Hành trình trải nghiệm những không gian văn hóa thời trẻ - dấu ấn lớn hình thành nên nhân cách, tư duy Hồ Chí Minh

Trần Ngọc Anh

CT&PT - Nhân cách và năng lực tư duy của một con người, đặc biệt là những danh nhân, được hình thành và phát triển trong suốt quá trình hoạt động và trưởng thành của người đó, đúng như câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” Hồ Chí Minh cũng vậy. Những trải nghiệm của Hồ Chí Minh trong thời trẻ tại các không gian văn hóa khác nhau trên đất nước chính là những dấu ấn lớn góp phần hình thành nên nhân cách và tư duy của Người

1. Hồ Chí Minh tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở làng Sen (hay làng Kim Liên), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Người là Cụ Nguyễn Sinh Sắc, mồ côi cha mẹ từ sớm, nhưng với đức tính cần cù, ham học, ông được Cụ tú Hoàng Xuân Đường xin về nuôi, cho ăn học và gả con gái đầu lòng là bà Hoàng Thị Loan cho. Thân phận ông thay đổi từ con nuôi sang con rể trong gia đình họ Hoàng. Mảnh đất đầu tiên mà Người chập chững những bước đi đầu tiên chính là mảnh đất làng Hoàng Trù, quê ngoại của Người. Đến năm 1901, sau khi thân phụ Người đỗ Phó bảng, gia đình mới được đón về quê nội là làng Kim Liên.

Ngoài quê nội, quê ngoại, từ năm 1901 đến năm 1905, theo chân cha Phó bảng khi đi dạy học, lúc thì thăm viếng bạn bè, Nguyễn Tất Thành có cơ hội đến với những làng quê khác nhau của xứ Nghệ: Năm 1903, Người theo cha lên dạy học ở làng Võ Liệt, Thanh Chương. Đây là quê hương của Phan Đà1, Trần Tấn2. Những cuộc tiếp xúc của cha với những thân sĩ Thanh Chương giúp Người dần hiểu rõ chí hướng của các bậc cha chú. Năm 1904, Người được đến làng Đông Thái, Đức Thọ, Hà Tĩnh, quê hương của Tiến sĩ Phan Đình Phùng, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê; làng Trung Lễ, Đức Thọ, quê hương của Lê Ninh, được thăm di tích thành Lục Niên, miếu thờ La sơn phu tử Nguyễn Thiếp; đến một số làng thuộc Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, tỉnh Nghệ An và có cơ hội tiếp xúc với các sĩ phu nặng tình với nước non.

Đó là những “cuộc chuyển dịch” của Nguyễn Tất Thành từ văn hóa làng này sang văn hóa làng kia trong cùng nền văn hóa xứ Nghệ. Trên bình diện văn hóa, làng Hoàng Trù và làng Kim Liên cùng 5 làng khác thuộc xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đều mang đặc tính chung là văn hóa làng đặt trong vùng văn hóa xứ Nghệ. Nét đặc sắc của văn hóa làng trên mảnh đất không được thiên nhiên ưu đãi này là tinh thần không khuất phục trước tự nhiên, truyền thống hiếu học và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nét chung của văn hóa xứ Nghệ là vậy, nhưng mỗi vùng lại có những nét riêng. Nếu Thanh Chương là “đất cày bừa” thì Nam Đàn là “dệt vải, hát hò thâu canh”. Nét riêng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng đó phần lớn được quy định bởi loại hình công việc chính của con người mỗi vùng: người làm ruộng có câu hát ví dặm, thợ dệt thủ công có hát phường vải, dân vạn chài có hát đò đưa... Vì thế, xứ Nghệ nổi tiếng là vùng đất phong phú và đậm đà sắc thái văn hóa dân gian. Thời niên thiếu của Nguyễn Tất Thành thấm đẫm dòng chảy văn hóa dân gian xứ Nghệ và để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong suốt cuộc đời của Người. Bởi vậy, dù 30 năm bôn ba nơi góc bể chân trời, Người vẫn là một người con xứ Nghệ với cuộc sống đạm bạc, lối tư duy dí dỏm, giọng nói Nghệ - Tĩnh quen thuộc. Ngay cả trước lúc đi xa, mong muốn cuối cùng của Người là muốn được nghe một câu hò ví dặm, một làn điệu dân ca xứ Nghệ.

2. Năm 1906, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Triều đình Huế nhậm chức. Trước khi vào Huế, Cụ ra Thăng Long thăm viếng bạn bè, đàm đạo thời cuộc với những người cùng chí hướng. Trên đường ra Thăng Long, theo chân cha, Người qua Nam Định, trung tâm vùng Sơn Nam Hạ xưa, qua Thái Bình, và dừng lạiở làng Thịnh Liệt, Hà Nội. Trong khi cha say sưa đàm đạo cùng các bậc cha chú như: Ngô Quang Đoan, Bùi Văn Thức, Phan Kế Tiến, Nguyễn Tất Thành làm quen và trò chuyện với Bùi Kỷ, Phan Kế Toại (theo nguồn tư liệu của nhà văn Sơn Tùng). Có lẽ, đây là một trong những “cuộc chuyển dịch” quan trọng nhất của Người thời trẻ, bởi Thăng Long là cái nôi của nền văn hóa Việt Nam.

Tại Kim Liên, một trong những vị khách thường tới trò chuyện với Cụ Sắc là Cụ Phan Bội Châu. Con người đầy nhiệt huyết và khí phách ấy thường ngâm hai câu thơ của Mai Viên để răn mình:

“Mỗi phạm bất vong duy trúc bạch

Lập thân tối hạ thị văn chương”.

(Mỗi bữa ăn nên ghi nhớ rằng lập thân hèn nhất là văn chương).

Câu thơ đó đã tác động đến sự định hướng cuộc đời của Nguyễn Tất Thành. Sau này, khi gặp lại Cụ Phan trên đất Quảng Châu, Trung Quốc, Người vẫn thường nhắc lại. Trong Phan Bội Châu niên biểu, Cụ Phan đã kể lại: “Ông Nguyễn Ai Quốc lúc lên 10 tuổi nghe tôi khi rượu say ngâm câu này, đến bây giờ ông vẫn còn thuật lại”3. Trong một lần tiếp bà Ana Luisơ Strong, Hồ Chí Minh đã kể lại tâm trạng day dứt của các cụ: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ”4.

Rõ ràng, trong những lần “hầu tráp” các cụ, chính những cuộc trò chuyện của các cụ đã dần tạo thành chất men yêu nước và định hướng cho Người hành động.

3. Thời trẻ, Hồ Chí Minh có hai lần cùng gia đình chuyển vào Huế sinh sống. Lần thứ nhất, năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh thi hội và đưa theo cả gia đình. Đây là “cuộc chuyển dịch” đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời Người, bởi là sự trải nghiệm có chuyển dịch quan trọng từ văn hóa làng đến văn hóa kinh đô. Nên nhớ là những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, Kinh đô Huế chưa bị xáo trộn nhiều, căn bản vẫn là văn hóa phương Đông thuần khiết, đường sắt chưa tới Huế, mãi đến năm 1900, người Pháp mới bắc xong cầu Tràng Tiền “sáu vì, mười hai nhịp” nối đôi bờ sông Hương êm ả và thơ mộng.

Trong gần 6 năm sống tại kinh đô Huế (1895 - 1901), phần lớn thời gian sống trong thành nội, đây là thời gian Người đầu học chữ Hán và làm quen với văn hóa kinh đô trong văn hóa xứ Huế, khác xa với văn hóa làng. Huế có nhiều cung điện nguy nga, nhiều dinh thự lộng lẫy, tường cao hào sâu với những cổng lớn mang tên Ngọ Môn, Thượng Tứ, Đông Ba.... Cảnh quan thơ mộng, người dân Huế nhẹ nhàng, lịch sự. Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Người.

Tháng 5/1906, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhận chức Thừa biện Bộ Lễ, Nguyễn Tất Thành có dịp theo cha trở lại Huế lần thứ hai. Huế những năm đầu thế kỷ XX chuyển mình theo văn minh phương Tây. Người Pháp bắc cầu Tràng Tiền, không gian văn hóa Huế thay đổi. Huế không còn là kinh đô phương Đông thuần khiết mà có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Trở lại Huế lần này, Nguyễn Tất Thành học tại Trường Tiểu học Đông Ba (từ lớp dự bị đến lớp sơ đẳng), tiếp đó, niên khóa 1908 - 1909, chuyển sang học Trường Quốc học Huế ở lớp trung đẳng, tức lớp nhì. Những năm học tập ở đây Người bắt đầu làm quen với tiếng Pháp và những môn học hoàn toàn mới lạ, cũng là lần đầu tiên Người biết đến những danh từ đẹp đẽ Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Trong đầu người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu xuất hiện những tương phản gay gắt giữa một nước Pháp văn minh, có truyền thống cách mạng mà Người được đọc, được nghe qua những bài giảng trên lớp của các thầy giáo người Pháp và người Việt, với một nước Pháp tàn bạo, ác độc mà chỉ cần bước chân ra khỏi cổng trường là Người gặp. Từ những gì mà Người tiếp nhận từ vùng quê lam lũ của mình từ những trăn trở về thời cuộc, vận mệnh đất nước của những bậc cha chú, từ thực tế áp bức tàn bạo của bọn thực dân và cuộc sống đầy gian khổ của người dân, chủ nghĩa yêu nước trong Người dần trỗi dậy, định hướng cho hành động của Người.

4. Rời kinh đô Huế, Người đến Quy Nhơn, Bình Định, hoàn thành chương trình lớp Nhất với thầy Phạm Ngọc Thọ vào tháng 6/1910. Sau khi nghe tin cha bị cách chức Tri huyện huyện Bình Khê, Bình Định và triệu hồi về kinh, Người không theo cha về Huế mà đi thẳng vào Phan Thiết, Bình Thuận, mảnh đất cuối cùng thuộc xứ Trung Kỳ bảo hộ, tiếp giáp với xứ Nam Kỳ thuộc địa. Đây là mảnh đất hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước Trung và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trong số đó có gia đình Nguyễn Thông từ Gia Định ra trong phong trào “Tỵ địa”5 cuối thế kỷ XIX và chỗ dừng chân cuối cùng trong chuyến Nam du của Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, nhằm truyền bá tư tưởng duy tân của các ông. Chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng duy tân “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Chu Trinh, hai người con của Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh cùng Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi lập Thư xã (năm 1905); năm 1906, lập Công ty Liên Thành chuyên sản xuất và buôn bán nước mắm. Nhờ làm ăn phát đạt, năm 1907, Công ty Liên Thành mở Trường Dục Thanh theo mô hình Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội.

Khi đến Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành làm thầy giáo dạy môn thể dục và phụ trách cáchoạt động ngoại khóa của Trường Dục Thanh. Ngoài giờ lên lớp, Nguyễn Tất Thành tìm đọc những cuốn sách quý, trong đó có nhiều Tân thư được dịch sang chữ Hán, chứa trong tủ sách của Nguyễn Thông trên gác hai Ngọa du sào của Cụ. Nhờ đó, lần đầu tiên Người có dịp tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như: Roussaeau, Voltaire, Montesqieu... Chính những tư tưởng mới mẻ đó đã càng thôi thúc Người tìm đường sang Pháp. Đầu tháng 02/1911 Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn - thành phố Tây đầu tiên được người Pháp xây dựng từ năm 1863 và trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Toàn quyền Paul Doumer muốn biến nơi này trở thành “hòn ngọc” để quảng bá cho văn minh Pháp ở Viễn Đông. Sài Gòn sa hoa, lộng lẫy, nhưng cũng không thể níu chân Người. Người quyết tâm tìm cơ hội sang Pháp. Vì vậy, hằng ngày, Người ra bến cảng Sài Gòn. Ngày 03/6/1911, một thuỷ thủ dẫn Người lên tàu gặp thuyền trưởng Maixen, Người được nhận làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Latusơ Trêvin thuộc hãng vận tải Hợp Nhất. Ngày 05/6/1911 tàu rời cảng Nhà Rồng, đưa Nguyễn Tất Thành sang Pháp và tiếp tục tìm cơ hội đến với những nền văn minh khác nhau trên thế giới.


1. Ông đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.

2. Là người cùng với Đặng Như Mai lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất năm 1874.

3. Phan Bội Châu niên biểu, Nxb. Văn sử địa, Hà Nội, 1995, tr. 30.

4. Ana Louise Strong: Ba lần nói chuyên với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, số ra ngày 18/5/1965.

5. Đem cả gia đình, mồ mả cha ông sang ba tỉnh miền Tây hoặc miền Nam Trung Kỳ.

ThS. ĐẶNG CÔNG THÀNH

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin