Thứ nhất, góp phần tạo nên những phát triển về mặt kinh tế
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường như hiện nay, những nhạy bén, đúng hướng của xuất bản là sức mạnh tạo nên thắng lợi cạnh tranh. Xuất bản giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp những tri thức mới, cung cấp những thông tin có giá trị đáp ứng những nhu cầu học hỏi, nhu cầu về kinh tế như: kiến thức thị trường, kinh doanh, nghề nghiệp, tài chính, thị trường lao động, công nghệ…
Xuất bản không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức thuần túy mà có thể hướng dẫn việc áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật, và công nghệ mới, giới thiệu những mô hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Với việc phổ biến các kinh nghiệm thành công hoặc thất bại trong quản lý, kinh doanh và áp dụng công nghệ mới, xuất bản còn góp phần tạo nên hiệu quả kinh tế lớn cho xã hội thông qua việc cập nhật những kiến thức hữu ích mang tính ứng dụng, dự báo được những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua hay tránh mắc phải.
Thứ hai, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần xã hội
Làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội là một trong những vai trò mang tính khách quan của xuất bản. Bởi lẽ xuất bản là kênh truyền bá một cách sinh động nhất các giá trị văn hóa, tinh thần để nâng cao trình độ hiểu biết và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng, giải trí của người dân.
Vai trò của xuất bản trong lĩnh vực văn hóa thể hiện trên nhiều mặt. Thứ nhất, xuất bản làm giàu, làm đẹp cho vốn văn hóa dân tộc, nhất là ngôn ngữ, tư tưởng, thông tin, kiến thức bổ ích, xuất bản là nơi vừa giữ gìn và sáng tạo ra nhiều từ mới, thuật ngữ mới. Thứ hai, xuất bản góp phần nâng cao văn hóa, giải trí làm cho mọi người chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, tri thức bổ ích, cùng học tập và tiến bộ trong cuộc sống.
Xã hội càng phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao, sự hình thành nhân cách, lối sống của con người chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội, trong đó có hoạt động của xuất bản. Do vậy, trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt vai trò của mình, các hoạt động xuất bản ở nước ta cần thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thông tin; tăng cường truyền bá văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng nền đạo đức mới trên nền tảng đạo lý dân tộc; nâng tầm trí tuệ, tri thức khoa học, công nghệ của mỗi công dân. Muốn vậy, xuất bản và người làm xuất bản cần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, đồng thời nhanh chóng đổi mới phương pháp thể hiện để các ấn phẩm không chỉ đúng, trúng mà còn hay, sinh động, hấp dẫn cho công chúng.
Thứ ba, là phương tiện tạo lập môi trường tự do sáng tạo, bình đẳng cho các chủ thể trong hoạt động xuất bản.
Với đặc trưng của lao động sáng tạo nói chung, đặc biệt là lao động sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học thì nhu cầu về tự do sáng tạo,bình đẳng trong việc công bố và phổ biến tác phẩm là một đòi hỏi khách quan.
Tuy nhiên, tự do và bình đẳng trong sáng tạo phải vì lợi ích xã hội, vì lợi ích cộng đồng, không thể có tự do vượt quá giới hạn cho phép. Vì vậy, tự do và bình đẳng trong hoạt động sáng tạo, công bố và phổ biến tác phẩm là tự do trong khuôn khổ pháp luật. Ở đó, các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản sẽ được làm tất cả những gì pháp luật cho phép. Pháp luật quy định những gì được phép làm đối với các cơ quan nhà nước, nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng, xâm hại đến quyền tự do, bình đẳng. Đồng thời, pháp luật đề ra các nghĩa vụ tương ứng cho các chủ thể của hoạt động sáng tạo và quản lý. Đó là hành lang pháp lý, là "cái khung" do pháp luật tạo lập. Tư tưởng tự do ngôn luận của Hiến pháp Việt Nam, được thể hiện trong pháp luật xuất bản bằng chế độ không kiểm duyệt tác phẩm trước khi in là ý tưởng nhân văn sâu sắc, mở đường cho tư duy sáng tạo. Như vậy, quản lý nhà nước bằng pháp luật tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy và chính thức cho tác giả và các tổ chức tự do sáng tạo, bình đẳng trong hoạt động xuất bản.
Thứ tư, bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người sáng tạo ra các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
Hoạt động sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa tinh thần được xã hội xếp vào loại lao động đặc biệt. Các quốc gia trên thế giới đều coi các sản phẩm của trí tuệ là tài sản. Vì vậy, các tác giả được bảo hộ quyền sở hữu. Berne là công ước quốc tế đầu tiên về quyền tác giả, dưới sự điều hành của tổ chức quyền sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ra đời từ năm 1886 (là tổ chức của Liên hợp quốc từ 1974) để bảo vệ quyền tác giả thuộc gần 100 nước thành viên.
Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, pháp luật là phương tiện bảo vệ lợi ích hợp pháp của những người bằng lao động của mình đã sáng tạo ra tác phẩm. Các quy định về quyền của người sáng tạo, người quản lý và các nghĩa vụ tương ứng phát sinh từ các quyền đó, cùng với các quy định về cơ chế đảm bảo thực hiện, là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền sở hữu tác phẩm. Các tác giả được Nhà nước tạo phương tiện để đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Các tranh chấp về quyền tác giả, các hành vi xâm hại lợi ích vật chất và tinh thần của tác giả được xét xử tại Tòa án dân sự. Như vậy, thông qua việc bảo hộ quyền tác giả, Nhà nước tiếp tục khuyến khích năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ, trí thức để có nhiều sản phẩm văn hóa tinh thần có giá trị phục vụ xã hội.
Thứ năm, quản lý nhà nước bằng pháp luật về xuất bản chống thương mại hóa xuất bản, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng xuất bản phẩm.
Chuyển sang nền kinh tế thị trường, hoạt động xuất bản đã khởi sắc và có một diện mạo mới, phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân với những xuất bản phẩm phong phú về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đã thúc ép các chủ thể xuất bản chỉ chú ý tới các xuất bản phẩm có khả năng thanh toán, đẩy hoạt động xuất bản tìm kiếm các khả năng thanh toán có lợi nhuận cao, không lường đến hậu quả chính trị, xã hội có thể xảy ra. quản lý nhà nước bằng pháp luật về xuất bản là phải hạn chế đến mức tối đa các hoạt động xuất bản chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần, đặc biệt là phải ngăn chặn xu hướng thương mại hóa hoạt động xuất bản. Nếu chúng ta quản lý tốt hoạt động xuất bản, ngăn chặn được xu hướng thương mại hóa sẽ bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng xuất bản phẩm. Họ được hưởng thụ các xuất bản phẩm có chất lượng cao trong nội dung và hình thức. Như vậy, pháp luật phải quy định cụ thể, rõ ràng các tiêu chuẩn về nội dung kỹ thuật, mỹ thuật của xuất bản phẩm. Riêng nội dung, phải có những điều khoản cấm đoán nhằm ngăn chặn những xuất bản phẩm độc hại, không có lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội...
Thứ sáu, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội trong quá trình phát triển đất nước.
Hoạt động xuất bản là lĩnh vực rất nhạy cảm về mặt chính trị, xã hội, là phương tiện mang tính hai mặt (lợi và hại) trong cuộc đấu tranh vì sự tiến bộ xã hội. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc đảm bảo nội dung xuất bản phẩm lành mạnh, phù hợp với pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam là rất cần thiết.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của xuất bản, Luật Xuất bản 2012 đã đề ra những chính sách cụ thể, như: Chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến; chính sách đặt hàng; ưu đãi lãi suất vay vốn, hỗ trợ cước vận chuyển; mua bản thảo những tác phẩm có giá trị... Tất cả những chính sách đó nhằm đảm bảo cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu được mọi chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh, hòa bình, ổn định.
Thứ bảy, góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế.
Thực hiện chính sách mở cửa hội nhập và hợp tác quốc tế với phương châm: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với nhiều nước, vùng lãnh thổ và tổ chức trên thế giới. Để quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế diễn ra thuận lợi, đạt mục đích đặt ra một cách tốt nhất, hai bên đều phải tìm hiểu truyền thống văn hóa, mọi lĩnh vực đời sống xã hội của nhau, cách tìm hiểu đạt hiệu quả cao và phổ biến hiện nay là trao đổi các xuất bản phẩm cho nhau. quản lý nhà nước bằng pháp luật về xuất bản ở Việt Nam có vai trò giải quyết vấn đề này thông qua việc xác định rõ các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài được xuất bản các tài liệu, tác phẩm tại Việt Nam; điều kiện để các nhà xuất bản nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam; quy định rõ các thủ tục về xuất nhập khẩu và xuất bản phẩm.
Như vậy, quản lý nhà nước bằng pháp luật về xuất bản vừa có vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân nước ngoài làm thủ tục đặt văn phòng đại diện, xuất bản các tài liệu, tác phẩm tại Việt Nam, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính để việc xuất khẩu các xuất bản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài đạt hiệu quả cao. Điều đó có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế của Việt Nam diễn ra thuận lợi.
ThS. NGUYỄN ANH TÚ
Nhà xuất bản Tư pháp