CT&PT - Trên cơ sở lợi ích chính đáng của nhân dân, bằng tư duy sáng tạo, nhạy bén với thời cuộc, đồng chí Võ Văn Kiệt sớm nhận thức cơ chế tập trung quan liêu bao cấp không còn phù hợp với thực tiễn đất nước và bắt đầu suy nghĩ, tìm tòi những biện pháp, cách làm hiệu quả để khắc phục khó khăn. Trải qua thực tiễn cách mạng, những biện pháp, cách làm đó được phát triển, củng cố, trở thành tư duy đổi mới. Với tâm huyết và bản lĩnh cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt nhanh chóng trở thành người tiên phong trong hành trình tìm đường và mở đường đổi mới đất nước, trực tiếp tham gia xây dựng chủ trương và khởi động công cuộc đổi mới đất nước của Đảng vào năm 1986.
1. Tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định “xé rào” của đồng chí Võ Văn Kiệt nhằm tìm ra phương hướng tháo gỡ khó khăn cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1976 - 1982
Đầu năm 1976, đồng chí Võ Văn Kiệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tại Đại hội IV (năm 1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang trong tình trạng “cơ chế tập trung bao cấp, sớm xóa bỏ các thành phần kinh tế tư bản, cá thể… được phát triển ở mức cao và mở rộng trong phạm vi cả nước. Những nhược điểm, khuyết điểm của mô hình đã trở thành sức cản trở với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trở nên gay gắt. Cuộc sống đòi hỏi cấp thiết phải thay đổi mô hình cũ bằng mô hình phù hợp để đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Đổi mới, trước hết trên lĩnh vực kinh tế, trở thành vấn đề sống còn của dân tộc”1. Là người lãnh đạo đứng đầu Thành phố, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, đồng chí Võ Văn Kiệt nhanh chóng chỉ đạo tìm cách hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời “phá rào”, mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi, mở đường cho một mô hình quản lý phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Sau khi cơ chế độc quyền buôn bán được triển khai, năng lực cung cấp lương thực của Nhà nước cho Thành phố Hồ Chí Minh ngày một giảm. Đến năm 1979, Nhà nước không còn bảo đảm được lượng lương thực cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn đến tình trạng thiếu đói ngày càng phổ biến trong nhân dân. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tìm cách giải quyết khó khăn với quyết tâm: “Không thể để một người dân nào của Thành phố chết đói”2. Đồng chí Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo đồng chí Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), Giám đốc Công ty Lương thực dẫn đầu “Tổ thu mua lúa gạo” xuống miền Tây mua gạo của dân theo giá thị trường để cứu đói cho nhân dân Thành phố. Sau khi lương thực được vận chuyển về Thành phố, “Tổ thu mua lúa gạo” tập trung cung cấp chủ yếu cho người không thuộc diện được Nhà nước bán gạo với giá 5 hào/kg và khẳng định giá bán gạo này có thể chi trả hoàn toàn các chi phí thu mua, vận chuyển lúa gạo. Giải pháp này được nhân dân đồng tình ủng hộ (cơ chế “thuận mua vừa bán”). Nhờ đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản bảo đảm nhu cầu lương thực cho nhân dân. Thông tin về giải pháp “xé rào” cứu đói của Thành phố nhanh chóng lan đến lãnh đạo Trung ương và bị “huýt còi”. Song, thực tế cho thấy, giải pháp nàyxuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, được đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ Chính trị tán thành, ủng hộ. Có thể thấy, bằng tài năng, sự năng động, nhạy bén với thời cuộc và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặt lợi ích chính đáng của nhân dân lên trên hết, cách làm của đồng chí Võ Văn Kiệt và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp Trung ương sớm nhận rõ sự hạn chế trong cơ chế quản lý kinh tế, đồng thời tạo cơ sở thực tiễn cho việc củng cố các quan điểm “bung ra”, “cởi trói” cho sản xuất phát triển.
Đến Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 6/1979), Đảng xác định chủ trương “cởi trói” cho sản xuất, tình trạng thiếu nguyên liệu, phụ tùng thay thế xảy ra trầm trọng. Trước bối cảnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đi sâu tìm hiểu, thường xuyên thăm hỏi, động viên, trao đổi và lắng nghe ý kiến của giám đốc, công nhân viên các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đề xuất một số chủ trương, biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động của các cơ sở sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, không ỷ lại, trông chờ vào cấp trên. Tháng 11/1981, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định về cơ chế tổ chức doanh nghiệp công nghiệp (quốc doanh)3. Cùng với đó, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đồng ý sáng kiến Xí nghiệp Dệt Thành Công liên kết hợp tác với các cơ sở có thể bán mặt hàng lấy ngoại tệ theo hình thức “hợp đồng hai chiều”, hàng đổi lấy hàng, lấy hàng xuất khẩu bán để thu ngoại tệ, tìm nguồn vốn tái sản xuất4. Sau khi có Nghị định số 40-CP, ngày 07/02/1980 của Hội đồng Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng Thành ủy chỉ đạo thí điểm và nhân rộng mô hình công ty xuất nhập khẩu, thu gom các mặt hàng trong nước đồng thời trao đổi những mặt hàng nhập khẩu, phục vụ đời sống và hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt và Thành ủy chỉ đạo Ngân hàng Vietcombank Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các xí nghiệp, nhà máy vay vốn bằng bốn cách thức: cho vay ngoại tệ, bảo lãnh trả chậm, quyền sử dụng ngoại tệ, hợp đồng kinh tế ngoại tệ. Trên cơ sở đó, nhiều xí nghiệp, nhà máy ở Thành phố đã tận dụng các mặt hàng trong nước để xuất khẩu đổi lấy ngoại tệ và nhập khẩu nguyên vật liệu về phục vụ sản xuất. Trong hai năm 1981 - 1982, sản xuất công nghiệp có sự phát triển liên tục trong các khu vực công nghiệp quốc doanh nhà nước, quốc doanh và công tư hợp danh địa phương, tiểu thủ công nghiệp. kinh tế Thành phố có những chuyển biến tích cực, xuất hiện một số điển hình tiên tiến về tự chủ trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất “bung ra”, lấy cơ sở đểthực tiễn sinh động “tấn công” vào cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Đó là “cuộc đổi mới, đổi mới khá toàn diện, không chỉ trong sản xuất, mà còn trong cả phân phối lưu thông, xuất, nhập khẩu, giá cả, thị trường,…”5.
Là cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn cầu thị, chân thành lắng nghe và trân trọng, tiếp thu tiếng nói trung thực của mỗi người dân, đi sâu chỉ đạo thực tiễn, theo dõi cuộc sống của nhân dân, kịp thời đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, làm cho các mô hình “đột phá” của Thành phố từng bước thêm vững chắc và đạt hiệu quả... Ông cho rằng: “Chân lý không phân biệt tuổi tác, không phân biệt kiến thức rộng hẹp, mà đây là cách nhìn, cách nhìn xung quanh bữa ăn, cách nhìn xung quanh trong căn phòng sạch, đẹp, biệt thự hay cách nhìn toàn đất nước, cách nhìn cả thế giới. Cách nhìn đúng của mọi người Việt Nam yêu nước là cách nhìn cả đất nước và nhìn cả thế giới”6.
Chủ trương “xé rào” cứu đói cho nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với sự chỉ đạo, theo dõi sát sao của đồng chí Võ Văn Kiệt đã mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Việc thay đổi cách thức làm ăn mới mang lại hiệu quả tích cực ở các xí nghiệp, nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh như một đòn tấn công vào thành trì của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, khẳng định dứt khoát sự lỗi thời của cơ chế này, đòi hỏi cần thiết lập một cơ chế mới để bảo đảm cho hoạt động sản xuất và kinh doanh phát triển, giúp ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Đúc rút kinh nghiệm trong quá trình tháo gỡ khó khăn ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Kiệt đã hình thành tư duy đổi mới đúng đắn, đó là tư duy đổi mới theo quy luật khách quan, xuất phát từ thực tế của cuộc sống, cái mới mà phù hợp thì tiếp thu, cái cũ mà không còn phù hợp thì loại bỏ hoặc cải biến cho phù hợp. Thước đo của sự phù hợp đó chính là sự thiết thực vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 10/1980), đồng chí Võ Văn Kiệt khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh giằng co, xen kẽ lẫn nhau giữa cái mới và cái cũ, giữa tiến bộ và lạc hậu, chúng ta thấy hầu như trên mọi lĩnh vực trong hoạt động thực tiễn ở cơ sở, những cái phù hợp đang có sức sống vươn lên mãnh liệt. Đó chính là những những đơn vị và cá nhân điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều ở ngay những nơi khó khăn, phức tạp nhất. Cuộc sống phát triển theo quy luật khách quan. Cái mới hợp quy luật có sức sống sức hấp dẫn và lôi cuốn kỳ diệu… Các điển hình tiên tiến ở cơ sở hướng mọi cố gắng của mình nhằm phục vụ lợi ích quần chúng một cách thiết thực nhất: đi từ đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm mà ổn định đời sống, giải quyết các tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh và trật tự, chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”7. Những khẳng định này của đồng chí Võ Văn Kiệt một lần nữa góp phần củng cố, tăng cường những đột phá trong tư duy lý luận và hình thành, phát triển đường lối đổi mới của Đảng về sau.
2. Võ Văn Kiệt từ người bị “huýt còi” trở thành người “cầm còi”, góp phần mở đường cho công cuộc đổi mới đất nước (1982 - 1986)
Tại Đại hội V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị. Ngày 23/4/1982, Hội đồng Nhà nước quyết định cử đồng chí Võ Văn Kiệt giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước8.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Hội đồng Bộ trưởng tiếp tục tập trung tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế, chính sách, khắc phục tình trạng quan liêu, xa thực tế; động viên, hỗ trợ và khuyến khích sự năng động, sáng tạo ở các địa phương, cơ sở; đồng thời, triển khai các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa những biểu hiện tự do, vô tổ chức, vô kỷ luật. Trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 03/01/1984, đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ rõ: “Một quan điểm lớn cần quán triệt trong thực hiện kế hoạch là phát huy tính năng động sáng tạo của các địa phương, các ngành, các cơ sở sản xuất theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Muốn vậy, một mặt phải tháo gỡ triệt để hơn nữa những cơ chế trì trệ cản ngại sản xuất, phải giải quyết một cách có ý nghĩa lối quản lý tập trung quan liêu, hành chính bao cấp, đi song song phải ngăn chặn những biểu hiện tự do, phân tán, cục bộ, tùy tiện. Khẩu hiệu chung sau đây diễn đạt chính xác yêu cầu đó: Hiệu quả - Năng suất - Chất lượng. Đó là cây thước đo bước tiến của nền kinh tế, khí thế cách mạng của quần chúng, bản lĩnh của các cơ quan và địa phương quản lý. Chỉ có đứng từ giác độ của hiệu quả - năng suất - chất lượng chúng ta mới có thể có phương hướng vượt khó khăn, mới có vật chuẩn để nhắm vào đó mà phấn đấu giành thắng lợi. Chúng ta nói đến một nền kinh tế có hạch toán chính là nói đến hiệu quả - năng suất - chất lượng”9.
Bên cạnh đó, đồng chí Võ Văn Kiệt còn tìm kiếm những người có xu hướng cấp tiến, tâm huyết, trí tuệ, nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách “thức tỉnh” các đồng chí lãnh đạo cấp trên không được báo cáo đúng tình hình thực tế. Từ đó, quan điểm của ông nhận được sự đồng thuận.lớn. Ông đã tổ chức một hội nghị đặc biệt tại Công ty Dệt Phước Long vào tháng 4/1984, với sự tham gia của nhiều lãnh đạo nhà nước cấp cao như: đồng chí Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Võ Chí Công, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh, bí thư - và chủ tịch ủy ban nhân dân một số tỉnh và hơn 20 giám đốc các công ty trong và ngoài ngành dệt10. Tại hội nghị, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nhất trí với phương thức làm ăn mới thông qua những minh chứng thực tiễn sinh động, hiệu quả, thuyết phục của mô hình Xí nghiệp Dệt Thành Công như: vay ngoại tệ, tự do nguyên liệu đầu vào, mua bán sản phẩm theo giá thị trường, trả lương cho công nhân theo sản phẩm,… Hội nghị đã thống nhất chọn mô hình Xí nghiệp Dệt Thành Công là mô hình kiểu mẫu, lan tỏa trong toàn ngành công nghiệp.
Đến cuối năm 1984, nền kinh tế Việt Nam đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, đặt Đảng, Nhà nước phải lựa chọn một trong hai con đường “hoặc cứ tiếp tục loay hoay với những công thức quản lý cũ, với những khẩu hiệu, những phương pháp, những cách nhìn, những cơ chế kinh tế… đã tỏ ra bất lực trước một thực tế mới mẻ, sống động, đang như một con ngựa bất kham hoàn thành trên tất cả các lĩnh vực sản xuất, lưu thông và đời sống… Hoặc là phải tìm ra những giải pháp khác, mở ra những khâu đột phá để xoay chuyển tình hình”11. Trước hình hình đó, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa V (tháng 7/1984), đồng chí Trường Chinh chỉ rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội hiện tại là cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp. Ông cho rằng: “Có kiên quyết khắc phục quan liêu, bao cấp, bảo thủ, trì trệ thì mới có thể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tự do chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật”12.
Để thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới, năm 1985, đồng chí Võ Văn Kiệt đã cùng tập thể Hội đồng Bộ trưởng đưa ra chủ trương: đẩy mạnh cải tiến quản lý, phá vỡ lối hành chính quan liêu bao cấp, thực hiện yêu cầu kỷ luật lao động, đo lường mọi giá trị trong sản xuất, trong hoạt động kinh tế và trong hoạt động xã hội nói chung của bộ máy Đảng và Nhà nước. Đây cũng là bước đệm cho việc thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa tại Hội nghị Trung ương 8 khóa V (tháng 6/1985).
Sự kiện đổi tiền năm 1985 đã thúc đẩy tình thế khủng hoảng kinh tế - xã hội “tới chỗ không còn thể tiếp tục chấp vá và mô hình cũ, mà phải thay đổi hoàn toàn”13. Yêu cầu đặt ra lúc bấy giờ là phải xóa bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa, tuân theo các quy luật khách quan của thị trường. Trả lời báo Tuổi trẻ đầu năm 1986, đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh: “Không có cách nào tốt hơn và thực tế, có tiền đề đó là mở rộng sản xuất thật sự đi vào hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, giảm giá thành, làm ăn có lãi, hàng hóa lưu thông thông suốt, giá cả ổn định, tiếp tục cải tạo và nâng chất lượng cải tạo thương nghiệp tư nhân, quản lý chặt chẽ thị trường…”14. Những quan điểm này của đồng chí Võ Văn Kiệt nhấn mạnh cách thức làm ăn mới, hiệu quả nhất là trong thực hiện hạch toán xã hội chủ nghĩa. Đồng thời đây cũng chính là cơ sở để tổng kết, rút ra những chủ trương mang tính đột phá tại Hội nghị Bộ Chính trị diễn ra vào tháng 8/1986.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem xét quy hoạch tổng thể dự án xây dựng thành phố Vạn Tường và khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất (tháng 7/1995).
3. Tham gia xây dựng đường lối đổi mới và khởi động công cuộc đổi mới đất nước của Đảng
Trong các chuyến đi thực tế, làm việc với các ban, ngành, địa phương cũng như trong các hội nghị, tọa đàm tham vấn, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn chú ý lắng nghe, ghi chép, trao đổi ý kiến với các tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế. Là người sâu sát thực tiễn, gần dân, tư duy sáng tạo, với tư cách là Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Kiệt được Bộ Chính trị khóa V phân công tham gia công tác chuẩn bị Dự thảo Văn kiện Đại hội VI. Trong công tác xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội VI, đồng chí Võ Văn Kiệt “chịu trách nhiệm thiết kế ba chương trình kinh tế lớn: Phát triển sản xuất lương thực; Sản xuất hàng tiêu dùng; Sản xuất hàng xuất khẩu”15. Đây đều là những phần quan trọng, đóng vai trò then chốt mang tính định hướng sự phát triển kinh tế của đất nước. Điều đó cho thấy đồng chí Võ Văn Kiệt là vị lãnh đạo cấp chiến lược có uy tín, được Đảng tín nhiệm trong việc xây dựng đường lối đổi mới đất nước của Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngày 15/12/1986, đồng chí Võ Văn Kiệt thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V trình bày Phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986 - 1990. Đồng chí nêu rõ các chủ trương, biện pháp thực hiện đồng bộ và có hiệu quả ba chương trình kinh tế lớn là: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu và xem “Ba chương trình lớn là cốt lõi của nhiệm vụ kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986 - 1990, không những có ý nghĩa sống còn trong tình hình trước mắt, mà còn là những điều kiện ban đầu không thể thiếu được để triển khai công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”16. Thực chất, “Ba chương trình này chính là sự “sửa sai” đối với chủ trương chủ quan duy ý chí trong phát triển kinh tế trước đây, thiên về công nghiệp nặng”17. Tại Đại hội VI, đồng chí còn nhấn mạnh: “Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh dấu một bước chuyển hướng và đổi mới quan trọng trong sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực”18.
Tính đến thời điểm hiện nay, đồng chí Võ Văn Kiệt là đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất dưới cấp người đứng đầu hành pháp được trình bày một phần quan trọng về định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của đất nước trong dự thảo văn kiện Đại hội và được Đại hội đại biểu toàn quốc thông qua. Những nội dung đồng chí Võ Văn Kiệt trình bày tại Đại hội VI đã trở thành chủ trương, giải pháp lớn của Đảng mang tính áp dụng thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trong giai đoạn 1986 - 1991, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng.
*
* *
Là cán bộ luôn bám sát thực tiễn, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn năng động, tìm tòi, đề xuất giải pháp hay, cách làm mới để tháo gỡ khó khăn, mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân. Với tâm huyết và bản lĩnh cách mạng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, và một tư duy đổi mới - tư duy cách mạng theo quy luật khách quan, mang nặng tâm huyết vì nước, vì dân, giải quyết đúng đắn giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, cái phù hợp và không phù hợp, đồng chí Võ Văn Kiệt đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong trong quá trình tìm đường và mở đường thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước.
1. Đào Duy Tùng: Quá trình hình thành con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (lưu hành nội bộ), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 85-86.
2. Đặng Phong: “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2015, tr. 307.
3. Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 264.
4. Đặng Phong: “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới, Sđd, tr. 60.
5. Võ Văn Kiệt - một nhân cách lớn; nhà lãnh đạo tài năng; suốt đời vì nước vì dân (Hồi ký), Sđd, tr. 265.
6. Võ Văn Kiệt: Sứ mệnh lịch sử của Thanh niên Thành phố, bài nói chuyện của đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh về Nghị quyết 9 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (ngày 13 - 14/9/1979), lưu tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 37.
7. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai (10/1980), tài liệu lưu tại Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1980, tr. 4-5.
8. Văn phòng Quốc hội: Lịch sử Quốc hội Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t. III, tr. 163.
9. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long: Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 91.
10. Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr. 40.
11. Đặng Phong: Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989, Sđd, tr. 268.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 45, tr. 252.
13. Đặng Phong: Tư duy kinh tế Việt Nam 1975 - 1989, Sđd, tr. 284-285.
14. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long: Ấn tượng Võ Văn Kiệt, Sđd, tr. 102.
15. Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Sđd, tr. 42.
16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 47, tr. 487.
17. Nhiều tác giả: Võ Văn Kiệt - Người thắp lửa, Sđd, tr. 42.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47, tr. 481.
HUỲNH THANH MỘNG
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật