Nguyễn Tất Thành và con đường cứu nước

Ngày 05/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu buôn Đô đốc Latouche Tréville với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước để trở về giúp đỡ, giải phóng đồng bào mình khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu hành trình tìm đường cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Lựa chọn ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thể hiện sự tiếp bước của cha anh nhưng đầy sáng tạo và đổi mới. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt và phi thường ấy.

Tóm tắt: Ngày 05/6/1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu buôn Đô đốc Latouche Tréville với mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước để trở về giúp đỡ, giải phóng đồng bào mình khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu hành trình tìm đường cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Lựa chọn ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành thể hiện sự tiếp bước của cha anh nhưng đầy sáng tạo và đổi mới. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt và phi thường ấy.

Từ khóa: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc; con đường cứu nước

1. Sáng tạo của Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước

Trước Nguyễn Tất Thành, đã có nhiều người Việt Nam yêu nước trăn trở tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Tiêu biểu trong đó có 2 trí thức nổi tiếng là Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Châu Trinh. Hai Cụ Phan đều là những nhà yêu nước nhiệt thành nhưng đã lựa chọn hai con đường khác nhau. Có một điều đặc biệt là cả Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Châu Trinh đều mong muốn Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường của mình. Song, mặc dù rất kính trọng hai Cụ, Nguyễn Ái Quốc vẫn chọn cho mình một con đường riêng. Năm 1923, khi gặp nhà thơ Nga nổi tiếng O. Mandenstan Nguyễn Ái Quốc cho biết: “Khi là một cậu bé ở tuổi 13, tôi lần đầu tiên đã nghe đến những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái và tình anh em - đối với chúng tôi tất cả người da trắng đều là người Pháp. Tôi muốn tìm hiểu nền văn minh của Pháp để biết xem cái gì ẩn đằng sau những từ ấy”1. Có lần, khi trả lời một nhà văn người Mỹ, Người cho biết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”2. Với một sự nhạy cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không lựa chọn Nhật hay một nước châu Á nào đó như Trung Quốc mà Người đã đến Pháp, đến tận đất nước đang cai trị dân mình, nơi có sự phát triển vượt bậc để tìm hiểu xem người ta làm thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Từ con đường này, mang trong mình dòng máu yêu nước của dân tộc, của cha ông, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Nhận định về quyết định sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất đầu thế kỷ 20. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sĩ lớn tuổi đi tìm ở phương Đông (Nhật) rồi tới hướng Bắc (Tàu) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang châu Âu (1911). Tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao trói được hổ”3.

2. Trăn trở tìm con đường cứu nước phù hợp

Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, Nguyễn Tất Thành đã gửi tới Hội nghị Vécxây Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi Chính phủ Pháp thừa nhận quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Dưới Bản Yêu sách, Người ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Có thế thấy, mặc dù rất khâm phục các bậc sĩ phu dũng cảm đấu tranh cứu dân, cứu nước, nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng sớm nhận ra những hạn chế trong đường lối cách mạng của các vị ấy. Người cho rằng, Cụ Phan Châu Trinh yêu cầu thực dân Pháp thực hiện cải lương, việc này “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”4. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”5. Cụ Hoàng Hoa Thám thực tế hơn khi đã trực tiếp đấu tranh chống Pháp, “nhưng theo lời người ta kể thì Cụ còn nặng cốt cách phong kiến…”6.

Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Châu Trinh đều tin tưởng và đặt hy vọng vào người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trong việc tiếp nối sự nghiệp cách mạng của các Cụ. Trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc năm 1922, Cụ Phan Châu Trinh thúc giục Nguyễn Ái Quốc phải về trong nước để “mưu đồ đại sự”: “Anh Nguyễn, tôi tưởng tâm với anh đã rõ nguồn cơn, bây giờ thân tôi tợ chim lồng cá chậu, vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia phong mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh, như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông, nhưng mà anh chẳng nghe lời tôi, anh cứ quanh quẩn bên này thời làm sao mà tài năng anh thi thố được? Bởi vậy, tôi thành tâm mong mỏi anh thay đổi cái phương pháp cũ kỹ kia đi, để mà mưu đồ đại sự, tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng bọn mình cùng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”7. Trong thư gửi “Người cháu rất kính yêu của Bác” là Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) vào ngày 14/02/1925, Cụ Phan Bội Châu đã viết: “Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu thì bác thấy bác rất xấu hổ… Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối sẽ xuất hiện ánh sáng ban mai. Ngày xế đường cùng, chỉ sợ không được thấy ngày đó… Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được?”8.

Song, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Người thấy rõ một thực tế rằng, mặc dù nhân dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước, tiến hành nhiều cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai với mục tiêu giành độc lập, tự do, nhưng đều thất bại; nhiều cuộc khởi nghĩa, đấu tranh do các chí sĩ yêu nước đã nổ ra nhưng vẫn không tìm ra con đường mang lại hiệu quả đích thực. Người sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra không thể giúp cứu nước, cứu dân. Trái lại, sự thất bại của phong trào yêu nước ở Việt Nam lúc bấy giờ đã khiến cách mạng Việt Nam rơi vào khủng hoảng, bế tắc về con đường giải phóng dân tộc. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử dân tộc, từ đó giành được độc lập, tự do là điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Bởi vậy, sau một thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tiếp tục cuộc hành trình đến nhiều châu lục khác. Suốt chặng đường bôn ba, trải qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, nhưng Người quyết không chùn bước; với lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, mỗi thử thách đều khiến Người trở nên mạnh mẽ, quyết tâm vượt qua để tìm thấy con đường quyết định vận mệnh dân tộc mình.

3. Nguyễn Ái Quốc tìm thấy con đường giải phóng dân tộc

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới, thức tỉnh những người nô lệ trên khắp năm châu. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Luận cương của Lênin đã chỉ cho Nguyễn Ái Quốc con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Sau này, khi kể lại sự kiện quan trọng đó, Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”9. Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Người cho biết thêm rằng, trước khi đến với chủ nghĩa Lênin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên”10, Người tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, “còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”11. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”12.

Đi theo con đường của Lênin vĩ đại, tại Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp (Đại hội Tua, tháng 12/1920), Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách là đại biểu chính thức và duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. Khi được mời phát biểu, Người đã tố cáo sự thật tàn bạo mà thực dân Pháp đã thực hiện ở Đông Dương. Người kêu gọi Đảng Xã hội Pháp hãy hành động để ủng hộ các dân tộc bị áp bức, trong đó có nhân dân Đông Dương: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”… “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa… Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi: Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”13. Cũng tại Đại hội này, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây được xem là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế.

4. Kết luận

Có thể khẳng định, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình, không chỉ có công lao to lớn đối với dân tộc Việt Nam mà Người còn có công lao to lớn đối với các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Vì vậy, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người là một hành trình lịch sử đặc biệt, bởi những lý do sau:

Một là, trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, ở Việt Nam đã có rất nhiều sĩ phu lựa chọn những con đường cứu nước khác nhau. Thế nhưng, cho dù đi bằng con đường nào, đi theo hướng nào thì tất cả các bậc sĩ phu đáng kính ấy đều không thành công và không tìm được con đường giúp đất nước Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng về đường lối khi ấy. Nguyễn Tất Thành lựa chọn sang phương Tây, sang nước Pháp và tại nơi này, Người đã giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hai là, kể từ tiếng súng xâm lược đầu tiên của thực dân Pháp vào cửa biển Đà Nẵng ngày 31/8/1858, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa chống xâm lược diễn ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Song, các cuộc khởi nghĩa không có sự liên kết và thống nhất với nhau, không nhận được sự ủng hộ từ các phong trào giải phóng dân tộc ở các nước khác, vì vậy, kẻ thù dễ dàng phân hóa và đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. Việc ra đi tìm đường cứu nước, bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp… Nguyễn Ái Quốc đã góp phần kết nối phong trào cách mạng ở Việt Nam với phong trào cách mạng trên thế giới, đưa phong trào cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận quan trọng của phong trào cách mạng trên thế giới.

Ba là, với việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên gắn chặt ngọn cờ độc lập dân tộc với ngọn cờ chủ nghĩa xã hội. Từ “cẩm nang thần kỳ”, Nguyễn Ái Quốc tìm ra con đường cứu nước, tiến lên đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc Việt Nam.  

Bốn là, trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và những kinh nghiệm có được trong quá trình hoạt động tại các nước, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và chỉ 15 năm sau, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên đấu tranh giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cũng bằng chính tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử Việt Nam. Cho đến nay, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…”14.

Từ khởi đầu lịch sử ấy, sau 110 năm, đã có một Đảng Cộng sản Việt Nam như hôm nay, một đất nước Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”15. Năm 2020, Việt Nam đã vươn lên, chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở Đông Nam Á, đứng thứ 37 trên thế giới và được đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trên thế giới. Đó là thành quả có được nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vĩ đại.

[1]. Việt Khoa: “Câu chuyện mùa đông năm 1923 ở Mátxcơva”, Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 20/5/2011, https://www.sggp.org.vn/cau-chuyen-mua-dong-nam-1923-o-matxcova-236172.html.

2. Báo Nhân dân, Số 4062, ngày 18/5/1965.

3. Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Chân dung một tâm hồn và trí tuệ vĩ đại, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2014, tr. 21.

4, 5. Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NxB. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 14.

6. Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr. 15.

7, 8. Phan Văn Hoàng: Hồ Chí Minh - Chân dung và di sản, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018, tr. 18-19, 20.

 9, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562, 563.

10, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 561.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 35.

14, 15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. II, 2021, tr. 324, 322.

 

TS. VŨ TRUNG KIÊN

Học viện Chính trị khu vực II

 

 

 

 

 

(*) Học viện Chính trị khu vực II.

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin