Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị

CT&PT - Sách lý luận, chính trị là loại sách trực tiếp phản ánh, truyền bá hệ tư tưởng của một giai cấp, đường lối, chính sách của Nhà nước, các chính đảng, các tổ chức chính trị nhằm thực hiện và bảo vệ những lợi ích chính trị của một giai cấp, một dân tộc.

 
gt-chuyen-1727550394.png
Bộ giáo trình lý luận chính trị dành cho bậc đại học hệ chuyên lý luận chính trị.

1. Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, học tập, nhằm tăng cường giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử và cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong những năm qua, công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện sứ mệnh của ngành xuất bản, in và phát hành trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trước những vấn đề đặt ra của bối cảnh tình hình mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị lại càng trở nên quan trọng, đòi hỏi tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ngày 16/4/2020, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công tác này. Nội dung Chỉ thị số 44-CT/TW là những chỉ dẫn vô cùng quan trọng đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.

2. Nhìn lại chặng đường lịch sử thời gian qua, có thể thấy công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị đã thể hiện những bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng qua mỗi thời kỳ. Trong thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn quan tâm đến việc lãnh đạo nâng cao chất lượng thực hiện công tác báo chí, xuất bản nói chung, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị nói riêng. Nhiều chỉ thị đặc thù của Ban Bí thư đã được ban hành như: Chỉ thị số 08-CT/TW, ngày 31/3/1992 về việc tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản; Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Gần đây nhất, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị. Đây là những văn bản vô cùng quan trọng, tạo nền tảng chính trị và pháp lý để công tác xuất bản nói chung, hoạt động xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị nói riêng có xung lực phát triển ngày càng vững chắc.
Quán triệt thực hiện các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong những chỉ thị trên, công tác xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị thời gian qua đã có sự phát triển đáng kể cả về số lượng và chất lượng nội dung. Cơ cấu, thể loại và hình thức in ấn, trình bày sách lý luận, chính trị không ngừng được cải thiện. Phương thức phát hành sách lý luận, chính trị cũng ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, nhất là trong thời đại công nghệ số. 
Theo báo cáo thống kê, chỉ tính trong giai đoạn 2003 - 2018, từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới, đã có khoảng 60.000 đầu sách lý luận, chính trị được xuất bản, với trên 200 triệu bản, chiếm khoảng 6 - 8% số đầu sách và 8 - 10% số bản sách hằng năm. Về tỷ lệ sách lý luận, chính trị trong tổng số sách được xuất bản, bên cạnh các nhà xuất bản có tính chất chuyên ngành như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, nhiều nhà xuất bản khác đã có những nỗ lực rất lớn, với tỷ lệ duy trì khoảng 25 - 35% sách lý luận, chính trị như Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Tư pháp.... 
Chất lượng, nội dung sách lý luận, chính trị cũng ngày càng được nâng cao, với nhiều đầu sách có nội dung quan trọng, đánh dấu những bước phát triển lớn trong tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Một số cuốn sách mới được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành trong thời gian gần đây đã tạo được tiếng vang lớn cả trong nước và quốc tế, tiêu biểu như các cuốn: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Nguyễn Phú Trọng, 2022), Vững bước trên con đường đổi mới (Nguyễn Phú Trọng, 2021), Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước (Nguyễn Xuân Thắng, 2021), Một số vấn đề về cách mạng và đổi mới (Tạ Ngọc Tấn, 2020), 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Hội đồng Lý luận Trung ương, 2020), Giữ vững độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế (Vũ Văn Hiền - Chủ biên, 2017), Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về chính trị trong Đảng (Hội đồng Lý luận Trung ương, 2017), Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới đang đặt ra (Nguyễn Xuân Thắng; Nguyễn Viết Thông; Đinh Quang Ty; Lê Minh Nghĩa - Đồng Chủ biên, 2014)...
Về cơ cấu, thể loại, có thể thấy các sách lý luận, chính trị được xuất bản ngày càng phong phú và đa dạng, góp phần khẳng định tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các nhóm sách chuyên sâu được quan tâm đầu tư nhiều hơn như: những vấn đề lý luận và thực tiễn về Đảng cầm quyền; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; lãnh đạo và quản lý các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội...
Về hình thức in ấn, trình bày, các sách lý luận, chính trị được xuất bản trong những năm gần đây không ngừng được cải thiện. Rất nhiều cuốn sách được xuất bản với hình thức bìa cứng, trình bày trang nhã, góp phần thu hút sự quan tâm, chú ý của bạn đọc, đồng thời cũng giúp cho công tác bảo quản, trưng bày sách thuận tiện và dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách vẫn được phát hành dưới hình thức bìa mềm, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng sách của bạn đọc, vừa giúp giảm giá thành xuất bản sách.
Công tác phát hành sách lý luận, chính trị thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các nhà xuất bản và các doanh nghiệp phát hành sách đã gia tăng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin đa dạng nhằm đẩy mạnh việc đưa sách lý luận, chính trị đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Số lượng sách lý luận, chính trị đưa về cơ sở ngày càng tăng, với các tủ sách pháp luật, tủ sách xã, phường, thị trấn được hình thành và củng cố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu, tra cứu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Các phương pháp truyền thông, tuyên truyền về sách lý luận, chính trị ngày càng được đổi mới, phù hợp hơn với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Việc quảng bá, giới thiệu sách lý luận, chính trị cũng đã được chú trọng hơn, thông qua việc giới thiệu sách mới, sách hay tại các không gian hội chợ, triển lãm sách, nhất là trên những phương tiện truyền thông và diễn đàn uy tín trong nước và quốc tế.
Bên cạnh các hình thức xuất bản và phát hành sách truyền thống, hình thức xuất bản điện tử ngày càng được quan tâm, giúp bạn đọc có thể dễ dàng tiếp cận rất nhiều đầu sách lý luận, chính trị vốn mang đặc thù khó phổ cập đến độc giả. Trong thời gian gần đây, với tư cách là “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực xuất bản và phát hành sách lý luận, chính trị, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã rất tích cực đẩy mạnh hình thức xuất bản điện tử, tạo kho dữ liệu số để phục vụ bạn đọc rộng rãi và thuận tiện hơn. Các kênh truyền thông mạng xã hội cũng ngày càng được đẩy mạnh sử dụng để quảng bá về lĩnh vực sách đặc thù này. Trên cơ sở khai thác, phát huy những thế mạnh của mình, thời gian gần đây, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tăng cường nhiều hoạt động giới thiệu sách, trao tặng tài khoản sử dụng sách điện tử cho các cơ quan, đơn vị có đối tượng độc giả phù hợp với lĩnh vực sách lý luận, chính trị, tăng cường phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên, nhất là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa... 
Về công tác quản lý, nhiều nhà xuất bản đã đẩy mạnh các hoạt động đổi mới, nhằm thích ứng với cơ chế thị trường, tích cực chuyển đổi mạnh mẽ từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nhà xuất bản đã tiến hành tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức bộ máy để thích ứng tốt hơn với thị trường xuất bản, đồng thời bảo đảm tính định hướng trong thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị cũng ngày càng được chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực xuất bản sách lý luận, chính trị trong tình hình mới. Nhiều nhà xuất bản có chức năng xuất bản sách lý luận, chính trị đã xây dựng được đội ngũ biên tập viên có trình độ cao như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Tư pháp, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Công an nhân dân, v.v.. 
Với những nỗ lực, cố gắng như vậy, kết quả của công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã được ghi nhận, như khẳng định trong Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 16/4/2020. Tuy nhiên, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế, yếu kém. Theo đánh giá chung, mặc dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng mảng sách lý luận, chính trị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, hình thức, phương thức phát hành... Số lượng sách lý luận, chính trị có giá trị cao về chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn chưa nhiều. Phần lớn sách lý luận, chính trị còn mang tính kinh viện, nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tiễn cuộc sống, thiếu sức hấp dẫn với bạn đọc. Những cải thiện về cơ cấu sách còn cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để có nhiều hơn các đầu sách tổng kết thực tiễn, nhằm kịp thời luận giải, làm sáng tỏ những vấn đề bao quát và mang tính hệ thống về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, v.v.. Việc xây dựng và phát triển mạng lưới phát hành sách lý luận, chính trị chưa hiệu quả, còn chậm đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động. Chất lượng đội ngũ cán bộ xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị có những mặt còn hạn chế, thiếu cán bộ biên tập có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tổ chức xây dựng bản thảo, xử lý những nội dung phức tạp, nhạy cảm. Việc xuất bản điện tử và khai thác các kênh phát hành sách hiện đại cũng mới chỉ ở mức độ tương đối sơ khai, chưa bắt kịp được với xu thế chung của thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng chính là nội dung đánh giá của Chỉ thị số 44-CT/TW về những hạn chế, bất cập của công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong thời gian qua.


TS. VŨ THỊ DUYÊN

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin