Giải pháp xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hiện nay

CT&PT - Lý luận lịch sử nhà nước đến hiện nay cho thấy nhà nước pháp quyền là giá trị tiến bộ của nhân loại, nhiều quốc gia tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, kế thừa, vận dụng xây dựng mô hình nhà nước ở những mức độ khác nhau. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, nhà nước xuất hiện là kết quả của sự phân chia xã hội thành các giai cấp. Nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm mục đích bảo vệ trật tự và đàn áp sự phản kháng của giai cấp khác.

1. Thực tiễn xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã đạt được những thành tựu to lớn được Đảng ta đánh giá: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản, đảm bảo quản lý, ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong đời sống xã hội. Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực.

Bộ máy nhà nước bước đầu được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiện đại gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử thể hiện rõ hơn, hiệu quả hơn. Hoạt động cơ quan hành pháp chủ động, tích cực, tập trung vào quản lý, điều hành, tháo gỡ rào cản, phục vụ, hỗ trợ phát triển. Cải cách hành chính, tư pháp có bước đột phá; chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cáo có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao. Cơ chế giám sát và phản biện xã hội bước đầu phát huy hiệu quả trong việc góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong và bên ngoài được tăng cường. Có thể nói, từ sau Hiến pháp năm 2013 đến nay, từ nhận thức đến tổ chức thực hiện, kiểm soát quyền lực đã được coi trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng và Nhà nước... Những kết quả này được Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực và hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Đặc biệt, trong thời gian qua, những chuyển biến tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trước mức độ nguy hại của tình trạng tham nhũng, có ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, với quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt, Đảng đã đề ra phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng. Từ Đại hội XII, XIII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, đồng bộ, rõ rệt hơn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao; tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Theo đó, đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)... Có thể thấy, những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà chúng ta đạt được thời gian qua đã khẳng định quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng và Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế.

Bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, chúng ta cũng còn không ít hạn chế, vấn đề đặt ra và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Đảng ta nhận thấy và chỉ rõ: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Vấn đề đổi mới đồng bộ, phù hợp giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, xã hội, giữa đổi mới kinh tế, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Quản lý nhà nước chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ mới; chưa phát huy đầy đủ mặt tích cực và hạn chế được tính tự phát, tiêu cực của kinh tế thị trường. Đất đai, vốn và tài sản nhà nước chưa được quản lý chặt chẽ, sử dụng lãng phí và thất thoát nghiêm trọng. Tổ chức bộ máy nhà nước còn nặng nề, sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn có những điểm chưa rõ về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, phân cấp trung ương - địa phương còn một số mặt chưa cụ thể (như về quản lý đầu tư, tài chính, tổ chức bộ máy, kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ...), làm cho tình trạng tập trung quan liêu cũng như phân tán, cục bộ chậm được khắc phục. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương một số nơi chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật sự rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn chưa cao. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những hạn chế nêu trên đặt ra nhiều vấn đề lớn hết sức phức tạp, cần phải được nghiên cứu hệ thống, công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, khoa học. Đó là đảm bảo tính hệ thống, đầy đủ, đồng bộ của pháp luật, bảo đảm trật tự, kỷ cương, phát triển xã hội, hội nhập quốc tế; tình trạng chồng chéo về nội dung, thẩm quyền, thậm chí không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật làm cho giá trị pháp lý của pháp luật, đến quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật; hiệu lực, hiệu quả của pháp luật chưa cao, ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của người dân đối với Nhà nước. Đó là vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước thật sự là của dân, do dân, vì dân, cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa phát huy cao, còn tình trạng lợi ích nhóm, tham ô, lãng phí nguồn lực. Đó là đảm bảo thượng tôn pháp quyền, kỷ cương, phép nước, chấp hành pháp luật nghiêm minh, xử lý vi phạm pháp luật kịp thời, chế tài xử lý đủ sức răn đe. Đó là hoàn thiện lý luận trước yêu cầu đặt ra của thực tiễn, phát huy tính ưu việt, định hướng xã hội chủ nghĩa xây dựng, hoàn thiện nhà nước, thực hiện chức năng tổ chức, quản trị quốc gia, quản lý xã hội của Nhà nước, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, không ngừng nâng cao niềm tin, uy tín, vị thế, chống lại quan điểm sai trái, thù địch, hoạt động bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

2. Quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư trong tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, thống nhất nhận thức, hành động xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Trong đó, phải quán triệt những quan điểm có tính nguyên tắc là bảo đảm sự phù hợp giữa ý chí chủ quan với yêu cầu khách quan trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; bảo đảm tính dân chủ, pháp chế, khoa học trong xây dựng pháp luật; bảo đảm tính hiệu quả của việc điều chỉnh pháp luật; đồng thời phải bảo đảm sự tương thích giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế mà Nhà nước đã tham gia ký kết hoặc gia nhập. “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đánh của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

Ba là, kế thừa và phát triển, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, chế độ XHCN.

Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần phải kế thừa những thành tựu đạt được của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, vận dụng phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, cần phải nắm chắc yêu cầu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực bên trong mỗi cơ quan và giữa các cơ quan nhà nước, giữa Trung ương và địa phương. Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Hoàn thiện cơ chế để Nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực nhà nước. Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

ThS. VŨ THỊ DUYÊN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin