Nâng cao công tác dân vận chính quyền ở tỉnh Thái Bình đáp ứng yêu cầu tình hình mới

CT&PT - Trong thời gian qua, công tác dân vận chính quyền của tỉnh Thái Bình đã được tăng cường và đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, sáng tạo. Qua đó, tạo sự đồng thuận, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bứt phá đi lên từ thực tiễn 
Từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, Thái Bình là địa phương đi đầu thực hiện thành công Chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, diện mạo nông thôn từng bước khởi sắc, Thái Bình trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về giao thông nông thôn và quy mô phát triển lưới điện. Theo thống kê, trong 5 năm (1991 - 1995), tỉnh đã huy động sức mạnh từ các nguồn lực toàn xã hội đạt trên 2.949 tỉ đồng, gấp 6 lần so với thời kỳ 1986 - 1990, trong đó nhân dân đóng góp chiếm tới gần 70%1. Điều này khẳng định Đảng bộ Thái Bình đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh bất cập, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” không được duy trì, dân chủ chỉ mang tính hình thức; bệnh quan liêu, thiếu sâu sát, độc đoán, chuyên quyền, xa rời nhân dân dẫn đến một loạt sai phạm diễn ra tại nhiều địa phương, như quản lý ngân sách xã, vốn quỹ hợp tác xã, xây dựng cơ bản, cấp và bán đất… Giai đoạn 1997 - 1999, Thái Bình trở thành một “điểm nóng” về mất trật tự xã hội, bất ổn về chính trị trên địa bàn nông thôn với 264/285 xã, phường, thị trấn mất dân chủ, mất ổn định2
Ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngày 12/3/1999, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Thông báo số 51-TB/TU, tập trung triển khai và tổ chức thực hện nghiêm túc Chỉ thị và các Nghị định của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; ngày 01/11/2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1284-CV/TU về việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận của chính quyền; ngày 31/3/2009, Ban Dân vận Trung ương có kế hoạch số 106-KH/BDVTW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 861-CV/TU chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận chính quyền, hưởng ứng “Năm dân vận chính quyền 2009”. 
Đổi mới mang tính bứt phá, đậm nét trong công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Bình đó là từ năm 2011 đến nay. Ngày 17/3/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 429-QĐ/TU về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tỉnh; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy phổ biến, quán triệt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đặc biệt, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết và Kết luận gắn với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các văn bản về tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Ban hành Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 10/10/2022 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 05/7/2023 xây dựng thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 - 2025
Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy tốt hơn nữa vai trò đại diện đối với cử tri và Nhân dân. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai và thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị; Chỉ đạo chính quyền các cấp triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ phát huy tốt dân chủ ở cơ sở đã khơi dậy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện hiến đất, hiến công, hiến của trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, Thái Bình đã huy động hơn 25.000 tỷ đồng triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình có 32 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã An Thái thuộc huyện Quỳnh Phụ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thái Bình là tỉnh dẫn đầu cả nước trong chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn khi có 100% số xã, phường, thị trấn được cấp nước sạch, 100% số dân cư sử dụng nước sạch. Thu ngân sách nội địa vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng/năm; nguồn vốn thu hút đầu tư tăng nhanh, nhất là vốn đầu tư nước ngoài, trong 3 năm (2021 - 2023) đạt trên 4 tỷ USD, trong đó năm 2023 đạt gần 3 tỷ USD, đứng thứ 5 toàn quốc... đã góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tiếp tục chỉ đạo thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả, huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân; xây dựng, nhân rộng, biểu dương, khen thưởng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu có sức lan toả sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Đến nay, tỉnh Thái Bình đã có 2.021 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó ở lĩnh vực phát triển kinh tế có 509 mô hình, lĩnh vực văn hóa xã hội có 691 mô hình, lĩnh vực an ninh, quốc phòng có 465 mô hình, lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 361 mô hình.
Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đi vào nền nếp và đạt hiệu quả; chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng lên rõ rệt. Từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức 13.626 cuộc góp ý định kỳ, 15.575 cuộc góp ý thường xuyên và 1.005 cuộc góp ý đột xuất với 3.927 ý kiến góp ý với tổ chức và 11.628 ý kiến góp ý đối với đảng viên nơi cư trú; tổ chức 16.172 cuộc góp ý định kỳ, 16.682 cuộc góp ý thường xuyên và 1.032 cuộc góp ý đột xuất với hơn 11.500 ý kiến góp ý đối với tổ chức chính quyền và hơn 1.300 ý kiến góp ý với cá nhân người lãnh đạo chính quyền; tham gia xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, các đơn vị đã tổ chức trên 1.421 hội nghị với sự tham gia của trên 100.000 người3. Các quy định về tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo Quy chế số 07- QC/TU, ngày 08/8/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ở cấp tỉnh đã tổ chức thành công các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với nhân dân. Hầu hết các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã tổ chức hội nghị đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Chất lượng, hiệu quả các cuộc tiếp xúc, đối thoại được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh; từng bước xây dựng và thực hành phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”.
Những hạn chế trong công tác dân vận chính quyền ở tỉnh Thái Bình trong thời gian qua
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của chính quyền của tỉnh Thái Bình còn bộc lộ những hạn chế. 
Một là, chất lượng công tác quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở một số cơ sở còn thiếu chiều sâu và tính thuyết phục. Công tác nắm bắt, đánh giá, phản ánh, dự báo tình hình nhân dân ở một số nơi chưa chủ động, kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là ở những địa bàn phức tạp; chưa nhận định chính xác tình hình để tham mưu chỉ đạo xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp nảy sinh. 
Hai là, việc triển khai thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở một số nơi hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác vận động quần chúng và trao đổi thông tin có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ. 
Ba là, công tác cải cách hành chính tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương, đơn vị hiệu quả chưa cao; còn xảy ra tình trạng kiến nghị đông người, đơn thư vượt cấp. 
Bốn là, việc lựa chọn nội dung để xây dựng mô hình “Dân vận khéo” ở một số địa phương, đơn vị chưa thiết thực. Việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” ở một số nơi chưa kịp thời, chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng. 
Năm là, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số cơ sở còn hạn chế; mô hình thu hút, tập hợp hội viên ở một số nơi chưa đa dạng và bền vững; công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có mặt còn hạn chế. Chất lượng việc tổ chức đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở một số địa phương chưa cao. 

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền ở tỉnh Thái Bình trong thời gian tới

Để khắc phục những hạn chế, từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đòi hỏi chính quyền các cấp trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung của Nghị quyết số 25-NQ/TW, Kết luận số 43-KL/TW và các văn bản có liên quan về công tác dân vận. 
Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Ba là, đẩy mạnh công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang. Các cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền các cấp tiếp tục làm tốt việc thể chế, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, Nhà nước thành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của tỉnh và xuất phát từ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, nhất là những nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; hướng về cơ sở, địa bàn dân cư, khắc phục hoạt động có tính hành chính, làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của đội ngũ đoàn viên, hội viên và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
Năm là, nâng cao chất lượng tham mưu của hệ thống dân vận các cấp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đủ phẩm chất, uy tín, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.


1. Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình: Kỷ hiếu 90 năm (1930-2020), Thái Bình, 2019, tr. 269.

2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Bình (1975-2000), Ncb. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 330, 331.

3. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

KIM THOA
 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin