1. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy sự sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm trong lao động, sản xuất
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng của sự sáng tạo
Trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh đã sớm biết đến tinh thần yêu nước của các nhà trí thức đương thời. Khi đó, câu hỏi được đề cập nhiều nhất là cứu nước bằng cách nào? Nhiều người cho rằng vua chúa phong kiến có trách nhiệm cứu nước, có quan điểm cho rằng muốn cứu nước phải nhờ Nhật đánh Pháp, lại có quan điểm đề xuất biện pháp hòa hoãn, hợp tác với Pháp... Mặc dù ngưỡng mộ lòng yêu nước của các bậc tiền bối, song Người lựa chọn con đường khác biệt hoàn toàn, đó là tìm cách sang Pháp và các nước phương Tây để xem “họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”. Người quyết định Tây du, sang tận đất nước của kẻ thù đang áp bức, bóc lột nhân dân mình để tìm con đường giải phóng dân tộc. Đó là biểu hiện đầu tiên của sự đổi mới, tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thể hiện tầm nhìn chiến lược với phương pháp hoàn toàn mới.
Tại Pháp, Người đã gặp lý luận Mác - Lênin thông qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin, đăng trên Báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, tháng 7/1920. Tìm thấy con đường cách mạng vô sản, nhưng Người không có ý định thực hiện một cuộc cách mạng như Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, bởi Người nhận thấy sự khác biệt giữa Việt Nam với Liên Xô, do đó, cách vận dụng phải khác, phải có sự đổi mới. Theo Người, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản, gồm hai giai đoạn: đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là đỉnh cao của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện rõ nét sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn. Đặc biệt, trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước, tư duy sáng tạo và đổi mới của Người là bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta học hỏi, noi theo. Trong nhiều bài nói, bài viết: Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (năm 1952); Bài nói chuyện tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua công nghiệp toàn quốc (năm 1956); Bài nói tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II; Con đường phía trước (năm 1960); Cần cù và sáng tạo (năm 1960); Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội (năm 1961); Bài nói tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (năm 1963),... Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh quan điểm sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm là tài sản quý báu của đất nước ta, phải tổng kết và phát huy nó trong xây dựng đất nước. Theo Người, sáng kiến là những hoạt động có ích cho nhân dân, đất nước, cũng giống như việc đánh đuổi giặc ngoại xâm và tạo ra công ăn, việc làm, nâng cao sức sản xuất cho nhân dân. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người giải thích: “Hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến”1. Việc phát huy sáng tạo, sáng kiến của nhân dân là hoàn toàn có cơ sở trong thực tiễn, bởi đó là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Người nói: “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Cán bộ ta cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý báu ấy”2; “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi. Đầu thì lan khắp một đơn vị, một nhà máy, một làng, v.v.. Dần dần lan khắp cả quân đội, cả ngành công nghệ, cả nước. Sáng kiến và kinh nghiệm cũng như những con suối nhỏ chảy vào sông to, những sông to chảy vào bể cả. Không biết quý trọng sáng kiến và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc”3.
Phát huy sự sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm, cải tạo kỹ thuật là hoạt động có ý nghĩa để thúc đẩy sản xuất, phát triển khoa học - kỹ thuật và xây dựng đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cải tạo kỹ thuật là nền tảng quan trọng cho việc phát huy sáng tạo, hình thành các sáng kiến kinh nghiệm. Do đó, Người yêu cầu phải tích cực cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ lao động, sản xuất. Cải tiến kỹ thuật giúp cho nhân dân ta tiết kiệm được sức lao động và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Người nhấn mạnh: “Phải cải tiến kỹ thuật. Điều này cực kỳ quan trọng. Vì nông cụ của ta cũ kỹ, cho nên làm lụng rất khó nhọc nhưng kết quả thì ít”4; “Cải tiến nông cụ là một việc rất cần thiết. Nó tiết kiệm được nhiều sức lao động và thời giờ. Nó giúp ích nhiều cho việc tăng gia sản xuất”5; “Công cụ nào, năng suất ấy. Cho nên cải tiến công cụ sản xuất là cách tốt nhất để nâng cao năng suất lao động”6.
Khi đã có sáng tạo, sáng kiến, có sự đổi mới, cải tiến kỹ thuật, phải tìm mọi cách để phổ biến trong xã hội. Theo Người, mỗi cá nhân người lao động có một sáng kiến kinh nghiệm sẽ giúp xí nghiệp, hợp tác xã ngày càng phát triển, điều quan trọng là phải lan tỏa trên khắp đất nước. Số lượng sáng kiến ngày càng nhiều lên, các chiến sĩ thi đua ngày càng xuất sắc, song, nếu không nhân rộng thì sáng kiến đó không có giá trị, “Những kinh nghiệm sáng kiến nếu ít nhưng phổ biến tốt, còn hơn nhiều mà không phổ biến”7.
Các nguyên tắc, biện pháp phát huy sự sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm của nhân dân
Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt xem trọng những cá nhân có sáng kiến kinh nghiệm, coi đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong phổ biến sáng kiến kinh nghiệm, do đó, họ cần được khuyến khích, hướng dẫn đưa sáng kiến áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Người nhấn mạnh: “Nếu đầu tàu chạy không, thì không chở được hành khách, không chở được hàng. Vì vậy, các cô, các chú phải đưa sáng kiến của mình phổ biến cho nhóm, cho xưởng, cho ngành mình cùng theo.
Và phải học kinh nghiệm sáng kiến của người khác. Đây là điều kiện cần thiết trong thi đua”8.
Thứ hai, trong khi phổ biến sáng kiến kinh nghiệm, Người yêu cầu phải thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ. Theo Người, “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”9. Vì vậy, muốn phát huy sáng kiến kinh nghiệm một cách có hiệu quả, “Muốn phổ biến sáng kiến, cán bộ phải bỏ thói quan liêu, phải dân chủ, phải dựa vào công nhân. Nếu cán bộ quan liêu, không dân chủ là cán bộ xấu, xấu thì không làm được việc gì. Anh chị em công nhân phải tránh tự ái, tự mãn không chịu đưa sáng kiến kinh nghiệm của mình cho anh em, và không chịu học hỏi anh em. Thế là hỏng. Như thế tức là: Cán bộ thì chống quan liêu, không dân chủ; công nhân thì chống tự ái, tự kiêu, tự đại”10.
Đối với mỗi người dân lao động, để cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều sáng kiến kinh nghiệm, phải không ngừng lao động cần cù và sáng tạo. Bởi theo Người, có công cụ tốt thôi là chưa đủ, mà cần phải có người sản xuất tốt. Theo đó, trong quá trình lao động sản xuất, Người yêu cầu mỗi người lao động “từng phút trong lúc sản xuất; phải luôn luôn chăm lo học tập kỹ thuật, nắm vững kỹ thuật và cải tiến kỹ thuật. Lao động cần cù và sáng tạo. Không lúc nào chịu dừng bước trên con đường cải tiến sản xuất, cải tiến kỹ thuật”11; cải tiến kỹ thuật là “Phải biết học tập để nắm vững kỹ thuật, sử dụng đầy đủ công suất máy móc. Phải tìm tòi sáng kiến để tổ chức lao động cho hợp lý. Phải cải tiến phương tiện, máy móc làm việc để đạt năng suất cao, chất lượng tốt”12, đồng thời “là phải học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm lẫn cho nhau”13.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát huy sáng kiến kinh nghiệm, cần có sự trau dồi, học hỏi kinh nghiệm khoa học - kỹ thuật của các nước khác. Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhiều quốc gia đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam bằng việc cử các chuyên gia khoa học sang để cùng nhân dân Việt Nam xây dựng nền móng khoa học - kỹ thuật nước nhà. Người nói: “Các nước bạn giúp ta để hàn gắn mau chóng những vết thương chiến tranh; để tăng gia sản xuất về nông nghiệp, công nghiệp và để phát triển thương nghiệp; để khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa; để ta dần dần nâng cao đời sống của nhân dân ta”14. Do đó, Người yêu cầu mỗi cán bộ, mỗi người dân phải cầu thị, học hỏi một cách chủ động, thiện chí, nỗ lực hết mình, không ngại khó khăn, gian khó. “Các chuyên gia bạn sang nước ta có hai nhiệm vụ: giúp nhân dân ta xây dựng nhà máy và đào tạo cho cán bộ, công nhân ta trở thành những người làm công tác xây dựng tốt. Cán bộ và công nhân ở các công trường, các đơn vị cần phải đoàn kết với các chuyên gia bạn và khiêm tốn học tập các chuyên gia để dần dần có thể tự lực cánh sinh trong công tác xây dựng và các công tác khác”15.
Đồng thời, phải phát huy vai trò của công đoàn tại các nhà máy, xí nghiệp. Công đoàn có vai trò khuyến khích sự sáng tạo, đưa các sáng kiến kinh nghiệm vào thực tiễn sản xuất và lan tỏa các sáng kiến kinh nghiệm của nhân dân lao động. Người nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là một vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay… Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến, và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy, thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”16.
Những bước đi trong phát huy sáng tạo, phổ biến sáng kiến kinh nghiệm
Người yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải đem sự hiểu biết của bản thân phục vụ nhân dân, từ đó thúc đẩy nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thi đua sản xuất nhanh - nhiều - tốt - rẻ. Người cho rằng “đó là nhiệm vụ vẻ vang”17 của các cán bộ khoa học - kỹ thuật. Song, Người cũng lưu ý, kiến thức hay sáng kiến, phát minh được phổ biến phải thiết thực, chính xác, phải làm sao để mọi người dân ai cũng có thể hiểu được và làm được, không lý luận suông, xa rời thực tiễn, ngôn từ phải dễ hiểu, gần gũi với nhân dân, không trừu tượng, khó hiểu.
Sau khi phổ biến, Người yêu cầu cán bộ kỹ thuật phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt, “Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay là không, kết quả tốt hay là xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”18. Theo đó, Người yêu cầu các cán bộ phải xuống tận nơi làm việc hỏi han người lao động, tìm hiểu nhu cầu và đời sống của nhân dân, từ đó phổ biến, giúp đỡ nhân dân, làm cho nhân dân văn minh, tiến bộ, có nhiều các sáng kiến kinh nghiệm mới.
2. Một số bài học kinh nghiệm và giải pháp phát huy sự đổi mới, sáng tạo trong xây dựng đất nước hiện nay
Một số bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, đổi mới, sáng tạo là yêu cầu tất yếu, là việc làm hết sức quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, do đó, đổi mới và sáng tạo là yêu cầu tất yếu để tạo nên thành công.
Hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu làm giàu chính đáng của nhân dân, tuy nhiên nền kinh tế cũng gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các nước trên thế giới. Theo đó, đổi mới và sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, kinh doanh, cải thiện hiệu suất lao động là điều kiện quan trọng giúp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Hơn nữa, phát triển kinh tế luôn đi kèm các vấn đề về xã hội và môi trường, do đó, đổi mới và sáng tạo sẽ giúp Việt Nam tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề xã hội: giáo dục, y tế, an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường tự nhiên, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững. Đổi mới, sáng tạo, tạo cơ hội để Việt Nam thúc đẩy các ngành công nghiệp mới, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện đời sống của nhân dân, nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, trở thành đối tác tiềm năng, quan trọng trong khu vực và trên thế giới trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ và kinh doanh.
Thứ hai, Việt Nam có nhiều điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng; tỷ lệ người dùng internet và điện thoại thông minh cao; kinh tế số có xu hướng gia tăng (báo cáo của Google, Temaseak và Bain &Company dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đạt mức 31% trong giai đoạn 2021 - 2025)19.
Hiện nay, đổi mới, sáng tạo ở Việt Nam được tiến hành trên nhiều khía cạnh. Trước hết, nhiều doanh nghiệp và tổ chức kinh tế của Chính phủ và phi chính phủ tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thông tin; nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tập trung tại các khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hòa Lạc (Hà Nội) là ví dụ điển hình).
Hiện nay, đang có sự gia tăng đáng kể trong lĩnh vực khởi nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công đã góp phần thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và cải thiện dịch vụ trong nhiều lĩnh vực.
Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp thể hiện rõ ở các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam thông qua việc tăng cường nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y học và nông nghiệp. Việc tạo dựng nền tảng dạy học và sáng tạo, khuyến khích sinh viên nghiên cứu và khởi nghiệp là một yếu tố quan trọng trong đổi mới giáo dục.
Đổi mới, sáng tạo cũng được thể hiện rõ ở phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông. Hiện Việt Nam có sự đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hệ thống giao thông: mạng lưới đồng bộ, đường sắt và các dự án như sân bay quốc tế…, giúp kết nối các khu vực và thúc đẩy du lịch phát triển. Trong nông nghiệp, đổi mới thể hiện qua việc áp dụng công nghệ trong sản xuất nông sản, quản lý nông trại. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách bộ máy hành chính theo hướng xây dựng chính phủ số, chính phủ điện tử nhằm đơn giản thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Một số giải pháp
Một là, xây dựng và tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo. Cần tạo môi trường học tập và làm việc theo hướng khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, bao gồm hỗ trợ các khóa đào tạo, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khoa học trong các lĩnh vực tại các trường đại học, viện nghiên cứu; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư và nghiên cứu, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp.
Hai là, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các nhà khoa học được phát triển năng lực nghiên cứu. Bảo đảm nguồn nhân lực quốc gia được đào tạo bài bản, khoa học để có thể đổi mới, sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
Ba là, phát huy tinh thần dân chủ trong khoa học, khuyến khích tư duy phản biện của nhân dân.
Các tổ chức, doanh nghiệp cần khuyến khích tư duy phản biện và mở rộng dân chủ cho người lao động, khuyến khích, động viên người lao động tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình phát huy sự sáng tạo và các sáng kiến kinh nghiệm.
Bốn là, đổi mới phương pháp dạy học trong các nhà trường theo hướng trải nghiệm và khuyến khích tư duy sáng tạo, giúp học sinh, sinh viên có khả năng giải quyết vấn đề và đối mặt với thách thức.
Năm là, tích cực đổi mới công tác hành chính phục vụ sự nghiệp đổi mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
Sáu là, thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức về khoa học, kỹ thuật và phương pháp áp dụng vào sản xuất, kinh doanh cho nhân dân, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động.
1, 9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 5, tr. 284.
2, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 98, 140.
3, 16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 404; t. 13, tr. 53.
4, 5, 6, 11, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 482, 463, 495, 496, 159.
7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 294.
10, 13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 295, 280, 56.
17, 18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 97.
19. Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ năm 2023 của Trung tâm Đổi mới sáng tạo
quốc gia NIC, https://nic.gov.vn/wp-content/uploads/2023/03/VIE_Vietnam-Innovation-Tech- Investment-Report-2023-1.pdf.
PGS, TS. NGUYỄN THỊ THỌ
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
ThS. TRỊNH QUANG DŨNG
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng