Du lịch bền vững tỉnh Điện Biên: Tiềm năng và định hướng phát triển

CT&PT - Ngày 30/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh. Thực tế cho thấy, trong nhiều năm trở lại đây, ngành “công nghiệp không khói” này đã có những bước đi đúng hướng, vững chắc, tạo ấn tượng đối với du khách về hình ảnh một miền đất lịch sử anh hùng, thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng sắc màu văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc.

1.  Tiềm năng du lịch của tỉnh Điện Biên

Nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp Lào, Điện Biên là tỉnh duy nhất của nước ta có chung đường biên giới với hai quốc gia Lào và Trung Quốc, trong đó, đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km, với Trung Quốc là 40,86 km. Tỉnh có đường giao thông đi các tỉnh thuộc Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); có đường hàng không từ thành phố Điện Biên Phủ đi Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trên tuyến biên giới Việt - Lào thuộc tỉnh Điện Biên có 1 cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, 1 cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc, 1 cửa khẩu phụ với các tỉnh Bắc Lào. Trên tuyến biên giới Việt - Trung có 1 lối mở A Pa Chải (Điện Biên) - Long Phú, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), dự kiến sẽ sớm được nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia. Đây là điều kiện để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng tỉnh trở thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Myanmar.

Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 129 xã, phường, thị trấn, trong đó có 29 xã biên giới. Dân số của tỉnh đạt hơn 62,9 vạn người, với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều mang nét bản sắc riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán… tạo nên bức tranh văn hóa Điện Biên đa sắc màu.

Là vùng đất giàu văn hóa, lịch sử, Điện Biên có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên, Tết Nào pê chầu của người Mông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng), Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên), Lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)… Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ Cát). Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ sinh thái tự nhiên và nguồn tài nguyên du lịch phong phú: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (huyện Điện Biên), Thẩm Púa (huyện Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông... Đây là điều kiện thuận lợi để Điện Biên phát triển “ngành công nghiệp không khói”, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

2. Định hướng giải pháp phát triển du lịch bền vững tỉnh Điện Biên trong thời gian tới

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Cụ thể là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh...; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về cách làm du lịch, văn hóa kinh doanh, giao tiếp ứng xử, nâng cao kiến thức, trình độ ngoại ngữ...

Hai là, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các loại hình du lịch là thế mạnh của tỉnh: du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng..., trong đó đặc biệt quan tâm loại hình du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm thực tế tại các bản, làng văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng sự khác biệt của sản phẩm du lịch trên cơ sở chất lượng làm du lịch hoặc sản phẩm du lịch đặc thù cần tập trung khai thác phát triển: Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang và du lịch biên giới gắn với cột mốc A Pa Chải. Tăng cường công tác thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đặc sắc, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, có khả năng cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực và trên cả nước; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa.

Ba là, xây dựng chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch. Tập trung cập nhật website, đầu tư hình ảnh, thông tin mới lạ về những địa điểm tham quan gây ấn tượng đối với du khách, những danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa truyền thống dân tộc mang tính đặc thù của từng địa phương trong tỉnh. Tích cực giới thiệu những ngành nghề thủ công truyền thống và những đặc sản của các dân tộc, địa phương trong tỉnh, có chỉ dẫn cho du khách chuẩn bị đến tham quan. Tăng cường xây dựng, sản xuất phim tư liệu về các điểm du lịch của tỉnh Điện Biên. Thường xuyên duy trì các hoạt động văn hóa, lễ hội; bảo tồn, gìn giữ những giá trị nguyên bản, tránh thay đổi tập tục văn hóa của cư dân bản địa, làm mất đi tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch. Thực hiện các chương trình thông tin tuyên tuyền, công bố những sự kiện thể thao, văn hóa, lễ hội lớn của tỉnh trên phạm vi toàn quốc; tổ chức các chiến dịch xúc tiến, sự kiện quảng bá, phát động thị trường theo chuyên đề.

Bốn là, tăng cường phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển du lịch. Triển khai, áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển du lịch vào thực tế tại địa phương. Rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; huy động tối đa nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch.

Năm là, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, cán bộ, công chức quản lý nhà nước, viên chức đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; bồi dưỡng kiến thức về hoạt động kinh doanh và kỹ năng làm nghề du lịch cho người lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo tiêu chuẩn nghề Việt Nam, tiêu chuẩn nghề ASEAN, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa dạng các hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách du lịch: Tập huấn kỹ năng hướng dẫn, thuyết minh và đón tiếp khách cho một số cán bộ nhân viên, đồng thời tập huấn cho thuyết minh viên là người của cộng đồng để nâng cao kiến thức của họ về văn hóa bản địa. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành và điều phối của Ban Quản lý khu du lịch. Ban Quản lý là đầu mối, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn.

Sáu là, kiến nghị với Chính phủ bổ sung thêm kinh phí để tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích lịch sử, đặc biệt là di tích thuộc “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030”, trọng tâm là di tích Trung tâm Đề kháng Him Lam, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ giai đoạn 2... Đồng thời, đề xuất Chính phủ xem xét chủ trương xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng thành Khu Di tích lịch sử - du lịch Mường Phăng để phát huy giá trị di tích lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo xung lực thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Bảy là, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường hàng không, đường bộ và đường thủy, trọng tâm là dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ, mở các đường bay, các tuyến vận tải đến các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất -  kỹ thuật phục vụ du lịch, các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Tám là, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng phát triển du lịch trên cơ sở đổi mới công tác quản lý theo hướng phục vụ doanh nghiệp, người dân. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ dịch vụ du lịch; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch trong hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa. Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới; khai thác hiệu quả các mối quan hệ, sự giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, công nghệ để phát triển du lịch. 

PGS, TS. NGUYỄN THỊ THANH THỦY

Đại học Văn hóa Hà Nội

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin