Đẩy mạnh thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tình hình mới

CT&PT - Trong thời gian qua, việc thực hiện công tác dân tộc nói chung, Chiến lược công tác dân tộc nói riêng trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, chú trọng, nhờ đó đã đem lại những thay đổi rõ rệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, tỉnh Kon Tum cần tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu về chiến lược công tác dân tộc theo Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành, từ đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

1. Hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững, ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, quán triệt và chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc của Chính phủ và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc trong tình hình mới. Ngày 07/7/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 2174/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhằm ưu tiên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với các địa phương phát triển khác.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, cùng với với tinh thần tự lực, tự cường, linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, văn hóa - xã hội tiến bộ trên nhiều mặt, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đặc biệt, diện mạo tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tỉnh nói chung và người dân các dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được nâng cao.

Công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc và các Chương trình, Đề án, chính sách dân tộc được thực hiện hiệu quả, thông tin kịp thời đến người dân. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1321/KH-UBND, ngày 20/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Công văn số 981-CV/TU, ngày 17/01/2020 của Tỉnh ủy; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Kế hoạch số 133-KH/TU, ngày 14/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn quản lý, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, chính sách dân tộc; đặc biệt là thực hiện việc rà soát các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là nhiệm vụ liên quan đến đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất; chính sách đối với học sinh, sinh viên và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; sự hướng dẫn kịp thời của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và công tác phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là vùng đông dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhìn chung, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, một số lĩnh vực có bước phát triển khá tốt, chuyển đổi cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển với nhiều loại cây cho thu nhập cao, bảo đảm thời vụ, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chuyển biến tích cực, cơ bản ổn định, bảo đảm an toàn về dịch bệnh; công tác quản lý bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Tỉnh Kon Tum luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội. Tập trung thực hiện các chương trình, chính sách, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Các chính sách được thực hiện công khai, dân chủ, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng đã đem lại tính thiết thực, hiệu quả. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước đạt 19.100 tỷ đồng, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 58,8 triệu đồng/người, đạt 103,1% kế hoạch, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với những chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, các chính sách về nông nghiệp nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm, đã thực hiện cấp trên 40 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ kinh phí tiền điện cho 16.265 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội; tặng 1.500 suất quà Tết do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có người nhiễm chất độc hóa học, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum phát triển rộng khắp và ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng không ngừng được nâng cao. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các hoạt động văn hóa tổ chức bảo đảm thiết thực, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân, đặc biệt là các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; phối hợp tổ chức thành công điểm cầu truyền hình 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Kon Tum. Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch tiếp tục được triển khai. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được quan tâm, duy trì.

Hệ thống chính trị vùng dân tộc thường xuyên được xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia vào cấp ủy, chính quyền, hội đồng nhân dân các cấp càng ngày càng tăng. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đều xây dựng kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, các đoàn thể thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Thực hiện đổi mới nội dung thực hiện Chiến lược công tác dân tộc của Mặt trận các cấp; tại các thôn vùng dân tộc thiểu số đều duy trì chế độ họp dân hằng quý để làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân, qua đó, tuyên truyền phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động như ủng hộ quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà ở cho nhân dân, triển khai các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo lao động sản xuất; không phá rừng làm rẫy trái phép; không vi phạm pháp luật; nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống tội phạm, thực hiện các giải pháp an toàn giao thông...

Trong thời gian qua, tình hình an ninh chính trị trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản được giữ vững ổn định. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Công an tỉnh phát huy, củng cố nâng cao hơn nữa công tác xây dựng các thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác nắm tình hình, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; chủ động nắm, phân tích dự báo tình hình để kịp thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và địa phương chủ động phối hợp, tham gia cùng lực lượng Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động quần chúng nâng cao ý thức cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Đến nay, tỉnh chưa thực hiện được một số mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch thực hiện chiến lược công tác dân tộc đã đề ra. Đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Diễn biến thời tiết phức tạp đã tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân; chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp.

Tiến độ triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc còn chậm. Công tác tổ chức, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược công tác dân tộc chưa thường xuyên và kịp thời; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương chưa thật sự chặt chẽ, chưa bảo đảm về mặt thời gian, chất lượng thông tin báo cáo chưa đầy đủ và kịp thời, do đó làm ảnh hưởng đến công tác tham mưu, tổng hợp, báo cáo.

2. Trước yêu cầu của tình hình mới, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, cấp ủy và chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong toàn tỉnh trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị tỉnh. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc qua từng thời kỳ, xác đúng công tác dân tộc là yếu tố quan trọng có tính quyết định trong xây dựng và thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Tiếp tục triển khai thực hiện thống nhất, hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thông qua hoạt động thực tiễn để đề xuất chính sách, đồng thời kịp thời phát hiện những khiếm khuyết để bổ sung, xây dựng chính sách mới; hệ thống chính sách phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng dân tộc để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, dân tộc trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình, dự án đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là chính sách hỗ trợ sản xuất cho nhân dân, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền trong thực hiện Chiến lược công tác dân tộc.

Tiếp tục hỗ trợ vật chất, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, hoàn thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vùng dân tộc thiểu số.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; chú trọng sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương thức vận động quần chúng trong vùng dân tộc thiểu số; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước có nội dung thiết thực; chú trọng nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ảnh, kiến nghị và phối hợp giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số; phát huy tích cực vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Bốn là, chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chính trị cơ sở là tổ chức gần dân nhất, trực tiếp triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc vững mạnh thông qua việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chú trọng xây dựng và kiện toàn các tổ chức đảng, chính quyền các cấp có đủ khả năng lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và thực hiện tốt Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Củng cố và nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Tập hợp và vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quan tâm đào tạo, sử dụng, có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ công tác ở vùng dân tộc và miền núi, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán có đủ phẩm chất và năng lực công tác, phù hợp với nhu cầu cán bộ của từng địa phương, dân tộc.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương, góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới đất nước.

Có thể thấy, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, toàn hệ thống chính trị tỉnh Kon Tum đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất nhằm thực hiện đồng bộ, thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược công tác dân tộc. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng định hướng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 28/01/2022 của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Kế hoạch số 2174/KH-UBND, ngày 07/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-  2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

3. Báo cáo số 501/BC-UBND, ngày 22/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về kết quả công tác dân tộc năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2024.

4. Báo cáo số 205/BC-UBND, ngày 24/6/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về kết quả công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác dân tộc 6 tháng cuối năm 2024.

ThS. ĐINH LÝ HƯƠNG

                                                                                Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

 

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin