Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã tại Việt Nam hiện nay

CT&PT - Chính quyền cấp xã là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương theo thẩm quyền được phân cấp, bảo đảm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được triển khai thực hiện trong cuộc sống. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền cơ sở cũng như trong hoạt động thi hành công vụ. Trên cơ sở phân tích khái niệm, đặc điểm và vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã ở Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ này trong thời gian tới.

1. Khái niệm và đặc điểm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã

Theo khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định: “Cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”.

Trên cơ sở khái niệm về cán bộ cấp xã, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đưa ra khái  niệm: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã là tập hợp những cán bộ đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của hệ thống chính trị cấp xã và tương đương, có quyền quyết định, chi phối việc lãnh đạo, quản lý điều hành thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng vai trò then chốt trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã có một số đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã là những người thực thi công vụ của mình ở cấp xã. Công vụ là một loại hoạt động mang tính “quyền lực - pháp lý được thực thi bởi đội ngũ cán bộ nhà nước hoặc những người khác khi Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt hoạt động của đời sống xã hội”. Người cán bộ được trao quyền thực thi công vụ, trong khi đó, họ có bổn phận phục vụ xã hội, công dân và chịu những ràng buộc nhất định do liên quan đến chức trách đang đảm nhiệm. Họ có thể phải từ chức, bị truy cứu trách nhiệm hoặc phải bồi thường thiệt hại nếu không hoàn thành nhiệm vụ, sai phạm, làm tổn hại lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã “được Nhà nước đảm bảo các điều kiện cần thiết, quyền lợi chính đáng để có khả năng và yên tâm thực thi nhiệm vụ”. Để thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã được Nhà nước cung cấp các điều kiện cần thiết để tiến hành thực thi nhiệm vụ như: trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc… Họ được bảo đảm các quyền lợi về vật chất và tinh thần như: hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương xứng với chức trách và công việc được giao, các loại trợ cấp, phụ cấp bằng tiền hoặc hiện vật, và được nhận lương hưu khi đủ thời gian cống hiến cho nền công vụ, được khen thưởng khi có công lao xứng đáng.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã hầu hết là “người địa phương, sinh sống tại địa phương, có quan hệ dòng tộc và gắn bó mật thiết với nhân dân”. Do đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã luôn chịu tác động của các mối quan hệ đan xen phức tạp: vừa là người đại diện cho quyền lực của Nhà nước tại địa phương, vừa là người dân cùng làng, cùng phố, cùng họ tộc... Những mối quan hệ đó vừa có sự thống nhất, vừa mâu thuẫn và có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công vụ. Mặt khác, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã thường có tư liệu sản xuất riêng như: ruộng đất, phương tiện, máy móc... Họ có thể tham gia làm kinh tế phụ gia đình, kinh tế tập thể, vì vậy, ngoài thu nhập từ lương, phụ cấp do Nhà nước chi trả, họ có thể có thêm các khoản thu nhập khác.

Thứ tư, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã tương đối đa dạng và phức tạp. Cấp xã là nơi trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân. So với các cấp quản lý khác (Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), quy mô của cấp xã nhỏ hơn, song các vấn đề thường phức tạp hơn, do mỗi người dân lại có nhu cầu, hoàn cảnh, lợi ích khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã phải có trình độ chuyên môn, am hiểu thực tế và có kinh nghiệm giải quyết những tình huống khác nhau.

2. Vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã

Thứ nhất, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã là đại diện cho nhân dân trong lãnh đạo, quản lý Nhà nước ở địa phương, đồng thời là người trực tiếp lãnh đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Họ có mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với quần chúng nhân dân, trực tiếp giải quyết các tình huống phát sinh tại cơ sở. Họ rất am hiểu đặc điểm tình hình địa phương, thấu hiểu  nguyện vọng, tâm tư của người dân. Cán bộ công chức cấp xã là những người người trực tiếp phổ biến, giải thích các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để người dân hiểu rõ và thi hành.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, giữ vững sự ổn định và phát triển chung của toàn tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Họ không chỉ là những người quản lý mà còn là những người định hình chiến lược và triển khai chính sách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, và xã hội tại địa phương.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng và  củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở tại địa phương. Họ là những trụ cột, giúp đoàn kết, sắp xếp, tổ chức, tập hợp lực lượng, đóng vai trò quyết định đối với năng lực lãnh đạo cũng như sức chiến đấu của đảng bộ cơ sở, hiệu quả quản lý của chính quyền và hoạt động của các đoàn thể quần chúng tại địa phương.

Thứ năm, cán bộ lãnh đạo cấp xã là một trong những nguồn quan trọng để lựa chọn, bổ sung phát triển đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, cấp tỉnh. Họ là những người được rèn luyện trong môi trường thực tiễn ở cơ sở, có kiến thức thực tế và bề dày kinh nghiệm, năng động, nhanh nhạy trong xử lý công việc, gần gũi với nhân dân. Thực tế cho thấy, đa số cán bộ đã từng trải qua chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, nên khi được bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo ở cấp huyện, cấp tỉnh luôn thể hiện được bản lĩnh, sự nhạy bén, sáng tạo trong giải quyết công việc và có chiều hướng phát triển tốt. Trong khi đó, một số cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo nhưng chưa kinh qua cấp cơ sở, dẫn đến tchậm thích nghi và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

3. Một số giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã

Để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã ở Việt Nam trong thời gian tới, cần chú trọng thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản.

Một là, tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng . Các cấp ủy, ban, ngành phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, nội dung, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã. Theo phạm vi, quyền hạn được phân công, có sự phối hợp chặt chẽ, bảo đảm tham mưu trúng, đúng nội dung, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã.

Để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, cần đẩy mạnh các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, giúp mọi người có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã. Đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt các quan điểm của Đảng, nghị quyết của cấp ủy các cấp, bảo đảm nắm vững phương hướng, mục tiêu, yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã gắn với củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Kết hợp giữa giáo dục chính trị với sinh hoạt tư tưởng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, đặc biệt là với cán bộ chủ trì các cấp, làm cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện và các ban, ngành, đoàn thể có nhận thức đúng, nêu cao ý thức trách nhiệm đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã.

Hai là, quy hoạch tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã phải căn cứ vào mục tiêu, tiêu chuẩn, cơ cấu tổ chức của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã. Trước hết, cần căn cứ vào việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị và phương hướng vận động, phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn các tỉnh, từ đó có quy hoạch phù hợp, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ. Thứ hai, cần nắm vững mục tiêu, tiêu chuẩn cán bộ, cơ cấu và tổ chức của bộ máy chính quyền cấp xã để xác định phạm vi, đối tượng quy hoạch cán bộ, từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch từng loại đến quy hoạch từng chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã. Phấn đấu mỗi chức danh chủ chốt của cấp xã đều có từ hai đến ba người dự bị thay thế; đối với các chức danh chuyên môn, cần được lựa chọn  và đào tạo kỹ lưỡng, một cán bộ được quy hoạch có thể dự nguồn từ hai đến ba chức danh.

Việc quy hoạch cán bộ phải bảo đảm đồng bộ, khoa học, dân chủ, công khai, thực hiện “động” và “mở”; một chức danh được quy hoạch cho nhiều cán bộ, một cán bộ có thể quy hoạch cho nhiều chức danh. Hằng năm, tổ chức rà soát lại quy hoạch cán bộ đã xây dựng để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nhân tố mới. Quy hoạch phải bảo đảm để đội ngũ cán bộ có tính kế thừa, liên tục và phát triển, đảm bảo cơ cấu hợp lý.

Ba là, làm tốt công tác điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, tạo cơ sở cho công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ thực sự khoa học. Đánh giá cán bộ là vấn đề hết sức quan trọng trong công tác cán bộ, không chỉ quyết định  việc bố trí, sử dụng cán bộ đúng hay sai, mà còn ảnh hưởng đến tâm tư cán bộ, dư luận và sự đoàn kết của tập thể, nội bộ. Có thể nói đánh giá cán bộ là khâu khó nhất trong công tác cán bộ.

Tiến hành điều tra, khảo sát nhằm đánh giá chính xác số lượng, trình độ, năng lực, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ chủ chốt cấp xã; xác định khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như những bất cập trong chế độ, chính sách của Nhà nước đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, từ đó xác định giải pháp và nhu cầu cụ thể để tiến hành quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bố trí cán bộ.

 Ngoài ra, để tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã có tính khả thi, cần có phương pháp, cơ chế phát hiện cán bộ giỏi, phát hiện nhân tài; công khai tuyển dụng cán bộ để tạo cơ hội cho nhiều người, đồng thời để có nguồn phong phú; tuân thủ chặt chẽ quy trình xem xét, lựa chọn cán bộ dự bị, kế cận để bảo đảm nguồn đáp ứng về trình độ, năng lực. Đồng thời,kịp thời ban hành chính sách thu hút, khuyến khích, đãi ngộ và đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Bốn là, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã, nhất là nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ,  đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới hiện nay. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp xã bảo đảm phù hợp với chức danh, vị trí việc làm và đặc thù của các xã, phường, thị trấn.

Quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ, công chức như trường chính trị tỉnh,  trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học tập của cán bộ, công chức; xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu và kiêm chức đủ trình độ để tham gia giảng dạy theo phương pháp tích cực, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

Đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã. Liên kết chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài địa phương để mở rộng và đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng của cán bộ.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích, đãi ngộ, động viên những cán bộ lãnh đạo cấp xã có ý thức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ ở các địa bàn xa địa điểm đào tạo, bồi dưỡng để các khóa đào tạo, bồi dưỡng đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Cao Khoa Bảng (Chủ biên):  Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của hệ thống chính trị cấp tỉnh, thành phố (qua kinh nghiệm của Hà Nội), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008.

2. Luật Cán bộ, công chức năm 2008.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

4. Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn.

ThS. TRƯƠNG VƯƠNG KHÁNH

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

 

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin