính là cuộc họp mà tại đó, Đại tướng đã đi đến quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp cầm quân, khi chuyển từ cách “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Việc Nguyễn Đình Thi trở thành “ca sĩ” trong tình huống lúc bấy giờ chính là để làm cho tình hình bớt căng thẳng, không khí buổi họp nhẹ nhõm đi một chút.
Khởi đầu từ năm 1964, trong hành trình hơn 30 năm gắn bó duyên nợ với văn chương, nhà văn Hữu Mai đã dành toàn bộ tâm huyết để viết 6 tập hồi ký về Đại tướng: Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (1964), Từ nhân dân mà ra (1966), Những năm tháng không thể nào quên (1970), Chiến đấu trong vòng vây (1995), Đường tới Điện Biên Phủ (1999), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (2000). Ngoài hồi ký, nhà văn Hữu Mai đã viết Không phải huyền thoại - cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời văn, nhưng lại là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng. Trong cuốn tiểu thuyết này, chân dung Đại tướng được khắc họa là một nhân vật văn học với những ưu tư và trách nhiệm khi được lịch sử lựa chọn gửi gắm: “Chiến tranh với những thăng trầm thường tạo nên những huyền thoại. Nhưng nhà văn Hữu Mai với mối quan hệ đặc biệt với nhân vật của mình, đã có cuộc hành trình trên trang giấy để tìm ra đâu là khía cạnh phi thường của một con người giữa quan hệ với muôn người, những ảnh hưởng đến sinh mệnh và cục diện chiến cuộc, đâu là khía cạnh chân thực của những nét ngoại cỡ của tầm vóc lịch sử”1. Cũng trong Không phải huyền thoại, nhà văn Hữu Mai còn nói tới những quyết định có tính chất lịch sử, đó là việc “kéo pháo ra” sau khi đã “kéo pháo vào”; “đánh chắc, tiến chắc” trái với phương châm ban đầu “đánh nhanh, thắng nhanh”. Việc thuyết phục, tổ chức lại trận địa nếu không phải do vị tướng trí tuệ, tinh anh, tài thao lược lãnh đạo thì rất khó có thể nhận được sự đồng thuận để đi đến chiến thắng “Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” (Tố Hữu) trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Võ Nguyên Giáp là con người thông tuệ, hiểu biết nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật. Vì thế, trong cuốn tiểu thuyết này, nhà văn còn viết về mối quan hệ của Đại tướng với các văn nghệ sĩ - chiến sĩ Điện Biên…
Trong Những cánh rừng lá đỏ, nhà văn Hồ Phương viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Trong đó, hình ảnh Đại tướng được khắc họa ở tầm vóc và tài thao lược - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cánh rừng lá đỏ của Hồ Phương đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012.
Trong tác phẩm kịch Nhiệm vụ hoàn thành, nhà văn Xuân Đức đã lựa chọn những lát cắt quan trọng nhất trong lịch sử để chứng minh vai trò quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử, thậm chí có những lát cắt lịch sử cần phải làm rõ để thấy trong quá trình giải phóng dân tộc, thông qua số phận của Đại tướng có thể thấy số phận lịch sử của cả dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, nhà văn Xuân Đức còn tìm hiểu, khai thác tư liệu để khẳng định vai trò quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Đường Hồ Chí Minh trên biển, với cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975. Nhiệm vụ hoàn thành đã được nhận giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật về đề tài cách mạng và kháng chiến giai đoạn 1930-1975.
Dựa vào những tư liệu lịch sử của gia đình, tác giả Hồng Cư và bà Đặng Bích Hà đã phác họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời thanh niên trong cuốn sách Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ. Qua đó có thể thấy, bên cạnh hình ảnh một danh tướng huyền thoại, một người con vĩ đại của đất nước là một góc nhìn rất khác về Đại tướng: một con người nặng tình, luôn có trách nhiệm với gia đình. Dù bận trăm công nghìn việc vì nước, vì dân, Đại tướng vẫn là một người cha mẫu mực, cùng vợ nuôi dạy các con trưởng thành và có nhiều cống hiến cho đất nước.
Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyệt Tú đã viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái rất cảm động. Năm 1933, Võ Nguyên Giáp kết hôn với Nguyễn Thị Quang Thái - cô nữ sinh Đồng Khánh xinh đẹp, học giỏi, có chất giọng Vinh ấm áp2. Con gái đầu lòng Võ Hồng Anh ra đời là trái kết tình yêu của cặp trai tài, gái sắc cùng lý tưởng đấu tranh, dấn thân làm cách mạng. Cuối năm 1939, anh Giáp rút vào hoạt động bí mật và được cử sang Trung Quốc hoạt động. Năm 1944, chị Quang Thái hy sinh tại nhà giam Hỏa Lò trong nỗi day dứt của người mẹ không được gặp con lần cuối, trong nỗi lo cho chồng trên con đường hoạt cách mạng đầy chông gai. Một năm sau, khi đang tham dự Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), Võ Nguyên Giáp mới biết tin vợ mất. Rồi lại một năm sau nữa, mới được gặp con gái Hồng Anh lần đầu. Nhìn con gái, Võ Nguyên Giáp nhớ tới người vợ, người đồng chí trung kiên. Nỗi đau và nỗi nhớ ấy phải nén lại, chôn kín trong trái tim Đại tướng, bởi nặng tình, nặng nghĩa với gia đình, nhưng cũng nặng nghĩa, nặng tình với đất nước, dân tộc. Có thể thấy, ngoài các tác phẩm viết về chân dung Đại tướng, thì hầu hết các tác giả đều xây dựng chân dung Đại tướng gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại, trong mối quan hệ với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước, Nhân dân và gia đình.
Năm 1994, trong một lần gặp Đại tướng, nhà thơ Anh Ngọc xúc động viết bài thơ Vị tướng già:
…“Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy”…
Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhà thơ Anh Ngọc xúc động nghẹn ngào, càng nhớ da diết thời khắc gặp Đại tướng và nhớ lại câu kết ấn tượng của Vị tướng già:
“Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân Ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu”.
Có lẽ mùa thu cũng vương vấn con người đó, còn lịch sử vui hơn vì đã mãi ghi nhớ Người - Vị tướng già, nhưng cuộc đời mãi trẻ!
Trong đau thương tột cùng, cả dân tộc khóc thương vị Đại tướng của lòng dân. Chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng nghìn bài thơ được viết để thể hiện nỗi mất mát, tiếc thương Đại tướng: “Khi nằm xuống cả non sông thương khóc/Cả non sông thành rồng chầu, hổ phục” (Bất tử - Nguyễn Trọng Tạo). Trong tâm thức dân tộc, Đại tướng luôn được tôn là bậc Thánh: “Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê/Vì Dân - Nước, Người trở thành bất tử” (Bất tử - Nguyễn Trọng Tạo)… Có lẽ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được các nhà thơ tôn vinh và gọi là Người, là Bác trong nhiều bài thơ: “Đêm thứ hai Người xa/Lòng dân héo như hoa… Dạ/Thưa Bác!/Ở đó có lạnh buốt/Sao tim con... rơi ra” (Y Phương).
Cả cuộc đời sống gắn bó với Thủ đô, nhưng khi mất, Đại tướng lại có tâm nguyện được trở về quê hương nằm trong lòng Đất Mẹ: “Chết về quê! Chết về quê/Nằm trong Đất Mẹ bốn bề gió reo”; “Sau những chuyến đi xa/Hôm nay Người trở về quê Mẹ/Về với điệu hò khoan xứ Lệ/Về với quê hương Quảng Bình trăm mến ngàn thương/Chiều nay, hàng vạn người dân quê đón Đại tướng dọc bên đường” (Đỗ Quý Doãn). Nhà thơ Anh Ngọc lại thấy sự trở về của Đại tướng là một vòng tròn khép kín: “Ông ra đi/Ông đã về đây/Đời là cuộc hành trình khép kín/Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến”. Đó thực sự là một chuyến đi, đi và trở về, huyền thoại trở về với nơi huyền thoại.
Từ cuộc đời bước vào tác phẩm và từ tác phẩm bước ra cuộc sống để lan tỏa cái đẹp - đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Con người và sự nghiệp vĩ đại của Đại tướng mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho người sáng tác. Đã có nhiều tác phẩm viết về Đại tướng, nhưng người nghệ sĩ sáng tạo vẫn luôn canh cánh một “món nợ lòng”: phải viết sao cho xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Đại tướng, làm sao để “bước chân vương vấn với mùa thu” còn in dấu đậm nét nơi hậu thế, dù biết rằng tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được chạm khắc trong lòng dân tộc, trong niềm tôn kính của Nhân dân như MỘT TƯỢNG ĐÀI THÁNH GIÁP BẤT TỬ TRONG CUỘC ĐỜI!
1. Hữu Mai: Không phải huyền thoại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.
2. Nguyễn Thị Quang Thái sinh ở Vinh, quê gốc là làng Nhân Chính, Hà Nội. Bà là em gái của nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai.
PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng
Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội