Đồng chí Lê Hồng Phong với phong trào cách mạng Nam kỳ

​​​​​​​CT&PT - Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942) là một chiến sĩ lỗi lạc trong thế hệ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, là Tổng Bí thư của Đảng và là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với một giai đoạn đầy thử thách và cam go của cách mạng Việt Nam trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX. Đồng chí đã hy sinh anh dũng khi mới 40 tuổi đời - tên tuổi của đồng chí đã lưu danh cùng nhân dân, cách mạng miền Nam anh hùng, trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản hào kiệt kiên trung của dân tộc.

CT&PT - Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942) là một chiến sĩ lỗi lạc trong thế hệ cộng sản đầu tiên của Việt Nam, là Tổng Bí thư của Đảng và là Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Hồng Phong gắn liền với một giai đoạn đầy thử thách và cam go của cách mạng Việt Nam trong những năm 20 và 30 của thế kỷ XX. Đồng chí đã hy sinh anh dũng khi mới 40 tuổi đời - tên tuổi của đồng chí đã lưu danh cùng nhân dân, cách mạng miền Nam anh hùng, trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản hào kiệt kiên trung của dân tộc.

Trong những tháng năm hoạt động ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn quan tâm theo dõi sát sao diễn biến tình hình thời cuộc ở Nam Kỳ, nhất là hoạt động của Xứ ủy và của Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Trên cơ sở nghiên cứu những điểm đặc thù về lịch sử, kinh tế và xã hội ở Nam Kỳ, trong nhiều văn bản hội nghị cũng như trên tạp chí lý luận của Đảng - Tạp chí Bônsơvích, đồng chí Lê Hồng Phong đã có những ý kiến sắc sảo.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng trên bán đảo Đông Dương vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Hồng Phong đã nêu lên những nhận định rất chính xác về những sự biến động của giai cấp nông dân và trong nông thôn Nam Kỳ. Đồng chí đặc biệt quan tâm đến hiện tượng ruộng đất ở Nam Kỳ tập trung cao độ vào tay địa chủ và bọn đế quốc, cũng như tình trạng bần cùng hoá diễn ra ngày càng sâu rộng trong nông dân lao động do thiếu đất đai canh tác và trâu bò cày kéo, do nạn sưu cao thuế nặng... Theo sự phân tích của đồng chí Lê Hồng Phong, đó chính là nguồn gốc và nguyên nhân gây ra sự bùng nổ những cuộc biểu tình của nông dân diễn ra liên tiếp ở hầu khắp các địa phương, nêu yêu sách giảm lúa ruộng, đòi bớt thuế... khiến cho hoạt động của tổ chức “Nông hội ở Nam Kỳ có tính chất giai cấp rõ rệt”1.

Chứng kiến bước tiến của phong trào công nhân tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn từ chỗ mang yếu tố tự phát diễn ra ở một số nơi như nhiều cuộc bãi công của công nhân ở các đồn điền, trong hãng dầu Phú Xuân và hàng chục nhà máy gai tại Chợ Lớn vào mùa xuân năm 1935, đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ, đồng chí Lê Hồng Phong đánh giá về một giai đoạn đấu tranh sôi động của thợ thuyền liên tiếp diễn ra có tổ chức nhằm hướng vào mục tiêu đòi thi hành luật lao động, đòi tăng lương. Đi đôi với sự lan toả của các cuộc vận động nông dân tại những khu vực ven đô; trong vùng nội thành, công nhân Nhà máy in Adin, công nhân hãng Ba Son, culi Sở Xe lửa Sài Gòn, công nhân cao su Gia Định và thợ Nhà máy xay gạo cả ở Sài Gòn và Chợ Lớn... đã biểu dương lực lượng của mình qua các cuộc đấu tranh tự giác.

Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong đặc biệt quan tâm đến tầm quan trọng của việc xây dựng và củng cố sự vững mạnh của Xứ ủy Nam Kỳ, của Thành ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - nơi đặt “bản doanh” và thiết lập “vành đai đỏ” của cơ quan lãnh đạo đầu não, đưa Đảng ta trải qua hai cao trào cách mạng sôi động: 1930 - 1931 và 1936 - 1939.

Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong bàn giao công việc của Ban Chỉ huy ở ngoài cho đồng chí Phùng Chí Kiên, lấy tên Trung Quốc là La Anh mang thẻ căn cước số C.I.274445 rời Thượng Hải bí mật trở về hoạt động ở trong nước sau 15 năm học tập và hoạt động ở n­­ước ngoài. Ngày 10/11/1937, Lê Hồng Phong về đến Sài Gòn - Chợ Lớn trong vai một giáo sư khoa sinh ngữ người Trung Quốc. Sau đó, Lê Hồng Phong mang tên mới Hai Lý và được bố trí ở cùng đồng chí Quang - một đảng viên người Việt gốc Hoa. Hai người được phân công phụ trách công tác vận động công nhân2. Trong những ngày này, Lê Hồng Phong đã tiến hành một số chuyến đi tìm hiểu thực tế ở những khu lao động để nắm bắt tình hình phong trào cách mạng của các tầng lớp quần chúng. Bất chấp mọi sự theo dõi của địch, Lê Hồng Phong vẫn sát cánh cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ, trong đó có người đồng chí, người bạn đời Nguyễn Thị Minh Khai - Xứ ủy viên, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, bí mật chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương sắp tới. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, từ ngày 29 đến 30/3/1938, tại làng Tân Thới Nhất gần Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định, Hội nghị Trung ương Đảng đã được tổ chức. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ...

Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận rõ những khuyết điểm trên các mặt công tác của Đảng, để đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, Hội nghị quyết định nhiệm vụ trọng tâm lúc này là thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất. Hội nghị xác định, trong quá trình vận động thành lập Mặt trận cần bỏ hết những khẩu hiệu quá “tả” làm giai cấp tư sản bản xứ và các đảng phái khác ngại, không dám liên kết cùng tham gia đấu tranh. Mặt khác, cũng cần đề phòng tư tưởng hữu khuynh, chỉ coi trọng liên kết với các tầng lớp trên mà xem nhẹ phong trào quần chúng nhân dân lao động. Phương châm là phải thu hút đông đảo quần chúng tham gia các đoàn thể có tính chất rộng rãi và tổ chức theo các hình thức công khai, bán công khai, đấu tranh bênh vực quyền lợi thiết thực hằng ngày của quần chúng trên cơ sở đó tiến hành giáo dục quần chúng, nâng trình độ giác ngộ chính trị của quần chúng.

Đồng thời, Trung ương và đồng chí Lê Hồng Phong đã có quá trình theo dõi sát sao và từng nêu lên những nhận định sâu sắc về những biểu hiện của bệnh ấu trĩ “tả” và hữu khuynh của Đảng bộ Nam Kỳ. Cũng trong Hội nghị này, Đảng nhắc nhở thêm về một số mặt yếu kém trong công tác xây dựng Đảng như: Ở Sài Gòn - Chợ Lớn có một đôi chỗ, những phần tử xấu đã tìm cách “chui” được vào hàng ngũ ta; năng lực và trình độ của một số đảng viên chưa đủ sức đảm đương những nhiệm vụ công tác đã được giao phó. Đồng chí Lê Hồng Phong đã chỉ rõ một số nhược điểm của Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn trong việc thiếu sự theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ lĩnh vực công tác tuyên truyền, nhất là các loại sách báo của Đảng được ấn hành công khai tại thành phố Sài Gòn. Những thiếu sót trên đây được đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Trung ương Đảng ta nhắc nhở, chính là bài học kinh nghiệm rất bổ ích đối với Xứ ủy Nam Kỳ và Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn3. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 11 ủy viên do đồng chí Nguyễn Văn Cừ, làm Tổng Bí thư.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 3/1938, Lê Hồng Phong tiếp tục tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ, có nhiều đóng góp trên mặt trận báo chí nhằm thống nhất những vấn đề về đấu tranh dân chủ. Để giữ bí mật, đồng chí thường thay đổi họ tên, di chuyển chỗ ở. Có lúc Lê Hồng Phong đóng vai một thương nhân giàu có, có lúc đồng chí trở thành một thầy giáo tiểu học. Cũng có lúc đồng chí về Mỹ Tho làm việc cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Tây ở Toà soạn Đông phương Tạp chí trên đường Gallieni (nay là đường Trưng Nhị). Tại đây, Lê Hồng Phong đã có nhiều cuộc họp bàn với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, với các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cúc. Đồng chí cũng có một số buổi gặp gỡ với gia đình nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và đã nhận được tình cảm và sự giúp đỡ của vị trí thức yêu nước nổi tiếng này. Với tài năng, nghị lực và tình cảm cách mạng trong sáng, cao đẹp, đến đâu Lê Hồng Phong cũng được bà con, đồng chí yêu quý, che chở. Lê Hồng Phong thường bí mật đến dự và phát biểu ý kiến tại các cuộc họp, mở các lớp huấn luyện ngắn ngày. Đồng thời, đồng chí cũng tích cực viết tài liệu và các bài báo tuyên truyền quan điểm của Đảng về việc thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất Đông Dương; phê phán bệnh cô độc, hẹp hòi, “tả” khuynh và vạch mặt phá hoại, phản cách mạng của bọn tơrốtxkít.

Tích cực đấu tranh trên mặt trận báo chí khi đồng chí Lê Hồng Phong về Sài Gòn cùng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, cũng là lúc ở đây mới kết thúc cuộc bầu cử Hội đồng Thành phố Sài Gòn (1937) và đang chuẩn bị tích cực cho cuộc tuyển cử bầu Hội đồng quản hạt Nam Kỳ. Lê Hồng Phong viết nhiều bài ký tên TB, đăng trên báo Dân chúng - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ. Nội dung chính yếu là trao đổi, tranh luận để đi đến thống nhất quan điểm về vấn đề đấu tranh nghị trường, vấn đề phòng thủ Đông Dương trước nguy cơ của cuộc chiến tranh phát xít nhằm tập hợp tối đa lực lượng cho cuộc đấu tranh chống chiến tranh và ngăn chặn sự thoả hiệp với các phần tử tơrốtxkít. Đây là một nhiệm vụ mà đồng chí Lê Hồng Phong đã tích cực hoạt động trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Điều này thể hiện rõ nhất qua một số ý kiến của đồng chí trao đổi với các đồng chí Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Tây xung quanh việc lý giải nguyên nhân nhóm Dân chúng thất bại trong cuộc tranh cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, trong khi bọn tơrốtxkít lại thắng cử; vấn đề Đảng Lập hiến, đăng trên báo Dân chúng - cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương (thực chất là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương), từ giữa đến cuối năm 1939. Cùng với tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, những bài báo của đồng chí Lê Hồng Phong đã góp phần tích cực trong việc củng cố niềm tin về vai trò của những người cộng sản trong trận chiến đấu với kẻ địch, trong việc thống nhất đoàn kết Đảng ta. Những bài báo nói trên đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo, đấu tranh tích cực có hiệu quả của Lê Hồng Phong trong sự trao đổi, đấu tranh để đi đến thống nhất về quan điểm của Đảng ta đối với vấn đề tổ chức Mặt trận, tập hợp lực lượng cho cuộc đấu tranh chống bọn phát xít phản động thuộc địa vào cuối những năm 30. Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí Lê Hồng Phong xác định rõ thực chất và mục đích của đấu tranh nghị trường. Đồng chí cho rằng: “tham gia tranh cử là một cuộc tranh đấu hằng ngày để bênh vực quyền lợi nhỏ mọn cho quần chúng, chứ không phải là mục đích vào đó để làm cách mạng như mấy ông tơrốtxkít đã đưa bản Chương trình cách mạng vô sản ra tranh cử”4. Với thái độ khoa học, nghiêm túc, Lê Hồng Phong xác định rõ: “...Chúng tôi không lo lắng sự được - thua làm quan trọng. Song, sau mỗi cuộc tranh đấu, vô luận thắng hay bại, chúng ta cần nghiên cứu kỹ càng các nguyên nhân để làm bài học; chớ không vì một sự thắng lợi mà múa tay, múa chân, rung đùi lắc gối, cũng không vì thất bại mà khổ tâm nản chí, đâm ra do dự lung lay, hoài nghi con đường chính trị của Đảng. Điều nguy hiểm hơn hết là sau mỗi cuộc thất bại, không chịu nhận những chỗ sai lầm căn bổn đã dẫn tới thất bại mà lại tìm cớ khác để vu nhục Đảng, bôi bác Đảng”5. Theo đồng chí Lê Hồng Phong, hoạt động nghị trường trước hết là một hình thức của công tác quần chúng, công tác dân vận. Trong vận động tranh cử phải biết áp dụng nhiều hình thức, biện pháp vận động quần chúng, sử dụng tốt các nguồn thông tin để giữ mối liên hệ với quần chúng. Các ứng cử viên phải tận dụng thời cơ phát biểu trước công chúng, đối thoại trực tiếp với họ..., nghĩa là thiết lập mối liên hệ thường nhật, chặt chẽ, trực tiếp với cử tri. Những đại biểu đó phải đưa ra chương trình vận động tranh cử phù hợp, chỉ ra con đường để giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra, liên quan đến lợi ích của các tầng lớp nhân dân nhằm tập hợp các lực lượng tiến bộ dân chủ; những người cộng sản trong Nghị viện phải có sự hợp tác phối hợp hoạt động với các đảng phái tiến bộ khác. Đồng chí viết: “Đảng là đại biểu ý chí của tất cả chiến sĩ toàn xứ, không thể muốn được lòng hết thảy các cá nhân, mà ai nói sao Đảng cũng cho là phải, cứ cúi đầu nhận là đúng. Sự “thành thực nhận lỗi như thế”, nó sẽ đưa Đảng tới chỗ chết không thể cứu. Đảng phải là cho tập trung ý chí của tất thảy đảng viên. Đảng phải là chỗ trung tâm chỉ đạo, đội tiên phong của giai cấp vô sản và dân tộc bị áp bức”6. Đảng phải giữ vững vai trò lãnh đạo, phải kết hợp các hình thức đấu tranh bí mật và công khai, trong nghị trường và ngoài nghị trường, nhằm tập hợp lực lượng, hình thành Mặt trận dân chủ rộng rãi. Vì thế, thái độ của Đảng đối với các đảng phái và các tầng lớp nhân dân là phải rõ ràng. Khi chưa phải trực tiếp đánh đổ chế độ thống trị, chỉ tranh đấu đòi cải cách tiến bộ, chống chế độ thuộc địa phản động, thì Đảng chủ trương “liên hợp với hết thảy các lực lượng dân chủ, lực lượng cải cách, lực lượng bị áp bức, để tranh đấu đòi tự do, chống áp bức thuộc địa. Đó là sự cần thiết”7. Theo Lê Hồng Phong, sử dụng các thiết chế có sẵn của nhà nước thực dân phong kiến làm diễn đàn đấu tranh, những người cộng sản có thể thúc đẩy tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xác lập và củng cố bạn đồng minh chiến đấu của giai cấp công nhân. Đấu tranh nghị trường của Đảng có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, thực hiện các cải cách dân sinh, tạo ra các điều kiện tiến tới giành độc lập dân tộc. Từ thất bại của cuộc vận động tuyển cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, đồng chí Lê Hồng Phong cho rằng cần phải rút ra một bài học có tính nguyên tắc cho chỉ đạo, hoạt động của Đảng nói chung. Đồng chí Lê Hồng Phong giải thích: “Người cộng sản vào nghị trường để lập bộ phận Mặt trận dân chủ với phần tử cấp tiến, và ở ngoài nghị trường lại càng cần lập Mặt trận dân chủ rộng rãi hơn nữa. Bởi vậy, đối với các đảng phái, các phần tử cấp tiến ít nhiều chúng ta phải tao nhã và xác thực cho quần chúng nhận thấy nhược điểm của các phần tử và các đảng phái ấy, sau nữa để thành thực khuyến khích và đốc suất họ tiến lên, tranh đấu kiên quyết hơn”8.

Khoảng giữa năm 1939, dưới bút danh Trí Bình, đồng chí Lê Hồng Phong đã biên soạn tác phẩm Vấn đề phòng thủ Đông Dương (viết xong ngày 20/6/1939, xuất bản ngày 28/8/1939). Sự ra đời cuốn sách này nhằm tổng kết thực tiễn sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng (3/1938) Về phòng thủ Đông Dương và đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn cách mạng lúc này. Trong tác phẩm, đồng chí Lê Hồng Phong đặt cuộc vận động phòng thủ trong toàn bộ cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống và bảo vệ hòa bình, chống chủ nghĩa phátxít và chiến tranh, phê phán, uốn nắn các khuynh hướng tư tưởng “tả” khuynh và hữu khuynh, vạch rõ bản chất phản động của những phần tử chống phòng thủ Đông Dương, chống Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Một đặc điểm nổi bật trong hoạt động tư tưởng lý luận của đồng chí Lê Hồng Phong thời kỳ 1938 - 1939 là cùng với việc luận giải tuyên truyền, cổ động các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, uốn nắn những nhận thức mơ hồ lệch lạc trên các vấn đề chiến lược, sách lược trong một bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân, đồng chí còn tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh vạch trần các luận điệu sai trái phản động, cơ hội chủ nghĩa của bọn tơrốtxkít, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đối với đồng chí, hai nhiệm vụ này gắn liền với nhau: vạch trần bọn tơrốtxkít cũng có nghĩa khẳng định tính đúng đắn, khoa học các quan điểm của Đảng. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng đó, đồng chí tỏ rõ sự nhạy bén, bản lĩnh chính trị, tính Đảng kiên định và trình độ tri thức lý luận khoa học.

Trước nguy cơ chiến tranh thế giới thứ II đến gần, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương ngày càng lộ mặt phản động, phátxít. Lấy cớ chiến tranh, chúng ra lệnh giải tán Đảng Cộng sản, xoá bỏ hầu hết các quyền tự do, dân chủ mà nhân dân ta đã đấu tranh giành được trong cao trào Cách mạng dân chủ 1936 -1939, đồng thời tiến hành khủng bố những người cộng sản và các phong trào yêu nước. Tình hình này đòi hỏi Đảng ta phải sớm có những nhận định, đánh giá sát hợp để từ đó hoạch định những chủ trương chiến lược sách lược phù hợp với tình hình mới. Tháng 02/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ Hà Nội quyết định vào miền Nam gấp để trực tiếp gặp gỡ với đồng chí Lê Hồng Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và các đồng chí Ủy viên Trung ương ở miền Nam và Xứ ủy Nam Kỳ để nắm rõ tình hình và tìm những biện pháp giải quyết. Nhưng đồng chí vừa tới cơ quan Trung ương Đảng ở Hóc Môn được ít ngày thì bị mật thám vây bắt. Ngày 22/6/1939, Lê Hồng Phong cũng bị mật thám bắt. Bọn chúng biết quá rõ Lê Hồng Phong chính là Lê Huy Doãn, là Lítvinốp, là Hải An - Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, một phần tử nguy hiểm, một người đang mang thẻ căn cước với tên gọi La Anh - một giáo viên sinh ngữ Hoa kiều. Bọn mật thám Pháp dùng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ đối với Lê Hồng Phong hòng khai thác các cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí. Không tìm ra chứng cớ pháp lý để buộc tội Lê Hồng Phong, ngày 30/6/1939, Toà tiểu hình Sài Gòn đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội “lang thang” và “sử dụng thẻ căn cước giả”. Tháng 01/1940, bọn mật thám Pháp đã bắt Lê Hồng Phong lần thứ hai và đưa vào giam tại Khám lớn Sài Gòn9. Nhà cầm quyền Pháp ở chính quốc và chính quyền thuộc địa luôn coi Lê Hồng Phong là phần tử nguy hiểm. Vì vậy, khi bắt đồng chí lần thứ hai, chúng dùng mọi thủ đoạn nhằm khép Lê Hồng Phong vào án tử hình. Nhưng gần một năm giam giữ, tra khảo dã man, thực dân Pháp vẫn không kiếm được một cớ nào để kết tội tử hình đối với Lê Hồng Phong. Không tìm ra chứng cớ buộc tội Lê Hồng Phong liên quan tới cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng kẻ thù vẫn rắp tâm hãm hại đồng chí. Ngày 27/8/1940, Toà tiểu hình Sài Gòn của thực dân Pháp vẫn kết tội Lê Hồng Phong là người chịu trách nhiệm tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ10. Chúng đã kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, Lê Hồng Phong bị kẻ thù đày ra Côn Đảo.

Những năm tháng bị giam cầm ở Côn Đảo là quãng thời gian Lê Hồng Phong trực tiếp đối mặt với mọi âm mưu, thủ đoạn dã man và thâm độc nhất của kẻ thù. Những kinh nghiệm và lý luận được học trong các trường học lý luận trước đây đã giúp đồng chí hiểu thêm tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh giai cấp. Đồng chí đã cùng đồng đội đấu tranh để giữ vững phẩm chất, khí tiết của người cộng sản và hy sinh vào ngày 06/9/1942 tại khu cấm cố biệt lập banh II.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Lê Hồng Phong còn nhắn nhủ bạn tù: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”11. Lòng tin vững chắc đó là nhân tố quan trọng tạo nên phẩm chất cách mạng kiên cường và những cống hiến to lớn của Lê Hồng Phong đối

với sự nghiệp cách mạng nói chung và phong trào cách mạng ở Nam Kỳ nói riêng, mãi mãi là nguồn sức mạnh cho các thế hệ đảng viên trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng phát triển của đất nước phồn vinh, hạnh phúc.


1, 3. Lê Hồng Phong - Chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta (2012), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.37, tr. 39.

2. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước (2007), Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 171.

4, 5. Báo Dân chúng, số 67, ngày 23/5/1939, dẫn theo Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007), Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 187.

6, 8. Báo Dân chúng, số 69, ngày 7/6/1939, dẫn theo Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007), Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,tr. 188.

7. Báo Dân chúng, số 68, ngày 31/5/1939, dẫn theo Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007), Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 188.

9, 10. Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (2007), Lê Hồng Phong tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 217, tr. 220.

 

11. Lê Hồng Phong – Người cộng sản kiên cường (Hồi ký) (2002), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 538.

 

TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng

ThS. Trần Thị Thạnh

Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí vui lòng để lại thông tin