1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Thứ nhất, phải có nhà nước hợp pháp, hợp hiến
Một nhà nước hợp pháp, hợp hiến là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu. Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bằng những lý lẽ chắc chắn, thuyết phục, Người đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về địa vị hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 03/9/1945), nhiệm vụ thứ ba trong sáu nhiệm vụ cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”. Ngày 17/9/1945, Người ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chuẩn bị đệ trình dự thảo Hiến pháp ra Quốc hội. Sự khẩn trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của một nhà nước hợp pháp, hợp hiến.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một nhà nước được coi là hợp pháp, hợp hiến là nhà nước phải được nhân dân thừa nhận thông qua Tổng tuyển cử, đồng thời phải có Hiến pháp và hệ thống pháp luật riêng, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, sau khi chúng ta giành được chính quyền, mặc dù Chính phủ lâm thời được nhân dân ủng hộ và tin tưởng; trước sự chống phá quyết liệt của “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương và kêu gọi nhân dân đi bầu cử để thành lập nhà nước hợp hiến, hợp pháp. Điều này thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng của một vĩ nhân, nhất là việc xử lý khéo léo, hiệu quả những vấn đề phức tạp, căng thẳng, những âm mưu phá hoại và can thiệp của cả bên trong và bên ngoài ở thời điểm lịch sử đó.
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đã bầu ra một Chính phủ hợp hiến và cũng là cuộc phổ thông đầu phiếu nhanh nhất, sớm nhất (chỉ 4 tháng sau ngày giành được nền độc lập), đưa lực lượng chính trị của nhân dân lên cầm quyền. Trên thế giới, chưa có quốc gia nào làm được điều này ngay sau khi giành chính quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút kinh nghiệm từ thực tiễn các cuộc cách mạng trên thế giới, cùng với sự nhạy cảm và tư duy sắc bén đã hình thành nên một Nhà nước hợp hiến, hợp pháp đầu tiên ở Việt Nam do nhân dân bầu ra, có đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Chính vì sớm có một nhà nước hợp hiến, hợp pháp mà chúng ta đã ngăn chặn được những âm mưu nhằm can thiệp, lật đổ chính quyền còn non trẻ mà Nhân dân ta mới giành lại được.
Thứ hai, nhà nước có hệ thống pháp luật đồng bộ và hiệu quả
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nhà nước phải quản lý đất nước bằng pháp luật và làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, cùng với việc nỗ lực xác lập tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước, Người đã dành nhiều tâm sức để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong 24 năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, đã ký công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác, nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để bảo vệ độc lập, tự do, cho cuộc sống độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, khi chưa có Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 47/SL, ngày 10/10/1945 để giữ lại mọi luật lệ của chế độ cũ, chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do. Người giải thích: “Một xã hội không thể sống một ngày mà không có pháp luật”. Người cũng ký một loạt các sắc lệnh, như Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; tịch thu tài sản của thực dân và Việt gian, tổ chức Tòa án “độc lập với hành chính”, “các vị thẩm phán chỉ xử trong vòng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc tư pháp”. Để tăng cường hiệu quả của pháp luật và để pháp luật đi vào cuộc sống, Người cho rằng, cần phát huy quyền dân chủ của nhân dân để nhân dân tham gia phê bình, giám sát công việc của Nhà nước.
Thứ ba, nhà nước phải có đội ngũ cán bộ tinh thông và vì dân, vì nước
Khi xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến đội ngũ cán bộ nhà nước phải thực sự là “công bộc”, “đày tớ” của nhân dân. Người cho rằng cần phải nhanh chóng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức am hiểu về pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính, có trình độ văn hóa, có đức, có tài: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Để vận động Nhân dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, Người cho rằng trước hết cán bộ, công chức phải nêu gương tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.
Về công tác đào tạo cán bộ, Người chủ trương mở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, thành lập Ban Pháp lý học tại Trường Đại học Việt Nam theo Sắc lệnh số 197 ngày 11/10/1946... Để bảo đảm công bằng và dân chủ trong tuyển dụng cán bộ, Sắc lệnh số 76, ngày 20/5/1950 ban hành “Quy chế công chức”, quy định “... công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Đi đôi với nhiệm vụ trên, công chức Việt Nam cần có một địa vị xứng đáng với tài năng của mình...”. Trong việc sử dụng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phát động “tìm người tài đức”, mà còn mạnh dạn sử dụng những viên chức, quan lại dưới chế độ cũ có tài, có đức. Trong việc sử dụng cán bộ, Người luôn nhắc nhở phải tẩy sạch óc bè phái, hẹp hòi; đặc biệt chú ý đến phẩm chất đạo đức và tinh thần phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bởi vì đức là nền tảng của người cán bộ.
Thứ tứ, thượng tôn pháp luật và sự kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội
Pháp luật không đơn thuần là công cụ quản lý xã hội của nhà nước, mà còn là đại lượng bảo đảm công bằng, dân chủ, tiến bộ của xã hội; là tấm gương phản ánh bản chất tiến bộ, đồng thời là công cụ kìm hãm sự lạm quyền của nhà nước. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của pháp luật mà luôn đề cao sự kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý xã hội. Theo Người, đạo đức và pháp luật không phải được ghép với nhau một cách cơ học mà là hai lĩnh vực, hai phương thức quản lý xã hội khăng khít, hòa quyện vào nhau, “giữa pháp luật và đạo đức có mối quan hệ biện chứng như mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, nội dung là đạo đức, pháp luật là hình thức”. Hai lĩnh vực này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ đó thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Bởi vì, để thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân thì tất yếu phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với mục đích thể hiện quyền làm chủ của nhân dân và thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước, cũng như các thiết chế chính trị khác, tạo nên chế độ dân chủ. Trong đó, những giá trị, chuẩn mực đạo đức nền tảng cần phải được pháp luật ghi nhận, bảo đảm cho các chuẩn mực đó được thực thi hiệu quả.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một là, kiên định lập trường, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiến bộ về xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới. Việc học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu, chọn lọc, tiếp thu và phát triển một cách sáng tạo những tinh hoa, giá trị tiến bộ về nhà nước pháp quyền của nhân loại là một nhu cầu tất yếu và cấp thiết. Tuy nhiên, không được dập khuôn, máy móc, cần phù hợp với điều kiện của Việt Nam, góp phần khẳng định, phát triển và làm sâu sắc hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Hai là, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên cả 3 mặt: xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện pháp luật và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là cơ sở, tiền đề của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Do đó, muốn tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, bảo đảm tất cả hoạt động của Nhà nước và các lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có pháp luật làm cơ sở; pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để và thống nhất. Cần gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Muốn vậy, nhất thiết phải tăng cường pháp chế trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.
Ba là, xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Trong thực tiễn, việc xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở nước ta hiện nay có mặt còn lúng túng, chưa rõ ràng, chặt chẽ; đồng thời “cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được phát huy mạnh mẽ”. Do đó, cần tiếp tục phân định rõ ràng hơn, tránh chồng chéo, bỏ sót, để việc phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan quyền lực nhà nước ngày càng hiệu quả.
Bốn là, giải quyết đúng đắn quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và vai trò của Nhà nước trong quản lý phát triển xã hội; tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong bộ máy nhà nước, sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm quyền lực thống nhất ở nhân dân, hướng đến mục đích cao nhất là phục vụ cho lợi ích của nhân dân; xây dựng chính quyền liêm chính, tiến bộ, hiệu quả.
ThS. HOÀNG THỊ MỸ LINH
Học viện Hành chính quốc gia