CT&PT - Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh là yếu tố đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Năng lực canh tranh quốc gia tăng cao đồng nghĩa với việc nền kinh tế quốc gia sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên thế giới. Nâng cao năng lực cạnh tranh là giải pháp then chốt để hiện thực hóa các cơ hội của hội nhập quốc tế, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp theo hướng năng động, đổi mới và sáng tạo, thực hiện thành công ba đột phá chiến lược trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
1. Năng lực cạnh tranh cấp quốc gia
Trong một báo cáo về tính cạnh tranh tổng thể của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 1997 đã nêu ra: “Năng lực cạnh tranh của một quốc gia là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân nhằm đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao trên cơ sở các chính sách, thể chế bền vững tương đối và các đặc trưng kinh tế khác”. Theo tổ chức này thì năng lực cạnh tranh của quốc gia được đo bằng tám chỉ tiêu: mức độ mở của nền kinh tế, vai trò của Nhà nước, vai trò của thị trường tài chính, môi trường công nghệ, kết cấu hạ tầng, chất lượng quản trị kinh doanh, hiệu quả và tính linh họat của thị trường lao động, môi trường pháp lý.
Theo Asia Development Outlook 2003 là khả năng cạnh tranh của một nước để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được thử thách của thị trường quốc tế. Đồng thời, duy trì và mở rộng được thu nhập thực tế của công dân nước đó. Mặt khác, năng lực cạnh tranh quốc gia phản ánh khả năng của một nước để tạo ra việc sản xuất sản phẩm, phân phối sản phẩm và dịch vụ trong thương mại quốc tế, trong khi kiếm được thu nhập tăng lên từ nguồn lực của nó.
Ngay trong lý thuyết về lợi thế tuyệt đối của Ricacdo, một quốc gia có khả năng cạnh tranh hơn các quốc gia khác bởi trội hơn về một hay một vài thuộc tính. Ông cho rằng khả năng cạnh tranh của một quốc gia là một hệ thống gồm nhiều yếu tố liên quan với nhau, có tác động qua lại bổ sung cho nhau. Các yếu tố này là nền móng, chỗ dựa cho các công ty, giữ vai trò quyết định, cho phép các công ty sáng tạo và duy trì lợi thế cạnh tranh trên một lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, mọi yếu tố đều có thể thay đổi và do đó, sức canh tranh cũng có thể bị thay đổi.
Mặt khác, đối với Fagerberg (1988) vấn đề lại được xem xét ở một góc độ khác, Fagerberg định nghĩa năng lực cạnh của một quốc gia như là “khả năng của một nước trong việc nhận thức rõ mục đích của chính sách kinh tế tập trung, nhất là đối với tăng trưởng thu nhập và việc làm, mà không gặp phải các khó khăn trong cán cân thanh toán”. Đây là khái niệm vừa mang tính kinh tế vĩ mô, vừa mang tính ngẫu nhiên, bởi vì, khi tính cạnh tranh được xác định như là năng lực để duy trì thị phần có khả năng tạo ra lợi nhuận thì năng lực này lại có trển vọng chưa rõ ràng và mang tính ngẫu nhiên.
Những khái niệm trên chỉ là một số khái niệm và lý thuyết về sức cạnh tranh ở tầm quốc gia và đa số các quan niệm chấp nhận sức cạnh tranh của quốc gia phụ thuộc vào khả năng khai thác cơ hội trên thị trường. Do đó, có thể hiểu, Năng lực cạnh tranh của quốc gia là năng lực của nền kinh tế quốc dân nhằm đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao và bền vững trên cơ sở các chính sách, thể chế và các đặc trưng kinh tế, xã hội khác trong môi trường kinh tế đầy biến động của thị trường thế giới.
2. Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp
Khái niệm năng lực cạnh tranh được đề cập đầu tiên ở Mỹ vào đầu những năm 1990. Theo Aldington Report (1985): “Doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh là doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm và dịch vụ với chất lượng vượt trội và giá cả thấp hơn các đối thủ khác trong nước và quốc tế. Khả năng cạnh tranh đồng nghĩa với việc đạt được lợi ích lâu dài của doanh nghiệp và khả năng bảo đảm thu nhập cho người lao động và chủ doanh nghiệp”. Dưới đây là một số cách quan niệm về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đáng chú ý.
Một là, Randall cho rằng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng giành được và duy trì thị phần trên thị trường với lợi nhuận nhất định. Đây là cách quan niệm khá phổ biến hiện nay, theo đó năng lực cạnh tranh là khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ so với các đối thủ và khả năng “thu lợi” của các doanh nghiệp.
Hai là, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng chống chịu trước sự tấn công của doanh nghiệp khác. Chẳng hạn, Hội đồng Chính sách năng lực cạnh tranh của Mỹ đưa ra định nghĩa: năng lực cạnh tranh là năng lực kinh tế về hàng hóa và dịch vụ trên thị trường thế giới… Markusen(1992) đã đưa ra một khái niệm “một nhà sản xuất là cạnh tranh nếu như nó có một mức chi phí đơn vị trung bình bằng hoặc thấp hơn chi phí đơn vị của các nhà cạnh tranh quốc tế”.
Ba là, năng lực cạnh tranh đồng nghĩa với năng suất lao động. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế. Theo M. Porter (1990), năng suất lao động là thước đo duy nhất về năng lực cạnh tranh. Theo Fafchamps, sức cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp đó có thể sản xuất sản phẩm với chi phí biến đổi trung bình thấp hơn giá của nó trên thị trường, có nghĩa là doanh nghiệp nào có khả năng sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tương tự như sản phẩm của doanh nghiệp khác, nhưng với chi phí thấp hơn thì được coi là có khả năng cạnh tranh cao.Tuy nhiên, các quan niệm này chưa gắn với việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của doanh nghiệp.
Bốn là, năng lực cạnh tranh đồng nghĩa với duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Theo Philip Lasser, sức cạnh tranh của một công ty trong một lĩnh vực được xác định bằng những thế mạnh mà công ty có hoặc huy động được để có thể cạnh tranh thắng lợi.
Trên thực tế đang tồn tại nhiều quan niệm cụ thể, khác nhau về sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng có thể hiểu năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp thể hiện khả năng của nó trong dài hạn. Một doanh nghiệp được coi là có năng lực cạnh tranh tốt khi nó đạt được các kết quả tốt hơn mức trung bình.
Do đó, có thể hiểu Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sự thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi nhuận ngày càng cao, bằng việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong, bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng để đạt lợi ích kinh tế cao và bền vững.
3. Năng lực cạnh tranh sản phẩm
Theo một số tác giả, năng lực cạnh tranh của sản phẩm là sự vượt trội của nó (về các chỉ tiêu) so với sản phẩm cùng lọa do các đối thủ khác cung cấp trên cùng một thị trường. Khái niệm này cho thấy, việc xác định sản phẩm có sức cạnh tranh hay không trên thị trường, là xác định mức độ tin cậy của người tiêu dùng đối với sản phẩm về giá cả, đổi mới công nghệ, dịch vụ sau bán hàng,… so với sản phẩm cùng loại mà đối thủ khác cung cấp trên cùng một thị trường, chứ không quan tâm đến việc nó có vượt trội hơn so với mọi sản phẩm xuất khẩu tại chỗ hay không.
Năng lực cạnh tranh của sản phẩm chính là năng lực nắm giữ và nâng cao thị phần của loại sản phẩm do chủ thể sản xuất và cung ứng nào đó đem ra để tiêu thụ so với sản phẩm cùng loại của các chủ thể sản xuất, cung ứng khác đem đến tiêu thụ ở cùng một khu vực thị trường và thời gian nhất định.
Như vậy, mặc dù vẫn chưa thống nhất khái niệm, song có thể hiểu rằng, Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hay dịch vụ nào đó trên thị trường: là sự thể hiện ưu thế tương đối của nó về cả định tính và định lượng so với các sản phẩm cùng loại khác. Mỗi sản phẩm do từng nhà sản xuất đưa ra thị trường sẽ được người tiêu dung đón nhận với mức độ cao thấp khác nhau. Sự thừa nhận của người tiêu dùng thể hiện qua việc mua hay không mua sản phẩm đó, là biểu hiện cuối cùng về năng lực cạnh tranh của sản phẩm đó. Để được người tiêu dùng thừa nhận và đánh giá cao mỗi sản phẩm hoặc dịch vụ cần có lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm dịch vụ cùng loại khác. Các lợi thế này có thể là ưu thế về giá hoặc ưu thế về giá trị cho khách hàng (sự khác biệt so với các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, mang lại giá trị cao hơn cho khách hàng).
Năng lực cạnh tranh sản phẩm thường được nhận biết thông qua:
- Đánh giá trực tiếp từ thị trường (tăng trưởng doanh thu, thị phần);
- Đánh giá trực tiếp trên sản phẩm (tính năng, chất lượng, giá cả, tiện ích, mẫu mã,..);
- Đánh giá từ ý kiến của khách hàng (mức độ thỏa mãn nhu cầu, mức độ nhận biết sản phẩm, mức độ trung thành với nhã hiệu,..) ;
Ba cấp độ cạnh tranh có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau, tạo điều kiện cho nhau, chế định nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc, nếu không nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia, thì sẽ dẫn đến việc ít thu hút được đầu tư. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp bị mất thị phần trên thị trường trong nước và thị trường thế giới. Do đó, mỗi một quốc gia, mỗi một doanh nghiệp phải tiến hành nhanh hơn các đối thủ cạnh tranh để không bi tụt hậu hoặc bị thua thiệt trong kinh doanh. Muốn vậy, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh.
ThS. Trương Hoàng Đức
Đại học Kinh tế quốc dân