CT&PT - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người có phong cách làm việc mẫu mực, là tấm gương sáng cho toàn Đảng và toàn dân ta noi theo. Người để lại cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta nhiều chỉ dẫn quý báu về phong cách làm việc khoa học, hiệu quả. Bài viết tập trung làm rõ một số nội dung chủ yếu trong phong cách làm việc của Người, góp phần thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
1. Làm việc phải siêng năng, cần cù và có quyết tâm cao
Về siêng năng, cần cù. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần tức là cần cù, siêng tức là siêng năng. Hay nói cách khác đó sự siêng năng, cần cù, chăm chỉ, cố gắng làm bất cứ việc gì dù khó khăn mấy cũng làm cho được. Người đưa ra ví dụ: “Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt... Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì có sức khỏe”1. Theo Người, cần không phải là làm vội vàng, nếu làm cố sống cố chết trong một ngày, một tuần hay một tháng đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ công việc, như vậy không phải là cần, mà cần cù là luôn luôn cố gắng, chăm chỉ, nhưng phải biết nuôi dưỡng sức khỏe để làm việc được lâu dài. Người khuyên nhủ, mọi người làm việc phải siêng năng, cần cù, nếu không siêng năng, cần cù thì lãng phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Người còn yêu cầu, cần phải đi đôi với chuyên: “Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày cần mà mười ngày không cần, thì cũng vô ích. Như thế, chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt”2.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải đi đôi với kiệm. Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không bừa bãi, nếu không tiết kiệm thì làm được bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như làm ít. Người dẫn chứng: “CẦN mà không KIỆM, “thì làm chừng nào xào chừng ấy”. Cũng như cái thùng không có đáy; nước đổ vào chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. KIỆM mà không CẦN, thì không tăng thêm, không phát triển được. Mà vật gì đã không tiến tức phải thoái. Cũng như cái thùng chỉ đựng một ít nước, không tiếp tục đổ thêm vào, lâu ngày chắc nước đó sẽ hao bớt dần, cho đến khi khô kiệt”3. Người còn phê bình cách làm việc mà mọi người cần tránh: bệnh lười biếng, lười học hỏi, biếng suy nghĩ; việc dễ thì tranh lấy, việc khó thì đẩy cho người khác; việc nguy hiểm thì trốn tránh, hễ làm được việc gì thì khoe khoang; hoặc lối “đầu năm đủng đỉnh la đà, cuối năm dốc kiệt sức ra làm bù”4... Vì thế, cần ghi nhớ lời khuyên của Người: “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn vinh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”5.
Về quyết tâm cao. Khi xác định rõ được mục đích, xây dựng được chương trình, kế hoạch làm việc một cách cụ thể, thì một trong những yếu tố thành công là phải có ý chí và quyết tâm cao. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều công việc có khi dẫm chân tại chỗ, thậm chí thất bại không phải vì thiếu phương hướng, mục tiêu, chương trình, kế hoạch rõ ràng, mà là thiếu quyết tâm cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Không có cái gì dễ, cũng không có cái gì khó. Nghĩa là, bất kỳ công việc gì dù dễ đến đâu, dù khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu thì nhất định thành công. “Việc dễ mấy nhưng không quyết chí bền gan thì cũng không bao giờ làm được. Một hòn núi, ta cố xuyên mãi, lâu ngày xuyên cũng thông. Một cái cành cây khô, ta không chịu khó bẻ, thì không bao giờ bẻ gãy”6. Người cho rằng, làm bất kỳ việc gì lớn hay nhỏ, khó hay dễ, nếu không quyết tâm, lại thấy khó khăn mà ngã lòng, nản chí thì chắc chắn không làm được. Vì thế, khi làm việc gì thì quyết làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn, không sợ khó, không sợ hiểm nguy, song phải tỉnh táo, phải kiên quyết, “thắng không kiêu, bại không nản”. Tuy đã có sẵn quyết tâm, song phải lường tính trước những khó khăn, phải chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những khó khăn đột xuất nảy sinh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, “việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được”7. Người chỉ rõ: “Sửa cái xã hội cũ đã mấy ngàn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó. Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc làm được, thế thì không khó. Khó dễ cũng tại mình, mình quyết chí thì làm được”8. Người nhắc nhở mọi người, trong tiến hành công việc phải tránh tư tưởng ngại khó, ngại khổ, tránh tư tưởng dựa dẫm, ỷ lại, làm một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn, hoặc khi điều kiện, thời cơ tốt thì không làm, đến khi làm thì điều kiện và thời cơ tốt đã trôi qua. Đồng thời, Người khuyên răn phải khắc phục tính thiếu cương quyết, tính lười biếng. Người ví làm việc “Nó khó như trèo núi. Nhưng có trèo không? Trèo thì phải khó nhọc... Có trèo thì mới lên được đỉnh núi. Vậy phải có quyết tâm... Quyết tâm là làm được. Cái gì khó bằng làm cách mạng, bằng đánh Tây, bằng cải tạo xã hội? Thế mà ta làm được... Cái bí quyết thành công là có quyết tâm”9. Người còn lưu ý rằng, cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập, phải có chí khí ham làm việc, ham tiến bộ, ham học hỏi. Người căn dặn: “Phải nhớ kỹ rằng: Kế hoạch 10 phần, thì biện pháp phải 15 phần và quyết tâm phải 20 phần”10.
2. Làm việc phải biết quý trọng thời giờ và sức lao động
Về quý trọng thời giờ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”11. Do đó, làm việc phải tranh thủ thời gian, phải biết quý trọng thời giờ. Người có thói quen làm việc đúng giờ, rất quý trọng thời gian. Khi làm việc, đi công tác, thăm các cơ quan, đơn vị hoặc đến nhà anh em cán bộ, Người đều đến rất đúng giờ, nói làm việc hoặc ở thăm bao lâu thì đúng bấy nhiêu thời gian, không bao giờ chậm trễ, mà thường rất khẩn trương, hoạt bát trong mọi công việc, không để bất cứ ai phải đợi mình. Đó là tính quý trọng thời giờ, tính kỷ luật, tính tổ chức và tinh thần tự chủ cao. Thậm chí đến lúc cuối đời, Người chỉ tiếc là không được phục vụ nhân dân lâu hơn, nhiều hơn nữa.
Nói về quý trọng thời giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều ví dụ minh họa. Người nói: “Người xưa có câu: Một phút đáng giá ngàn vàng, thật là đúng. Thí dụ: Được tin quân địch kéo qua nơi nọ, ta biết sớm mấy phút, chuẩn bị sẵn sàng mà tập kích, thì ta thắng lợi. Nếu biết chậm mấy phút, thì sẽ thất bại”12. Vì thế, Người khuyên rằng: “Mỗi phút đều là quý báu. Một đồng tiền, một hột gạo, đều là quý báu. Mỗi một người cần phải cố gắng làm công việc của hai người. Công việc thường làm trong hai ngày, nay phải cố gắng làm xong xuôi chu đáo trong một ngày”13. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ đến, Người kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”14. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi: “Các đồng chí cũng biết thời gian là quý. Dụng binh thắng bại nhiều lúc quyết định trong năm, mười phút. Vậy các đồng chí phải làm sao cho những mệnh lệnh ở trên xuống được nhanh chóng và thi hành chu đáo”15. Tại Hội nghị tổng kết Chiến dịch Lê Hồng Phong II (năm 1950), Người nhấn mạnh: “Trong quân sự, thời gian rất là quan trọng, điều kiện thiên thời đứng vào bậc nhất, trước địa lợi và nhân hòa. Có tranh thủ thời gian, mới bảo đảm được yếu tố thắng địch”16. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người kêu gọi: Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Người coi tiết kiệm và quý trọng thời giờ như tiết kiệm của cải: “Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”17. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi làm việc phải biết quý trọng thời giờ, tiết kiệm thời gian. Muốn tiết kiệm thời giờ thì mọi việc phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ, chu đáo, không lề mề, chậm chạp, không để nay lần mai nữa, ngày này qua ngày khác. Người cho rằng, quý trọng thời giờ cũng chính là siêng năng, cần cù. Do đó, khi làm bất cứ việc gì phải làm cho hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho đến nơi đến chốn, phải khẩn trương, nhưng chớ lụp chụp, cẩu thả, chớ “ngồi lê đôi mách”...
Trong rất nhiều bài nói, bài viết, Người phê bình cách làm việc không đúng giờ và yêu cầu: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”18. Người còn phê bình thói hội họp lu bù, làm mất thời giờ, gây hại sức khỏe của mọi người mà không có kết quả thiết thực, do đó phải sửa đổi cách làm việc cho thiết thực, để giải quyết công việc cho tốt, cho nhanh.
Về quý trọng sức lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải biết quý trọng sức lao động, vì sức lao động là vốn quý nhất của con người. Chúng ta cần hết lòng chăm sóc sức khỏe và sử dụng hợp lý sức lao động bởi con người làm ra của cải, có sức lao động mới tạo ra của cải và của cải làm ra là kết quả của sức lao động, do đó tiết kiệm của cải tức là quý trọng sức lao động. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để phát động “Phong trào toàn dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, Người phân tích: “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đủ”19, nhờ đó mà “nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”20. Người khuyên mọi người khi tiến hành các công việc phải tính toán, cân nhắc cẩn thận, không được hoang phí, xa xỉ, chỉ có vậy mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí, xa xỉ thì ắt phải tìm cách xoay tiền, do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối, thậm chí làm chợ đen, chợ đỏ, thụt két, buôn lậu... “Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được”21. Người căn dặn: “Nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội. Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa”22.
3. Làm việc phải ngăn nắp, sạch sẽ, nói đi đôi với làm
Về làm việc ngăn nắp, sạch sẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, bất kỳ ai muốn sống đều phải có bốn việc trước tiên là ăn, mặc, ở, đi lại. Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi thì phải làm việc. Từ trước đến nay mọi người đều làm, nhưng vì làm chưa hợp lý hoặc chưa biết cách làm nên nhiều người còn ăn đói, mặc rách, nhà cửa lụp xụp, đường sá ghập ghềnh. Vì thế, người nghèo khổ thì nhiều mà người no ấm thì ít, nên cần sửa đổi cách làm việc, cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, tức là thực hiện đời sống mới. Theo Người, thực hiện đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới hết. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm, cái gì mới và hay thì phải làm. Ví như những việc phải bỏ như lười biếng, tham lam, cờ bạc, say rượu, hút xách, bợm bãi, trộm cắp, đánh cãi, kiện cáo nhau... Đó là những việc làm “không sạch sẽ”. Những việc cần phát triển thêm như cần, kiệm, liêm, chính, tương thân, tương ái, ăn ở hợp vệ sinh, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, quy củ... Tất cả nhằm mục đích làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đầy đủ, vui vẻ hơn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm” để minh chứng cho việc làm ngăn nắp, sạch sẽ. Ngăn nắp, sạch sẽ là nếp sống văn minh, nếp sống hay, sống tốt, sống đẹp, nó trái với bẩn thỉu, lụp xụp, luộm thuộm, bừa bãi, cẩu thả. Làm việc ngăn nắp, cẩn thận, gọn gàng thì công việc sẽ chạy đều, không bị sai sót, đem lại kết quả tốt, hiệu quả cao. Người còn dẫn chứng: Trong nhiều làng, bản, các cụ phụ lão đã giảm việc cúng tế, đem tiền đó giúp cho con cháu học hành, làm việc cho lợi ích chung. Nhiều chị em phụ nữ đã sửa đổi cách ăn mặc cho gọn gàng, biết giúp đỡ nhau chăn nuôi gia súc. Nhiều nơi nam giới đã bỏ thói cờ bạc, say rượu, hút xách, trộm cắp giảm bớt nhiều. Đó là kết quả tốt, cần tiếp tục phát huy, tất cả già trẻ, gái trai, giàu nghèo đều làm những việc như thế thì đời sống sẽ tốt tươi. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra những việc làm rất cụ thể: Về cách ăn, phải sạch sẽ, ăn chín uống sôi, hợp vệ sinh. Về cách mặc, cần giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, lòe loẹt. Về cách ở, phải giữ vệ sinh trong nhà, ngoài vườn luôn sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, đường sá phải phong quang, sạch sẽ, có ao tắm giặt, có giếng nước uống phải riêng biệt và vệ sinh cẩn thận, những ao hồ không cần thiết thì lấp đi cho khỏi muỗi... Về cách làm việc, phải có kế hoạch, siêng năng, cần cù, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn. Về phong tục, việc cưới hỏi, giỗ tết, ma chay còn quá xa xỉ, nên giản đơn, tiết kiệm. Về cách cư xử, phải chân thật, thân ái, thương yêu, giúp đỡ nhau... “Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm”23. Người thường phê bình cách làm việc thiếu kế hoạch, thiếu ngăn nắp, thiếu vệ sinh. Người chỉ rõ, nhiều địa phương “Việc vệ sinh còn kém. Nhà cửa chưa sạch sẽ. Đường sá chưa sạch sẽ. Tục ngữ có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Ăn mà bát không sạch thì không ngon. Cho nên từ trong nhà ra ngoài ngõ, đến cái ăn, cái mặc phải chú ý hơn nữa. Cần chăm chỉ vệ sinh hơn”24. Người yêu cầu, làm việc gì cùng cần ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, từ việc nhỏ đến việc to đều phải thế, không nên luộm thuộm, làm đâu bỏ đấy, bừa bãi, lộn xộn, mất vệ sinh. Theo Người, những người làm việc không ngăn nắp, thiếu vệ sinh, gặp sao làm vậy, làm lấy lệ, làm lộn xộn, thiếu quy củ, không đến nơi đến chốn đều mắc vào bệnh cá nhân. Người có nhiều bài viết phê bình cách làm việc không ngăn nắp, thiếu vệ sinh, tiêu biểu như: Trong bài viết Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân đăng trên Báo Cứu quốc, số 58, ngày 04/10/1945, Người chỉ rõ: “Ta có thể nói: một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức… Vào trụ sở một Ủy ban nhân dân, người ta nhận ngay thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy: đố ai biết chỗ ông chủ tịch, ông thư ký, ông tài chính ngồi đâu. Nhiều ông chủ tịch Ủy ban thường không nhận định những việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó, mà thường chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ, hay cặm cụi viết thư, viết báo cáo - việc đó có thể giao cho người khác làm được. Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc”25. Do đó, Người căn dặn: “Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối”26.
Về làm việc nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc làm thiết thực và chống bệnh nói suông. Từ năm 1927, khi viết tác phẩm Đường kách mệnh, Người nêu rõ: “Nói thì phải làm”27. Năm 1947, khi viết tác phẩm Đời sống mới, Người yêu cầu: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”28. “Đời sống mới cũng cần có những người làm gương... Khi trông thấy hiệu quả tốt tươi, thì chắc những nơi khác sẽ hăng hái làm theo. Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”29. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên, muốn quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Cán bộ, đảng viên nào không được như vậy thì chưa xứng đáng là người cán bộ, đảng viên của Đảng. Theo Người, nói thì phải làm, nói ít làm nhiều, tránh nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo, một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn, tuyên truyền. Phải lấy kết quả thiết thực mà đo ý chí của mình. Kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nâng cao sản xuất.
Năm 1945, nước ta bị nạn đói do Pháp - Nhật gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để cứu đói cho dân. Người gương mẫu làm trước, mỗi tháng ba lần đến bữa không ăn, lấy phần gạo của mình tự tay đổ vào hòm gạo chống đói. Một hôm, đúng bữa cơ quan nhịn ăn để gom gạo tiết kiệm thì Tiêu Văn - viên tướng của Tưởng Giới Thạch vào nước ta giải giáp quân đội Nhật mời Người đến dự chiêu đãi. Khi Người về, anh em báo cáo đã gom phần gạo của Người rồi, nhưng Người vẫn nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau. Năm 1945, trong Bài nói chuyện tại buổi Lễ tốt nghiệp khóa 5 trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “Thí dụ như trong việc cứu đói, mình bảo người ta 10 ngày nhịn ăn một bữa mà chính đến ngày nhịn, mình lại cứ chén tỳ tỳ thì nghe sao được. Đáng lý dân nhịn một bữa mình nhịn hai bữa mới phải. Về việc khuyến nông cũng vậy, bảo người ta đào đất trồng ngô, trồng khoai mà lúc người ta làm mình lại ngủ thì sao được? Miệng nói tay phải là mới được”30. “Ta cần phải thực hành... Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”31.
4. Làm việc phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu
Về thực hành tiết kiệm. Trong tác phẩm Đường kách mệnh (năm 1927), Người đã chỉ rõ: Tự mình phải cần, kiệm, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, ít lòng ham muốn vật chất. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Người nêu một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước ta là mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và tác phẩm Đời sống mới nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về đạo đức cách mạng. Người nhắc nhở đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua giết giặc với phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Đối với thực hành tiết kiệm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra câu hỏi: Tiết kiệm là gì? Vì sao phải tiết kiệm? Tiết kiệm những gì? Ai cần phải tiết kiệm? Trả lời câu hỏi "Tiết kiệm là gì?", Người luận giải: Tiết kiệm bao gồm tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của. Tiết kiệm tức là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Người cho rằng, tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Trả lời câu hỏi “Vì sao phải tiết kiệm?”, Người giải thích: Trong 80 năm, nước ta bị thực dân Pháp rồi đến phát xít Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu. Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá để kháng chiến, kiến quốc. Muốn xây dựng kinh tế, phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn, chúng ta chỉ có cách là một mặt phải tích cực tăng gia sản xuất, một khác phải thực hành tiết kiệm để tích trữ vốn cho xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Trả lời câu hỏi “Tiết kiệm những gì?”, Người chỉ rõ: Tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm tiền của. Người lấy ví dụ: Về tiết kiệm thời giờ, việc gì trước kia phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, có thể làm xong trong 1 ngày. Về tiết kiệm sức lao động, việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay tổ chức sắp xếp khéo, nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy chỉ dùng 5 người cũng làm được. Về tiết kiệm tiền của, việc gì trước kia phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn 2 vạn đồng, nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn 1 vạn là đủ. Trả lời câu hỏi “Ai cần phải tiết kiệm?”, Người nói: Tất cả mọi người, mọi cơ quan đều phải tiết kiệm. Người đưa ra ví dụ cụ thể: “Trước kia tính đổ đồng mỗi chiến sĩ bắn 50 viên đạn mới hạ 1 tên địch. Nay vì tập luyện siêng năng, bắn khá, tính đổ đồng mỗi chiến sĩ chỉ bắn 10 viên đạn thì hạ được 1 tên địch. Thế là chiến sĩ tiết kiệm được 80% đạn. Do đó mà quân giới tiết kiệm được nguyên liệu và nhân công đúc đạn, để chế tạo những vũ khí khác. Trước kia Cục vận tải phải chở 100 xe đạn, nay chỉ cần chở 20 xe, tiết kiệm được xe cộ và dầu mỡ. Xe chạy ít, thì đường sá phải chữa ít, thế là tiết kiệm được dân công, v.v.. Nếu cán bộ tư pháp nâng cao năng suất, làm việc mau chóng, thì sẽ giúp cho những đồng bào có việc đến tư pháp tiết kiệm được ngày giờ, để tăng gia sản xuất”32. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tiết kiệm cốt là để giúp vào tăng gia sản xuất, để tích trữ thêm vốn cho xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa và cải thiện đời sống nhân dân. Nếu khéo tiết kiệm sức lao động, thì giờ và tiền tài của đất nước có thể tăng gia sản xuất gấp bội, lực lượng mọi mặt của đất nước cũng tăng gấp bội. Theo Người: “Các cơ quan tiết kiệm tiền công và của công, để đỡ tốn ngân quỹ; Chiến sĩ thi đua tiết kiệm thuốc đạn, bằng cách bắn phát nào trúng phát ấy; Công nhân thi đua tiết kiệm nguyên liệu; Học sinh thi đua tiết kiệm giấy bút; Đồng bào hậu phương thi đua tiết kiệm tiền bạc và lương thực, để giúp đỡ bộ đội; Mỗi người, thi đua tiết kiệm thời giờ; Thì kết quả thi đua tiết kiệm cũng bằng kết quả thi đua tăng gia sản xuất”33. Người coi thực hành tiết kiệm là một quy luật đi lên của một đất nước, là một phương pháp của chế độ kinh tế, không chỉ nước nghèo mới cần tiết kiệm, mà cả nước giàu cũng cần phải tiết kiệm. Người đưa ra luận đề: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”34. Người căn dặn: “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đầy đủ. Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm. Nay phải đem ra mà làm ở nhà mình, tỉnh mình, nước mình”35.
Về làm việc phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Tham ô, lãng phí, quan liêu là những “căn bệnh” nguy hiểm, khá phổ biến trong cán bộ, đảng viên, trong tổ chức đảng và chính quyền nhà nước. Những “căn bệnh” này chẳng những làm xói mòn phẩm chất, đạo đức, lối sống và cách làm việc của cán bộ, đảng viên, mà còn là trở lực lớn đối với sự nghiệp xây dựng xã hội mới, là nguy cơ làm sụp đổ chế độ trong điều kiện Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân cũng quan trọng, cần kíp như đánh giặc xâm lược. Năm 1952, Người viết tác phẩm Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, trong đó chỉ rõ biểu hiện, bản chất, tác hại, nguyên nhân và những biện pháp chống các “căn bệnh” trên. Tháng 02/1969, trước lúc “đi xa”, Người tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân để nhắc nhở cán bộ, đảng viên.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với cán bộ, tham ô là trộm cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, bớt xén của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Nhà nước để làm quỹ riêng. Đối với nhân dân, tham ô là ăn cắp của công, là khai gian, lậu thuế... Lãng phí là tiêu dùng bừa bãi, vung phí sức lao động, thời gian, tiền của và của cải vật chất của nhân dân, của cơ quan, đơn vị, của đất nước. Còn bệnh quan liêu là mất dân chủ, mệnh lệnh, hống hách, cửa quyền, xa dân, khinh dân, không tin yêu dân… Biểu hiện của bệnh quan liêu là thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, thiếu tinh thần trách nhiệm, mất đoàn kết, không chấp hành đúng pháp luật, làm hại đến lợi ích chung. Nguyên nhân là do chủ nghĩa cá nhân và đó chính là nguyên nhân gốc gây ra những sai lầm, khuyết điểm khác. Người kết luận: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”36, là đồng minh của thực dân, phong kiến, là thứ “giặc nội xâm”. Tác hại của tham ô, lãng phí, quan liêu được Người chỉ rõ: Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Nhà nước, có khi tai hại hơn tham ô. Người phân tích: Số người đó coi Đảng như cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống nhân dân mà chỉ lo đến lợi ích riêng của mình. Họ quên rằng, mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó đi đến tham ô, trụy lạc, sa vào tội lỗi. Tất cả lỗi lầm trên đều do chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó là một kẻ địch hung ác, một thứ giặc gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành ta đi xuống dốc, nó chờ dịp phát triển, vì thế càng nguy hiểm. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”37. Biện pháp chống tham ô, lãng phí, quan liêu được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là xây và chống. “Xây” là rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng. “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”38. Vì thế, Người yêu cầu mọi người làm bất cứ việc gì cũng phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng. Người dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”39. “Chống” là chống thói hư, tật xấu, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa. Theo Người, chống những “căn bệnh” này phải kiên trì, phải quyết tâm, phải chống đến cùng. Đồng thời, phải chỉnh đốn tổ chức, phải giữ nghiêm kỷ luật, phải có những biện pháp trừng trị bọn tham ô, lãng phí, quan liêu thật nghiêm minh. “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc. Đó là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi người chúng ta”40.
1, 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 118.
2, 3, 16, 34. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 119-120, 122, 461, 128.
4, 10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 478, 463.
6, 15, 18, 23, 26, 38. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 125, 261, 122, 113, 117, 292-293.
7, 8, 27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 282, 288, 280.
9, 14, 24, 33, 37, 39. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 102; t. 3, tr. 596; t. 13, tr. 280; t. 6, tr. 125; t. 15, tr. 672; t. 11, tr. 612.
11, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 123.
12, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 240.
19, 20, 35. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 76.
21, 22, 32, 36, 40. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 352-353, 354, 353-354, 357, 457.
25, 30, 31. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 42, 117, 171.
28, 29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 126.
PGS, TS. LÊ VĂN YÊN
Nguyên Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật