Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

CT&PT - Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, các thế lực thù địch, phản động bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, với nhiều hình thức, nhất là sử dụng một số trang mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo sự thật về tính chất và ý nghĩa của sự kiện lịch sử này. Chúng cho rằng Cách mạng Tháng Tám thành công không phải do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; không phải là sức mạnh đoàn kết toàn dân đứng lên làm cách mạng mà là nhờ sự ngẫu nhiên, “may mắn” của hoàn cảnh lịch sự. Đây là luận điệu thiếu khách quan, hoàn toàn sai sự thật với mục đích xấu xa của các thế lực thù địch, cơ hội.

1. Những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Cứ đến hẹn mỗi năm, trong không khí cả nước phấn khởi chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm chào mừng Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên một số các đài VOA, BBC,… cũng như một số trang mạng xã hội Youtube, Twitter, Facebok của các tổ chức “Việt Tân”, “Nhân dân hành động”, “Triều đại Việt”, “Tiếng dân”,…  trong và ngoài nước… thông qua các hình thức bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, luận đàm lịch sử, đã xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả đấu tranh của toàn dân tộc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; bôi nhọ lãnh tụ dân tộc; phủ nhận, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Cách mạng Tháng Tám nói riêng và trong tổng quan nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung.
Các luận điểm xuyên tạc cho rằng “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”; Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sự ăn may” vì Nhật Bản thua cuộc trong chiến tranh thế giới thứ II, việc giành chính quyền chẳng qua là sự chớp thời cơ từ “khoảng trống quyền lực” sau khi Nhật đầu hàng đến khi quân Đồng Minh vào làm nhiệm vụ giải giáp quân dội Nhật. Một số lại cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “là nguyên nhân dẫn đến hai cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; “nếu không có Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ”... Nghiêm trọng hơn, những người này cho rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp đặt một chế độ độc tài toàn trị, Cách mạng Tháng Tám không thay đổi về mặt bản chất chế độ nhà nước, chỉ thay đổi hình thức từ chế độ “vua trị” sang chế độ “Đảng trị”, chế độ hiện nay chính là chế độ phong kiến kéo dài mà thôi.
Với những thủ đoạn như cắt, ghép thông tin, hình ảnh, xuyên tạc, bóp méo sự thật, đánh tráo khái niệm - lập lờ “đánh lận con đen”… Những thủ đoạn kiểu này thường được thực hiện khá tinh vi, bài bản, có quy trình, được đầu tư về thời gian, kỹ thuật và tài chính. Do đó, khi tiếp cận thông tin, không chỉ những người có nhận thức hạn chế, phiến diện mà đôi khi cả những người có trình độ, nhận thức sâu rộng cũng có thể hiểu sai bản chất vấn đề hoặc hoài nghi tính đúng đắn của vấn đề.
Âm mưu của những tổ chức, cá nhân thù địch, phản động nhằm hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tạo ra những góc nhìn phiến diện, sai lệch, mơ hồ, nghi hoặc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong nước và thế giới; làm phai nhạt niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước; kích động, làm sâu sắc hơn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tiến tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, hướng lái con thuyền cách mạng nước ta đi chệch định hướng XHCN. Họ coi việc tuyên truyền trên Internet, nhất là mạng xã hội là cách hiệu quả để truyền bá tư tưởng thù địch, phản động đến với người dân, là con đường ngắn nhất để xóa bỏ mọi thành quả của cách mạng Việt Nam mà Đảng và nhân dân ta đã dày công vun đắp, tạo dựng.
Song, dù có cố tình chống phá, xuyên tạc, họ cũng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn cùng những giá trị tự do, dân chủ đích thực mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho đất nước, dân tộc Việt Nam cũng như đóng góp cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới.
2. Giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng tám năm 1945 ở Việt Nam
Một là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tạo bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.
Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã lập nên biết bao chiến công hiển hách, đánh tan mọi thế lực xâm lược hùng mạnh nhất, giành, giữ nền độc lập dân tộc. Đến giữa thế kỷ XIX, dân tộc ta phải đương đầu với kẻ thù mới, lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần đó là thực dân Pháp. Do vậy, toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục đứng lên kiên trì đấu tranh để giành lại nền độc lập dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách đô hộ của phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị hơn 80 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến lạc hậu hàng nghìn năm, đưa nước ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chấm dứt thời kỳ lịch sử lâu dài của dân tộc sống dưới những chế độ áp bức, bóc lột khác nhau để bước vào một thời kỳ lịch sử hoàn toàn khác, với một chế độ chính trị, xã hội không còn áp bức bóc lột, một sự đổi đời hợp với nguyện vọng thiết tha và cuộc đấu tranh không mệt mỏi của những người chiến sĩ cách mạng cùng nhân dân lao động cả nước. Đó là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam, thắng lợi của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn do Đảng ta vạch ra và lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên điều kỳ diệu. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã tạo nên sự “thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”1. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, chứng tỏ rằng, trong thời đại ngày nay, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, do toàn dân nổi dậy, dưới sự lãnh đạo của một Đảng mác xít chân chính, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo có thể giành thắng lợi nhanh chóng và triệt để.
Hai là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận người nô lệ, bị áp bức, bóc lột trở thành người làm chủ, tự quyết định vận mệnh và tương lai của mình.
Sau 15 năm đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng tháng Tám đã đập tan ách áp bức, thống trị của phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn tay sai, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước, được tự do làm chủ vận mệnh của chính mình. Đây là một cuộc đổi đời chưa từng có trong lịch sử đối với mỗi người dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”2.
Ba là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa Đảng ta trở thành đảng cầm quyền.
Trong những thời điểm khó khăn của cách mạng, Đảng ta phải thực hiện sách lược rút vào hoạt động bí mật, thâm chí “hoạt động bất hợp pháp”. Nhưng khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta đã trở thành một đảng lãnh đạo chính quyền trên phạm vi cả nước - đảng cầm quyền. Điều đó khẳng định: trên thực tế khả năng và hiệu quả lãnh đạo của một Đảng tuy còn rất non trẻ, ra đời ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến nhưng đã trở thành đảng lãnh đạo chính quyền và toàn xã hội, thực sự là một tổ chức chính trị tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến đấu quên mình trước hết vì lợi ích thiết tha nhất, thiêng liêng nhất của dân tộc lúc này là độc lập và tự do.
Bốn là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cơ sở, điều kiện tiên quyết cho cách mạng nước ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa giành thắng lợi.
Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định “Làm tư sản dân quyền các mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”3. Nghĩa là, cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, không phải kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Do đó, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa đến những cơ sở, điều kiện tiên quyết, tạo dựng nền móng vững chắc cho chế độ xã hội mới; đồng thời, tạo nên động lực mạnh mẽ cho dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ chống đế quốc, thực dân, xây dựng chế độ mới chế độ xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám còn tạo động lực mạnh mẽ để dân tộc Việt Nam muôn người như một, đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của hai tên đế quốc lớn nhất của thế kỷ XX, đó là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975). Đó cũng chính là nền tảng, ngọn nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trong gần 35 năm qua, giữ vững thành quả cách mạng, phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm là, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám làm sáng tỏ, bổ sung lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa trong thời đại mới.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã bổ sung vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, làm rõ nhiều vấn đề cơ bản về cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, khắc phục sai lầm “tả khuynh” của Quốc tế Cộng sản trong việc đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống phong kiến. Trong khi đó, ở các dân tộc thuộc địa, nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc phải được đặt lên hành đầu. Do đó, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám bổ sung lý luận Mác - Lênin về khả năng nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc của các dân tộc thuộc đại và phụ thuộc, nếu ở đó được sự giúp đỡ của cách mạng thế giới và tổ chức ra được đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là Đảng Cộng sản; bổ sung lý luận của V.I.Lênin về thời cơ và nâng lên thành nghệ thuật chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám. Trên thực tế, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, hàng loạt các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ - Latinh đứng lên đấu tranh giành độc lập, đã chặt đứt một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc và thúc đẩy sự tan rã không thể cứu vãn nổi của hệ thống thuộc địa kiểu cũ, cổ vũ nhân dân các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng, giành độc lập, tự do. Nhà Sử học Na Uy, Stein Tonneson hoàn toàn có lý khi đánh giá về tầm ảnh hưởng của Cách mạng tháng Tám đối với lịch sử thế giới: “Cách mạng Việt Nam quan trọng và không chỉ thuần tuý trong bối cảnh Việt Nam... Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”4. Đồng thời, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, đã xác lập và nâng cao vị thế quốc tế của dân tộc Việt Nam trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của phong trào giải phóng vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
3. Giải pháp đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Để đập tan những âm mưu, thủ đoạn, những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động về giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và ngày Quốc khánh 02/9, chúng ta cần phải tiến hành đồng bộ, hiệu quả nhiều nội dung biện pháp, trong đó cần tập trung vào thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Giáo dục để mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ việc xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử dân tộc ta của các thế lực thù địch là nhằm đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta; hòng làm cho thế hệ trẻ quên công lao, sự hy sinh của thế hệ đi trước, không biết đến những năm tháng hào hùng của lịch sử dân tộc, từ đó làm cho thế hệ trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng với lịch sử dân tộc. Phải làm cho thế hệ trẻ hiểu được, nếu không có sự hy sinh xương máu của cha ông, của lớp lớp các Anh hùng liệt sĩ, thì đất nước ta sao có được tươi đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân dân ta làm sao có được cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc như ngày hôm nay. Có như vậy mới ngăn chặn được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc lịch sử dân tộc nói chung, Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng.
Thứ hai, tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận thành quả của Cách mạng tháng Tám năm 1945 của các thế lực thù địch, phản động.
Để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta phải tích cực, chủ động đấu tranh nắm chắc, dự đoán đúng tình hình, nội dung, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, phản động, từ đó xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, hình thức, biện pháp đấu tranh phù hợp, có hiệu quả. Phải tổ chức đấu tranh thường xuyên, liên tục, kịp thời, nhưng có tập trung vào những thời điểm quan trọng, nhất là những dịp lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước như kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9... Phải xây dựng được lực lượng đấu tranh đông đảo, thuộc nhiều thành phần trong xã hội, trong đó chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt. Nội dung đấu tranh phải có cơ sở lý luận và thực tiễn khẳng định rõ đúng sai; vạch trần ý đồ, bản chất xấu xa của các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của các thế lực thù địch, phản động để các tầng lớp nhân dân thấy rõ. Đồng thời, cần phải có những bài nói, bài viết có cơ sở lý luận, thực tiễn tuyên truyền khẳng định sự thật, tính khách quan của các sự kiện lịch sử, kết quả, nguyên nhân, ý nghĩa, giá trị lịch sử, ý nghĩa tời đại to lớn của các sự kiện lịch sử như Cách mạng tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9.
Thứ ba, tập trung phát triển đất nước, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại to lớn của Cách mạng tháng Tám hòng phục vụ mục đích đen tối là từng bước xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội ở nước ta. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng đất nước ngày càng phát triển, cải thiện, nâng cao hơn nữa đời sống của các tầng lớp nhân dân. Đó chính là cơ sở thực tiễn chân thực nhất đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn đen tối của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời qua đó, giúp cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất, tính khách quan, trung thực và giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, tin vào chế độ và quyết tâm bảo vệ chế độ, tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 26, tr. 25 - 26.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr.1.

4. Stein Tonneson, The Vieetnamese Revolution of 1945, Rooseveli, Ho Chi Minh and De Gaulle in a World at wat, Sage Publiccations, 1991, London, NewBury Park, New Delhi, P.425 - 426.


HỒ TỐ ANH

Học viện Chính trị

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin