1. Phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Độc lập suy nghĩ, tự chủ, luôn đổi mới và sáng tạo
Đặc trưng cơ bản trong phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là: Độc lập suy nghĩ, tự chủ, luôn đổi mới và không ngừng sáng tạo. Từ những ngày đầu trên hành trình cách mạng, việc lựa chọn hướng đi, đến con đường cách mạng đã thể hiện sự độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không lệ thuộc, không đi theo lối mòn định sẵn, mà lựa chọn một hướng đi mới, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn, cứu nước, giải phóng dân tộc.
Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng đối với Người đó không phải là kinh thánh, mà là kim chỉ nam. Người luôn ý thức rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vận dụng vào mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi thời kỳ cần có sự đổi mới, phát triển sáng tạo cho phù hợp. Không một quốc gia nào, một dân tộc nào có thể rập khuôn, máy móc mà áp dụng lý luận ấy thành công. Lấy thực tiễn làm căn cứ, vì thế Người không bị “cầm tù” bởi giáo điều, sách vở, bởi những kết luận có trước. Nắm được tinh thần và phương pháp làm việc biện chứng, Người đạt đến sự tự do trong tư tưởng về vận dụng và phát triển lý luận mà vẫn thể hiện rõ sự trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đổi mới, sáng tạo là kết quả của phong cách độc lập suy nghĩ, tự chủ, song sự sáng tạo đó còn đến từ việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nắm được tinh thần, lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nghiên cứu, học tập lý luận, lấy tinh thần của Mác - Lênin để áp dụng vào những vấn đề thực tế trong công tác của mình, vào điều kiện thực tế của đất nước, để giải quyết những vấn đề khác nhau trong thực tiễn nhằm giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Theo đó, Người đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên khi học tập, đó là: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”1. Đó là nét nổi bật của phong cách Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, học tập lý luận. Điều này đã đưa đến những cống hiến lý luận nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Nhìn ra thế giới, lựa chọn những giá trị thiết thực, phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước
Trên nền tảng giá trị tinh hoa văn hóa, tư tưởng của dân tộc, cùng với tư duy phân tích các sự kiện, đưa tới nhận thức đúng đắn về lịch sử, quy luật phát triển của lịch sử mà Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Từ góc nhìn nền tảng, chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp biến những giá trị tinh hoa văn hóa, tư tưởng của nhân loại để vận dụng sáng tạo trên con đường giải phóng, đổi mới, phát triển của dân tộc.
Vươn tầm nhìn ra thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động, độc lập tìm kiếm, đến với những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa nhân loại. Người đi ra thế giới với mục đích rõ ràng, tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân. Trên nền tảng văn hóa vốn có, Người vận dụng sáng tạo làm cho những giá trị văn hóa mới khả dụng vào điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam.
Người chủ động tiếp thu những gì hữu ích, thiết thực cho mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng và phát triển đất nước; kiếm tìm những giá trị tinh túy, tốt đẹp của văn hóa, lấy những gì cần thiết thông qua góc nhìn nền tảng, chủ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin; tiếp nhận những yếu tố tốt đẹp nhất của mọi học thuyết, mọi nền văn hóa; đi thẳng tới những giá trị văn hóa đích thực. Đó là một trong những đặc trưng nổi bật trong phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lý luận gắn liền với thực tiễn, học ở dân để trở lại phục vụ dân
Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin “cuốn cẩm nang thần kỳ” chỉ dẫn cho hành động cách mạng. Thực tiễn cách mạng đã minh chứng, Người hành động “cải tạo thế giới” theo học thuyết Mác - Lênin, không ngừng vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam. Người nhấn mạnh, “thực tiễn là điểm xuất phát mà cũng là chỗ trở về, chỗ đi tới của mọi nhận thức. Nhưng đó phải là thực tiễn được phân tích một cách có lý luận, có mặt lý luận ở trong nó. Cũng như vậy, lý luận không phải tự nghĩ ra chủ quan từ đầu óc tự biện mà là lý luận có sức nặng của thực tiễn, sinh khí của nó trong thực tiễn, bắt nguồn từ thực tiễn”2. Trong nghiên cứu, học tập lý luận, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói đi đôi với làm, giữa biết với làm… là một trong những đặc trưng của phong cách Hồ Chí Minh.
Đối với cán bộ, đảng viên, Người khẳng định: “Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn,… chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt tới sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn khi luôn học hỏi từ quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng để sửa chữa. Phong cách nghiên cứu, học tập, phổ biến lý luận của Người là không đứng trên quần chúng, mà luôn đứng nơi quần chúng, đứng trong quần chúng, tôn trọng và nâng cao vị thế, vai trò của quần chúng, nói tiếng nói của quần chúng, học hỏi quần chúng để dạy quần chúng, hướng quần chúng đến tự lãnh đạo, tự giải phóng.
Theo Người: “sáng kiến và năng lực của quần chúng là vô cùng tận”4. Muốn phụng sự nhân dân phải gần dân, học dân, nghe theo dân, lãnh đạo là dìu dắt người ta, xa quần chúng thì không lãnh đạo được. Phong cách của người cán bộ gần dân là phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ. Có như vậy mới nắm bắt được tình hình thực tiễn, thiết thực kiểm soát, giúp đỡ cũng như rút kinh nghiệm cho những hoạt động của mình. Hơn nữa, chính trong quá trình đó, người cán bộ học hỏi được những điều thiết thực từ nhân dân, là cơ hội trải nghiệm, thực hành lý luận, từ đó tổng kết, khái quát phát triển lý luận để quay lại phục vụ nhân dân.
Lấy tự học làm cốt
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực, một điển hình về sự tự học, tự học suốt đời, lấy tự học làm cốt. Trong suốt cuộc đời, Người luôn miệt mài tự học, vừa học tập, tìm kiếm, nghiên cứu lý luận, vừa tham gia đấu tranh. Đây là cơ sở quan trọng để Người nhận thấy chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới đem lại tự do, đem lại công cuộc giải phóng thực sự cho nhân dân, là con đường để giải phóng dân tộc. Quá trình đó góp phần định hình nên phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người nhấn mạnh, tự học là “tự động học tập”5. Có nghĩa là việc học tập là do chính bản thân người học quyết định, người học tự giác, tự chủ không cần sự nhắc nhở, giao nhiệm vụ của người khác. “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”6. Hơn nữa, phải tự mình nhận thấy nhu cầu của bản thân, từ đó tiến hành việc tự học, “lấy tự học làm cốt”. Người yêu cầu: “Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”7. Nghĩa là tự mình quản lý việc học tập, lĩnh hội tri thức của bản thân, tích cực thực hành để đánh giá và tổng kết tri thức đã học được.
Nói chuyện tại lớp huấn luyện đảng viên mới, Người tâm sự “Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”8, và nhấn mạnh: “Luôn luôn cầu tiến bộ. Không tiến bộ thì là ngừng lại. Trong khi mình ngừng lại thì người ta cứ tiến bộ. Kết quả là mình thoái bộ, lạc hậu”9.
Khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, Người vẫn tự học không ngừng, các đồng chí được gần Bác những ngày cuối đời đã rất xúc động khi chứng kiến trên bàn làm việc của Bác có cuốn từ điển để Người tự học ngoại ngữ. Một người đã bôn ba hải ngoại, sử dụng thành thạo nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng vẫn miệt mài tự học để không bị quên, không bị lạc hậu, để có thể biết thêm những tri thức của thế giới.
Thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lý luận là “thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh”, được đem ra “xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng”, rồi “làm thành kết luận”. Như: “Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước”. Và theo Người, “đó là lý luận chân chính”. Hiểu lý luận như vậy, có nghĩa là tất cả những gì có trong “thực tế”, “được kết luận” có giá trị “như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”, đều là lý luận. Người khẳng định: “Thực hành sinh ra hiểu biết; Hiểu biết tiến lên lý luận; Lý luận lãnh đạo thực hành”. “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm làm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng để đem lòe thiên hạ thì lý luận đó cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”10.
Với Hồ Chí Minh, lý luận phải thể hiện trong hành động, bằng việc làm, phải thực hành lý luận trong điều kiện thực tiễn của cách mạng. Người nhận thức rõ: “Muốn thay đổi xã hội thì không thể xa lìa thực tế hiện tại, không thể không nhìn vào thực tế hiện tại, càng không thể trốn tránh thực tế hiện tại, mà cũng không thể đầu hàng thực tế hiện tại”11. Với tư duy khoa học, trí tuệ độc lập, sắc bén của Người, lý luận Mác - Lênin trở nên thực tế ở Việt Nam, chứng minh được tính đúng đắn, cách mạng, khoa học và không ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Lý luận mácxít thống nhất với thực tiễn Việt Nam, được thực tiễn bổ sung đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và nhân dân ta, làm nên những thắng lợi vẻ vang. Đó chính là con đường, là cách thức, là phong cách Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, học tập lý luận, nhận thức và phát triển lý luận.
2. Cán bộ, đảng viên của Đảng thấm nhuần sâu sắc phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, giá trị phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sống mãi với thời gian, là hành trang quý báu để Đảng và Nhà nước vận dụng trong triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu, học tập lý luận của cán bộ, đảng viên vẫn còn những hạn chế nhất định: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức”...
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị và không ít cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của lý luận, lý luận chính trị và yêu cầu cần thiết phải học tập lý luận chính trị, mà thường tập trung cho đào tạo, bồi dưỡng, học tập về chuyên môn, nghiệp vụ; thậm chí có nhiều người chỉ chú trọng bằng cấp chuyên môn, xin nợ việc học tập lý luận chính trị, nợ “bằng cao cấp lý luận chính trị” khi bổ nhiệm. Không chỉ thiếu tự giác, không chủ động tham gia học tập lý luận chính trị, nhiều cán bộ, đảng viên còn mượn nhiều lý do để trốn tránh hoặc xin thôi không tham gia học tập lý luận chính trị… Công tác chính trị, tư tưởng, nhất là tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa theo kịp với thực tiễn. Nội dung và phương pháp giáo dục lý luận chính trị còn mang tính hình thức, nặng về lý thuyết, ít tính thực hành. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lười học, ngại học tập lý luận chính trị. Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trên không gian mạng...
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu, học tập lý luận của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp cần tiếp tục đổi mới công tác giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về học tập và làm theo phong cách nghiên cứu, học tập lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt phải không ngừng nâng cao trình độ nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, tích cực học tập, xây dựng phong cách nghiên cứu, học tập lý luận theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để bồi dưỡng, xây dựng phong cách nghiên cứu, học tập lý luận cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về nghiên cứu, học tập lý luận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng nghiên cứu, học tập lý luận chính trị còn hạn chế. Do đó, cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu và cán bộ, đảng viên nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm trong học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt đời. Đồng thời, làm cho mọi cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nhận thức rõ vai trò quan trọng của lý luận trong nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp tư duy, năng lực lãnh đạo, từ đó xây dựng động cơ, ý thức, trách nhiệm trong học tập lý luận chính trị. Cần lựa chọn nội dung, thời gian, hình thức bồi dưỡng phù hợp cho từng cấp, từng đối tượng. Kiên quyết đấu tranh, khắc phục triệt để cách nhìn nhận nghiên cứu, học tập lý luận chính trị vì lý do thăng tiến, để được đề bạt, bổ nhiệm.
Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy phải luôn xác định công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, cơ bản và lâu dài; công tác thông tin tuyên truyền cần thường xuyên đổi mới, sâu sát, quyết liệt trong triển khai đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống; chủ động nắm bắt, dự báo những diễn biến mới về tình hình thế giới và trong nước để kịp thời tuyên truyền, làm rõ và điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cập nhật những kiến thức lý luận mới của Đảng về công cuộc đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Đồng thời, các cấp ủy cần quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, giảng viên kiêm nhiệm có bản lĩnh chính trị, uy tín, phẩm chất tốt, tâm huyết với nghề.
Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp trong nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu lý luận ở cơ quan, đơn vị, nhất là ở cơ sở. Cán bộ phải thực sự là tấm gương về đạo đức và lối sống, phong cách, tác phong để quần chúng noi theo.
Thứ tư, thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị ở đơn vị cơ sở, thu hút mọi người tham gia rèn luyện nâng cao sự hiểu biết về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng. Các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị ở cơ sở cần phải định hướng tư tưởng về nội dung, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, vừa đa dạng, phong phú về hình thức, vừa phù hợp với trình độ của quần chúng. Hướng tới phát huy truyền thống bản sắc, giá trị cao đẹp của văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời, tích cực đấu tranh, phê phán, loại bỏ những thói quen, hành vi, nhận thức không đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ nghiên cứu, học tập lý luận trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
1, 3, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 98, 95, 98.
2. Hoàng Chí Bảo: Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 136-137.
4, 7, 8, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 343; t. 4, tr. 44; t. 15, tr. 113; t. 5, tr. 275.
5, 9, 11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 360, 130, 289.
Thượng tá, TS. ĐẶNG CÔNG THÀNH
Thượng tá, ThS. LÊ VĂN CAO
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng