Quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La

CT&PT - Văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nội dung cấu thành văn hóa quốc gia, có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, tỉnh Sơn La đã chủ động thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan tới công tác quản lý nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Sơn La trong thời gian qua.

Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới ở vùng Tây Bắc; có kho tàng di sản văn hóa phong phú và độc đáo của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển. Mỗi dân tộc đều chứa đựng đời sống sinh hoạt văn hóa tiềm ẩn trong phong tục, tập quán, lễ hội đa dạng, mang những nét đặc trưng được duy trì và phát triển tạo nên bức tranh văn hóa các dân tộc đa sắc màu. Những năm qua, Sơn La đã chú trọng công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Thời gian vừa qua, các di sản văn hóa của tỉnh đã đóng góp nhiều giá trị cho công tác nghiên cứu lịch sử, khoa học, mỹ thuật và giáo dục truyền thống. Tỉnh đã nghiên cứu, tìm hiểu và phát triển 7 loại hình văn hóa dân tộc, bao gồm: Tiếng nói; chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian của 9 dân tộc trên địa bàn là Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng; từ đó lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa của các dân tộc trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Xòe Thái; nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục Mông, Dao; nghệ thuật khèn dân tộc Mông; Mo Mường; chữ viết cổ dân tộc Thái và các lễ hội truyền thống, nghi lễ, tập quán xã hội tín ngưỡng của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh đã tích cực thực hiện các công tác bảo tồn, duy trì và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số qua các lễ hội văn hóa của đồng bào mang đậm bản sắc dân tộc, làm say đắm lòng người. Đó là lễ hội Hoa Ban, Lễ hội cầu phúc, cầu mùa, là điệu xòe, tung còn tìm bạn của người Thái, Lễ hội Xên Pang Ả, Mương A Ma của dân tộc Xinh Mun, là lời xa, tiếng hát bên ché rượu cần nồng say, là tiếng khèn đêm trăng gọi bạn tình của người Mông, người Khơ Mú,... khiến cho các hoạt động văn hóa ngày càng khởi sắc, tạo sự náo nhiệt, không khí văn hóa sôi động trong các ngày lễ.

Chính bởi tầm quan trọng của văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhằm bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa, các cấp chính quyền tỉnh Sơn La đã đặc biệt quan tâm, giúp đỡ thông qua công tác quản lý nhà nước về văn hóa bằng nhiều hình thức, hoạt động đa dạng. Trước hết, đó là công tác xây dựng, ban hành theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh về các quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch quản lý văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó có thể kể đến: Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 02/10/2019 về việc ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát huy di sản văn hóa trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 - 2025; Kết luận số 335-KL/TU 26/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch số 299/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030” nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như bảo tồn và phát huy các di sản, các công trình văn hóa dân tộc thiểu số có giá trị tiêu biểu quốc gia.

Để ngày càng phát huy tốt hơn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã xây dựng và sử dụng nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh, xác định là yếu tố quan trọng và cần được đầu tư, nhất là nguồn nhân lực - chính là cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa, những văn, nghệ sĩ các dân tộc, người có uy tín trong tỉnh là lực lượng đóng góp to lớn trong việc tuyên truyền, truyền bá và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Toàn tỉnh hiện có nhiều nghệ nhân của tỉnh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu, trong đó có 02 Nghệ nhân Nhân dân; 34 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hơn 70 Nghệ nhân Dân gian với hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển tại cơ sở. Đây chính là những nhân tố hoạt động văn hóa tích cực, luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, đoàn kết, hăng say nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật, góp phần truyền dạy, phát triển những nét văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa thông qua hoạt động tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Song song với đó là thường xuyên thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch nhân sự nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ văn hóa các dân tộc thiểu số, báo cáo đánh giá tác động văn hóa, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ văn hóa các dân tộc thiểu số, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ văn hóa các dân tộc thiểu số theo thẩm quyền qua các hội nghị, hội thảo và báo cáo đánh giá các hoạt động văn hóa của các sở, ban, ngành để hoạt động văn hóa được duy trì và phát triển bảo đảm sự bền vững giá trị truyền thống. Tiêu biểu như: “Khảo sát sưu tầm lễ hội dân tộc Mông tỉnh Sơn La”; “Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái trong quá trình hội nhập quốc tế”; “Bảo tồn di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La”,... và Nghệ thuật Xòe Thái chính là kết quả cho sự thành công của việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc của tỉnh khi được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại,... Từ đó để văn hóa các dân tộc Sơn La phát triển đúng hướng, gạt bỏ những biểu hiện văn hóa lai căng không phù hợp, chọn lọc, bảo tồn những giá trị văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp, nghiên cứu và xây dựng những nét văn hóa mang tính cộng đồng và nhân văn.

Bên cạnh những kết quả được, công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống chính sách văn hóa đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn chưa phù hợp, còn thiếu sự đồng bộ; các chính sách bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trong một số lĩnh vực chưa được định hướng và thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc còn hạn chế, chưa thực sự thu hút được nguồn đầu tư từ bên ngoài mà chủ yếu dựa vào nguồn vốn nhà nước. Một bộ phận không nhỏ các sở, ban, ngành nhận thức chưa đúng và đủ về vai trò của văn hóa các dân tộc thiểu số; đội ngũ cán bộ còn thiếu và trẻ nên hoạt động văn hóa gặp nhiều khó khăn; các văn, nghệ sĩ và người có uy tín người dân tộc thiểu số ngày càng giảm về số lượng và chưa được quan tâm và hưởng đãi ngộ thỏa đáng.

Từ thực tiễn đã đưa ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cần tiến hành một số giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Thực tiễn chỉ ra, khi nào, ở đâu cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức nhận thức toàn diện, đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của công tác quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số thì vấn đề này mới được quan tâm đúng mức và có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả của văn hóa các dân tộc thiểu số. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định, kỷ cương về văn hóa các dân tộc thiểu số; quản lý và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ thực hiện quản lý văn hóa. Tạo điều kiện phát huy tiềm năng của đội ngũ tri thức có kinh nghiệm, kết hợp có hiệu quả tính năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ, ứng phó kịp thời với các đề tài về quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện quản lý về văn hóa đồng bào dân tộc.

Hai là, tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục về văn hóa dân tộc thiểu số và quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc thiểu số

Công tác tuyên truyền đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ quan trọng mà cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc thực hiện bởi đây là nội dung có sự tác động lâu dài đến người dân về vai trò của công tác văn hóa dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Do đó, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép thông tin trong các chương trình tiếng dân tộc trên đài phát thanh truyền hình của tỉnh. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác giáo dục truyền thống, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể truyền thống qua việc sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân gian các dân tộc và lan truyền vai, truyền khẩu, truyền tay,...

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Sơn La, cấp ủy cấp huyện, cấp ủy cấp xã đối với chính quyền cùng cấp trong thực hiện quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La

Tỉnh ủy Sơn La là cơ quan lãnh đạo chính trị quan trọng nhất tại địa phương, có vai trò đề ra đường lối, chính sách chiến lược và định hướng phát triển toàn diện cho tỉnh, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy sẽ quyết định các chương trình, đề án liên quan đến bảo tồn văn hóa, từ đó tạo khung chính sách cho các cấp dưới thực hiện. Các cấp ủy cấp huyện, xã đóng vai trò triển khai các chỉ đạo của Tỉnh ủy vào thực tế địa phương, vì họ hiểu rõ tình hình đặc thù của từng khu vực, cộng đồng. Sự lãnh đạo cấp ủy giúp bảo đảm rằng các chương trình, dự án về bảo tồn văn hóa được thực hiện đúng mục tiêu, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đồng thời giúp tránh tình trạng mỗi cấp thực hiện khác nhau, gây ra sự thiếu đồng bộ và không hiệu quả trong quản lý văn hóa. Sự chỉ đạo đồng bộ từ trên xuống dưới giúp các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển văn hóa được triển khai đúng kế hoạch, đúng đối tượng và mang lại hiệu quả thực sự, từ đó giúp bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Sơn La.

Bốn là, tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng và các tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư trong quản lý nhà nước về văn hóa các dân tộc thiểu số

Tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân để triển khai kế hoạch tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là chú trọng đến chất lượng các sản phẩm, các nghệ nhân văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận cơ sở cần xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số sao cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tình hình mới; xác định chính xác những thuận lợi và khó khăn của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trước những biến động xã hội; xác định mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy, phát triển giá trị di sản văn hóa trong mối tương quan với phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, không kém phần quan trọng và bức thiết là tuyên truyền, giáo dục cho người dân có một nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa dân tộc với việc tiếp nhận văn hóa nước ngoài. Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cần tiếp tục ban hành quyết định hỗ trợ các khu, điểm, bản xây dựng chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian dân tộc; xây dựng chương trình lễ hội truyền thống dân tộc; bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống dân tộc; hỗ trợ cá nhân, tập thể có sáng kiến xây dựng sản phẩm độc đáo.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cần tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ để đánh giá việc thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại các địa phương. Việc kiểm tra này sẽ giúp phát hiện các vấn đề như không thực hiện đúng kế hoạch, thiếu sót trong quá trình triển khai, hoặc sử dụng sai mục đích nguồn vốn đầu tư cho các dự án bảo tồn. Những dự án như bảo tồn lễ hội truyền thống, xây dựng làng văn hóa, hoặc hỗ trợ phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống cần được giám sát chặt chẽ về tiến độ và chất lượng. Sự giám sát này sẽ giúp bảo đảm rằng các dự án mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng và không bị lãng phí nguồn lực. Đồng thời công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh đến huyện, xã sẽ tạo tác động tích cực cho các cơ quan quản lý văn hóa ở cấp địa phương, giúp họ nâng cao trách nhiệm trong việc thực thi các chính sách về văn hóa các dân tộc, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong việc phát triển các giá trị văn hóa dân tộc; bảo đảm rằng không có hiện tượng "lơ là" hay "làm qua loa" trong việc thực hiện các chính sách. Kết quả của công tác thanh tra, kiểm tra là cơ sở để đánh giá hiệu quả và tạo niềm tin cho nhân dân địa phương và các đối tác phát triển về nỗ lực bảo tồn văn hóa của tỉnh Sơn La.


VŨ THU HUYỀN

Học viên Cao học Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước K28.2A

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin