Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, đồng chí Võ Chí Công - Ủy viên Bộ Chính trị, được Đảng và Nhà nước phân công đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban Cải tạo Nông nghiệp miền Nam (1976 - 1978); Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản (1976 - 1978); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, phụ trách khối Công - Nông - Ngư nghiệp (1977 - 1979).
Tình hình đất nước sau khi chiến tranh kết thúc gặp nhiều khó khăn, viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với nước ta bị cắt giảm; nền sản xuất nông lâm nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu năng lượng, phân bón, thiếu nguồn vốn sản xuất... Cùng với hậu quả của những sai lầm chủ quan trong quản lý nhà nước, yếu kém trong quản lý kinh tế, là sự bao vây cấm vận, sự chống phá của các thế lực thù địch, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đặc biệt là sự trì trệ, lỗi thời của cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, không đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của nhân dân. Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo nhưng lương thực lại không đủ tiêu dùng, nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, kéo dài trong nhiều năm. Lạm phát ngày càng trầm trọng, đời sống của nhân dân lao động, nhất là các đối tượng phụ thuộc vào đồng lương và hưởng chính sách xã hội hết sức khó khăn. Nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp bị đình đốn, thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa; hàng chục vạn công nhân thất nghiệp. Những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội như tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc, mê tín dị đoan… ngày càng gia tăng. Dòng người di tản ra nước ngoài ngày càng đông, gây ra nhiều khó khăn về kinh tế và bất ổn về chính trị, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao phó trọng trách lãnh đạo cao nhất của ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã dành thời gian đi nghiên cứu ở nhiều địa phương, cơ sở sản xuất, để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu những điều kiện thuận lợi, khó khăn và cả những vấn đề thuộc về cơ chế đang bị trói buộc, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhận thấy tình hình khó khăn trong sản xuất nông nghiệp xuất phát từ cơ chế quản lý, đồng chí đã đề xuất ý kiến với Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết số 61-CP, ngày 05/4/1976 về cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chỉ đạo các địa phương khắc phục tình trạng phân tán, mất cân đối, không đồng bộ, đưa sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, củng cố, hoàn thiện thêm một bước quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp; khai thác sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về đất đai, lao động và các tư liệu sản xuất; cải tiến quản lý phải gắn liền với tổ chức sản xuất, lấy cải tiến kinh tế làm trung tâm, đi liền với hạch toán kinh tế. Với đức tính kiên trì, mày mò tìm hiểu, đồng chí đã trực tiếp xuống làm việc tại các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Phòng…, lắng nghe ý kiến của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp nhân dân, nắm bắt được những vấn đề mang tính bản chất gây ra sự trì trệ, bất cập trong sản xuất, lưu thông phân phối, từ đó có những kiến nghị cụ thể với Trung ương, từng bước khắc phục khó khăn trong sản xuất và ủng hộ việc hình thành tư tưởng “khoán” trong nông nghiệp, mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước.
Để khắc phục sự trì trệ về tổ chức và quản lý của các hợp tác xã, đồng chí Võ Chí Công đã tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV, ngày 20/9/1979). Trên tinh thần xây dựng, bàn bạc thống nhất những ý kiến trình bày tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết về nhiệm vụ cấp bách trong tình hình mới, trước hết là đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội. Hội nghị quyết định những phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp quan trọng để phát triển công nghiệp địa phương và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; đồng thời, mở rộng quyền chủ động của cơ sở, thừa nhận lợi ích kinh tế và khuyến khích vật chất là những động lực quan trọng, gắn với lợi ích người lao động; khắc phục từng bước hạn chế của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, kết hợp kế hoạch hóa với quan hệ thị trường; kết hợp 3 lợi ích: tập thể, cá nhân và xã hội; khuyến khích người dân tận dụng đất đai nông nghiệp để khai hoang, phục hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) đã đặt ra yêu cầu “mạnh dạn sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, nhất là về lưu thông, phân phối, nhằm làm cho sản xuất bung ra đúng hướng”2.
Với tư duy nhạy bén, đồng chí Võ Chí Công sớm nhận thấy nguyên nhân bất cập về cơ chế quản lý, phân phối sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Đồng chí đã đưa ra các ý kiến và đề xuất với Ban Bí thư, Bộ Chính trị về những vấn đề cần phải đổi mới. Sau một thời gian thực hiện thí điểm và rút kinh nghiệm về chỉ đạo sản phẩm trong nông nghiệp ở một số địa phương, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ thị số 100-CT/TW được coi là một giải pháp quan trọng giải quyết những khó khăn trong nông nghiệp với mục đích bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, trên cơ sở thu hút được mọi người hăng say lao động, kích thích tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả đất đai và các cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống xã viên, tăng tích lũy của hợp tác xã, làm tròn nghĩa vụ và không ngừng tăng khối lượng nông sản cung ứng cho Nhà nước. Việc ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo bước đột phá trong nông nghiệp. Nhờ cơ chế “khoán 100”, nông dân được giải phóng sức lao động, yên tâm đầu tư thâm canh trên mảnh ruộng của mình. Từ đó, năng suất lúa tăng cao, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo với sản lượng liên tục tăng.
Năm 1987, đồng chí Võ Chí Công được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thất bại trong việc cải cách, cải tổ về kinh tế, chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đồng chí đề nghị thực hiện một mô hình mới về cơ chế quản lý kinh tế ở Việt Nam. Theo đó, chuyển từ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang thực hiện quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế gắn với thị trường; đồng thời, thực hiện phân cấp quản lý, phân định rõ chức năng quản lý của các cơ quan nhà nước đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh... Để có cơ sở thực tiễn, đồng chí đã tận tình xuống các cơ sở kinh tế, viện nghiên cứu, mở nhiều cuộc hội thảo, tập hợp ý kiến của các chuyên gia, sau đó hoàn thiện trình lên Bộ Chính trị và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua. Cơ chế đổi mới về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế (bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân phối lưu thông) có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, được đưa vào Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986). Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đã cung cấp và bổ sung những luận điểm mới về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng cho việc ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 1988) về cơ chế “Khoán” trong nông nghiệp và để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng sản xuất “bung ra” đúng hướng. Qua đó, từng bước tháo gỡ khó khăn cho đời sống nhân dân, tạo đà cho việc hình thành tư tưởng “khoán” trong nông nghiệp, mở đầu cho thời kỳ đổi mới phát triển của đất nước. Những quan điểm chỉ đạo về sự đổi mới mang tính bước ngoặt cho thấy tầm nhìn của nhà lãnh đạo tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đồng thời khẳng định những đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Trong lĩnh vực phân phối, lưu thông, nghiên cứu tình hình thực tiễn của Việt Nam, đồng chí Võ Chí Công nhận định, nạn lạm phát diễn ra trầm trọng mà nguyên nhân trực tiếp là do bội chi ngân sách lớn, dẫn đến giá cả tăng cao, tiền lương thực tế giảm... Do đó, vấn đề đặt ra là phải giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông bằng việc giảm bội chi ngân sách, giảm dần nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát “phi mã”, đổi mới cơ chế chính sách, góp phần giải phóng sức sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, chuyển các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, nâng cao chất lượng và mẫu mã của sản phẩm, bước đầu mở rộng thị trường Việt Nam ra thị trường thế giới. Trên cơ sở những ý kiến đề xuất của đồng chí Võ Chí Công, tháng 10/1979, Hội đồng Chính phủ công bố quyết định xóa bỏ các trạm kiểm soát kiểu “ngăn sông, cấm chợ”, người sản xuất được tự do lưu thông hàng hóa ngoài thị trường, không phải nộp thuế sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, ổn định mức bán nghĩa vụ lương thực trong 5 năm, khuyến khích tập thể và gia đình xã viên khai hoang phục hóa. Để giải quyết tận gốc nạn khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, ngoài việc vận động nhân dân sản xuất, Nhà nước có các chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất. Với những chính sách đúng đắn, kịp thời, nước ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực, sản lượng lúa gạo của Việt Nam không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Trên lĩnh vực công nghiệp, với vai trò là người được Chính phủ giao phụ trách, đồng chí Võ Chí Công luôn lắng nghe ý kiến của công nhân và lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, đồng chí đề xuất với Chính phủ ra Quyết định số 25-CP, ngày 21/01/1981 về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh; Quyết định số 26-CP, ngày 21/01/1981 về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước. Tuy còn khó khăn về nguyên liệu, năng lượng, song các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, tích cực củng cố cơ sở, mở rộng liên kết để bảo đảm sản xuất, tạo ra hàng hóa tiêu dùng đáp ứng từng bước yêu cầu trong đời sống của nhân dân và xuất khẩu.
Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (năm 1987), đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Võ Chí Công đã có sự chỉ đạo và hoạt động tích cực, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
Đặc biệt, theo nhận định của đồng chí, tình hình đất nước sau khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tuy đã có những chuyển biến nhất định song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vẫn đang bị bao vây, cấm vận. Để tạo dựng không gian hòa bình và giảm bớt gánh nặng chi phí quân sự cho đất nước, đồng thời xóa bỏ mọi luận điệu xuyên tạc “Việt Nam xâm lược Campuchia”, đồng chí Võ Chí Công đã cùng tập thể Bộ Chính trị quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia (tháng 9/1989). Động thái này của Việt Nam có tác động mạnh mẽ đến các mối quan hệ quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Ngày 30/7/1989, Hội nghị Paris về Campuchia được triệu tập với sự tham gia của 17 nước3, mở ra cánh cửa hòa bình trong khu vực, đồng thời mở đường cho việc xóa bỏ thế bao vây, cấm vận của Mỹ, tạo cơ sở cho việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (năm 1991).
Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công cùng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; lắng nghe ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước trên thế giới để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp, đồng chí kiên trì đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Với những đóng góp tích cực và to lớn của đồng chí Võ Chí Công, ngày 15/4/1992, bản Hiến pháp (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa VIII thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hiến pháp năm 1992 là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội nhập quốc tế, ổn định và phát triển.
Thời gian qua đi, nhưng tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam mãi được ghi tạc vào lịch sử dân tộc. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường, suốt đời trung thành, tận tụy, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, đất nước. Hình ảnh của đồng chí Võ Chí Công sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam yêu nước.
1. Đồng chí Võ Chí Công (1912 - 2011) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 40, tr. 391.
3. Hội nghị Paris về Campuchia (ngày 30/7/1989) có 17 nước tham gia, bao gồm: 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc, 2 nước Đông Dương, 6 nước ASEAN và một số nước là Ôxtrâylia, Nhật Bản, Ấn Độ, Canađa cùng đại diện 4 phái của Campuchia.
PGS, TS. TRẦN MINH TRƯỞNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh