Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các Trung tâm chính trị cấp huyện ở tỉnh Hậu Giang

CT&PT - Tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được, khắc phục những hạn chế nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại các trung tâm chính trị cấp huyện ở tỉnh Hậu Giang là yêu cầu thường xuyên, vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công tác xây dựng Đảng bộ tỉnh Hậu Giang giai đoạn hiện nay.

1. Khái quát chung về các trung tâm chính trị cấp huyện của tỉnh Hậu Giang
Hậu Giang nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Tây Nam Bộ của Việt Nam, tiếp giáp với nhiều tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Vĩnh Long. Vị trí này giúp Hậu Giang có sự kết nối giao thông thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn như thành phố Cần Thơ và các vùng lân cận.
Hậu Giang hiện có 5 huyện là Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, 1 thị xã Long Mỹ và 2 thành phố trực thuộc tỉnh là thành phố Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Tương ứng với 8 đơn vị hành chính cấp huyện là 8 trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện. Theo Quy định số 208-QĐ/TW,
ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện, các trung tâm này có chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (LLCT); chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cấp huyện và cơ sở. 
Tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện được biên chế 4 - 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng; của cấp ủy cấp huyện, do Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn từng huyện. Giám đốc Trung tâm do Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện kiêm nhiệm, một số Phó Giám đốc và giảng viên chuyên trách. Các TTCT cấp huyện còn tham mưu cho Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện ra quyết định về việc thành lập đội ngũ giảng viên kiêm chức từ 08 đến 18 đồng chí đang công tác ở các ban, ngành, đoàn thể ở cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên, có kỹ năng sư phạm và trình độ LLCT đủ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập của người học.
Các nhiệm vụ chính của TTCT cấp huyện gồm:
Một là, tổ chức các lớp đào tạo sơ cấp LLCT, bồi dưỡng các chương trình LLCT cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện, các lớp bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển đảng; LLCT cho đảng viên mới, nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở. Tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt các chỉ thị, nghị quyết mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên kịp thời cập nhật kiến thức.
Hai là, tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức cấp xã.
Ba là, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thông tin về tình hình thời sự, chính sách, tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Với các nhiệm vụ này, TTCT cấp huyện đóng vai trò then chốt trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị tại địa phương. Thông qua học tập, rèn luyện, đội ngũ cán bộ, đảng viên được củng cố và nâng cao nhận thức chính trị, từ đó hình thành niềm tin vững chắc vào đường lối của Đảng, được trau dồi khả năng nắm bắt và phân tích những vấn đề quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các thách thức về phát triển kinh tế - xã hội để vận dụng đúng đắn và phù hợp các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế của huyện, của xã. Đây cũng là cơ sở để cán bộ, đảng viên rèn luyện và phát triển khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, giải quyết tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và xây dựng Đảng ở địa phương. 
2. Thực trạng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Hậu Giang
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục LLCT đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong những năm qua, hệ thống TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn chủ động, bám sát Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 883-QĐ/BTGTW ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng của TTCT cấp huyện để góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT tại cơ sở, coi đây là nhiệm vụ có vai trò hết sức quan trọng, là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn hệ thống chính trị và của từng tổ chức, cán bộ, đảng viên. Qua các năm, cùng với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang đã tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn về thực hiện công tác giáo dục LLCT hàng năm, việc thi đua công tác tuyên giáo… như Hướng dẫn số 73- HD/BTGTU ngày 08/11/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang về hướng dẫn công tác LLCT và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Hướng dẫn số 01- HD/BTGTU ngày 22/01/2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang về hướng dẫn công tác nghiên cứu, giáo dục LLCT; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tăng cường tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương; Hướng dẫn số 89-HD/BTGTU ngày 26/02/2020 về việc thi đua công tác tuyên giáo; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với các huyện, thị, thành; Hướng dẫn số 32-HD/BTGTU, ngày 10/11/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang về thực hiện công tác LLCT; Hướng dẫn số 59-HD/BTGTU, ngày 15/11/2022 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hậu Giang về việc thực hiện giáo dục LLCT năm 2023; Hướng dẫn số 65-HD/BTGTU, ngày 18/01/2023 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang về việc hướng dẫn Thi đua công tác tuyên giáo; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối với các huyện, thị, thành năm 2023... Từ những văn bản đó, Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy chỉ đạo TTCT và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tổ chức thực hiện. TTCT cấp huyện của tỉnh Hậu Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng LLCT trình Thường trực duyệt, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể do đó đã được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, ngày càng đi vào thực chất, từng bước trở thành nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống chính trị, toàn xã hội, góp phần xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang, từ năm 2019 đến hết năm 2023, các TTCT cấp huyện đã mở được 2.401 lớp với tổng số 224.319 học viên thuộc tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở. Cụ thể: Chương trình bồi dưỡng đảng viên mới mở được 120 lớp với 7.250 học viên; 64 lớp bồi dưỡng bí thư chi bộ và cấp ủy cơ sở với 11.365 lượt học viên; 764 lớp bồi dưỡng cán bộ mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội với 66.208 lượt học viên; 481 lớp bồi dưỡng chuyên đề với 40.404 lượt học viên; 385 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh và cán bộ chính quyền với 34.975 lượt học viên; 61 lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo và nghiệp vụ LLCT với 10.936 lượt học viên… Đáng chú ý là các chương trình bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, nghiệp vụ công tác đảng, đoàn thể được quan tâm đặc biệt nên cả số lớp và số học viên của các chương trình này luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số chương trình hằng năm của các TTCT.
Các chương trình, kế hoạch và các khâu trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng LLCT của TTCT cấp huyện ở tỉnh Hậu Giang luôn bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và gắn với đặc thù địa phương, hướng tới việc triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang. Nội dung các chương trình thường xuyên được đổi mới và cập nhật các kiến thức mới về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phương pháp giảng dạy, học tập cũng có sự thay đổi theo hướng lấy học viên làm trung tâm, tăng cường làm việc nhóm, trao đổi giữa giảng viên và học viên, phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo của học viên, đồng thời gắn kết giữa lý luận với thực tiễn, tăng cường các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giải quyết các tình huống đặt ra từ thực tiễn cơ sở. Ở hầu hết các TTCT đã được trang bị các phương tiện hỗ trợ dạy học như máy chiếu đa năng, màn chiếu, máy tính, hội trường với hệ thống âm thanh chất lượng tốt, hệ thống wifi… hỗ trợ ứng dụng công nghệ dạy học hiện đại giúp tạo sự hứng thú, giảm bớt sự nhàm chán, khô khan trong giờ học.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đều tiến hành lấy phiếu đánh giá trước, trong và sau khóa học nhằm mục đích đo lường sự chuyển biến của người học về kiến thức, kỹ năng và thái độ, mức độ phù hợp về nội dung, kế hoạch học tập, phương pháp giảng dạy để có những điều chỉnh cho phù hợp. Nhìn chung, tỷ lệ học viên đạt kết quả toàn khóa loại khá, giỏi ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chiếm khoảng 80% trở lên. Kết quả này cùng với những đánh giá của học viên sau khóa học và đánh giá của các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, đảng viên đi học cho thấy, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng LLCT của các TTCT cấp huyện ở tỉnh Hậu Giang ngày càng được nâng lên; đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng đáp ứng được cơ bản yêu cầu giảng dạy; trình độ nhận thức và mức độ hoàn thành công việc được giao của học viên có sự chuyển biến tích cực sau khi hoàn thành các khóa học, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị. Đây là những minh chứng khẳng định uy tín của các TTCT cấp huyện ở tỉnh Hậu Giang. 
Bên cạnh những thành công đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT của các TTCT cấp huyện tỉnh Hậu Giang vẫn còn một số hạn chế như:
Một là, công tác phối hợp giữa TTCT với các cơ quan liên quan trong tham mưu với Ban Thường vụ Huyện, Thị, Thành ủy để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng hàng năm còn thiếu tính chủ động, nhất là trong đề xuất nội dung, lựa chọn đối tượng tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.
Hai là, một số nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, chưa bám sát đối tượng người học và chưa cập nhật được kiến thức mới, văn bản chỉ đạo mới. Còn có tình trạng một nội dung bài giảng có thể sử dụng cho nhiều chương trình khác nhau, nhất là phần lý luận dành cho đội ngũ cán bộ các đoàn thể, trong khi người học có thể kiêm nhiệm nhiều công tác, nhiều chức vụ khác nhau, tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau nhưng lại phải học đi học lại cùng một nội dung, gây nhàm chán, thiếu hiệu quả.
Ba là, cơ cấu đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên kiêm nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Giảng viên cơ hữu của các TTCT hiện có 32 người - chỉ đảm nhiệm giảng dạy một số nội dung, phần lớn chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý lớp, trong khi đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm vừa thiếu vừa “không đều tay”. Đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm của 8 TTCT cấp huyện trong toàn tỉnh là 112 đồng chí, đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 08 giảng viên có trình độ thạc sĩ. Có trường hợp giảng viên có kiến thức lý luận tốt thì lại thiếu kinh nghiệm thực tiễn khiến việc truyền tải nội dung đào tạo trở nên hàn lâm, khó áp dụng vào công tác thực tế của học viên. Hoặc có giảng viên là chuyên gia nhưng phương pháp giảng dạy hoặc khả năng sử dụng công nghệ phục vụ giảng dạy lại hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Bốn là, hạn chế về kinh phí mở lớp, chế độ chính sách cho cán bộ, giảng viên làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên của các TTCT cấp huyện hiện nay chưa áp dụng một cách thống nhất. Các trung tâm chưa vận dụng thực hiện được chế độ phụ cấp 30% cho cán bộ cơ quan Đảng, đoàn thể và chế độ phụ cấp công vụ 25%. Chế độ đối với học viên chậm được cải thiện, mức chi tiền ăn cho học viên bán chuyên trách 40.000 đồng/học viên/ngày được áp dụng từ năm 2018 đến nay chưa được điều chỉnh. 
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trung tâm chính trị cấp huyện tỉnh Hậu Giang
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy cấp huyện, nhất là Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT của TTCT cấp huyện ở tỉnh Hậu Giang.
Cấp ủy đóng vai trò quyết định trong việc định hướng và chỉ đạo toàn bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Cấp ủy có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác này và trách nhiệm của mình sẽ dành sự quan tâm trong định hướng, tổ chức thực hiện, ưu tiên huy động các nguồn lực (nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị…), bảo đảm tạo điều kiện tốt nhất cho công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT. 
Cần tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và chỉ đạo sâu sát bằng việc phân công trách nhiệm rõ ràng trong cấp ủy để bảo đảm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, góp phần thực hiện đúng tiến độ các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng với chất lượng và hiệu quả cao. Cấp ủy cần đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT là một nội dung quan trọng trong các cuộc họp định kỳ. Việc thảo luận thường xuyên về vấn đề này sẽ giúp lãnh đạo đánh giá, điều chỉnh và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo. Đồng thời xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn về đào tạo LLCT, với các mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giảng dạy tại các TTCT cấp huyện. 
Hai là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên trung tâm chính trị cấp huyện.
Giảng viên có trình độ chuyên môn chuyên sâu, nghiệp vụ sư phạm tốt sẽ biết cách tổ chức bài giảng logic, khoa học, dễ hiểu, từ đó giúp học viên tiếp thu kiến thức nhanh chóng và hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT, vốn thường đòi hỏi khả năng truyền đạt các khái niệm phức tạp một cách dễ hiểu. Giảng viên giỏi sẽ biết cách liên kết kiến thức lý luận với thực tiễn, giúp học viên hiểu rõ hơn về cách áp dụng LLCT vào công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành tại địa phương. 
Cần tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu, cập nhật kiến thức cho giảng viên, đồng thời tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy tích cực, hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy như thiết kế bài giảng điện tử, bài kiểm tra trực tuyến, tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến… Giữa các TTCT có thể tổ chức giao lưu, trao đổi giảng viên để học hỏi kinh nghiệm và cập nhật kiến thức mới từ các đồng nghiệp. 
Ba là, tạo nguồn và tuyển chọn đối tượng người học theo đúng nội dung đào tạo, bồi dưỡng.
Việc tuyển chọn kỹ lưỡng giúp xác định những cán bộ, đảng viên có nhu cầu và năng lực phù hợp để tham gia và hoàn thành có hiệu quả các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Thông qua tuyển chọn, bản thân người học nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc học tập và xác định tâm thế hoàn thành tốt khóa học. Nhờ đó, TTCT sẽ xây dựng được môi trường học tập có tính cạnh tranh lành mạnh, nơi các học viên đều có tinh thần học tập cao và tôn trọng quy chế, quy định học tập. 
Để thực hiện điều này, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, khả năng tư duy và tiềm năng phát triển của đối tượng tương ứng với từng khóa đào tạo, bồi dưỡng. Cần phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể để lựa chọn đối tượng người học phù hợp. Cùng với đó là việc xây dựng các khóa học phù hợp với nhu cầu và trình độ của đối tượng người học để đảm bảo khóa học thực sự thiết thực với họ - đây cũng là cách nâng cao uy tín của TTCT.
Bốn là, tăng cường các điều kiện bảo đảm cho tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Để có thể áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cần các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị nghe nhìn và không gian phù hợp, cùng với đó là hệ thống tài liệu học tập trực tiếp và trực tuyến, khả năng kết nối đến các thư viện điện tử… Hệ thống trang thiết bị hiện đại và khả năng vận hành ổn định cũng sẽ là cơ hội để học viên tiếp cận đến các chuyên gia trong từng lĩnh vực bằng hình thức học tập trực tuyến. 
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.
Kiểm tra, giám sát giúp bảo đảm các hoạt động đào tạo được thực hiện đúng kế hoạch, đạt hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đề ra; phát hiện sớm những bất cập, sai sót trong quá trình thực hiện, từ đó có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Cần xây dựng các quy định cụ thể về kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với việc tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại TTCT cấp huyện. Thành lập các đoàn kiểm tra bao gồm lãnh đạo cấp ủy, các chuyên gia và đại diện các cơ quan liên quan để kiểm tra chất lượng giảng dạy, phương pháp và nội dung đào tạo. Cũng cần tổ chức thu thập ý kiến phản hồi từ học viên sau mỗi khóa học để đánh giá chất lượng giảng dạy và cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy nếu cần.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy định 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm chính trị cấp huyện.
Tỉnh uỷ Hậu Giang (2023), Báo cáo về kết quả công tác lý luận chính trị từ năm 2019 đến năm 2023.

LƯU VIẾT PHƯƠNG
Trung tâm chính trị huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin