Về tầm quan trọng của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định đạo đức là cái gốc của người cán bộ cách mạng. Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, một lãnh tụ cách mạng thế giới đã bàn nhiều về vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức. Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh rất sâu sắc, phong phú, cả về lý luận và thực tiễn, đã trở thành một bộ phận vô giá của văn hóa dân tộc và nhân loại, một sức mạnh to lớn làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi đánh giá vai trò của đạo đức, từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, là mạch nguồn để người cách mạng lãnh đạo nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”1.
Người cho rằng, làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ, cho nên phải có đạo đức làm nền tảng mới có thể vượt thác ghềnh để đưa cách mạng tới thành công. Người viết: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”2.
Trong tư duy, nhận thức của Hồ Chí Minh, đạo đức còn là nền tảng tinh thần, gốc rễ bản lĩnh của người cán bộ, cách mạng. Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”3.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người trăn trở trước nguy cơ cán bộ, đảng viên của Đảng xa rời mục tiêu lý tưởng, chịu sự tác động của những tiêu cực trong cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào thoái hóa, biến chất. Vì vậy, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Người thường nhắc lại ý của Lênin; Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”4.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức trong hành động, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh luôn đặt đạo đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài, lời nói đi đôi với hành động và hiệu quả trên thực tế, Người nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”5.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức được nêu ra vừa mang tính bao quát, toàn diện, sâu sắc vừa bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, lực lượng, giai tầng trong xã hội. Cho nên, khi đề cập chuẩn mực đạo đức của người cán bộ công an, Người khẳng định: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống với nhau có tình có nghĩa; có tinh thần quốc tế vô sản trong sáng... Đồng thời, do tính chất, nhiệm vụ, chuyên môn, nhiệm vụ của ngành công an có những đặc thù riêng, cho nên Người đã nhấn mạnh tới một số chuẩn mực đạo đức của người cán bộ công an. Trong tác phẩm Tư cách người công an cách mệnh viết năm 1948, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở và yêu cầu người cán bộ công an phải luôn rèn luyện tư cách đạo đức: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”6.
Hồ Chí Minh cho rằng, cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần có của người cán bộ cách mạng nói chung và người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng. Bởi lẽ, những phẩm chất đạo đức này, theo Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động hằng ngày, gắn liền giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động của mỗi cán bộ trong việc công cũng như trong đời tư, trong sinh hoạt cũng như trong công tác. Để mỗi cán bộ hiểu và thực hành cho tốt, Hồ Chí Minh đã giải thích ý nghĩa và mối liên quan của những chuẩn mực đạo đức này một cách ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng và đầy đủ.
Do yêu cầu của cuộc “kháng chiến, kiến quốc”, tháng 3/1947, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đời sống mới, kêu gọi thi đua xây dựng và “phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”7. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/1949, để tiếp tục răn dạy cán bộ về đạo đức, Hồ Chí Minh viết tác phẩm Cần, kiệm, liêm, chính, đăng trên báo Cứu quốc, với bút danh là Lê Quyết Thắng. Người cho rằng, bốn đức tính “cần, kiệm, liêm, chính” là những đức tính cần phải có của người cán bộ cách mạng. Người viết:
“Vì Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người”8.
Cần “là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai”9, không lười biếng, ngại khó, ngại khổ, làm việc qua loa. Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Theo Hồ Chí Minh, con người có đức cần thì việc gì, dù khó khăn đến mấy, cũng làm được. Người nhắc nhở, “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần”, “nếu có một người, một địa phương hoặc một ngành mà lười biếng, thì khác nào toàn chuyến xe chạy, mà một bánh xe trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả một chuyến xe. Vì vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”10. Trước hết là thái độ đối với công việc, không nề hà việc lớn, việc bé, bất kỳ công tác gì cũng đều phải siêng năng, nâng cao năng suất lao động. Cần hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa trung bình và thái độ làm việc cầm chừng, lề mề, chậm chạp, hành chính, quan liêu. Yêu cầu của cần trong hành động là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, luôn chủ động, sáng tạo trong công việc; chịu khó học tập, suy nghĩ, tìm tòi mọi cách khắc phục khó khăn nhằm hoàn thành nhanh nhất công việc với chất lượng và hiệu quả cao nhất; chống lười biếng, ngại khó, ngại khổ, làm việc qua loa, tắc trách, thiếu tính chủ động trong công việc, để công việc dây dưa, kéo dài mà chất lượng và hiệu quả thấp.
Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”11, không lãng phí thời giờ, của cải của mình và của nhân dân”, phải tiết kiệm từ cái lớn đến cái nhỏ, không phô trương hình thức, không xa xỉ, hoang phí. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống, như nước đổ vào cái thùng không đáy, làm chừng nào xào chừng ấy, rốt cuộc không lại hoàn không. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm và không phát triển được. Người giải thích, tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không đáng tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc cần làm lợi cho dân, cho nước thì hao bao nhiêu của, tốn bao nhiêu công cũng vui lòng, như thế mới là kiệm. Công an càng phải tiết kiệm, vì lãng phí, xa hoa chính là những thói xấu mà kẻ địch dễ tấn công để dụ dỗ, gài bẫy, mua chuộc. Từ không tiết kiệm sẽ dễ dẫn đến mắc các tật xấu, cán bộ công an không thực hiện tốt chức trách của mình và dễ sa vào các hiện tượng tiêu cực. Vì vậy, tiết kiệm không chỉ là giữ gìn các giá trị vật chất mà còn giữ gìn phẩm chất cán bộ công an.
Liêm “là trong sạch, không tham lam”12, luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ, vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Người yêu cầu mỗi người, nhất là cán bộ lãnh đạo phải thực hiện tốt chữ liêm, chữ liêm và chữ kiệm phải đi đôi với nhau như chữ kiệm phải đi đôi với chữ cần. Có kiệm thì mới có liêm được, bởi xa xỉ ắt sinh tham lam, không giữ được liêm. Người cũng chỉ rõ ngược lại với chữ liêm là tham ô, ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Nhà nước làm quỹ riêng cho địa phương mình. Tham ô là trộm cướp, là kẻ thù của nhân dân. Muốn liêm thật sự thì phải chống tham ô.
Chính là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh. Việc phải ở đây là những việc đúng, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi ích của quần chúng, đạo đức của xã hội. Việc trái là những hành vi ngược lại với đạo lý, pháp luật. Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đúng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Đối với người cán bộ công an, chính là phải có bản lĩnh vững vàng, ủng hộ cái đúng, cái thiện, biết tôn trọng lẽ phải, làm theo lẽ phải, đấu tranh bảo vệ lẽ phải; đối với những điều ác, điều trái thì dù có lợi cho bản thân mấy cũng tuyệt đối không làm, không đồng tình và kiên quyết đấu tranh; chống những biểu hiện bàng quan, vô trách nhiệm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần mà không kiệm thì sản xuất không phát triển, thành quả lao động sẽ bị hao phí, mất mát. Kiệm hỗ trợ làm tăng thêm hiệu quả cho cần. Cần, kiệm là cơ sở để thực hiện liêm, chính. Những người liêm, chính là những người biết cần, kiệm. Về mối quan hệ chặt chẽ của cần, kiệm, liêm, chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “CẦN, KIỆM, LIÊM là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”13. Vì vậy, có thể nói: cần, kiệm, liêm, chính là thước đo tính “người” của một con người. Người có đủ bốn đức tính đó mới là người toàn vẹn; nó cũng tất yếu như quy luật của thiên nhiên: trời có bốn mùa và đất có bốn phương vậy.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,, t.5, tr.292-293.
2, 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.601, 603.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611-612.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.68.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.498.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.112.
8, 9, 10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117, 118, 120, 120-121.
12, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.122, 126.
ThS. NGUYỄN HỮU LUÂN
Học viện An ninh nhân dân