Hiện trạng các mô hình du lịch cộng đồng tại Lâm Đồng

Nguyễn Thị Oanh

CT&PT - Du lịch dựa vào cộng đồng là hình thức du lịch được tổ chức dựa trên sự phối hợp từ cộng đồng, chủ yếu khai thác bền vững các giá trị sẵn có ở địa phương, qua đó có thể gia tăng phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

1. Mô hình du lịch cộng đồng tại Bidoup - Núi Bà thuộc huyện Lạc Dương và huyện Đamrông
Mô hình du lịch cộng đồng tại Bidoup - Núi Bà là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (CBET), cải thiện sinh kế thông qua giáo dục về nông nghiệp và môi trường. Những kết quả đạt được của mô hình này được thể hiện trên các mặt sau:
Về sự tham gia của các thành viên cộng đồng: Những người muốn tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái được chọn vào danh sách ứng viên tiềm năng sau khi tham vấn cộng đồng.
Về mặt phát triển năng lực cho những người tham gia trong các hoạt động du lịch sinh thái, các thành viên trong cộng đồng cùng với nhân viên của vườn quốc gia được chọn tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái đã được tham dự các khoá tập huấn như hướng dẫn tuyến du lịch sinh thái, kỹ năng diễn giải, sơ cấp cứu, kỹ năng đón tiếp du khách, đa dạng sinh học.
Về phát triển hạ tầng, theo kế hoạch hạ tầng, các công trình đã được xây dựng để chuẩn bị cho hoạt động thử nghiệm như Trung tâm du khách; các tuyến tham quan ngắn được thiết lập gần Trung tâm du khách chủ yếu dành cho khách nội địa không thích đi bộ trên tuyến đường dài. Một tuyến tham quan có độ dài trung bình cũng được cải tạo và lắp đặt biển chỉ dẫn để đảm bảo độ an toàn cho du khách.
Về thiết lập thể chế: Trung tâm du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (CEEE) đã được chính thức thành lập vào tháng 4/2011, trực thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, chịu trách nhiệm quản lý và phát triển các hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường. Phí vào cổng tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sau khi khảo sát, thảo luận và hội thảo đã được trình lên và chấp thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Về mặt tiếp thị, theo chiến lược tiếp thị, một cuộc hội thảo và buổi tham quan giới thiệu đã được tổ chức để giới thiệu khái niệm du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đến các đơn vị lữ hành ở Đà Lạt.
Hoạt động của mô hình đã góp phần củng cố bản sắc văn hoá của người Cơ ho trong thôn. Một số thành viên cộng đồng còn trẻ đã được học kỹ năng múa cồng chiêng, giúp họ biểu diễn múa truyền thống cho du khách. Tương tự, một nhóm phụ nữ trong thôn cũng được học kỹ thuật đan dệt truyền thống thông qua các khoá tập huấn, có thể tạo ra sản phẩm chào bán làm quà lưu niệm cho du khách. Đây là những nỗ lực làm sống lại văn hoá nghệ thuật múa cồng chiêng và dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ ho trong những cộng đồng đã dần mai một. Ngoài ra, nội dung diễn giải cho du khách do các diễn giải viên cộng đồng và vườn quốc gia đảm nhận cũng đề cập đến lối sống truyền thống của người Cơ ho.
Vấn đề tồn tại:
Thứ nhất, số lượng du khách tham gia các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà còn hạn chế trong giai đoạn đầu tư thử nghiệm, có thể do những nguyên nhân sau đây: (1) Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chưa được biết đến nhiều trong cộng đồng du khách; (2) Mối quan hệ đối với các đơn vị lữ hành chưa đủ mạnh để giới thiệu thêm du khách; (3) Sản phẩm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhiều du khách; (4) Mức độ tham gia của cộng đồng còn khá thụ động: Mặc dù các thành viên cộng đồng đã tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái với vai trò hướng dẫn trên tuyến; diễn giải; khuân vác; biểu diễn múa cồng chiêng, nhưng sự đóng góp của họ chưa chủ động. Điều này có thể do họ có ít kiến thức và kinh nghiệm về du lịch sinh thái để có thể chủ động tham gia vào các hoạt động; Do lợi ích dành cho người tham gia và cộng đồng thông qua quỹ cộng đồng dưới sự quản lý của quỹ chia sẻ lợi ích không nhiều; Do số lượng du khách còn ít và sự tham gia của họ vẫn mang tính cá nhân và chỉ khi có nhu cầu, vì thế mô hình này còn gặp khó khăn trong việc tạo ra cơ hội cho họ chủ động tham gia các hoạt động du lịch sinh thái. Vì thế, bên cạnh việc liên tục tổ chức các khoá tập huấn để nâng cao năng lực và nhận thức cho những người tham gia, mô hình.
Thứ hai, thời gian dự án của mô hình không đủ dài để phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng: Dự án khởi động vào đầu năm 2010 và kết thúc vào cuối năm 2013. Do đó, những vấn đề liên quan đến phát triển năng lực cho nhân viên dự án và các thành viên cộng đồng phải được hoàn thành trong thời gian này. Dự án phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng diễn ra trong điều kiện vô cùng không thuận lợi ví dụ như năng lực hạn chế của các nhân viên giáo dục môi trường và các thành viên cộng đồng về du lịch sinh thái và nhận biết về Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà còn nhiều hạn chế, chưa sâu sắc. Do đó, dự án phải nỗ lực rất nhiều đặc biệt trong khâu phát triển năng lực, tiếp thị. Tuy nhiên, vẫn rất khó để chuẩn bị sẵn sàng cho nhân viên giáo dục môi trường và thành viên cộng đồng tự thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái một cách bền vững trong thời gian ngắn của dự án.
2. Mô hình du lịch LangBiang, huyện Lạc Dương
Giới thiệu chung
Núi Lang Biang nằm về hướng bắc, cách thành phố Đà Lạt khoảng 12km, thuộc địa phận thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Lang Biang là tên gọi phổ biến nhất mà mọi người dùng để chỉ hai ngọn núi hùng vĩ với độ cao 2167m và 2064m so với mặt biển.
Núi Lang Biang nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vĩ gắn liền với những truyền thuyết đáng yêu, nhưng cho đến năm 1993 Công ty Du lịch Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh (VYC) mới đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép quản lý, đầu tư và bước đầu đưa vào khai thác du lịch. Đến cuối năm 1999, Công ty VYC giao lại cho Công ty Du lịch Lâm Đồng quản lý theo Quyết định số 3346/QĐ-UB ngày 28-10-1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng và từ đó Khu du lịch Lang Biang ra đời theo Quyết định số 111/QĐ-DL ngày 2-11-1999 của Công ty Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Cho đến nay, Công ty Du lịch Lâm Đồng và Khu du lịch Lang Biang đã và đang đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình phục vụ du khách đến tham quan vãn cảnh núi Lang Biang.
Vào những ngày đầu mới thành lập, Khu du lịch Lang Biang còn là rừng núi hoang sơ chưa được nhiều người biết đến, con đường lên núi chỉ là con đường đất đỏ và đá tảng gồ ghề nên rất khó khăn để loại xe chuyên dùng có thể lên được đỉnh núi, đặc biệt vào những khi trời mưa. Qua một thời gian đầu tư, tôn tạo và quảng bá thì đến nay, Khu du lịch Lang Biang đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến bởi sự đa dạng sinh học và phong phú về các loại thảo dược và thảo mộc, các loại chim thú quý hiếm cùng các loại hình du lịch hấp dẫn như: leo núi, cắm trại và nghiên cứu về sinh thái, văn hoá dân tộc.
Các điểm tham quan và các dịch vụ du lịch
Khu du lịch Lang Biang được chia ra làm 5 khu vực:
Khu vực đón tiếp là nơi đón tiếp và hướng dẫn cho du khách đồng thời cung cấp dịch vụ leo núi bằng xe chuyên dùng nếu khách có nhu cầu. Leo núi bằng xe chuyên dùng, du khách có được cảm giác lý thú khi xe chạy trên đường đèo quanh co, phức tạp giữa rừng thông bạt ngàn của Đà Lạt.
Thung lũng Trăm Năm cách khu vực đón tiếp khoảng 500m, được thiết kế thành một khu du lịch nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi với các dãy nhà sàn, sân tennis, nhà hàng đặc sản rượu cần, thịt nướng, dịch vụ karaoké, sân lửa trại, biểu diễn cồng chiêng, khu cắm trại… Sở dĩ có tên gọi là Thung lũng Trăm Năm vì nơi đây được chọn để tổ chức lễ hội mừng 100 năm thành phố Đà Lạt hình thành và phát triển.
Bãi Mimosa nằm cách khu vực đón tiếp khoảng 1,5km. Đến khu vực này, du khách được đi trên chiếc cầu treo của người dân tộc. Nhà hàng ở đây được thiết kế theo kiểu dáng nhà sàn của đồng bào dân tộc bản địa. Nhà hàng có các đặc sản như: rượu cần, thịt nướng… Khung cảnh nơi đây còn rất hoang sơ nên rất thích hợp để tổ chức cắm trại, biểu diễn cồng chiêng,…
Đồi Dankia (Radar) là điểm cao nhất mà xe chuyên dùng có thể đến được. Trong thời chiến tranh ở nơi đây, quân đội Mỹ đã đặt một trạm radar phục vụ cho nhu cầu liên lạc viễn thông và đã dời đi khi chiến tranh sắp kết thúc. Những năm trở lại đây, Khu du lịch Lang Biang đã cải tạo nơi này thành một điểm dừng chân cho du khách tham quan đỉnh núi. Từ độ cao 1950m so với mực nước biển, du khách có thể ngắm được toàn cảnh thành phố Đà Lạt và nhìn chi tiết bằng kính viễn vọng, thấy được hồ Dankia - Suối Vàng với dòng suối quanh co uốn lượn từ đầu nguồn. Nhà hàng trên đỉnh Radar rộng khoảng 200m2 được bao bọc xung quanh bằng kính, vì vậy, du khách ngồi trong nhà hàng vừa thoải mái ngắm nhìn khung cảnh xung quanh vừa thưởng thức các món đặc sản của Đà Lạt. Khung cảnh nơi đây rất thích hợp để du khách tổ chức cắm trại qua đêm, được ngắm nhìn thành phố Đà Lạt sáng lung linh trong ánh đèn đêm và cảnh bình minh trong lành.
Đỉnh Lang Biang cao 2167m là đỉnh cao nhất của dãy Lang Biang nên du khách sẽ có cảm giác thật tự hào khi chinh phục được độ cao này. Đỉnh Lang Biang với cảnh quan thiên nhiên thật hùng vĩ và đầy sức quyến rũ bởi phong cảnh núi rừng và vẻ đẹp hoang sơ, các thảm thực vật luôn thay đổi theo từng độ cao khác nhau. Từ đỉnh cao chót vót này, du khách có thể phóng tầm mắt ra mọi hướng mà không hề bị che khuất. Ngoài ra, du khách cũng có thể cảm nhận đỉnh Lang Biang như một hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi mênh mông xanh ngát. Hai đỉnh của núi Lang Biang cho đến nay hầu như vẫn còn là rừng nguyên sinh nên rất thích hợp để mở các tour du lịch khảo cứu.
Văn hoá cồng chiêng
Để giúp lan truyền những giá trị văn hóa Tây Nguyên, Khu du lịch LangBiang đã hợp tác với những bản làng xung quanh cùng xây dựng nên chương trình biểu diễn Lễ Hội Cồng Chiêng ngay tại Thung lũng Trăm Năm. Trong chu vi chưa đầy 1 km2 bên chân núi Langbiang (xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng) có đến 11 nhóm múa hát cồng chiêng của người dân tộc Lạch.
Để có thể xây dựng những tiết mục cồng chiêng truyền cảm, hút hồn khách tham quan, mỗi nhóm phải tập hát, múa và luyện chơi những nhạc cụ đặc trưng, đồng thời tái hiện không gian sinh hoạt của buôn làng thời xa xưa qua việc bài trí khu vực biểu diễn bằng cung tên, nám nỏ, những họa tiết đặc thù, các vật dụng sinh hoạt thiết yếu trong đời sống hằng ngày của tộc người Lạch. Đặc biệt nữa, nơi đây không thể thiếu bếp lửa - mà theo quan niệm của họ - là cội nguồn của sự sống.
Mỗi nhóm đều có chương trình riêng để đáp ứng yêu cầu của từng nhóm du khách nhưng tựu trung mỗi buổi diễn cồng chiêng đều gồm ba phần chính: giới thiệu văn hóa dân gian (sinh hoạt đời thường, cưới hỏi, hội hè); đánh cồng chiêng, múa hát (hát những bài ca ngợi buôn làng, hát mừng lúa mới, trai gái tỏ tình) và giao lưu với khách đến thăm buôn làng (nắm tay múa hát, chơi trò chơi, uống rượu cần). Nhiều du khách đến đây tham quan, khi chia tay đêm hội vẫn chếnh choáng trong cảm xúc của những giai điệu cồng chiêng huyền bí, trong men say của rượu cần cùng nét duyên dáng của những sơn nữ, quyến luyến không muốn rời xa.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, thì hiện cồng chiêng Langbiang cũng đang bị thương mại hóa. Hiện nay, một số nhóm cồng chiêng đã chấp nhận làm theo kiểu “tiền nào của nấy”, biểu diễn một thứ nghệ thuật cồng chiêng nửa truyền thống, nửa hiện đại đã gây không ít thất vọng và bức xúc cho du khách lẫn các nhóm cồng chiêng khác. Dù thế, cồng chiêng Langbiang vẫn có sức hấp dẫn riêng, khiến những ai đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt luôn muốn được thưởng thức và tìm hiểu.
3. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Đơn Dương
Đơn Dương có khí hậu mát mẻ quanh năm và ít chịu ảnh hưởng của những biến đổi khí hậu thất thường, điều kiện khí hậu ở Đơn Dương vừa thích hợp cho hoạt động canh tác rau, hoa, chăn nuôi bò sữa của người dân địa phương vừa là điều kiện lý tưởng cho các hoạt động du lịch cộng đồng.
Cảnh quan tự nhiên như: đồi thông Châu Sơn, những đồi hoa dại dã quỳ, những cánh đồng hoa hướng dương, hoa cải ở xã Tu Tra và bạt ngàn những vườn rau xanh ngắt như cải, xà lách, hành tây, khoai tây, ớt chuông bao quanh toàn huyện. Nơi đây được xem là vựa cà chua, là vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, hơn nữa còn nổi tiếng với dứa Cayenne - loại cây đặc thù của vùng Đơn Dương.
Tài nguyên du lịch văn hoá của Đơn Dương nổi bật với văn hoá phi vật thể gắn với đồng bào Churu, nổi bật nhất là Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Những màn biểu diễn đậm chất bản địa trong trang phục truyền thống của cộng đồng Churu hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên, đặc biệt là nghệ nhân Ma Bio và nhóm cồng chiêng thôn Diom A, xã Lạc Xuân. Trong kho tàng giá trị văn hoá vật chất và tinh thần phong phú của đồng bào Churu có một nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng đó là nghề chạm trổ kim hoàn, đặc biệt là nghề làm nhẫn bạc vẫn còn lưu giữ cho đến tận ngày nay.
Giá cả hàng hoá, sản phẩm dịch vụ ăn uống còn rẻ vì hiện nay chủ yếu cung cấp cho người dân địa phương. Lãnh đạo cấp huyện tạo điều kiện cho phát triển du lịch, đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Người dân nhận thức được lợi ích của loại hình du lịch cộng đồng đối với chính họ và đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Người dân sẵn sàng tham gia vào việc phát triển du lịch từ khâu lập kế hoạch đến khâu triển khai, thực hiện bao gồm tham gia cuộc họp bàn về vấn đề du lịch địa phương, đóng góp ý kiến để phát triển du lịch địa phương, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch (phục vụ lưu trú tại nhà, đón tiếp khách tại vườn rau, hoa; phục vụ ăn uống, biễu diển vẵn nghệ truyên thống...).
Các sản phẩm du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng gắn với văn hoá của đồng bào dân tộc Churu: khai thác các giá trị không gian văn hoá cồng chiêng của đồng bào Churu, nghề thủ công truyền thống gồm nghề gốm, nhẫn bạc, đan lát, làm rượu cần ở xã Lạc Xuân, Tu Tra, Próh; ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa.
Du lịch farmstay gắn với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của cư dân địa phương; tham quan và trải nghiệm tour "một ngày làm nông dân" ở những trang trại trồng rau xanh, cà chua, dứa Cayenne hay trang trại bò sữa thân thiện với môi trường; thưởng thức những sản phẩm nông nghiệp địa phương kết hợp tìm hiểu văn hoá thâm canh, trải nghiệm quá trình canh tác, lao động của bà con nông dân.
Du lịch cộng đồng cùng làng nghề với sản phẩm bánh tráng Lạc Lâm: Tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất bánh tráng thủ công của các hộ gia đình di cư từ vùng Kinh Bắc vào Đơn Dương hơn 30 năm, hình thành làng sản xuất bánh tráng gia truyền Lạc Lâm đặc biệt là thưởng thức món bánh tráng nướng mắm ruốc do người trong làng sáng tạo và đã trở thành sản phẩm đặc trưng của làng nghề.
Kết hợp du lịch tham quan ngắm cảnh dựa trên vẻ đẹp hoang sơ của cảnh quan tự nhiên như thác nước Cha Tây, thác Thiên Thai, đồi thông Châu Sơn, hồ Ma Danh, hồ Đạ Ròn, hồ Đa Nhim, những đồi hoa dại; tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hoá của đồng bào Churu như nhà thờ Ka Đơn, nhà thờ cổ Churu
Bộ máy điều hành mô hình du lịch
Ban quản lý: Thành viên ban quản lý bao gồm những người có uy tín và tiếng nói trong thôn, đặc biệt là người Churu và đại diện chính quyền xã Lạc Xuân. Người đứng đầu Ban quản lý phải là người có uy tín trong thôn, luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội, luôn giúp đỡ các thành viên trong thôn và có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc.
Ban Quản lý có trách nhiệm soạn thảo quy định du lịch tại thôn Diom A, xã Lạc Xuân, xã Pró, xã Tu Tra; kiểm tra, rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động để đưa ra quy định phù hợp cho mỗi nhóm chức năng, người dân địa phương và du khách; chịu trách nhiệm quản lý hoạt động chung của mỗi mô hình và là cầu nối giữa mô hình du lịch cộng đồng với các cá nhân, tổ chức bên ngoài.
Nhóm Điều hành: Điều phối các nhóm chức năng cùng hợp tác phục vụ khách, phân công công việc, đôn đốc thực hiện đảm bảo quá trình du lịch của du khách không bị chậm trễ hay gián đoạn; xây dựng chiến lược kinh doanh mới cũng như tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Nhóm này được thành lập ngay từ giai đoạn đầu, gồm 4 - 5 thành viên là người dân bản địa, sống lâu năm tại thôn Diom A tổ chức đón tour, xác định sức chứa phù hợp cũng như sắp xếp các điểm tham quan, trải nghiệm.
Nhóm Chức năng: Đảm nhận các nhiệm vụ khác nhau trong quá trình hoạt động du lịch. Nhóm này nên huy động nguồn nhân lực tại thôn và chia thành các nhóm chuyên trách khác nhau trên cơ sở khai thác thế mạnh của các nhóm thành viên.
Nhóm biểu diễn cồng chiêng: Tập hợp các thành viên là người dân tộc Churu tại thôn Diom A, đặc biệt có sự chỉ đạo của nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng Ma Bio.
Nhóm hướng dẫn, thuyết minh (chỉ đường): Đưa du khách đi tham quan những điểm có tài nguyên du lịch đặc sắc của thôn đã được chọn lựa trong mô hình, kết hợp thuyết minh, diễn giải cội nguồn dân tộc, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, các lễ hội văn hóa truyền thống, nghề thủ công và nếp sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào Churu.
Nhóm ẩm thực: Xây dựng thực đơn chế biến và phục vụ khách các món ăn, đồ uống truyền thống của người Churu dựa trên nguồn nguyên liệu, thực phẩm tại địa phương
Nhóm lưu trú: Phục vụ nhu cầu lưu trú qua đêm của du khách, nhóm này có nhiệm vụ chuẩn bị nơi ở và các vật dụng cần thiết đảm bảo nhu cầu thiết yếu của khách lưu trú; cần chú ý đến yếu tố nguyên bản gắn liền với giá trị văn hóa của cộng đồng Churu để đem đến cho du khách cơ hội trải nghiệm đời sống sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng Churu ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân.
Nhóm phục trang: Sưu tầm và gìn giữ những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Churu, trong quá trình phục vụ du khách tất cả các thành viên tham gia mặc trang phục truyền thống. Ngoài ra, cần đảm bảo những bộ trang phục luôn được sạch sẽ, gọn gàng để có thể cho du khách thuê chụp ảnh hoặc tham gia vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Nhóm y tế: Sẵn sàng chăm sóc khách du lịch mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu. Nhóm này cần chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ y tế cần thiết cũng như cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về y tế để phục vụ khách lúc khẩn cấp.
Nhóm vệ sinh cộng đồng: phụ trách công tác vệ sinh, xử lý rác thải ở tất cả những nơi du khách có thể đi qua, ghé thăm. Đồng thời, tuyên truyền cho mọi người trong cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ môi trường, xử lý rác thải góp phần đảm bảo cảnh quan trong toàn thôn và được quyền xử lý những người vi phạm theo quy định của Ban quản lý.
Điểm thành công lớn nhất trong mô hình du lịch dựa vào cộng đồng ở huyện Đơn Dương là sự tổ chức thành các tổ, đội nhóm dịch vụ và sự điều hành có hiệu quả của Ban Quản lý. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng ở Đơn Dương vẫn gặp một số khó khăn nhất định:
Thứ nhất, hệ thống giao thông nội huyện, tuyến, xã lộ vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp như xã Pró, Tu Tra,..;
Thứ hai, công tác quy hoạch, phát triển du lịch chưa được thực hiện;
Thứ ba, công tác quảng bá du lịch huyện Đơn Dương còn hạn chế;
Thứ tư, chưa thu hút hỗ trợ đầu tư của các tổ chức phi chính phủ về phát triển du lịch;
Thứ năm, các điểm hấp dẫn du lịch phân bố rời rạc, không tập trung dẫn đến việc khó thiết kế tuyến du lịch trong huyện;
Thứ sáu, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và thiếu, công tác đào tạo chưa được chú trọng.

ThS. VŨ THỊ DUYÊN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin