Bồi đắp lý tưởng, bản lĩnh và năng lực cho phóng viên, biên tập viên trẻ ở tạp chí lý luận chính trị

Nguyễn Thị Oanh

CT&PT - Trải qua các thời kỳ cách mạng, trong những bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các tạp chí lý luận chính trị ở nước ta luôn là dòng thông tin chính thức của Đảng và nhân dân; là diễn đàn học thuật, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của khoa học lý luận chính trị, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch. Do đó, việc xây dựng bản lĩnh vững vàng, luôn giữ ngòi bút trong sáng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên nói chung và đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ nói riêng ở các tạp chí lý luận chính trị là một thách thức không nhỏ.

1. Bản lĩnh chính trị của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ thể hiện ở sự vững vàng trong quan điểm, lập trường chính trị, sự kiên định, ý chí trung thành với lý tưởng mà mình đã chọn và tin yêu; sự kết tinh các phẩm chất tâm lý tích cực, tốt đẹp thể hiện ở nhận thức, hành vi, lối sống, sự tôn trọng chuẩn mực “chân, thiện, mỹ” để ứng xử một cách độc lập, sáng tạo trong đời sống chính trị - xã hội và hoàn thành những yêu cầu mà xã hội đặt ra, được cộng đồng và xã hội thừa nhận.

Làm báo là làm chính trị, đặc biệt là người làm tạp chí lý luận chính trị, vì vậy, phóng viên, biên tập viên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng để đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và giữ được sự sáng suốt, phân biệt đâu là thật, đâu là giả, đâu là xấu, đâu là tốt. Việc nêu cao bản lĩnh chính trị của người làm tạp chí lý luận chính trị vừa mang tính cần thiết, vừa có tính cấp thiết trong xã hội ta, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Lập trường tư tưởng vững vàng là tiêu chuẩn, yêu cầu đầu tiên đối với nhà báo và đặc biệt với đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị. Vì lẽ đó nên yêu cầu cấp thiết của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị là trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, đặt trách nhiệm, vai trò của một đảng viên, đoàn viên với nhiệm vụ tuyên truyền, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia của dân tộc; không vì vụ lợi mà đánh mất mình, bẻ cong ngòi bút chạy theo lợi nhận, làm sai những quy định của nghề báo và của cơ quan chủ quản.

Đôi chân của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị phải là pháp luật và đạo đức. Họ phải thể hiện được bản lĩnh của mình, có chính kiến và cách khai thác riêng. Chúng ta biết rằng bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần phải có đạo đức. Mỗi nghề nghiệp sẽ cần có những chuẩn mực đạo đức riêng. Trong giai đoạn hiện nay, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo càng được xem trọng, đây là vấn đề cốt lõi, có tính định hướng trong hoạt động báo chí nói chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng...”.

Mặt khác, sự phát triển của công nghệ thông tin với sự nở rộ của các trang mạng xã hội tạo ra sự bùng nổ thông tin với độ phủ sóng sâu rộng, xuyên biên giới, xuyên lục địa. Đáng lo ngại là tình trạng thông tin thật giả lẫn lộn, thông tin xấu độc len lỏi vào từng gia đình, chi phối suy nghĩ và hành động của từng cá nhân. Trong “rừng” thông tin đó, với trách nhiệm đưa thông tin đúng sự thật, định hướng dư luận, đòi hỏi nhà báo nói chung và đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị phải có sự tinh tường và bản lĩnh chính trị thật vững vàng.

screenshot-1700281587-1700281677.png
 

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”. Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo”. Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Bác đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.

Thấm nhuần lời dạy của Người, thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã luôn nỗ lực để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình, luôn đồng hành với toàn Đảng, toàn dân trong suốt các thời kỳ cách mạng, với tinh thần cống hiến, sẵn sàng hy sinh, luôn có mặt trên tuyến đầu nóng bỏng nhất, quan trọng nhất của đất nước.

Học tập và noi gương những thế hệ làm báo đi trước, đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị hôm nay luôn có ý thức học hỏi và trau dồi để vừa giữ được “lửa nghề” vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và những thách thức mới của thời đại. Đó là thời đại gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thời đại của sự bùng nổ của thông tin mà nếu không vững vàng, bản lĩnh, họ có thể bị tụt hậu hoặc thậm chí đánh mất chính mình.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị trước hết phải là người yêu nghề, ý thức cao về đạo đức nghề nghiệp của bản thân

Trong bất cứ công việc gì, đạo đức nghề nghiệp cũng luôn là đòi hỏi có tính tiên quyết. Báo chí nói chung và tạp chí lý luận chính trị nói riêng càng đòi hỏi người làm báo bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ vững vàng phải tuân thủ những chuẩn mực về mặt đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo. Tư tưởng về đạo đức nghề báo của Hồ Chí Minh thể hiện ở bảy nội dung chủ yếu như sau: 1. Đạo đức cách mạng, đạo đức nghề báo là cái gốc của nhà báo; 2. Những người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; 3. Những người làm báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân; 4. Những người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; 5. Những người làm báo phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; 6. Những người làm báo phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời; 7. Những người làm báo phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ chân chính và có đạo đức nghề nghiệp là người phải luôn trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng của Đảng, với mục tiêu “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đó là người trung thực với chính mình, với người thân trong gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp, với lãnh đạo cơ quan báo chí, với nghề.

Một điều quan trọng nhất với tạp chí lý luận chính trị là tâm thế, là đạo đức nghề nghiệp của các phóng viên, biên tập viên, đây cũng là điểm khác biệt của tạp chí với mạng xã hội. Vì mạng xã hội là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo, rất nhiều người đưa thông tin lên mạng xã hội thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Trong những trường hợp như vậy, tạp chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các phóng viên, biên tập viên cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống còn của tạp chí lý luận chính trị ngày nay và đó là trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị phải tự học, tự rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị

Bản lĩnh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị không phải tự nhiên mà có, mà nó được sinh ra từ sự học tập, rèn luyện nghiêm túc, khoa học của mỗi người cầm bút. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”. Bởi vậy, cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên.

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ phải bắt đầu ngay từ lúc học làm nghề. Do đó, trong hệ thống nhà trường, nhất là các nhà trường làm nhiệm vụ đào tạo ra những nhà báo trong tương lai, cần phải làm thật tốt việc giáo dục nhận thức về hệ giá trị chuẩn chung quốc gia và nhân loại, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cho các sinh viên, nền tảng để hình thành bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp báo chí.

Các cơ quan chủ quản cũng cần tăng cường công tác quản lý, trau dồi đạo đức về nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên... để đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ luôn có được lòng yêu nghề, thái độ chăm nghề, trọng nghề, bởi đây là cái gốc để sinh ra bản lĩnh chính trực của đội ngũ này.

Trong quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam nói rất rõ, hội viên thì phải hành nghề có đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo nói chung, đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị trước hết phải tự giáo dục mình, tự thấy vai trò và trách nhiệm của mình đối với xã hội để giữ gìn “mắt sáng, bút sắc, lòng trong”.

Nhà báo trẻ phải có lương tâm, trách nhiệm và phương pháp làm việc chuyên nghiệp

Tập trung nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhất là trình độ lý luận và phương pháp đấu tranh tư tưởng, lý luận; ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ.

Bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị phải xác định rõ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của bản thân mình. Đây là hai phạm trù có mối quan hệ mật thiết với nhau, là nội dung cơ bản của phẩm chất chính trị của người làm báo nói chung và phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị. Mỗi khi cầm bút họ phải tự đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Khi trả lời được đầy đủ, đúng đắn các câu hỏi ấy là người làm báo đã thực hiện được trách nhiệm xã hội của mình.

Đặc biệt, mỗi phóng viên, biên tập viên trẻ phải luôn có “cái đầu lạnh và trái tim nóng” để chuyển tải thông tin tới bạn đọc nhanh nhạy, chính xác và tỉnh táo. Muốn được như vậy thì họ phải luôn đứng đầu nguồn thông tin để phán ánh chính xác, để định hướng dư luận xã hội; đồng thời phải là người có khả năng dự báo tình huống sắp xảy ra, giúp cơ quan chức năng tìm ra biện pháp ngăn chặn hoặc có biện pháp giải quyết kịp thời.

Xu hướng phát triển của tạp chí lý luận chính trị hiện nay đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với các phóng viên, biên tập viên trẻ. Lao động trong các tạp chí lý luận chính trị là lao động mang tính đặc thù. Vì vậy, đòi hỏi các phóng viên, biên tập viên trẻ phải có năng lực thực sự, trước hết là phải có tư duy độc lập, sáng tạo, phải biết phân tích đầy đủ bản chất của sự vật, hiện tượng khi muốn thông tin, phản ánh… Đồng thời, phải am hiểu sâu sắc về lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đam mê nghề nghiệp, sáng tạo. Nhà báo Việt Nam đồng thời là nhà chính trị, người chiến sĩ hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của Đảng. Chính vì thế, nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, các phóng viên, biên tập viên trẻ ở các tạp chí lý luận chính trị khó có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, sai trái trong bối cảnh kẻ thù đang ráo riết “diễn biến hòa bình” với nhiều phương cách, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp như hiện nay.

ThS. TRỊNH THỊ PHƯỢNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin