Sự cần thiết phải đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế
Qua 37 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn; song bối cảnh mới cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với năng lực của quốc gia nói chung và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển cao đến các dấu mốc năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. Dự báo trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; có thể tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thấm nhuần sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của vấn đề “then chốt” - công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, cho nên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt là từ Đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược thực sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức và tận dụng các cơ hội trong thời kỳ mới, giải pháp quan trọng hàng đầu là phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp, bám sát mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Nhiệm vụ và giải pháp này đòi hỏi toàn hệ thống chính trị cần tập trung nỗ lực để thực hiện thành công đột phá chiến lược phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC có vị trí, vai trò rất quan trọng, cần dành sự quan tâm đặc biệt để trang bị cho đội ngũ CBCC, nhất là cán bộ cấp chiến lược những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thời gian qua
Trong giai đoạn 2016 - 2021, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 3.230.000 lượt CBCC, viên chức. Tính đến hết năm 2021, có trên 90% CBCC từ cấp huyện trở lên đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh và ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật. Tính bình quân chung cả giai đoạn 2016-2021, mỗi năm trên cả nước có gần 90% CBCC được cập nhật kiến thức pháp luật; trên 85% được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; gần 80% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng trong thực thi công vụ. Đối với CBCC cấp xã, hàng năm có trên 72% người được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, đạo đức công vụ. Đối với viên chức, hàng năm có khoảng 37% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; gần 50% viên chức giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; hơn 70% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp; cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Chính sách, pháp luật quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC đã nhấn mạnh phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý CBCC, viên chức, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của từng cơ quan, đơn vị. Trong quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng CBCC đã chú trọng thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đồng thời, nhấn mạnh và đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của CBCC, viên chức; bảo đảm đào tạo, bồi dưỡng phải công khai, minh bạch và hiệu quả. Về đào tạo CBCC, viên chức phải có kế hoạch cụ thể, thực hiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng quy hoạch nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị.
Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị, quốc phòng và an ninh, kỹ năng quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế; tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ... theo đúng phương châm và quan điểm của Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII là “Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng”. Chính sách, pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức hiện nay đã cắt giảm tối đa quy định về chứng chỉ không thực sự cần thiết, như: các ngạch công chức chuyên ngành thống nhất quy định 01 loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức giữ ngạch tương ứng; các chức danh nghề nghiệp viên chức trong cùng một chuyên ngành chỉ quy định chung 01 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây. Không yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức; giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xã hội đồng tình, đánh giá cao. tham gia các chương trình bồi dưỡng.
Chính sách, pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng CBCC, viên chức hiện hành cũng quy định rõ đối tượng tham gia học các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Công chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức trước khi bổ nhiệm ngạch. Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức tham gia học các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý và theo nhu cầu bản thân, thời gian thực hiện tối thiểu 01 tuần (40 tiết)/năm, tối đa 04 tuần (160 tiết)/năm. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định; được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục; được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định; được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng. Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức nữ, là người dân tộc thiểu số, ngoài những quyền lợi chung còn được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc…
Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC thời gian qua còn một số hạn chế như: chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay; chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lặp, chưa cập nhật, bổ sung những kiến thức mới, nhất là những kiến thức, kỹ năng và phẩm chất để đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Số lượng, chất lượng giảng viên còn bất cập; thiếu giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm và am hiểu thực tiễn. Năng lực của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC còn nhiều hạn chế; công tác phân công, phối hợp trong quản lý, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự chặt chẽ.
Những hạn chế này do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do cấp ủy, người đứng đầu một số nơi chưa sâu sát về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC; chưa bám sát sự thay đổi của pháp luật để sửa đổi, bổ sung; phân công, phân cấp đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong từng bộ, ngành còn chưa phù hợp, chưa giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc đặt ra. Việc thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng CBCC có nội dung, có việc chưa kịp thời, quy định của Đảng về công tác cán bộ đang trong quá trình bổ sung và hoàn thiện. Chính sách, pháp luật về đào tạo, bồi dưỡng CBCC chưa thực sự đồng bộ; các nguồn lực để triển khai thực hiện chưa được triển khai đầy đủ, đặc biệt là trong các năm 2020, 2021, 2022 - là giai đoạn cả nước tập trung dành mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Thực trạng trên cho thấy, chất lượng đội ngũ CBCC ở Trung ương và địa phương dù đã được quan tâm nâng cao, nhưng vẫn còn khoảng cách so với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế và chưa thực sự đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tiễn, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu của công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức”. Số lượng CBCC có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác đối ngoại, khả năng sử dụng ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tiễn để làm việc trong môi trường quốc tế chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế.
Một số nội dung cần đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế
Từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC như đã nêu trên, cần cân nhắc, triển khai một số nội dung chủ yếu như sau:
Một là, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng CBCC cần làm rõ yêu cầu và nội dung kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế; xác định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn; khung năng lực đối với các vị trí việc làm trong môi trường quốc tế của công chức, viên chức; quy định rõ nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng viên chức và yêu cầu của vị trí việc làm theo quan điểm, phương châm của Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII: “Bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng”.
Hai là, gắn kết việc xây dựng yêu cầu, nội dung về kiến thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế với tiếp tục rà soát hệ thống văn bằng, chứng chỉ, cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết, không gắn với tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu của vị trí việc làm công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và năng lực, chất lượng của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC theo hướng đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng CBCC; tổ chức có hiệu quả các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế tại các nước có nền hành chính tiên tiến cho đội ngũ CBCC, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Cần đặt ra các yêu cầu cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương theo các giai đoạn cụ thể (đến năm 2030 và đến năm 2045).
Trước mắt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng một số CBCC có tố chất, phẩm chất tốt để sau khi kết thúc đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài sẽ tham gia trực tiếp vào hoạt động hợp tác quốc tế của bộ, ngành và địa phương; làm giảng viên, báo cáo viên truyền thụ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCC của các bộ, ngành và địa phương. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Bộ Nội vụ trong việc hợp tác với một số nước có nền hành chính tiên tiến, có kinh nghiệm đào tạo nhân lực đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế để đưa CBCC của Bộ và một số địa phương đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn bị đủ nhân lực kế cận trong nhiều năm tới.
Ba là, đơn vị đào tạo, bồi dưỡng CBCC của các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau và hợp tác với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có uy tín của nước ngoài để xây dựng, thiết kế tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho CBCC. Đồng thời, thiết lập mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, báo cáo viên trong nước và nước ngoài có trình độ, kinh nghiệm để chủ động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế cho CBCC của các bộ, ngành, địa phương.
Bốn là, cần làm rõ các thuật ngữ, khái niệm cơ bản về kiến thức, kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế, như: thế nào là “môi trường quốc tế”; vị trí việc làm nào của CBCC, viên chức tại các bộ, ngành và địa phương có liên quan đến môi trường quốc tế; nội hàm của khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; xác định khả năng làm việc trong môi trường quốc tế của CBCC, viên chức các bộ, ngành và địa phương. Tiếp đến là kiến thức, kỹ năng cụ thể nào cần đào tạo, bồi dưỡng với từng vị trí việc làm của CBCC, viên chức tại các bộ, ngành và địa phương để đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế; đội ngũ giảng viên, báo cáo viên trong nước và nước ngoài, thiết bị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và thời gian đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu...
Năm là, xác định rõ khung năng lực của CBCC làm việc trong môi trường quốc tế khi ban hành đề án xác định vị trí việc làm của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng, ban hành tài liệu, chương trình đào tạo, dưỡng kiến thức và kỹ năng theo khung năng lực của các vị trí việc làm CBCC đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Bên cạnh khung năng lực đối với CBCC lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược theo Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII với những nội dung rất quan trọng, như có tầm nhìn chiến lược; có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực chuyên môn, kỹ năng, phong cách…; có kỹ năng lãnh đạo và đào tạo thế hệ kế cận…; có khả năng truyền thụ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ... cũng cần nghiên cứu, ban hành khung năng lực đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế đối với CBCC chuyên môn, nghiệp vụ. Việc chia ra hai loại khung năng lực này vừa tạo cơ sở để xác định giai đoạn phát triển của từng cá nhân để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; vừa tránh sự thiếu hụt về số lượng, chất lượng, lĩnh vực, nhất là đội ngũ kế cận qua các giai đoạn.
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Bộ Nội vụ: Báo cáo số 592/BC-BNV về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực Nội vụ tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước
Ngọc Anh tổng hợp