Những vấn đề về môi trường trong sáng kiến “Vành đai và con đường”

Trần Ngọc Anh

Sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc được xem là sáng kiến có ý nghĩa xuyên thế kỷ, có thể đem lại triển vọng lớn đối với thương mại toàn cầu trong tương lai. Song, bên cạnh kỳ vọng đó, sáng kiến này cũng có thể thúc đẩy sự suy thoái môi trường vĩnh viễn. Do đó, cần có sự đánh giá mang tầm chiến lược và quốc tế về tác động của nó đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, trong đó có xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường ở cả hiện tại và tương lai.

Năm 2013, Trung Quốc khởi động sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) - một sáng kiến đầy tham vọng, ảnh hưởng lớn đến tương lai thương mại toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến này liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của các tuyến thương mại giữa và trong các khu vực này, có sự tham khảo “Con đường tơ lụa” trong lịch sử, song với quy mô lớn hơn nhiều.

Hiện nay, cùng với việc xây dựng một “con đường” mang lại lợi ích lớn về kinh tế, các quốc gia cần tính toán kỹ lưỡng để đưa ra các phương án nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến môi trường, từ đó bảo đảm sự phát triển bền vững.

Theo Chính phủ Trung Quốc, có ít nhất 64 quốc gia dự kiến sẽ tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường”, chiếm khoảng ⅔ dân số thế giới và ⅓ nền kinh tế toàn cầu1. BRI liên quan đến việc mở rộng cơ sở hạ giao thông trên đất liền (“Vành đai kinh tế”, “Con đường tơ lụa”), cùng với sự phát triển các cảng mới ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương (“Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI”) (Hình 1). Các cơ sở hạ tầng này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho “dòng chảy thương mại” trong khu vực và liên lục địa, đồng thời gia tăng nguồn cung cấp dầu khí.

Các dự án cốt lõi kết nối Trung Quốc với các khu vực khác bao gồm: đường ống dẫn dầu và khí đốt tới Nga, Kazakhstan và Myanmar; mạng lưới đường sắt đến Hà Lan; đường sắt cao tốc đến Singapore. Các cơ sở hạ tầng lớn khác nhằm kết nối các khu vực bên ngoài Trung Quốc gồm: đường cao tốc nối Peshawar và Karachi ở Pakistan; tuyến đường sắt giữa Nairobi và Mombasa; tuyến đường sắt điện đầu tiên nối Addis Ababa với Djibouti (Hình 1). Mục tiêu của BRI là thúc đẩy hợp tác hòa bình và phát triển chung trên toàn thế giới, hướng tới một hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu, hội nhập sâu của thị trường vì sự phát triển đa dạng, độc lập, cân bằng và bền vững.

hanh-lang-thuong-mai-chinh-1684230499.png
Hình 1: Hành lang thương mại chính (“Vành đai kinh tế”, “Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa hàng hải thế kỷ XXI”; một số cơ sở hạ tầng và cảng quan trọng nhất được xây dựng hoặc lên kế hoạch đầu tư của Trung Quốc vào BRI, Giá trị môi trường được thể hiện bằng màu trắng (màu đen tương ứng với nhiều giá trị hơn), tích hợp dữ liệu về đa dạng sinh học trên cạn, môi trường sống chủ yếu, môi trường hoang dã và dịch vụ môi trường.

1. Những nguy cơ, thách thức về môi trường trong quá trình thực hiện sáng kiến “Vành đai và con đường”

Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, nếu sáng kiến “Vành đai và con đường” được thiết lập, sẽ kiến tạo mạng lưới kinh tế, thương mại bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, kết nối hơn 20 nước dọc theo “Con đường” đi qua, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 21 nghìn tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại lên đến 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ, cũng như liên kết với các thị trường đang nổi, có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Không những thế, các khu vực mà “Con đường” đi qua đều có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng, là những khu vực giàu tài nguyên, trung tâm an ninh của khu vực và thế giới2.

Mặc dù có nhiều ưu việt, song mục tiêu phát triển kinh tế của BRI xung đột với mục tiêu phát triển bền vững môi trường, do việc mở rộng và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông trong các khu vực có tác động tiêu cực đối với môi trường. Tuy nhiên, những thách thức này có thể trở thành cơ hội cho công tác quản lý môi trường, nếu Trung Quốc và các đối tác của mình phát triển BRI trong khuôn khổ Đánh giá môi trường và xã hội chiến lược (SESA) với các tiêu chuẩn môi trường cao. Điều này ảnh hưởng lớn đến cách thức tác động môi trường được đánh giá trên toàn thế giới, đồng thời tác động đến quan điểm của Trung Quốc về xã hội sinh thái3.

Xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối các vùng bị cô lập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là vô cùng cần thiết. Song, việc quy hoạch và xây dựng tại các khu vực có giá trị môi trường cao có thể sẽ tác động đáng kể đến đa dạng sinh học: sự gia tăng tỷ lệ tử vong của động vật hoang dã, sự hạn chế trong di chuyển của các loài động vật, sự ô nhiễm (hóa chất, tiếng ồn, ánh sáng) và sự lây lan của các loài xâm lấn. Trong các khu rừng nhiệt đới, việc mở lối đi mới và xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tiếp cận các vùng xa xôi, hẻo lánh sẽ làm gia tăng tình trạng khai thác, săn bắt bất hợp pháp và gia tăng nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, việc phát triển trong nội địa, xây dựng các cảng mới, làm thêm các tuyến đường bộ và đường dây điện, mở rộng mạng lưới giao thông sẽ khiến môi trường sống của các loài sinh vật bị thu hẹp, đồng thời làm gia tăng tình trạng khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và suy thoái cảnh quan xung quanh. Hiện nay, những tác động tiêu cực trên đã ở mức báo động tại một số khu vực và sẽ tiếp tục làm suy giảm hệ sinh thái, thậm chí đẩy một số hệ sinh thái vượt khỏi giới hạn cho phép.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã tiến hành phân tích tác động từ sự chồng chéo giữa các hành lang BRI được đề xuất và các khu vực quan trọng đối với đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên4. Theo đó, các hành lang này trùng với phạm vi 265 loài sinh vật bị đe dọa, trong đó có 39 loài bị đe dọa nghiêm trọng và 81 loài đang bị đe dọa; đồng thời trùng với 1.739 khu vực bảo tồn những loài chim quan trọng hoặc các khu vực đa dạng sinh học trọng điểm, 46 điểm nóng đa dạng sinh học và 200 vùng sinh thái toàn cầu. Có thể thấy, hậu quả của việc phát triển kết cấu hạ tầng là sự tác động ngày càng nghiêm trọng đến môi trường. Hơn nữa, khu vực được bảo vệ dọc theo các hành lang BRI cũng có nguy cơ bị hạ cấp, giảm kích thước và không được bảo vệ pháp lý (thoái hóa)5.

Ngoài ra, xây dựng kết cấu hạ tầng BRI sẽ gia tăng việc khai thác và sử dụng nguyên liệu thô (cát, đá vôi và các nhiên liệu hóa thạch) để sản xuất bêtông và ximăng. Khai thác cát vượt quá tỷ lệ bồi đắp tự nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái. Bên cạnh đó, việc đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng đường ống sẽ làm gia tăng tốc độ khai thác dầu khí, khiến thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời làm gia tăng tình trạng phát thải khí nhà kính. Mặc dù vận chuyển qua BRI là con đường vận tải tiết kiệm năng lượng nhất, song vận tải vẫn là ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất6.

Như vậy, mặc dù BRI nhằm mục đích mang lại lợi ích cho người dân, song nó cũng tác động tiêu cực đối với môi trường, về lâu dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội. Tiền đề cơ bản trong chiến lược phát triển là bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, đó là điều kiện đồng thời, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục theo thời gian7.

2. Biến thách thức thành cơ hội để xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường

Trong quá trình thực hiện, sáng kiến “Vành đai và con đường” đứng trước một số thách thức lớn: Một là, số lượng lớn các quốc gia, tổ chức và tư nhân tham gia vào BRI có thể là trở ngại chính đối với sự thay đổi mô hình được đề xuất theo hướng lập kế hoạch chặt chẽ và chủ động về môi trường. Hai là, các đơn vị tài trợ đa dạng (bao gồm các ngân hàng được Chính phủ Trung Quốc kiểm soát trực tiếp; các ngân hàng đa phương và tư nhân; các nhà đầu tư là tổ chức và doanh nghiệp tư nhân).

Các chủ thể chính trong BRI dựa vào SESA để điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với các đặc điểm riêng của từng khu vực. SESA đòi hỏi các bên của BRI sớm phối hợp trong quy trình lập kế hoạch, tư vấn công bằng và toàn diện, xác định những lựa chọn thay thế đáng tin cậy và các chiến lược giám sát chặt chẽ. Công việc này cần được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức toàn cầu về môi trường và khoa học. Các đối tác BRI cũng có thể đề xuất với SESA về sáng kiến bảo tồn địa phương để áp dụng trong những quốc gia liên quan.

Các cơ quan chính phủ và các tổ chức tài chính liên quan đến BRI phải tuân thủ các khuôn khổ và hướng dẫn của SESA, đồng thời kết nối đầu tư của từng dự án với việc tuân thủ tính bền vững về môi trường. Trong trường hợp phần lớn tài chính đến từ các ngân hàng được Chính phủ kiểm soát thì việc gắn điều kiện môi trường với những khoản vay sẽ trở nên dễ dàng. Những yêu cầu đó sẽ có tác động tích cực đối với chính sách về môi trường và quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn cầu.

Để nâng cao nhận thức về các rủi ro môi trường và xã hội có thể xảy ra, cần sự đối thoại giữa các bên tham gia vào quá trình đưa ra quyết định (Chính phủ, tổ chức tài chính, nhà phát triển, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương) và các nhà nghiên cứu, điều tra bảo tồn đa dạng sinh học, sức khỏe con người và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Do đó, quy trình SESA cần có sự tham gia của tất cả các chủ thể chính. Các bên liên quan tham gia vào BRI có số lượng và quy mô lớn, vì vậy, các kết quả nghiên cứu phải được truyền thông đầy đủ và rộng rãi.

Do đứng trước những thách thức lớn, BRI đã đầu tư tài chính tương xứng cho việc nghiên cứu và giám sát các tác động môi trường, trong đó bao gồm các sáng kiến và phát minh sáng chế trong cả giai đoạn xây dựng và vận hành. Đây là cơ hội để các quốc gia và khu vực có cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường. Những kết quả nghiên cứu này cùng với các “kịch bản” thay đổi toàn cầu cho phép các nhà lập kế hoạch BRI tránh được việc đặt kết cấu hạ tầng trong các khu vực bảo tồn quan trọng. Đồng thời, có thể sử dụng để cải thiện mạng lưới các khu bảo tồn và hành lang sinh thái hoang dã bị chia cắt bởi các hành lang BRI. Ở quy mô địa phương, nghiên cứu này có thể cải thiện phương pháp đánh giá tác động của việc phát triển kết cấu hạ tầng đối với hệ sinh thái, đồng thời giám sát mức độ hiệu quả và chức năng của các biện pháp được đưa ra.

Để phục vụ việc nghiên cứu các tác động môi trường, đòi hỏi thông tin cơ bản phải được thu thập trước khi bắt đầu xây dựng. Theo đó, Học viện Khoa học Trung Quốc đã phát minh ra “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (Digital Silk Road). Đây được xem là một bước tiến quan trọng, nhằm mục đích chia sẻ dữ liệu từ hình ảnh vệ tinh và quan sát Trái Đất. Tuy nhiên, thông tin trên mặt đất của các loài có khả năng nhạy cảm với tác động của BRI phải được coi là nền tảng. Do đó, BRI có thể thúc đẩy nghiên cứu môi trường, đặc biệt là đối với các địa điểm xa xôi như: Đông Nam Á, Trung Á và Tây Á, trên cơ sở đó thiết lập bản đồ các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao và trữ lượng cácbon lớn.

Tóm lại, Trung Quốc và các quốc gia tham gia BRI cần có trách nhiệm đối với việc quản lý môi trường trên cơ sở xây dựng kế hoạch kết cấu hạ tầng trong khuôn khổ SESA nghiêm ngặt, bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở phạm vi địa phương và khu vực. Bằng cách này, BRI có thể trở thành cơ hội để nâng cao chất lượng liên kết giữa kết cấu hạ tầng với bảo vệ môi trường trong hiện tại và tương lai giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

3. Giải quyết vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện sáng kiến “Vành đai và con đường”

Từ vài thập kỷ trước, Trung Quốc đã phải đối phó với những tác động nghiêm trọng của môi trường như ô nhiễm không khí, đất, nước và suy thoái hệ sinh thái do sự phát triển nhanh chóng mà không có các biện pháp bảo vệ đầy đủ. Để khắc phục sai lầm đó, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số luật về môi trường, các chính sách quốc gia và khu vực, phấn đấu vì một “nền văn minh sinh thái”8. Ngày nay, Trung Quốc đặt mục tiêu cải thiện đáng kể môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, áp dụng công nghệ xanh và tiêu chuẩn môi trường cao. Tuy nhiên, đối với nhiều nước đang phát triển và khu vực được hưởng lợi từ đầu tư của BRI, nâng cao đời sống xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế được coi là mục tiêu chính, trong khi đó việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nếu không giải quyết một cách hợp lý, những tác động tiêu cực của BRI đối với môi trường có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người, đặc biệt là người nghèo trên thế giới. Do đó, thành công của BRI phần lớn phụ thuộc vào việc Trung Quốc và các đối tác của mình có chiến lược đầu tư đúng đắn để không lặp lại những sai lầm trong quá khứ, mà thay vào đó là hành động vì sự phát triển bền vững đã được nêu trong Kế hoạch hợp tác môi trường và sinh thái (Ecological and Environmental Cooperation Plan). Theo đó, hợp tác bảo vệ môi trường là yêu cầu cơ bản của BRI, là yêu cầu rất quan trọng trong chuyển đổi xanh nền kinh tế quốc gia và khu vực, đồng thời là một trong những động thái lớn để hoàn thành Chương trình phát triển bền vững 20309.

Thế giới cần một mô hình mà theo đó các dự án liên quan đến BRI được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường mà Trung Quốc đang thực hiện tại đất nước của họ. Để làm được điều đó, cần xây dựng SESA của BRI dọc theo mỗi hành lang kinh tế lớn một cách thận trọng. Theo đó, SESA phải cung cấp một cách có hệ thống những hậu quả môi trường của chính sách được đề xuất, các kế hoạch, chương trình cũng như các hậu quả kinh tế và xã hội mà nó đem lại. SESA là yêu cầu pháp lý đối với các hoạt động phát triển kinh tế lớn. Các Đánh giá tác động môi trường (EIA) đáng tin cậy của các dự án cụ thể có thể hạn chế thiệt hại và tạo ra các lợi ích đáng kể trong bảo tồn thiên nhiên, phát triển xã hội. Để hạn chế những tác động tiêu cực của BRI, đòi hỏi Trung Quốc và các đối tác không chỉ coi SESA là yêu cầu chính thức, mà còn là một bước quan trọng nhằm làm gia tăng giá trị các dự án.

Lường trước và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đối với môi trường trước khi triển khai các dự án là yêu cầu cấp bách hiện nay. Các EIA và SESA có thể trở nên phức tạp hơn khi các dự án kết cấu hạ tầng xuyên biên giới được tài trợ bởi sự kết hợp của các quỹ quốc tế, quốc gia và tư nhân. Tuy nhiên, cũng giống như hầu hết các chương trình kết cấu hạ tầng xuyên biên giới, BRI sẽ bao gồm các tiểu dự án ở các khu vực địa lý khác nhau, với lịch trình khác nhau. Vì vậy, BRI có thể tách các tiểu dự án một cách tương đối và gắn với điều kiện cụ thể của từng quốc gia, khu vực. Trong đó, chính phủ các quốc gia phải đóng vai trò quyết định trong việc định hướng phát triển, nhằm bảo đảm tối thiểu hóa những tác động đến hệ sinh thái và xã hội.


1. Chin, H. & He, W. The Belt and Road Initiative: 65 Countries and Beyond (Global Sourcing, Fung Business Intelligence Centre, 2016), https://go.nature.com/2qkXrvs.

2. Lê Đức Cường, Bùi Văn Mạnh: Đôi nét về sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 13/11/2017, http://tapchiqptd.vn/vi/quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/ doi-net-ve-sang-kien-vanh-dai-va-con-duong-cua-trung-quoc/10813.html.

3. The Belt and Road Ecological and Environmental Cooperation Plan, Ministry of Ecology and Environment, China, 2017, https:// go.nature.com/2Exc7No.

4. Li, N. & Shvarts, E. The Belt and Road Initiative: WWF Recommendations and Spatial Analysis Briefing Paper WWF, 2017, https://go.nature.com/2v3SwoG.

5. Watson, J. E. M., Dudley, N., Segan, D. B. & Hockings, M. Nature 515, 2014, page 67-73.

6. Liu, H. et al. Nat. Clim. Change 6, 2016, page 1037-1041.

7. Rosa, I. M. D. et al. Nat. Ecol. Evol. 1, 2017, page 1416 -1419.

8. Jinping: X. Secure a Decisive Victory in Building a Moderately Prosperous Society in All Respects and Strive for the Great Success of Socialism with Chinese Characteristics for a New Era Report at 19th CPC National Congress (Xinhua, 2017), https://go.nature.com/2GJFr9t.

9. Transforming Our World: The 2030 Agenda for Sustainable Development United Nations, 2015, http://go.nature.com/28TEATX.

ThS. ĐẶNG ĐÌNH GIANG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin