Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

CT&PT - Lạng Sơn không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,91% số dân của tỉnh, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với sự quan tâm của tỉnh, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống văn hóa cơ sở được cải thiện rõ rệt, các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,91% số dân của tỉnh, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với sự quan tâm của tỉnh, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống văn hóa cơ sở được cải thiện rõ rệt, các thiết chế văn hóa được tăng cường đầu tư, các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.

Đến nay, tỉnh Lạng Sơn có 335 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và đưa vào danh mục kiểm kê. Là nơi hội tụ và sinh sống của các dân tộc, như Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông và một số dân tộc khác, Lạng Sơn còn là nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng về địa hình cư trú, trang phục, đời sống kinh tế, phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần độc đáo. Từ đó, tạo nên sự đa dạng, phong phú về loại hình, nội dung, hình thức; chứa đựng những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật với những nét đặc trưng, bản sắc riêng trong không gian văn hóa vùng Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Hiện nay. toàn tỉnh có 280 lễ hội truyền thống, hàng chục loại hình dân ca, dân vũ đặc sắc, như Then, sli, lượn, cỏ lẩu, quan lang, ví, phong slư, xắng cọ, slình ca, páo dung; múa chầu, múa sư tử,…; các sản phẩm và đặc sản ẩm thực địa phương, như hoa hồi, đào Mẫu Sơn, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, na Chi Lăng, lợn quay, vịt quay, khâu nhục, rượu Mẫu Sơn…; các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; các tri thức dân gian về y dược học cổ truyền; các nghề thủ công truyền thống… Không chỉ có giá trị trong công tác giáo dục tri thức, hình thành nhân cách con người, mà các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh đã và đang từng bước phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh trong việc quảng bá hình ảnh quê hương xứ Lạng, góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút các nhà đầu tư đến Lạng Sơn tìm hiểu, khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư

Bên cạnh đó tỉnh cũng quan tâm việc thành lập, duy trì, phát triển các câu lạc bộ, tổ, đội, văn nghệ truyền thống. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 99 câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, cùng hàng trăm tổ, đội văn nghệ ở cơ sở. Nhiều câu lạc bộ không những trở thành cái nôi nuôi dưỡng, phát huy tinh thần, nhiệt huyết, niềm đam mê, đáp ứng nhu cầu giao lưu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân mà còn là điểm sáng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì, nhân rộng và lan tỏa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy, phổ biến các loại hình dân ca, dân vũ luôn được quan tâm, chú trọng. Các loại hình dân ca được triển khai giảng dạy trong chương trình đào tạo của Trường Cao đẳng sư phạm và hoạt động ngoại khóa của các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, công tác điền dã, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm các thông tin, tư liệu liên quan tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lạng Sơn được tiếp tục thực hiện. Qua đó đã tiến hành biên tập, in ấn phát hành song ngữ được 02 đầu sách (Cò Lẩu và Sli người Nùng Phàn Slình Lạng Sơn, hát Ví người Tày Bắc Sơn)... để tạo điều kiện phát triển ngữ pháp, từ vựng cho tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Các lớp truyền dạy dân ca (sli, then, lượn, páo dung, sắng cọ, ví...) được tổ chức cho con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vừa thúc đẩy, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, vừa góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc.

Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã nghiên cứu, lựa chọn 01 di sản văn hóa phi vật thể (thực hành Then) để đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 05 di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 08 di sản, gồm: Then Tày, Nùng Lạng Sơn; lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn); lễ hội Bủng Kham (huyện Tràng Định); lễ hội Kỳ Cùng - Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn); Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng); lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia); múa sư tử dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn; hát Sli người Nùng Lạng Sơn. Triển khai thực hiện 03 dự án nghiên cứu di sản gồm: Nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người Dao Lô Gang, xã Công Sơn, huyện Mẫu Sơn; nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng Lễ hội đền Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng; nghiên cứu, bảo tồn lễ cấp sắc người thầy Tào, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan; biên soạn, phát hành 06 ấn phẩm về di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã xây dựng hoàn thiện 02 đề án: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021 - 2030; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Hiện nay tỉnh đang xây dựng đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ thành phố Lạng Sơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Lạng Sơn thời gian qua vẫn còn một số hạn chế:

Một là, hệ thống văn bản liên quan đến xây dựng môi trường văn hóa còn thiếu đồng bộ, chi tiết, tính ổn định chưa cao.

Hai là, đầu tư, huy động các nguồn lực cho hoạt động văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác gìn giữ, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Một số di tích lịch sử văn hóa có giá trị xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo, một số phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc bị mai một chưa được gìn giữ, bảo tồn kịp thời.

Ba là, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Việc hưởng thụ văn hóa giữa vùng đặc biệt khó khăn với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân vẫn còn khoảng cách xa. Công tác đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, nhà văn hóa, bảo tàng, phòng truyền thống, nhà trưng bày từ tỉnh đến huyện thiếu đồng bộ. Các tài liệu, hiện vật, mô hình trưng bày chưa phong phú, hấp dẫn, chưa thu hút được người xem. Việc phát huy vai trò, thiết chế văn hóa ở một số nơi còn chưa hiệu quả; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển chưa đồng đều, nhiều hoạt động còn mang tính hình thức.

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, hướng dẫn viên còn thiếu và yếu; việc biểu dương, tôn vinh khen thưởng, xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, nhất là chính sách đặc thù cho các nghệ nhân, chủ thể văn hóa còn hạn chế, chưa kịp thời.

Năm là, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững nói riêng, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh nói chung chưa được triển khai hiệu quả. Thiếu những công trình quy mô lớn, vùng, không gian văn hóa, hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của tỉnh để hình thành các sản phẩm văn hóa – du lịch mang tính đặc trưng, thương hiệu tạo sự đột phá, sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới, bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo và đầu tư của tỉnh rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong việc tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn minh; nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm chế độ, chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng, khuyến khích các hạt nhân văn nghệ có nhiều công lao, đóng góp tích cực trong việc truyền dạy văn hóa dân tộc, tổ chức phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, nhằm ghi nhận và huy động những đóng góp tích cực của các nghệ nhân dân gian trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

 

ThS. NGUYỄN THỊ LAN ANH

Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin