1. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một dung lượng lớn (chương VI) để phân tích, phê phán thói ba hoa. Theo Người, “thói ba hoa” có nhiều vẻ:
Thứ nhất, “dài dòng, rỗng tuếch”. Người chỉ rõ: “Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”1. Người phê phán tình trạng cán bộ, đảng viên khi viết các văn bản quá dài hoặc ngắn, nhưng nội dung lại “rỗng tuếch”, gây lãng phí giấy mực và không mang lại lợi ích gì cho người đọc cũng như công việc chung.
Thứ hai, thói “cầu kỳ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được”2. Do đó, cán bộ, đảng viên, những người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn: “Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”3, bảo đảm tính chính xác, sức lay động, lan tỏa đối với dân chúng.
Thứ ba, “khô khan, lúng túng”. Người chỉ ra khuyết điểm của cán bộ: “Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ “tích cực, tiêu cực, khách quan, chủ quan”, và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng”4, làm cho quần chúng không muốn nghe. Người phê phán sự lúng túng, không chuẩn bị kỹ càng khi nói trước đám đông: “Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai”5. Theo Người, để tăng tính thuyết phục của lời nói, thu hút sự chú ý của người nghe, cần “phải học cách nói của quần chúng, mới lọt tai quần chúng”6. Người nhấn mạnh, không chỉ có người phụ trách tuyên truyền, người viết báo, viết sách, những người nghệ sĩ là người tuyên truyền, “mà tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người có tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói nhất là học nói cho quần chúng hiểu”7.
Thứ tư, “báo cáo lông bông”. Người phê bình thói báo cáo lông bông: báo cáo giả dối, chậm trễ hoặc không nêu rõ vấn đề. Người yêu cầu người làm báo cáo phải trung thực, có nội dung trọng tâm, trọng điểm, làm cho người đọc hiểu được vấn đề, không viết những điều không cần thiết, không có nội dung hay nội dung không đúng.
Thứ năm, “lụp chụp cẩu thả”. Người chỉ rõ nguyên nhân của “những tệ kể trên, một phần vì thiếu kinh nghiệm, mà một phần vì tính lụp chụp, cẩu thả”8. Người phê phán và nghiêm khắc nhắc nhở: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”9. Trước khi nói, viết, cần cẩn thận, tỉ mỉ, chỉnh sửa từng câu, từng chữ cho hoàn chỉnh, có như vậy khi truyền tải nội dung đến người đọc, người nghe mới hiệu quả và không xảy ra sai sót.
Thứ sáu, bệnh theo “sáo cũ” (khuôn sáo, máy móc, dập khuôn trong cách nói và viết tại hội nghị, hội thảo, lớp huấn luyện). Người chỉ ra những biểu hiện của khuyết điểm: Kém chuẩn bị, nói mênh mông, không đúng giờ, giữ nếp cũ, nói không ai hiểu, bệnh hay nói chữ10, và yêu cầu: “huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay”11.
Thứ bảy, “nói không ai hiểu”. Đó là cách nói, cách viết cao xa, màu mè, không phù hợp với trình độ quần chúng. Kết quả là quần chúng chẳng ai hiểu được cán bộ nói gì. Nguyên nhân: “Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng”12. Thực tế cho thấy rằng, quần chúng nhân dân có nhiều tầng lớp, giai cấp, lứa tuổi, trình độ văn hóa, trình độ chính trị… khác nhau. Vì thế, nội dung cũng như cách thức truyền đạt phải gần gũi, dễ hiểu, thiết thực để mọi đối tượng nhân dân đều có thể tiếp thu được.
Thứ tám, “bệnh hay nói chữ”. Bác phê phán nhiều cán bộ, đảng viên tiếng ta thì không nói, mà ham đi dùng chữ Hán. Nếu dùng chữ Hán đúng đã là một cái hại, vì nói quần chúng không ai hiểu. Nhưng nó càng hại hơn khi dùng không đúng, không biết rõ, không hiểu. Người dẫn câu tục ngữ để nói về căn bệnh này: “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”13.
Trên đây là các biểu hiện của “thói ba hoa”. Tác hại của “thói ba hoa” không chỉ gây nguy hại đến dân, mà còn gây nguy hại đến công việc của Đảng. Vì thế, cán bộ, đảng viên phải ra sức chống “thói ba hoa”. Bác đưa ra “liều thuốc đặc trị chữa thói ba hoa” và yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện. Đó là: Phải học cách nói của quần chúng; luôn dùng những lời lẽ, thí dụ đơn giản, thiết thực và dễ hiểu; khi viết, nói cần cố gắng làm sao để ai cũng có thể hiểu được; cần tìm hiểu, điều tra, nghiên cứu để hiểu rõ trước khi nói, viết; trước khi nói phải nghĩ cho chắc, phải sắp đặt ý cẩn thận, sau khi viết phải xem đi, xem lại nhiều lần...
2. Thực trạng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” trong công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận quan trọng trong công tác giáo dục lý luận chính trị, hướng dẫn hành động cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào chiều sâu. Trong đó, việc vận dụng tư tưởng của Người về chống “thói ba hoa” trong công tác giáo dục lý luận chính trị đã mang lại nhiều kết quả tích cực. “Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên”14. Qua đó, giúp học viên nhận thức rõ tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” nói riêng trong công tác giáo dục lý luận chính trị và vận dụng vào thực tiễn công tác.
Hầu hết các giảng viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng. Đặc biệt là luôn yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với công tác giáo dục lý luận chính trị. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tư tưởng và các tình huống chính trị, xã hội phức tạp, đòi hỏi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị phải giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” được thể hiện qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, giảng viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tránh “thói ba hoa”, gắn lý luận với thực tiễn. Trong quá trình giảng dạy, luôn trau dồi, rèn luyện khả năng truyền đạt, sử dụng ngôn từ bình dân, súc tích, ngắn gọn, nói đi đôi với làm. Các buổi học thường có sự tương tác giữa giảng viên và học viên, khuyến khích học viên đặt câu hỏi, tham gia thảo luận. Đối với học viên, các kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cùng với những kiến thức, kinh nghiệm thu được trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được vận dụng vào công tác ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Đặc biệt, khi nói và viết, học viên đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” để tăng tính thuyết phục, nâng cao hiệu quả công tác ở địa phương…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” trong công tác giáo dục lý luận chính trị vẫn còn những hạn chế. “Chất lượng của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục như: số lượng, tỷ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư còn chưa cao, chưa đồng đều giữa các trường”15.
Trong quá trình giảng dạy, nhiều giảng viên chỉ tập trung vào lý thuyết hàn lâm, mà chưa có sự liên hệ với thực tiễn, dẫn đến bài giảng khô khan, thiếu sức hấp dẫn, còn lúng túng trong quá trình cập nhật kiến thức mới. Một số giảng viên còn duy trì phương pháp giảng dạy truyền thống, chủ yếu là thuyết trình, tiếp nhận một chiều, chưa phát huy tối đa tính sáng tạo, tư duy phản biện của người học.
Kỹ năng truyền đạt của một số giảng viên còn hạn chế, thiếu tự tin trong việc truyền đạt thông tin, diễn đạt ý tưởng không rõ ràng, mạch lạc, dẫn đến khả năng thuyết phục chưa cao, chưa tạo được sự tin tưởng và đồng tình từ phía học viên, ảnh hưởng tới kết quả tiếp thu bài của học viên.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra các biểu hiện suy thoái liên quan tới bệnh ba hoa trong cách nói, cách viết, cách làm: Trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi16. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” trong công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” trong công tác giáo dục lý luận chính trị hiện nay
Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là chống “thói ba hoa” trong toàn hệ thống chính trị với các hình thức phong phú, đa dạng.
Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đưa tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa” vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên một cách hệ thống, chuyên sâu.
Thứ ba, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, thực chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tạo môi trường làm việc lành mạnh, khuyến khích phát huy năng lực chuyên môn, sáng tạo, tránh xa “thói ba hoa”, hình thức.
Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa”.
Đối với công tác giáo dục lý luận chính trị
Đối với giảng viên
Một là, trong quá trình giảng dạy cần tránh “dài dòng, rỗng tuếch, lông bông”, biết chắt lọc những nội dung liên quan tới bài giảng, có ý nghĩa thiết thực với người học. Nếu giảng viên sa đà vào một nội dung bất kỳ trong bài giảng, hoặc nói không đúng trọng tâm bài giảng, thì bài giảng đó sẽ thiếu sức thuyết phục.
Hai là, hạn chế “thói cầu kỳ”. Trong nói và viết, giảng viên cần hạn chế sử dụng ngôn ngữ hàn lâm, bác học, mà nên sử dụng ngôn ngữ bình dân, dễ nhớ, dễ hiểu. Đặc biệt, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đối tượng học viên của từng lớp học, từ đó đưa nội dung giảng dạy kết hợp phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả.
Ba là, tránh “khô khan, lúng túng, lụp chụp cẩu thả”. Trước khi lên lớp, giảng viên cần chuẩn bị kỹ nội dung bài giảng, tác phong đứng lớp. Để làm được điều này, giảng viên phải nắm chắc, hiểu rõ nội dung bài giảng; có kiến thức về lý luận và thực tiễn, đồng thời vận dụng một số phương pháp dạy học tích cực để nâng cao chất lượng dạy học.
Bốn là, loại bỏ “bệnh theo sáo cũ, nói không ai hiểu, bệnh hay nói chữ”. Theo đó, giảng viên phải truyền tải tới học viên những kiến thức về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác… Qua đó, giúp học viên lĩnh hội tối đa kiến thức và vận dụng vào thực tiễn công việc.
Đối với học viên
Một là, tránh “dài dòng, rỗng tuếch, lông bông”. Trước mỗi buổi học, học viên cần nghiên cứu, đọc giáo trình, tài liệu liên quan đến bài học. Trong quá trình học, học viên cần tích cực hăng hái tham gia phát biểu; trước mỗi kỳ thi, cần tập trung ôn tập kỹ, trong quá trình làm bài, không nói và viết quá dài, không đúng trọng tâm câu hỏi. Trong quá trình công tác tại địa phương, cần rèn luyện cách nói, diễn đạt, cách viết rõ ràng, súc tích, bảo đảm về nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ. Để làm được điều đó, bản thân học viên phải có kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, không ngừng tự rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động.
Hai là, hạn chế “thói cầu kỳ”. Trong quá trình học: thảo luận, trao đổi, trả lời các câu hỏi, làm bài thi, giao tiếp với giảng viên, bạn bè... cần đơn giản; tác phong gần gũi, thân thiện. Khi về địa phương công tác, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đối tượng lãnh đạo, quản lý, tình hình địa phương, những điểm mạnh, điểm yếu ở địa phương để có cách thức lãnh đạo, quản lý phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Ba là, tránh “khô khan, lúng túng, lụp chụp cẩu thả”. Trong nói và viết, phải rõ ràng, xác định chủ ngữ, vị ngữ, tránh cộc lốc, khô khan. Nghiên cứu, chuẩn bị kỹ nội dung bài học để tránh lúng túng khi giảng viên hỏi hay làm bài thi. Thường xuyên trao đổi cùng thầy cô, bạn bè về những nội dung chưa nắm rõ, chưa hiểu rõ. Trong quá trình nghe, viết, làm bài thi trên lớp cần chú tâm, cẩn thận, ghi chép khoa học, tránh “lụp chụp cẩu thả”. Trong quá trình công tác tại địa phương, bên cạnh chuyên môn giỏi, cần phải có tâm huyết, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bốn là, cần loại bỏ “bệnh theo sáo cũ, nói không ai hiểu, bệnh hay nói chữ”. Trong cách diễn đạt, học viên cần nói và viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, bởi “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”17.
Chống “thói ba hoa” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với đội ngũ giảng viên, học viên trường chính trị. Vì vậy, mỗi giảng viên, học viên phải thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về chống “thói ba hoa”, nêu cao tinh thần khiêm tốn, thật thà, luôn tôn trọng mọi người, coi trọng việc học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu hiện nay.
1, 10, 11, 12, 13, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 5, tr. 339, 343-345, 343, 344, 345, 191.
2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 340.
5, 6, 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 341.
8, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 342.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 170.
15. Phụ lục số 15: Kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2022 (ban hành kèm theo Báo cáo số 1747-BC/HVCTQG, ngày 15/02/2023).
16. Xem Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
ThS. ĐẶNG THỊ ÁNH TUYẾT
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu