CT&PT - Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong những tên tuổi lớn nhất được tôn vinh trong triều “ngụy Mạc”, đồng thời là một tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều thăng trầm, nhiều biến cố lịch sử, nhưng những nhận định về Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hầu như không thăng giáng. Hậu thế tôn vinh ông là “nhà thơ lớn”, “nhà văn hóa”, “nhà tư tưởng”, “nhà chính trị”… bởi những gì mà ông đã để lại cho cuộc đời. Ngày nay, đất nước ta đang trong xu thế hội nhập và phát triển, với chủ trương xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân…, thì những tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhất là những tư tưởng về chính trị - xã hội… càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết.
1. Nguyễn Bỉnh Khiêm là sinh ra trong thời kỳ cực thịnh của triều Hậu Lê nhưng lại trưởng thành ở thời kỳ rối ren nhất của lịch sử nước nhà. Ông sống gần trọn thế kỷ XVI cho nên ông có đủ thời gian để chứng kiến buổi đầu suy vi và cát cứ của chế độ phong kiến, có điều kiện để hiểu sâu sắc về xã hội mà ông từng có lúc ra làm quan. Với kiến thức uyên bác vào bậc nhất đương thời, có quan hệ gắn bó với vận mệnh nhân dân, cho nên Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều trăn trở. Ông đã đề đạt những kiến nghị của mình về đường lối trị nước, về đạo làm người. Bằng việc sáng tác hàng nghìn bài thơ, trong đó đại đa số là thơ triết lý, thơ đạo lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ được cái chí, quan niệm nhân sinh và đặc biệt là tư tưởng của mình về chính trị - xã hội.
Có thể nói, tư tưởng chính trị - xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biểu hiện rõ được những suy tư và ước vọng của ông về thời thế. Đường lối ấy xuất phát từ nhận thức sâu sắc về yêu cầu cơ bản của đời sống, về vai trò của dân trong xã hội: “Trời sinh ra chúng dân, sự ấm no, ai cũng có lòng mong muốn cả” (Duy thiên sinh chúng dân/ Bão noãn các hữu dục)…“Xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân” (Cổ lai quốc dĩ dân vi bản/ Đắc quốc ưng tri tại đắc dân). Đó là đường lối được xây dựng trên cở sở vững chắc là yêu cầu về dân sinh, dân chủ. Yêu cầu người làm vua phải gần dân, thân dân, làm việc gì cũng phải nghĩ đến dân. Trong tư tưởng của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn thể hiện sự kiên trung của một chí sĩ trong quan niệm về “trung” gắn với các phạm trù “hiếu”, “tín”, “lợi”, “thiện”. Cùng với đó là lối sống nhàn dật đầy trí tuệ và tích cực khác biệt hẳn với sự toan tính, yêu chuộng công danh, lợi lộc. Những tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ có vị trí quan trọng trong xã hội đương thời mà nó còn có ý nghĩa to lớn đối với thời đại hiện nay.
2. Trong suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng ta đã tiếp thu những tinh hoa từ tư tưởng chính trị của các danh nho thời đại trước, trong đó có tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chính tư tưởng ấy đã khơi nguồn nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn của mỗi chúng ta, cho chúng ta phấn đấu để trở thành người anh hùng trong thời đại mới với niềm cảm khái về mối hận của kẻ anh hùng, góp phần tăng thêm phẩm chất anh hùng để làm nên một sự nghiệp vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là: đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên Tổ quốc Việt Nam độc lập thống nhất. Tư tưởng chính trị - xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá.
Đó là bài học về lòng nhân nghĩa, vì dân, lấy dân làm gốc. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp ta hiểu hơn về sức mạnh tinh thần của dân tộc ta, của nhân dân ta, một dân tộc, một tập thể đồng bào chưa hề khuất phục trước bất cứ một kẻ thù xâm lăng nào; đã từng trải qua không biết bao nhiều khó khăn, gian khổ; đã hết sức thiết tha với hòa bình thực sự, với nền độc lập chân chính, đã biết đánh cho kẻ địch tả tơi không mảnh giáp khi chúng còn ngoan cố. Hơn 600 năm trước đã vậy, ngày nay vẫn như vậy. Mọi thế lực thù địch trong nước cũng như bọn đế quốc và bọn phản động quốc tế còn nuôi tham vọng phản động và xâm lược nước ta cũng nên biết điều đó. Ngày nay, học tập Nguyễn Bỉnh Khiêm ở tinh thần yêu nước, thương dân, luôn khinh ghét những thói hư, tật xấu, thói hám danh hám lợi. Đặc biệt, trong điều kiện nước ta đang tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vì dân, lấy dân làm gốc là phải dũng cảm đấu tranh chống lại tệ nạn quan liêu, tham nhũng, thói chuộng danh chuộng lợi mà bất chấp nguy hại của quốc gia. Từ đó, góp phần bảo vệ sự trong sạch của Đảng và Nhà nước. Trong tư tưởng cơ bản của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi “nước lấy dân làm gốc”, “bền nước yên dân là việc đầu mối”. Như vậy, ông đặt vấn đề trị nước là phải lấy dân làm sức mạnh. Sống giữa lòng dân, ông hiểu được nỗi cùng cực của dân, ông hiểu rằng dân cần gì và đặt ra câu hỏi: làm thế nào để nhân dân có được cuộc sống êm ấm, hạnh phúc?
Ngày nay, khi đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển, tinh thần ấy lại càng cần phải quan tâm. Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương: xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Nói về vị trí, vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng không quên nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng thiết yếu của nhân dân: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân”.
Như chúng ta đã biết, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa những quan niệm đạo đức của nhân dân vào hệ thống các quan hệ của con người trong xã hội, như “thuận giữa anh em”, “hòa giữa vợ chồng… Do sống gần dân, hòa tâm tư, tình cảm của mình với nhân dân, ông đã nói lên được mong ước làm người của dân, đã thể hiện thái độ đối xử của nhân dân thành những nguyên tắc sống động, có lợi cho sự rèn luyện của con người. Với tư cách là một bậc thầy, một nhà tư tưởng ung dung tự tại, ông tỏ lời khuyên bảo các đối tượng, các loại người khác nhau trong xã hội phải sống đúng với vị trí và chức phận của mình, phải giữ kỉ cương, đạo lý trong quan hệ và ứng xử giữa con người với con người. Hàng loạt những bài “Giới”, “Khuyến” (Răn, Khuyên) của ông chính là nhằm mục đích ấy. Khuyên con người thờ cha mẹ; khuyên anh em không tranh giành lẫn nhau; khuyên chồng thương vợ; nàng dâu kính thờ cha mẹ chồng; bạn bè, hàng xóm, họ hàng đối xử tốt với nhau; răn người có lòng tham, người ham sắc, ham cờ bạc, cậy sang mà kiêu ngạo, coi thường người nghèo, răn người hay tin nhảm…Mỗi lời răn, khuyên là một bài học nhân văn giản dị nhưng sâu sắc và gần gũi, đến nay vẫn còn giá trị thời sự.
Đó là bài học về tư tưởng trung với nước, hiếu với dân và luôn luôn phấn đấu cho hòa bình. Khi răn dạy những điều thiện cho học trò, Nguyễn Bỉnh Khiêm hiểu rõ khát vọng thiên hạ thái bình là khuynh hướng tất day dứt nhất của thể kỷ mà ông sống và cũng là nguyện vọng thiết tha nhất của toàn dân tộc. Trong cái đớn đau đến tận cùng của thôn xóm đói khổ, ly tán vì chiến tranh, vợ xa chồng, con mất cha, Nguyễn Bỉnh Khiêm ước có “một buổi thái bình”, no ấm bình yên như thời Nghiêu Thuấn. Ông biết cái thời ấy không dễ dàng trở lại bởi sự rạn nứt, sự phân cực của xã hội khó lòng hàn gắn được. Nhưng vì thương dân, yêu nước, ông cũng muốn mang hết “tuổi già bất tài” mà gắng sức ngày đêm làm một việc gì đó để đất nước tránh được thảm họa chiến tranh. Ông trung thành với triều đại nhà Mạc, dốc sức mình phò vua giúp nước dù đã lui về cảnh nhàn ẩn.
Thấy được điều đó, các thế hệ hôm nay càng nhận thức sâu sắc được rằng, dân tộc ta - một dân tộc cần cù, thông minh, dũng cảm, đã vượt qua biết bao gian nan, thử thách sẽ không cam chịu là một nước nghèo, một nước kém phát triển. Những gì mà các nước tiến tiến trên thế giới làm được thì nhất định chúng ta cũng sẽ làm được. Đây không chỉ là niềm tin, lòng tự tôn dân tộc mà còn là lương tâm, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với các thế hệ đi trước, đối với quê hương, đất nước. Do vậy, noi theo tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong điều kiện hiện nay chính là sự cố gắng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện; là tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và tiết kiệm của mỗi người dân để làm ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội; tham gia tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, gia đình và cho xã hội để qua đó, góp phần phát triển kinh tế đất nước; là nâng cao lòng tự hào dân tộc, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tương lai tươi sáng của đất nước, vào tiền đồ của dân tộc; tránh tâm lý tự ti, bi quan, dao động… Mỗi cá nhân, dù ở cương vị nào cũng phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm công dân, phấn đấu góp phần đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân đã lựa chọn; tự giác chấp hành nghiêm chỉnh mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Đồng thời, yêu nước trong giai đoạn hiện nay phải gắn với sự phát triển chung của phong trào cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ xã hội trong khu vực và trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy ở Nguyễn Bỉnh Khiêm một tấm lòng nhân văn sâu sắc. Ông luôn hướng về nhân dân, mong muốn nhân dân được hưởng cuộc sống tốt đẹp nhất như thời vua Nghiêu Thuấn. Cả cuộc đời mình, đó là điều ông trăn trở, suy tư và kiếm tìm câu trả lời. Bởi ông thương dân, yêu dân và đồng cảm với dân.
Hiện nay, học tập theo lý tưởng cao đẹp ấy của Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng ta phát triển đất nước đi đôi với an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chú trọng chăm lo đời sống cho nhân dân. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội là hệ thống các chính sách và giải pháp, nhằm vừa bảo vệ mức sống tối thiểu của người dân trước những rủi ro và tác động bất thường về kinh tế, xã hội và môi trường, vừa góp phần không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đây là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững sẽ giúp gia tăng quy mô và chất lượng các hoạt động hỗ trợ những đối tượng cần bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đồng thời từng bước thu hẹp vững chắc số lượng các đối tượng này; ngược lại, việc bảo đảm an sinh xã hội là nội dung thực hiện và tiêu chuẩn đo lường thành công chiến lược phát triển bền vững đất nước, cả trước mắt, cũng như lâu dài. Nói cách khác, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội tạo ra sự đồng thuận và hợp lực xã hội tốt hơn. Trong thời gian tới, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và ổn định thể chế đất nước. Để thực hiện được mục tiêu đó cần có sự tham gia của thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Thế hệ trẻ hôm nay được sống một môi trường thuận lợi, được sống và học tập trong điều kiện đầy đủ. Họ có sứ mệnh quan trọng trong sự phát triển đất nước. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước phải tin tưởng và tạo cơ hội để thế hệ trẻ phát huy tài năng và thực hiện trách nhiệm của mình. Với thế hệ trẻ, có rất nhiều cách để thể hiện lòng yêu nước chân chính của mình: cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình hay tham gia nghiên cứu khoa học; tự giác thực hiện chính sách, pháp luật, tôn trọng kỷ cương; lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc; lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Ngày nay, lòng yêu nước đã có thêm những nội dung phong phú hơn khi đất nước đang hội nhập toàn diện với thế giới. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tiến công vào mặt trận kinh tế, làm giàu cho đất nước được xem như nhiệm vụ then chốt của thanh niên. Lòng yêu nước đã thực sự trở thành động lực, thúc giục bao thanh niên ưu tú ngày đêm phấn đấu không ngừng để giành lấy vinh quang về cho nước nhà. Lòng tự hào với truyền thống cha ông, ý chí tự lực tự cường và ý thức tự tôn dân tộc cùng với ước mơ, khao khát cháy bỏng được góp sức mình đưa Việt Nam tiến lên ngang hàng với các cường quốc năm châu đã, đang và sẽ đưa thanh niên đi xa hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt một niềm tin lớn vào thế hệ trẻ.
Phát huy tinh thần đó, đứng trước thời đại công nghệ thông tin và yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với sự biến đổi nhanh chóng của tuổi trẻ, Đảng tăng cường sự quan tâm đối với công tác thanh niên nhằm bồi dưỡng và phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như lời Bác Hồ dặn dò vào những năm đầu khi nước ta giành được độc lập, rằng: thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên...
Những tư tưởng chính trị - xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới đất nước ta. Và trong giai đoạn hiện nay, những tư tưởng chính trị ấy càng quý giá hơn bao giờ hết. Tư tưởng chính trị của Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh tỏa sáng cho dân tộc ta, khẳng định hơn nữa truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
ThS. Phạm Thị Hương
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật