Giải pháp góp phần phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

CT&PT - Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của du lịch, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020 - 2025, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ “khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tạo chuyển biến rõ nét về cơ cấu lại các ngành kinh tế; tiếp tục phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, du lịch Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, du lịch Quảng Bình cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

1. Thực trạng du lịch Quảng Bình trong thời gian qua

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025, xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tập trung phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 22/01/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động số 01-Ctr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch. Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết tâm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với sự đồng nhất từ chủ trương đến hành động, trong thời gian qua, du lịch Quảng Bình đã đạt được một số kết quả cụ thể sau:

Một là, hoạt động kinh doanh du lịch bước đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh du lịch chịu tác động lớn. Số lượt khách du lịch giảm sút rõ rệt. Năm 2020, tổng số khách du lịch chỉ đạt khoảng trên 1,8 triệu lượt, giảm 63% so với năm 2019, riêng khách quốc tế giảm tới 81%. Năm 2021, tổng số lượt khách du lịch chỉ đạt khoảng 560 nghìn lượt, giảm 70% so với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế giảm 90%1. Đồng thời, doanh thu du lịch cũng sụt giảm nhanh chóng. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 28%, nhưng sang năm 2020, tổng thu từ du lịch sụt giảm, chỉ đạt khoảng 2.127 triệu đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, doanh thu các hoạt động du lịch tiếp tục giảm, đặc biệt là doanh thu hoạt động lưu trú và lữ hành. Như vậy, so với thời điểm năm 2019, các hoạt động kinh doanh đều giảm sút, lượng khách năm 2021 giảm 9 lần, doanh thu du lịch năm 2020 giảm sút gần 3 lần, các hoạt động kinh doanh đều không đạt so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, từ khi mở cửa du lịch từ ngày 15/3/2022 đến nay, với việc triển khai kịp thời và đồng bộ các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện phương án mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, du lịch Quảng Bình đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, năm 2022, tổng số khách du lịch đạt khoảng trên 2 triệu lượt, gấp 3,5 lần so với năm 2021 (khách nội địa đạt trên 1.9 triệu lượt, gấp 3,51 lần; khách quốc tế đạt trên 30 nghìn, gấp 5,4 lần). Cùng với đó, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 2.312,3 tỷ đồng, gấp 3,53 lần so với năm 2021. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2023, ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ khi tổng số khách đạt 648.819 lượt, gấp 4,45 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nước ngoài đạt 20.815 lượt, gấp 17,59 lần so với cùng kỳ; khách nội địa đạt 628.004 lượt, gấp 4,34 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 733 tỷ đồng, gấp 4,37 lần so với cùng kỳ năm trước. 

Hai là, các nguồn lực và một số hoạt động khác về phát triển du lịch dần phục hồi, tiếp tục được tăng cường

Trong hai năm 2020 và 2021, do tác động của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hoạt động du lịch đều bị ngưng trệ, có thời điểm phải dừng hẳn, nguồn lực du lịch cũng bị suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, nguồn lực và các hoạt động về phát triển du lịch dần được phục hồi, hoạt động mạnh trở lại. Về hoạt động lưu trú, số lượng cơ sở lưu trú tăng cao, hoạt động khởi sắc và bước đầu mang lại nhiều doanh thu. Hiện toàn tỉnh có 507 cơ sở lưu trú du lịch với 8.247 phòng, 16.000 giường. Các hình thức lưu trú theo du lịch cộng đồng như nhà nghỉ, homestay, farmstay dần hoạt động trở lại và không ngừng phát triển ở các địa phương. Về hoạt động lữ hành du lịch, số lượng đơn vị lữ hành tăng hơn so với các năm trước, bao gồm 32 đơn vị lữ hành, trong đó có 20 đơn vị lữ hành quốc tế, 12 đơn vị lữ hành nội địa. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch, thương mại, dịch vụ... cũng hoạt động sôi động trở lại. Về hoạt động của các cơ sở kinh doanh du lịch, hiện toàn tỉnh có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó có 8 nhà hàng và 01 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đã được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ khách du lịch… Đặc biệt, đội ngũ nhân lực ngành du lịch đã hoạt động trở lại và tiếp tục thu hút lực lượng vào những công việc như hướng dẫn viên, đầu bếp, phục vụ, lễ tân… Hiện nay, đội ngũ nhân lực ngành du lịch của tỉnh đạt khoảng 11 nghìn lao động, trong đó có khoảng 4.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp2. Về sản phẩm du lịch, hiện tổng sổ sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt hoặc cho phép khai thác thử nghiệm trên địa bàn tỉnh là 30 sản phẩm.

Ba là, hình ảnh, thương hiệu, vị thế của du lịch Quảng Bình tiếp tục được khẳng định và nâng cao trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế

Du lịch Quảng Bình được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế tiếp tục đánh giá cao. Năm 2021, Quảng Bình xếp thứ 7 trong Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam; Phong Nha - Kẻ Bàng được AFAR (Mỹ) vinh danh là một trong 39 điểm đến của thế giới năm 2022; Hang Sơn Đoòng được CN Traveller vinh danh là một trong 7 kỳ quan thế giới năm 2022. Đặc biệt, ngày 14/4/2022, Hang Sơn Đoòng được giới thiệu trên trang chủ Google tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ với quy mô tiếp cận hơn 500 triệu lượt người, được báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế truyền thông sâu rộng. Hoạt động “Khám phá các hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng” được The Culture Trip bình chọn là một trong 6 hoạt động thú vị của Việt Nam mà bất kỳ du khách nào cũng nên trải nghiệm; chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới The Travel ca ngợi Phong Nha của Việt Nam là điểm đến lý tưởng với vẻ đẹp hoang sơ, những hang động kỳ vĩ cùng nền văn hóa ẩm thực địa phương phong phú và là một trong những điểm đến không thể bỏ qua với du khách quốc tế khi tới Việt Nam...

Mặc dù đã có những bước phục hồi mạnh mẽ, toàn diện, song du lịch Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, thách thức lớn đặt ra. Sự phục hồi các hoạt động và xây dựng các nguồn lực du lịch bước đầu có sự khởi sắc nhưng còn chậm và thấp so với giai đoạn trước. Năm 2019, thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt khoảng 5 triệu lượt với tổng doanh thu ước đạt 5.750 tỷ đồng3, trở thành “điểm sáng” du lịch của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, các chỉ số hoạt động kinh doanh lại chưa đạt được theo như kế hoạch đề ra, thậm chí có phần thấp hơn so với thời điểm năm 2019. Một số vấn đề nội tại về phát triển du lịch chưa được tháo gỡ như: chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặc biệt là đội ngũ nhân lực có trình độ, chuyên môn cao; cơ sở hạ tầng còn thiếu tính đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến quảng bá còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng; công tác quản lý nhà nước về giá, an ninh môi trường, văn hóa du lịch còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, xu hướng du lịch…

2. Một số giải pháp góp phần phát triển du lịch Quảng Bình thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị vào quá trình phát triển du lịch. Chủ động dự báo, xây dựng phương án ứng phó với những yếu tố tác động đến du lịch 

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên cả ba phương diện chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ về phát triển du lịch, từ đó tiếp tục tạo sự chuyển biển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động trong toàn hệ thống chính trị. Tổ chức sơ kết, đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động số 01, từ đó có cơ sở khoa học nhằm tăng cường sự chỉ đạo trong thực tiễn. Tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm nhằm từng bước tháo gỡ những vấn đề nội tại của ngành du lịch, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, kích cầu nhằm đón đầu và thu hút du khách tham quan trong những năm tới. Đặc biệt, để du lịch Quảng Bình có những bước tiến dài, mạnh mẽ, quyết liệt và bền vững, Đảng bộ tỉnh cần xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch.

Khơi dậy và phát huy sức mạnh của nhân dân, trước hết là vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục xác định đẩy mạnh phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ, của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý, thực hiện xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch để đưa chủ trương của Đảng bộ vào cuộc sống. Khơi dậy niềm tự hào và tinh thần hành động của nhân dân, để mỗi người dân thực sự là “đại sứ” du lịch Quảng Bình.

Trong quá trình xây dựng, hoạch định chiến lược du lịch cần dự báo, xây dựng phương án chủ động ứng phó với các điều kiện khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Đặc biệt, trước xu thế và thị hiếu du khách đang có những thay đổi lớn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng “sự dịch chuyển” này để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, hiện đại trong quản lý nhà nước về phát triển du lịch. Chú trọng đào tạo cán bộ quản lý về du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đặt ra

Để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến Luật Du lịch năm 2017, các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch và củng cố hoạt động của Hiệp hội Du lịch Quảng Bình. Tăng cường công tác kiểm tra hành chính liên quan đến các hoạt động du lịch, triển khai các hoạt động nâng cao toàn diện chất lượng dịch vụ du lịch.

Tăng cường hợp tác liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng nâng cao trình độ giảng viên, đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư. Tăng cường cung cấp thông tin lao động, tổ chức các hoạt động khoa học về phát triển nguồn nhân lực...

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng và định vị thương hiệuĐa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, chuyên biệt. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến phát triển thị trường du lịch ở trong và ngoài nước. Chú trọng công tác hỗ trợ du khách. Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch

Trong phát triển du lịch, chất lượng dịch vụ và số lượng sản phẩm là “yếu tố” thu hút và níu chân du khách, do đó phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, song, cần chú ý đến sản phẩm đặc trưng, có tính riêng biệt để vừa tạo dấu ấn, vừa tập trung nguồn lực đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế. Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như “khám phá, trải nghiệm tìm hiểu về Di sản thiên nhiên thế giới vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”, chú trọng đến các sản phẩm du lịch cao cấp, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm du lịch khác như: du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch đường sông, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch lễ hội, du lịch MICE... Đặc biệt, xu thế hiện nay, du khách thường chọn riêng lẻ theo hộ gia đình, nhóm nhỏ và chọn các sản phẩm nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên, văn hóa, con người, vì vậy cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí, hình thành các loại hình lưu trú mới tận dụng lợi thế bãi biển như bãi cắm trại, khu cắm trại du lịch, khu mua sắm, dịch vụ... Hình thành các sản phẩm du lịch mùa đông nhằm giảm tính thời vụ, tăng cường thu hút khách du lịch đến và lưu trú dài hơn. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước với nội dung, hình thức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và sâu rộng. Xây dựng hệ thống du lịch thông minh thông qua kết cấu không gian mạng, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển thị trường du lịch. Xuất bản các ấn phẩm du lịch với nhiều hình thức khác nhau dựa trên các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền thông như: xây dựng các bộ phim, clip giới thiệu điểm đến, sản phẩm, tài nguyên du lịch… Tổ chức các sự kiện, chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm trong nước và quốc tế.

Mở rộng thị trường khách du lịch, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch. Thường xuyên điều tra, nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của du khách, tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, phân đoạn thị trường khách du lịch. Chú trọng thị trường khách nội địa, thích ứng với bối cảnh mới. Đối với thị trường khách quốc tế, duy trì các hoạt động quảng bá với thị trường truyền thống, mở rộng hợp tác, xúc tiến đón khách từ thị trường khác có tiềm năng, thế mạnh...

Thứ tư, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng quy hoạch đồng bộ, bền vững. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường liên kết, hợp tác hình thành chuỗi, vùng du lịch trong nước và quốc tế một cách chặt chẽ, ổn định và có tính hỗ trợ cao

Tiếp tục triển khai các nội dung về phát triển du lịch trong Đề án Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch có liên quan. Hoàn thiện các quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển du lịch khác, rà soát các quy hoạch có liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế...

Huy động các nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển du lịch, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, các khu vui chơi, giải trí, hạ tầng khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách về hỗ trợ, khuyến khích và quản lý đầu tư phát triển du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp lữ hành lớn ở trong nước và quốc tế tham gia phát triển du lịch Quảng Bình. 

Khai thác hiện quả, chặt chẽ trong liên kết hợp tác với các tỉnh trong khối như: các tỉnh thuộc “Con đường di sản Miền Trung”; các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông - Tây; các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan… Phát huy hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã ký kết, tìm kiếm liên kết mới. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA) và các doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước và khu vực để kết nối, chủ động và phát triển xây dựng các sản phẩm du lịch mới...

Thứ năm, tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng không gian văn hóa du lịch hướng đến văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững

Du lịch là ngành kinh tế đặc thù, dễ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yếu tố khách quan. Đặc biệt, du lịch ngày càng hướng đến du lịch xanh, hiện đại, bền vững vì vậy, các tiêu chí về bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn, văn hóa... là nhưng tiêu chí hàng đầu trong phát triển du lịch. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng đến hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng không gian văn hóa du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, văn minh. Thực hiện bộ “Quy tắc ứng xử văn minh và du lịch an toàn”, khẳng định du lịch Quảng Bình là điểm đến an toàn, chất lượng và mến khách, mỗi người dân Quảng Bình là một hướng dẫn viên du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, qua đó nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc xử lý vệ sinh môi trường; phối hợp phòng, chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch...

Thứ sáu, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa du lịch, đưa hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch Quảng Bình đến với bạn bè thế giới. Tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ trong các hoạt động du lịch

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng như hiện nay, văn hóa du lịch là “cầu nối quan trọng” đưa hình ảnh du lịch Quảng Bình đến với thế giới, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch. Vì vậy, cần đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa du lịch thông qua các kênh, hoạt động như: phối hợp với các đơn vị của Bộ Ngoại giao, Sở Ngoại vụ xây dựng và triển khai Đề án phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Bình thông qua chương trình ngoại giao văn hóa, các hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới. Phối hợp với cộng đồng người Việt Nam tại các nước để quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Bình…

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, phát triển các hoạt động du lịch trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số như: phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch; mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử, đặc biệt quản lý nhà nước trong hoạt động du lịch...


1. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch: Báo cáo số 872/BC-SDL, ngày 05/11/2021 về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021, kế hoạch năm 2022.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch: Báo cáo số 1124/BC-SDL, ngày 10/11/2022 về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2022, kế hoạch thực hiện và dụ toán ngân sách năm 2023.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, Sở Du lịch: Báo cáo số 61/BC-SDL, ngày 07/11/2019 về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019, kế hoạch năm 2020

ThS. NGUYỄN VĂN GIANG

Trường Chính trị tỉnh Quảng Bình

Quý bạn đọc đặt sách/tạp chí online vui lòng để lại thông tin