1. Thực trạng văn học, nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua
Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế, đời sống văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến lớn, diễn ra ngày càng sôi động, tích cực, vừa phát triển bề rộng, vừa đi vào chiều sâu, đạt được những thành quả bước đầu đáng khích lệ.
Một là, công tác bảo tồn và phát huy đối với các di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh luôn được thành phố quan tâm lãnh đạo thông qua việc ban hành các đề án, kế hoạch như: Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020; Kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố đến năm 2025; duy trì thường xuyên thực hiện chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng như hoạt động sáng tác lời mới cho các bài Đờn ca tài tử. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn được UNESCO ghi danh du nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh như: Hát Ca trù, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Dân ca Ví Dặm Nghệ Tĩnh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ …
Thành phố đã có những chỉ đạo thiết thực trong việc đưa trình diễn giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, dân gian phù hợp với từng lứa tuổi học sinh, sinh viên và thực hiện có hiệu quả việc quảng bá trong hệ thống các trường phổ thông; hướng dẫn một số kỹ năng về nghệ thuật truyền thống cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục các bộ môn nghệ thuật, góp phần vào việc bồi đắp kiến thức, tình yêu nghệ thuật dân tộc và nuôi dưỡng tính chân, thiện, mỹ cho thế hệ trẻ. Chỉ đạo phát huy nguồn tài nguyên nghệ thuật truyền thống, dân tộc phục vụ các hoạt động tìm hiểu, xây dựng các sản phẩm nghệ thuật hướng đến khai thác yếu tố du lịch trên địa bàn thành phố.
Thành phố đã xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ người dân ngoại thành cũng như các chương trình nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa; bố trí nguồn ngân sách thường xuyên cho các hoạt động kiểm kê, biểu diễn, tuyên truyền, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ hoạt động, cũng như tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Nghệ thuật Đờn ca tài tử tại địa phương nói riêng.
Hai là, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố luôn được quan tâm tổ chức. Nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị lớn được xây dựng quy mô, đặc sắc, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần nâng cao công tác tuyên truyền và mang lại những dấu ấn văn hóa riêng của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sỹ ở các vùng biên giới, hải đảo và kiều bào ở nước ngoài, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường gắn kết tình quân, dân keo sơn, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Các đơn vị nghệ thuật công lập trên địa bàn thành phố cùng với sự tham gia của các sân khấu, đơn vị nghệ thuật ngoài công lập trong từng giai đoạn đã không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và vui chơi giải trí trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú nhằm đưa các tác phẩm đạt giải thưởng đến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống con người thành phố, đây là một trong những hoạt động góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.
Ba là, với quan điểm đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển văn học, nghệ thuật của thành phố, thành phố đã tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động sáng tạo và có sự quản lý nhà nước chặt chẽ qua đó các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã mang đến cho công chúng thành phố những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu giải trí lành mạnh cho người dân, một số chương trình do các doanh nghiệp nghệ thuật thực hiện thu hút công chúng và tạo được ấn tượng tốt... Bên cạnh đó các đơn vị nghệ thuật công lập đã khẳng định vai trò, chất lượng nghệ thuật khi đầu tư thực hiện các chương trình được định hướng gắn công tác bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống trong môi trường hoạt động du lịch cũng được thể nghiệm và bước đầu có tín hiệu đáng mừng, được công chúng đón nhận.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng được quan tâm khuyến khích nỗ lực đầu tư các tác phẩm mang những dấu ấn riêng, tuy nhiên cách thức tổ chức thường là tập hợp một số nghệ sĩ theo dự án, vở diễn và chọn xây dựng thương hiệu phần lớn là đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khán giả; một số doanh nghiệp đạt những thành công nhất định nhưng đa số các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn về các mặt kịch bản, diễn viên, doanh thu, địa điểm biểu diễn...
Bốn là, công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật đã có nỗ lực đáng ghi nhận, từng bước khắc phục những hạn chế, khó khăn; có nhiều cố gắng bám sát thực tiễn, góp phần phát hiện, khẳng định cái hay, cái đẹp; kịp thời phê phán các khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn học, nghệ thuật. Các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành đều có Ban lý luận, phê bình góp phần trong việc đánh giá, phân tích tình hình văn học, nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Năm là, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện nhân tài luôn được thành phố coi trọng và đã ban hành những văn bản cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTrHĐ/TU, ngày 16/3/2011 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND, ngày 14/5/2011 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 và Quyết định số 410/QĐ-UBND, ngày 22/01/2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành Kế hoạch số 4712/KH-VHTTDL-TCCB, ngày 27/10/2010 về quy hoạch phát triển nhân lực thời kỳ 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 và Kế hoạch số 1792/KH-SVHTTDL, ngày 14/4/2014 về thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng năng khiếu, nhân tài lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao năm 2014 và định hướng những năm tiếp theo, với nhiều giải pháp thiết thực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực ngắn hạn, dài hạn cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ, đạo diễn kinh phí từ chương trình nguồn nhân lực của thành phố nhằm tăng cường phát hiện, tuyển chọn, đào tạo tài năng trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, xây dựng lực lượng này trở thành những chuyên gia ở các lĩnh vực trên. Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội phương thức đào tạo truyền nghề kết hợp với đào tạo chính quy cũng đã đem lại kết quả khả quan.
Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu huy động và sử dụng hợp lý các nguồn lực văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, năng lực sáng tạo, kết hợp với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật và dịch vụ văn hóa đa dạng, xây dựng thị trường văn hóa nghệ thuật, nhất là lĩnh vực thế mạnh của thành phố như: ca nhạc, phim ảnh, thời trang nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật trong nhân dân thành phố, hướng ra các tỉnh, thành bạn và giới thiệu ra nước ngoài. Riêng về phát triển nguồn nhân lực ngành nói chung và đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng, ngay sau Đại hội X Đảng bộ thành phố, thành phố đã ban hành một số văn bản thể hiện rõ sự quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; qua đó góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, cán bộ trực tiếp chỉ đạo, quản lý lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật của thành phố. Thành phố chưa xây dựng được những công trình trọng tâm lớn cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tương xứng với vị thế của thành phố, các thiết chế văn hóa của thành phố chưa phát huy hết công năng, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của một đô thị lớn, hiện đại. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng nhiều song còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ và giá trị. Một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt giải thưởng cấp thành phố, cấp quốc gia và kể cả quốc tế nhưng tính lan tỏa trong cộng đồng không cao. Chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ chưa phù hợp, chưa tạo được sức hút, “giữ chân” các tài năng. Công tác phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập nhất là những bộ môn truyền thống. Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư để phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có mặt còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu hậu kiểm. Việc chấn chỉnh, khắc phục những lệch lạc, sai sót trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn có lúc chưa kịp thời, những hoạt động biến tướng chậm bị phát hiện. Một bộ phận cán bộ tham mưu, quản lý chưa có chuyên môn sâu về văn học, nghệ thuật nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp.
Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Việc đào tạo các cử nhân về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn rất khiêm tốn và chương trình giảng dạy còn nhiều sự bất cập. Đội ngũ lý luận, phê bình vừa thiếu, vừa bị hụt hẫng thế hệ kế cận, phân bổ không đều ở các ngành nghệ thuật. Không còn chuyên khoa đào tạo lĩnh vực lý luận, phê bình ở các trường văn học, nghệ thuật; các chế độ đãi ngộ và cơ chế hỗ trợ đối với lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn hạn chế dẫn đến chưa khuyến khích, động viên đúng mức đối với đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Một số hội văn học, nghệ thuật chậm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chưa bắt kịp xu thế của thời đại. Công tác phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trong giới thiệu, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật còn hạn chế. Nhiều bất cập trong việc tập hợp và phát huy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ. Công tác quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đoàn, vào Đảng những văn nghệ sĩ trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đời sống văn hóa tinh thần, việc thưởng thức văn học, nghệ thuật của người dân khá đầy đủ, tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa tiếp cận được những định hướng thẩm mỹ nghệ thuật mang giá trị cao, chưa giới thiệu được đến người dân những tác phẩm mang tính tư tưởng và nghệ thuật, một bộ phận người dân còn nhầm lẫn giữa giá trị nghệ thuật và giải trí. Môi trường văn hóa có nơi vẫn còn những biểu hiện thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục.
2. Giải pháp tiếp tục phát triển văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”1. Để tiếp tục phát triển văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố, góp phần thực hiện định hướng Đại hội XIII đề ra, cần chú trọng một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm; cải tạo, nâng cấp các nhà hát đạt tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích hữu hiệu để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật. Khắc phục các hạn chế về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những lệch lạc, sai sót trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn.
Hai là, nghiên cứu tăng mức đầu tư ngân sách cho hoạt động sáng tác, dàn dựng, quảng bá tác phẩm trên các lĩnh vực văn học - nghệ thuật nhằm xây dựng các sản phẩm nghệ thuật có tính giáo dục, giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao và mang hơi thở thời đại; có chế độ, chính sách phù hợp dành cho văn nghệ sĩ tạo sức hút, “giữ chân” các tài năng, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ đóng góp, cống hiến tài năng vì sự nghiệp phát triển văn hoá bền vững của thành phố trong thời kỳ hội nhập. Chú trọng phát hiện các tài năng trẻ để đưa vào nguồn đào tạo, bồi dưỡng. Tuyển chọn cán bộ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, cần ưu tiên chọn người có năng khiếu, tâm huyết để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực.
Ba là, từng bước đổi mới mô hình, phương thức hoạt động của các hội văn học nghệ thuật; phát huy tiềm năng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hội chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo các hội trong việc nâng cao nhận thức về tính chất đặc thù của hội; tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.
Bốn là, quan tâm công tác đào tạo cử nhân về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; có chế độ đãi ngộ và cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, khuyến khích, động viên đối với đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thành phố. Quan tâm bồi dưỡng, kết nạp vào Đoàn, vào Đảng những văn nghệ sĩ trẻ tuổi.
Năm là, nghiên cứu từng bước triển khai có hiệu quả các nội dung trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành phố giai đoạn 2020 - 2030 đảm bảo mục tiêu chung là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân thành phố; góp phần quảng bá hình ảnh, con người thành phố; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nước nhằm tăng cường sự liên kết và làm phong phú thêm hoạt động nghệ thuật của thành phố.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 115-116.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU, ngày 23/12/2008 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
2. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020.
3. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU, ngày 23/12/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy.
HÀ QUỐC CƯỜNG
Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh