Tiếp tục phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay

CT&PT - Thời gian qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, báo chí đã phát huy tốt vai trò của mình trong lĩnh vực này. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục.

1. Một số vấn đề về đấu tranh phản bác và chính luận đấu tranh phản bác trên báo chí hiện nay

Trước hết, cần khẳng định rằng, phản bác là việc chỉ ra những cái sai của người khác và bác bỏ nó. Trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, yêu cầu quan trọng là phải chỉ rõ cái sai, không đúng sự thật trong các quan điểm, từ đó có căn cứ để bác bỏ nó một cách thuyết phục, nhất là đối với thể loại báo chí chính luận. Thực tế cho thấy, thể loại chủ lực, chính yếu, hiệu quả nhất trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay vẫn là chính luận, bởi đó là những tác phẩm sử dụng hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng để phản đối, bác bỏ những quan điểm, ý kiến về một vấn đề cụ thể nào đó. Phản bác là tập trung chỉ ra những điều không hợp lý, những sai lầm về một vấn đề cụ thể. Theo đó, chính luận phản bác là cuộc đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, thậm chí là những “cuộc bút chiến” hết sức khốc liệt, không khoan nhượng.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí chính luận nói chung và báo chí chính luận phản bác nói riêng có vị trí ngày càng quan trọng, giữ vai trò phân tích, chứng minh, lý giải, định hướng, phủ nhận, bác bỏ, giúp hạn chế tình trạng nhiễu loạn thông tin, cung cấp cho công chúng những thông tin đã được chọn lọc, kiểm duyệt, xác thực.

Chính luận phản bác trước hết là chính luận, nhưng khu biệt phạm vi không gian là đấu tranh với những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, những phần tử cơ hội chính trị.

Trên thực tế, viết chính luận đã khó, viết chính luận phản biện, phản bác càng khó hơn, đòi hỏi người viết phải dày công, tâm huyết, khắt khe với chính mình cũng như đối với từng tác phẩm, cẩn trọng trong việc lựa chọn câu chữ, diễn đạt; xây dựng, thiết lập được hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng khoa học, lôgic, thuyết phục, xác đáng; đủ sức phản biện một cách đúng bản chất, có chiều sâu, đầy đủ cả lý và tình, không thể chối cãi. Người viết chính luận cần có góc nhìn đa chiều khi lựa chọn đề tài, tiếp cận và triển khai vấn đề, từ đó đưa ra những phân tích, lý giải, lập luận mới mẻ, sâu sắc, thuyết phục.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chính luận phản bác hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đôi khi còn thiếu chiều sâu, thiếu lý lẽ, chưa luận giải gốc rễ vấn đề đưa ra. Các tác phẩm chính luận phản bác không được nhiều cơ quan báo chí đầu tư thường xuyên, chất lượng chưa cao, nguyên nhân là do việc tổ chức đội ngũ nhà báo, cộng tác viên chuyên viết chính luận phản bác còn gặp nhiều khó khăn. Có thể đề cập hai vấn đề nổi bật: Thứ nhất, đối với những người am hiểu chuyên sâu về lý luận, chuyên ngành, việc truyền tải thông tin để đông đảo công chúng hiểu được những lý giải, phân tích, chứng minh một cách căn cốt, bản chất, thấu đáo vấn đề đưa ra là công việc không dễ dàng; Thứ hai, còn thiếu đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp hiểu bản chất vấn đề, sự kiện để có thể lý giải một cách tường minh, đầy đủ, phổ thông những vấn đề mà công chúng đang quan tâm.

Đó cũng là những nguyên nhân của thực trạng chưa có nhiều nhà báo, cơ quan báo chí thực sự chú trọng thể loại chính luận phản bác, nhất là chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, dẫn đến “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”1.

2. Những hạn chế cần khắc phục và tín hiệu tích cực

Trong những năm qua, báo chí đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục:

Một là, thông tin trên báo chí còn mỏng, trùng lặp, thiếu tính hệ thống, dài hơi, chủ yếu là phản bác tức thời, sự vụ, gượng ép.

Hai là, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có mặt còn lạc hậu, bất cập, nhiều vấn đề mới chưa được luận giải kịp thời, khoa học, dẫn đến công tác đấu tranh còn thiếu cơ sở, có lúc, có nơi còn lúng túng, hiệu quả thấp; chưa gắn nghiên cứu lý luận với đấu tranh lý luận.

Ba là, thông tin đấu tranh phản bác còn thiếu chiều sâu, chưa có đầy đủ luận cứ, luận chứng, lý lẽ thuyết phục, tính bút chiến bằng lý luận chưa thực sự sắc bén.

Bốn là, đội ngũ người viết báo, cơ quan báo chí tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa nhiều, chưa tập trung, chưa được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chưa cập nhật những nội dung căn bản, thời sự, mới phát sinh thuộc phạm vi nền tảng tư tưởng của Đảng.

Năm là, chưa đạt được mục tiêu đấu tranh, phản bác nhằm đập tan những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá từ “gốc”, thậm chí gây phản tuyên truyền, khiến những thông tin xấu, độc có cơ hội phát tán rộng hơn, dẫn đến hệ lụy khôn lường... Đó chính là khoảng trống khá lớn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần được khắc phục một cách quyết liệt, kịp thời, hiệu quả.

Tín hiệu tích cực là trong hơn ba năm trở lại đây, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã có sự chuyển biến khá căn bản và toàn diện, nhất là khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định, đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ, thu hút sự quan tâm, đặc biệt chú trọng của các lĩnh vực, trong đó có báo chí - truyền thông. Bên cạnh việc chỉ rõ những thuận lợi, khó khăn, hệ thống giải pháp căn cơ, thiết thực cũng nhanh chóng được đưa ra.

Việc triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết số 35-NQ/TW bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nội dung Nghị quyết được lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, các cơ quan báo chí tăng cường đăng tải hệ thống bài viết về lĩnh vực này với các chuyên trang, chuyên mục cố định, thường kỳ. Nhiều cuộc thi báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được tổ chức, điển hình là Cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức); Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” (do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức). Bên cạnh đó, Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng), Giải Báo chí quốc gia thường niên luôn có những tác phẩm chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được vinh danh...

Mặc dù còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, song với quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cấp, bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí, với hệ thống giải pháp đồng bộ, có thể tin tưởng rằng, từ bước ngoặt Nghị quyết số 35-NQ/TW, trong thời gian tới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, trên cơ sở lan tỏa rộng rãi về quy mô và sự nỗ lực nâng cao chất lượng nội dung bài viết. Qua đó, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 91.

PGS, TS. ĐOÀN MINH HUẤN

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin